“Người chuyển ngữ” Lucas Luân Nguyễn: “Để trở thành một người dịch giỏi, đầu tiên phải thuần thục tiếng mẹ đẻ của mình”

Không gọi bản thân là dịch giả, anh Lucas Luân Nguyễn thích được gọi là “một người chuyển ngữ”. Với anh, chuyển ngữ không đơn giản chỉ là dịch từ một ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, mà còn phải truyền tải được cái hồn và thông điệp của tác phẩm gốc, đặc biệt là với phim ảnh. 


Công việc dịch thuật phim tưởng chừng đầy thú vị này đã nhốt anh vào một cái hộp, đòi hỏi anh phải vận dụng hết vốn từ vựng tiếng Việt của mình, gây sức ép lên một người Việt phải sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ một cách thi vị và chính xác nhất. Và anh Lucas Luân Nguyễn yêu công việc được sáng tạo trong một chiếc hộp như thế!




Cánh cửa đưa anh đến với ngành phim ảnh mở ra khi nào?


Trong thời gian đi du học, tôi từng thực tập tại tạp chí Filmink ở Úc. Công việc lúc ấy là tôi sẽ tiếp nhận các file phỏng vấn nghệ sĩ, nhà làm phim từ các phóng viên, ghi chép lại những gì nghe được và làm thành văn bản hoàn chỉnh bằng tiếng Anh. Có thể gọi nôm na là “ngồi rã băng”. Công việc transcribing thủ công này sẽ hỗ trợ cho các Senior Writer trong việc viết một bài phỏng vấn hoặc bài báo. Nhờ những bản gõ tay của tôi, Writer sẽ đỡ mất thời gian nghe file, chọn lọc thông tin hơn. Họ chỉ cần tập trung đúng chuyên môn là viết thành bài dựa trên văn bản có sẵn.


Thời gian Internship của tôi giống như đang tham gia lớp luyện thi IELTS Listening, thậm chí còn kinh khủng hơn. Một file phỏng vấn dài 20 - 30 phút nhưng tôi có thể phải mất 3 đến 4 tiếng để nghe, tìm hiểu bối cảnh và gõ xuống chính xác nội dung mà phóng viên trao đổi với nghệ sĩ. Ngoài ra, tôi cũng cần trau dồi khả năng chỉnh sửa (edit), bởi đôi khi các diễn viên sẽ nói khá vòng vo, họ ngắt nghỉ, ngắt quãng nhiều nên tôi phải tìm cách lược bớt và chỉ giữ lại những nội dung giá trị cho phóng viên.


Sau khi thấy mình đã làm tốt công việc này, tôi đã đề nghị sếp cho tôi hỗ trợ viết bài. Khi ấy, tôi viết bài review hoàn toàn bằng tiếng Anh, một bài trung bình khoảng 700 - 1000 từ. Tôi cũng được đại diện cho tạp chí Filmink tham gia Liên hoan phim Quốc tế Rotterdam (International Film Festival Rotterdam - IFFR). Cơ hội này đã mở ra cánh cửa đưa tôi đến với thế giới phim ảnh và trở thành tôi của ngày hôm nay.



Giữa muôn vàn vị trí trong lĩnh vực phim ảnh, lý do nào khiến anh chọn công việc chuyển ngữ?


Thật ra, xuất phát điểm của tôi là cộng tác viên cho mảng tin Quốc tế của Báo Thanh Niên Online. Dù lúc nào cũng phải trong tâm thế “lùng sục” tin tức về tình hình thế giới nhưng đây là một trong những trải nghiệm thú vị của tôi trong nghề viết. 


Thế nhưng sau này tôi nhận ra rằng mình không phù hợp với lối dịch “công nghiệp”. Tôi thích dịch sáng tạo hơn. Việc của tôi là chuyển một ngôn ngữ A sang ngôn ngữ B sao cho tự nhiên và dễ chịu nhất cho người xem dễ nghe, dễ hiểu. Đó là lý do tôi gọi mình là một người chuyển ngữ.


Vậy với anh, viết kiểu công nghiệp và viết sáng tạo khác nhau như thế nào?


Một người anh đi trước đã từng nói với tôi điều này, và đến nay nó vẫn là kim chỉ nam của tôi trong con đường làm nghề: “Một người dịch giỏi không phải là người giỏi ngôn ngữ thứ hai. Người dịch giỏi là người giỏi tiếng mẹ đẻ của chính mình.”


Tôi nghĩ quan điểm đó rất đúng. Ví dụ khi dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt, dù mình giỏi tiếng Anh thế nào đi nữa, mình cũng sẽ không thể truyền tải được thông điệp gốc nếu không có vốn từ vựng tiếng Việt. Dịch ngôn ngữ này sang một ngôn ngữ khác là yếu tố cơ bản trong dịch thuật. Thế nhưng nếu chỉ dịch từng từ, từng chữ, chúng ta không thể truyền tải được hết thông điệp của văn bản. Một người dịch thuật giỏi là người hiểu mình đang nói cái gì bằng tiếng mẹ đẻ của mình.


Nếu chỉ xét về mặt dịch thuật, tức là chúng ta sẽ dịch một cụm từ A trong tiếng Việt sang tiếng Anh. Thế nhưng khi có cụm tiếng Anh đó rồi, chúng ta có thể dịch ngược lại sang tiếng Việt theo một cách khác khác biệt với cụm A gốc. Đó là một sự chuyển hoá qua lại không ngừng. Đó là lý do bên cạnh dịch thuật, có một khái niệm khác là dịch sáng tạo “transcreation” - kết hợp giữa dịch thuật (translation) và sáng tạo (creation). Lúc này, dịch thuật không phải là một sự sao chép lại mà chúng ta sẽ tạo ra một cái mới. 



Nhiều người ví sáng tạo là phải “think outside the box”, thế nhưng với tôi, “Chuyển ngữ” là “creativity in the box” (sáng tạo trong chiếc hộp). Người làm chuyển ngữ không phải thích gì viết nấy, mà chúng tôi phải tuân theo các từ ngữ đặc thù, chuyên môn của phim. 



Khác với những vị trí đòi hỏi sự sáng tạo khác, một người chuyển ngữ không nhất thiết phải đưa bản sắc cá nhân của mình vào công việc. Thay vào đó, nhân sự cần vận dụng được những yếu tố văn hoá bên trong con người mình, chứng minh khả năng thành thạo tiếng Việt để chuyển ngữ văn bản. Có thể nói, Chuyển ngữ là công việc mài giũa khả năng sử dụng con chữ của tôi ghê gớm nhất. Đây là một cái hộp chứa đựng nhiều điều thú vị và tôi cho phép mình được tự do sáng tạo trong đó.  


Nhiều người thường e ngại rằng những công cụ máy học, A.I tiên tiến có thể bắt chước được cả cảm xúc của con người. Thế nhưng nếu chúng có thể học được cả cách hành văn, cách con người bày tỏ cảm xúc qua ngôn ngữ thì… quá mức cao siêu rồi. Tôi nghĩ cái tuyệt vời nhất con người đang có hiện tại là chúng ta vẫn còn có nhiều khả năng biến hoá ngôn từ.



Có vẻ công việc của anh cũng bao gồm chuyển âm?


Đúng vậy. Dịch phim phụ đề (chuyển ngữ) thì dễ nhưng dịch để lồng tiếng (chuyển âm) thì đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mỉ và sự am hiểu văn hoá nhất định. Ngoài ra, chúng tôi cũng phải canh chuẩn phần lời Việt với khẩu hình miệng của nhân vật. Những âm thanh như “ay, i, e, u, ơ,...” đều có những cách phát âm tạo nên những khẩu hình miệng riêng biệt. Vì thế, người chuyển ngữ phải tìm ra những âm thanh có khẩu hình miệng tương tự với phiên bản gốc. Tiếp đó, chúng tôi cũng phải khớp nhịp độ (temps) - ngắt nhịp thoại khớp với kịch bản, qua đó truyền tải được trọn vẹn thái độ khi nói chuyện của nhân vật đến người xem.  


Trong quá trình làm dịch thuật, anh luôn tôn trọng “The Rule of Three” gồm:



Có thể nói, đây là một thước đo tiêu chuẩn trong chuyển ngữ. Thế nhưng chúng ta rất khó có thể đáp ứng được cùng lúc cả 3 yếu tố trên. Đơn cử như khi dịch lời bài hát “Surface Pressure” trong phim “Encanto” của Disney ra tiếng Việt, tôi gặp phải một câu hát là “Under the surface, was Hercules ever like, ‘Yo, I don't wanna fight Cerberus?’”


Tác giả đã sử dụng chú chó Cerberus và anh hùng Hercules của Thần Thoại Hy Lạp làm hình ảnh ẩn dụ, để chứng minh rằng Cerberus có sức mạnh rất lớn khiến cả người anh hùng phải chùn chân. Thế nhưng khi dịch sang tiếng Việt, tôi không thể tuân theo “The Rule of Three” đã chia sẻ bên trên. Thứ nhất, nếu tôi đưa cả hai cái tên “Cerberus” và “Hercules” của bản gốc vào bản dịch, lời hát sẽ rất sượng miệng và khó phát âm. Thứ hai, không phải khán giả nào cũng từng đọc qua Thần Thoại Hy Lạp để hiểu về hai nhân vật này. 


Như vậy, lúc này tôi chỉ có thể ưu tiên yếu tố “Chân” - làm thế nào để người xem cảm thấy dễ hiểu nhất. Đó là lý do mà tôi đã dịch lại thành “Liệu những anh hùng có từng nghĩ, yo ai đó tiêu diệt quái vật đi tôi xin trốn”. Lời dịch đã lược bớt những hình ảnh ẩn dụ, khiến bất kỳ người xem nào mới nghe cũng dễ dàng hiểu ngay. 


Từ góc nhìn cá nhân của anh, anh đánh giá công việc chuyển ngữ, chuyển âm mang ý nghĩa như thế nào tại thị trường Việt Nam?


Khối lượng công việc để có thể lồng tiếng hoàn chỉnh một bộ phim rất nặng, thế nhưng đông đảo khán giả Việt lại có thành kiến với công việc này. Tôi nghĩ điều này xuất phát từ việc người Việt có xu hướng đề cao sự hội nhập. Thế hệ Gen Y của tôi lớn lên cùng với khát khao của bố mẹ là “con cái phải học giỏi tiếng Anh”. Vô hình chung điều này khiến tôi hình thành một tư duy rằng, xem phim bằng ngôn ngữ gốc là… ngầu. Từ đó, chúng ta sinh ra thành kiến với những tác động gây ảnh hưởng đến tác phẩm gốc.


Bên cạnh đó, chất lượng lồng tiếng của những năm trước đây không tốt, nhận về những phản hồi tiêu cực của khán giả. Đến thời điểm hiện tại, có những video clip “thảm họa lồng tiếng” vẫn được lan truyền trên mạng xã hội. 


Thế nhưng ở các nước ngoài kia, lĩnh vực lồng tiếng vẫn phát triển mạnh mẽ. Tại Châu Âu, cứ 10 suất chiếu phim thì có đến khoảng 7 - 8 suất là xem phiên bản lồng tiếng. Tôi nhận thấy rằng người dân Tây Ban Nha, Đức hay Ý không muốn xem phim bản gốc. Họ có sự tự tôn dân tộc quá cao, và họ chỉ muốn xem những nội dung quốc tế bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Sự khác biệt này khiến tôi nhận thấy chúng ta còn rất nhiều vấn đề phải giải quyết. Đây không phải là vấn đề của khán giả mà đó là vấn đề của ngành, của chất lượng những sản phẩm lồng tiếng. 


Vậy theo anh, vấn đề về các phiên bản phim lồng tiếng đã được khắc phục hay chưa?


Vì một số thành kiến về phim lồng tiếng, có nhiều người cho rằng việc lồng tiếng cho các bộ phim là thừa thãi và không cần thiết. Thế nhưng đối với tôi, lồng tiếng là một sự phổ cập của tiếng Việt, là cách thiết thực nhất để thể hiện vẻ đẹp của ngôn ngữ này, và những người lồng tiếng xứng đáng được credit nhiều hơn. 


Chúng ta đang sống trong một thế giới mà ai ai cũng “active” trên mạng xã hội. Đồng thời, hầu hết người dùng mạng xã hội là những người trẻ tuổi. Mà người trẻ thì họ thích những thứ nguyên bản (original), thích hội nhập quốc tế, do đó khả năng họ ưa chuộng các phiên bản lồng tiếng không nhiều.


Thế nhưng, những người thật sự quan tâm đến phim lồng tiếng, có thể họ không quan tâm đến mạng xã hội. Đó có thể là những phụ huynh lớn tuổi, những bà nội trợ, những người bật phim lên chỉ để nghe. Và mẹ của tôi là một người như thế! Khi tôi dẫn bà đi xem phim, bà chỉ muốn xem những bộ phim lồng tiếng. 



Trong năm 2022, tôi thấy có một bộ phim lồng tiếng rất thành công là “Mèo Đi Hia: Điều Ước Cuối Cùng”. Không còn thái độ chê trách, lần đầu tiên các khán giả dùng điện thoại “quay lén” những cảnh trong phim lồng tiếng và đăng lên mạng xã hội để bày tỏ sự thích thú của mình. Những hành động này đã tạo ra làn sóng trending trên TikTok Việt Nam. 


Tôi tự hỏi chuyện gì đã xảy ra với phim này, và sau khi xem phim, tôi nhận thấy đội ngũ chuyển ngữ đã làm quá khéo léo. Họ đã đưa cái chất vùng miền của Việt Nam vào trong các nhân vật. Đơn cử như gia đình gấu đã nói giọng Quảng Ngãi vừa đủ nghe, hay một chú dế hay nói đạo lý được lồng tiếng bằng giọng Hà Nội. Đội ngũ chuyển ngữ đã làm rất khéo, khiến người xem không cảm thấy khó chịu mà ngược lại, họ thấy tự nhiên và gần gũi. Đó cũng là một trong những mục tiêu tôi hướng đến khi làm công việc này, “làm sao để lồng tiếng có thể mang lại cho khán giả trải nghiệm tốt ngang với trải nghiệm xem phim gốc”.



“Người chuyển ngữ” Lucas Luân Nguyễn: “Để trở thành một người dịch giỏi, đầu tiên phải thuần thục tiếng mẹ đẻ của mình”

Kim Ngọc

Kim Ngọc

Content Writer | Advertising Vietnam

26 Thg 02 2024

Lưu

Cùng chuyên mục