Nhóm nghệ sĩ Graffiti Wallovers: “Giá trị của tác phẩm sáng tạo nằm ở việc công chúng ghi nhớ nó bao lâu”

Cuối năm 2017, chương trình “Café Sáng với VTV3” của Đài Truyền hình Quốc gia Việt Nam đã đưa tin về dự án graffiti “Vietnam on the wall” của ba bạn trẻ trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh). Ấp ủ suốt một năm, được thực hiện liên tục trong vòng hai tháng, dùng đến hơn 800 lon sơn và 30 lít sơn phủ bóng, cuối cùng hoàn thành trên một bức tường dài 70 mét, “Vietnam on the wall" được VTV mô tả là “những bức tranh tuyệt vời vẽ trên những bức tường hoàn toàn bằng sơn”. Đến năm 2021, VTV tiếp tục đăng tải một bài viết trên website về triển lãm “Urban Layers” (tạm dịch: “Lát cắt thành thị”) cùng dòng vắn tắt: Triển lãm chính là bức tranh tổng thể về Sài Gòn với những nét chấm phá độc đáo của nghệ thuật graffiti. 


“Vietnam on the wall” và “Urban Layers” chính là hai trong số nhiều dự án cộng đồng tâm đắc của Wallovers - nhóm ba bạn trẻ là nghệ sĩ vẽ tranh đường phố (hay còn gọi là graffiti) đến từ TP. Hồ Chí Minh thực hiện. Bài viết dưới đây sẽ cùng các bạn “len lỏi” vào từng ngóc ngách của “thế giới” graffiti - không gian sáng tạo đường phố ba “không”: không quy tắc, không giới hạn và không chuẩn mực đánh giá, qua góc nhìn của ba artist Wallovers.



Từ quen biết nhau khi chung cộng đồng artist vẽ tranh tường đến những lần tấm tắc về sự tâm đầu ý hợp trong quan điểm sáng tạo, Trang Khoa và Tấn Lực đã quyết định thành lập Wallovers vào năm 2017 để cùng đồng hành, nâng bước và giúp đỡ nhau phát triển kỹ năng cũng như phong cách nghệ thuật riêng của mỗi người. Đến năm 2018, thành viên Duy Linh gia nhập và hoàn thiện “bức tranh” Wallovers đầy dấu ấn như ngày hôm nay. 


Cái tên “Wallovers” được kết hợp từ “wall” (bức tường) với “lover” (người yêu), như một cách nhóm khẳng định tình cảm và niềm say mê của mình với graffiti nói chung cũng như những bức tường trên đường phố - không gian sáng tạo gốc của môn nghệ thuật này. Tên viết tắt của nhóm là “WO”, đồng âm với “Wow” là một từ cảm thán thể hiện sự ngạc nhiên, vui vẻ và choáng ngợp. Đó cũng là những cảm giác mà nhóm muốn đem đến cho tất cả người thưởng tranh khi được chiêm ngưỡng những tác phẩm tranh tường tại bất kỳ đâu, dù là trên đường phố hay trong một căn phòng khép kín. Ngoài ra, tinh thần thư giãn và cảm hứng vui tươi rạng rỡ ánh lên từ “Wow” cũng chính là không gian sáng tạo mà cả ba thành viên muốn tạo nên cho Wallovers.   



Teamwork (làm việc nhóm) chưa bao giờ là việc dễ dàng trong một tập thể. Mọi xung đột và khác biệt trong góc nhìn nghệ thuật, tư duy thẩm mỹ hay đơn giản là phong cách cá nhân đều có thể khiến sự hợp tác gặp khó khăn, dẫn đến kém hiệu quả trong quá trình sáng tạo. Tuy nhiên, đối với Wallovers, tập trung phát triển tính độc nhất của mỗi thành viên lại là tôn chỉ hoạt động của nhóm. Việc này không chỉ có lợi cho bản thân mỗi thành viên mà còn giúp nhóm đáp ứng được yêu cầu từ thương hiệu thuộc đa dạng ngành hàng.   


Sự khác biệt giữa ba thành viên trong nhóm chủ yếu đến từ nguồn cảm hứng sáng tạo. Trưởng nhóm Trang Khoa luôn tìm thấy ý tưởng từ mọi lát cắt cuộc sống mà anh cảm thấy thú vị như cái ghế nhựa ngoài vỉa hè, tẩu thuốc, điếu cày, nón cối, góc phố cổ,... Kết hợp với yếu tố con người hay chính là chủ nhân của những món đồ vật, anh khám phá ra một câu chuyện để kể phía sau chúng. Cứ như vậy, niềm thích thú khi được truyền đạt lại những giá trị ấy thôi thúc anh cầm bình sơn lên và vẽ lúc nào không hay. 


Đối với thành viên Tấn Lực, anh mê mẩn những thông điệp mang tính giáo dục mà bản thân có thể gửi gắm qua từng tác phẩm graffiti. Chủ thể chính trong các bức tranh của anh thường là phụ nữ và học sinh Việt Nam. Theo đó, anh luôn tìm cách lồng ghép vấn đề thời đại như thiên kiến giới tính hay giá trị văn hoá vào từng nét sơn mảng màu của mình.


Gia nhập Wallovers sau một năm và trở thành thành viên cuối cùng, Duy Linh bước đầu khá chật vật trên con đường định hình phong cách cá nhân. Nhưng chính những góc nhìn đa dạng từ hai thành viên trước đã truyền cảm hứng cho anh về chủ đề “văn hoá Việt Nam”. Điểm độc đáo của anh nằm ở tính hiện đại trong tranh vẽ, hướng tới sứ mệnh đưa graffiti trở nên gần gũi với thời đại hơn nữa.     



Sở hữu ba phong cách khác nhau không đồng nghĩa với việc chúng tôi không thể làm việc cùng nhau. Sự kết hợp đa dạng nét vẽ và cách dùng màu sắc mà không tạo cảm giác rời rạc sẽ đem lại cảm nhận rất thú vị và ấn tượng cho toàn bộ bức tranh tường.” - Wallovers chia sẻ. Sự gặp gỡ giữa nhiều phong cách cá nhân trong một tập thể cũng tạo thành chất liệu sáng tạo tuyệt vời cho nhóm. “Mình làm một mà nỗ lực hết mình thì hiệu quả đạt được 10. Nhưng mình làm thêm với 2-3 người nữa cũng cùng chí hướng và niềm đam mê như vậy, tự khắc trong quá trình làm việc sẽ có thêm nhiều ý tưởng mới mẻ khác, thành quả sẽ nhân lên gấp nhiều lần.” - nhóm giải thích thêm. Lâu dần, góc nhìn khác của người này lại trở thành tấm gương soi chiếu cái hay cái dở cho người còn lại, từ đó cả ba thành viên cùng nhau nỗ lực phát triển.  


Bí quyết của Wallovers chính là “hòa nhập nhưng không hoà tan”. Trước khi triển khai một dự án, nhóm luôn ngồi lại với nhau để bàn luận ý tưởng và thống nhất một thông điệp chung cho tác phẩm. Sau đó, tuỳ theo tư duy thẩm mỹ và phong cách cá nhân, mỗi thành viên sẽ có cách thể hiện nguồn cảm hứng chung ấy theo nhiều cách khác nhau, giúp độc giả thưởng thức được nhiều sắc thái và góc nhìn nghệ thuật đa dạng. 



Theo Wallovers, môn nghệ thuật graffiti đã du nhập vào Việt Nam vào khoảng năm 1995 - 1996, theo cùng văn hoá hip-hop. Nhưng phải mãi đến năm 2000, lĩnh vực này mới bắt đầu “nhen nhóm” xuất hiện trên diện rộng và phát triển mạnh mẽ từ năm 2006 đến tận bây giờ. Xuất thân từ việc các hội nhóm, bộ lạc hay bộ tộc cùng chơi chung và vẽ trên các vách núi, vách đá để đánh dấu khu vực hoạt động, graffiti phản ánh một tinh thần phóng khoáng, tự do và không theo khuôn khổ. 


Bởi lẽ đó, điểm độc đáo nhất của môn nghệ thuật này chính là không có tiêu chuẩn đánh giá cụ thể nào cho tính thẩm mỹ trong mỗi tác phẩm. Wallovers nói: “Đẹp hay xấu thì sẽ dựa trên cái ‘gu‘ của mỗi người thôi. Tuy nhiên, người trong giới thì sẽ nhìn nhận thêm ba yếu tố: phong cách riêng (có thể hiện được rõ hay không), chuyên môn (cách sử dụng màu sắc và nét vẽ), kỹ thuật vẽ (giúp nghệ sĩ truyền tải thông điệp tác phẩm).” 


Ý tưởng thường tìm đến những nghệ sĩ vẽ tranh tường mọi lúc mọi nơi. Đôi khi đang nói chuyện, cảm hứng tới thì sẽ đi tìm kiếm một bức tường phù hợp (bề mặt phẳng và lỳ, vị trí tương thích với chủ đề sáng tạo, tính hoà hợp với cảnh quan xung quanh,...). Nhiều lúc đi ngang qua một con đường, tâm đắc một bức tường đẹp lại đau đáu giữ nó trong tâm trí để tìm cách “đào xới” một ý tưởng thật xứng đáng. Ý tưởng đó có thể là câu chuyện về tuổi thanh xuân của người nghệ sĩ, là những cảm nhận chân thực nhất về đời sống xung quanh, là những xúc cảm nhất thời muốn giãi bày vào từng mảng màu nét vẽ,... Cứ như vậy, người nghệ sĩ graffiti “thả mình” theo mọi nguồn cảm hứng, say sưa trong chính thế giới sáng tạo tự do tự tại của mình mà không lo ngại phán xét.


Tấn Lực bộc bạch: “Graffiti là môn nghệ thuật rất tự do. Người nghệ sĩ được thể hiện bản thân mình, được bày tỏ những cảm xúc bên trong. Chính vì vậy, khi những tác phẩm đó, thông điệp đó được mọi người đón nhận cũng như chính nó có thể nuôi sống bản thân người nghệ sĩ thì với họ, đó là một điều rất đáng trân trọng”. 


Lý tưởng này có lẽ được Wallovers cảm nhận rõ nhất qua tác phẩm đầu tay “Vietnam on the wall". Thời điểm này Wallovers mới bắt đầu thành lập, hai thành viên Tấn Lực và Trang Khang đang phải đối diện với định kiến xã hội về việc vẽ bậy làm ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị. Thực tế này thôi thúc họ phải thực hiện được một “kiệt tác” đúng nghĩa - một tác phẩm mà người xem khi nhìn vào dù không cảm nhận được toàn bộ thông điệp hay câu chuyện phía sau, vẫn thấu cảm được công sức và nỗ lực mà người nghệ sĩ đã bỏ ra. Tác phẩm “Vietnam on the wall" ra đời sở hữu chiều dài 70 mét đầy ấn tượng, tôn vinh vẻ đẹp thành thị và nông thôn của mảnh đất hình chữ S. Kết quả, dự án đã xuất hiện trên sóng chương trình “Cà phê sáng cùng VTV3” như một lời công nhận chính thống cho những nỗ lực của Wallovers. 


Quy trình thực hiện một tác phẩm graffiti của Wallovers thường bao gồm:


• BƯỚC 1: Lên ý tưởng và bố cục 

• BƯỚC 2: Tìm kiếm nguyên liệu vẽ

• BƯỚC 3: Vẽ phác thảo bố cục

• BƯỚC 4: Đổ màu



Tuy nhiên, xuất thân từ đường phố và bản chất đề cao cái tôi nghệ sĩ của môn nghệ thuật graffiti lại trở thành một phần lý do tạo nên văn hoá vẽ “bậy” - cụm từ chỉ những tác phẩm tranh tường được vẽ vô tổ chức, không có tính hoà hợp với cảnh quan xung quanh hoặc trên những bức tường chưa được chủ nhân cho phép. “Vẽ bậy thực chất là một cách ‘chơi‘ của môn nghệ thuật graffiti. Chúng tôi không đi theo, không cổ suý cũng sẽ không phán xét nó, vì đây là lựa chọn của mỗi người nghệ sĩ. ‘Chơi’ với nghệ thuật ra sao không quan trọng, quan trọng là biết chịu trách nhiệm với tác phẩm sau cùng.” - Wallovers giải thích. 


Đối diện với thực tế rằng văn hoá vẽ “bậy” đang phát triển khiến nhiều người có cái nhìn không mấy thiện cảm về môn nghệ thuật graffiti, ba thành viên Wallovers đồng thuận rằng điều nghệ sĩ vẽ tranh tường cần nhất chính là duy trì ngọn lửa nhiệt thành theo đuổi cách "chơi" hay lý tưởng sáng tạo của riêng mình. Hiện nay, tính ứng dụng của graffiti không chỉ dừng lại ở việc tô điểm cho mỹ quan đô thị, mà còn có thể xuất hiện trong sản phẩm thương mại, triển lãm nghệ thuật, tranh tường mang nội dung giáo dục cho trường học,... Nghệ sĩ graffiti đã có thêm cho mình nhiều “đất dụng võ” thay vì chủ yếu là những bức tường ngoài công cộng, từ đó từng bước khẳng định giá trị đa dạng của graffiti với đại chúng. 



Thông thường, các tác phẩm graffiti sau một khoảng thời gian nhất định sẽ bị xoá vì nhiều lý do: tính thời sự, chất lượng xuống cấp, mục tiêu của dự án, thời hạn của quyền sở hữu bức tường ngắn,... Đối với Wallovers, thực tế này không đem đến sự tiếc nuối mà lại đang tạo ra cái hay, cái độc nhất của môn nghệ thuật vẽ tranh tường.


Những tác phẩm đường phố có thời hạn ấy cũng giống như mọi khoảnh khắc trong cuộc sống mà thôi. Không có gì là mãi mãi ở đó. Không có gì là vĩnh viễn tồn tại. Nhưng ít nhất tại thời điểm nó xuất hiện và tô điểm cho đời, nó đã khiến cho mình hạnh phúc, nó đã làm thoả mãn cái tôi nghệ sĩ của mình và nó đã đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả. Tác phẩm có thể biến mất về mặt vật lý, nhưng sẽ luôn hiện diện trong tâm trí đại chúng, sẽ còn được nhắc mãi qua những cuộc trò chuyện, giao tiếp đời thường nhờ những giá trị và cảm xúc mà nó đã kiến tạo được trước đây.” - Wallovers thực tâm chia sẻ khi được hỏi rằng liệu các anh có tiếc nuối khi nhìn những tác phẩm tâm huyết của mình buộc phải bị xoá bỏ hay không.



Với người Việt Nam, graffiti đã không còn là một thuật ngữ mới mẻ. Wallovers cho rằng văn hoá đường phố và tính cách hào sảng, phóng khoáng của người Việt chính là “mảnh đất” ý tưởng tuyệt vời cho những nhà sáng tạo trên đường phố. Đặc điểm xã hội này cũng tạo thành không gian sáng tạo thích hợp cho các tác phẩm đề cao tính tự do và đa sắc màu như tranh vẽ tường. 


Graffiti đang sở hữu nhiều tiềm năng phát triển ở thị trường Việt Nam. Lợi thế của graffiti là có thể triển lãm tác phẩm ở công cộng, bên ngoài những toà nhà lớn. Trong khi đó, chưa có quá nhiều toà nhà, kiến trúc nổi bật tại Việt Nam được trưng dụng để thể hiện các tác phẩm graffiti. Nếu có thể, ắt sẽ đem lại một vẻ vui tươi, sắc sảo hơn cho cảnh quan đô thị Việt Nam, giúp giảm áp lực cuộc sống cho người dân, từ đó từng bước đưa môn nghệ thuật này phát triển và trở nên gần gũi hơn nữa”. Wallovers tiếp lời: “Tính ứng dụng của graffiti hiện không chỉ ở triển lãm hay các dự án thương mại mà đã đi vào cuộc sống hàng ngày của mỗi người, trở thành một phần trong đời sống. Điển hình như các bức vẽ minh hoạ bên ngoài tường bệnh viện, trường học. Bằng cách này, mọi người cũng sẽ có cái nhìn cởi mở hơn với môn nghệ thuật vẽ tranh tường.


Tuy nhiên, nhóm cũng lưu ý rằng graffiti chưa quá phổ biến ở các vùng nông thôn do các trở ngại về chi phí đi lại, khoảng cách địa lý, đặc biệt là do người nghệ sĩ chưa có nhiều thời gian để trải nghiệm không gian sống tại đó cũng như thấu hiểu văn hoá con người. Đối với nhóm, việc lan toả graffiti đến nhiều cộng đồng, khu vực địa lý hơn nữa cũng chính là sứ mệnh của người nghệ sĩ. 


Nhóm nghệ sĩ Graffiti Wallovers: “Giá trị của tác phẩm sáng tạo nằm ở việc công chúng ghi nhớ nó bao lâu”

Trang Ngọc

Trang Ngọc

Content Writer | Advertising Vietnam

30 Thg 11 2022

Lưu

Cùng chuyên mục