Việc quảng bá hình ảnh thương hiệu thông minh dựa trên chiến lược ESG mà Home Credit theo đuổi từ ngày mới thành lập đóng vai trò quan trọng trong việc định giá của doanh nghiệp.


Khi tin tức về thương vụ chuyển nhượng 100% phần vốn góp của Home Credit Việt Nam cho SCB Thái Lan bắt đầu lan truyền, giới tài chính ồ à rất nhiều về giá trị khổng lồ của thỏa thuận.


800 triệu USD là nhiều hay ít? Là đắt hay rẻ?


Ông Trần Bằng Việt - chuyên gia tư vấn cấp cao, CEO Đông A Solutions chia sẻ:

“Những yếu tố tác động đến kết quả định giá thì rất nhiều, trong đó phải kể đến những yếu tố quan trọng sau:


1. Doanh thu và Lợi nhuận: Các chỉ số tài chính cơ bản như doanh thu, lợi nhuận ròng và EBITDA là những yếu tố quan trọng nhất được xem xét khi định giá doanh nghiệp.

2. Dòng tiền: Dòng tiền tự do phản ánh khả năng sinh lời và tạo ra tiền mặt của doanh nghiệp.

3. Tăng trưởng: Tốc độ tăng trưởng cho thấy tiềm năng phát triển của doanh nghiệp trong tương lai.

4. Đặc thù ngành và vị thế thị trường. 

5. Tài sản: Tổng giá trị của tài sản cố định và lưu động, bao gồm cả bất động sản, thiết bị, hàng tồn kho và các khoản phải thu. Trong một số ngành, lượng khách hàng có phát sinh doanh thu thường xuyên cũng được coi là một loại tài sản. 

6. Nợ và Gánh nặng Tài chính: Tổng nợ và các nghĩa vụ tài chính khác. Tôi có lần bị hố vì yếu tố này.

7. Văn hóa và Đội ngũ: Văn hóa doanh nghiệp và đội ngũ nhân sự, đặc biệt là nhân sự chủ chốt. Tôi chứng kiến nhiều phi vụ M&A chỉ để mua nhân sự chủ chốt.

8. Rủi ro: Các rủi ro liên quan (pháp lý, thị trường, vận hành).”



SCB là một trong những ngân hàng lớn và lâu đời nhất Thái Lan, cung cấp một loạt sản phẩm và dịch vụ tài chính từ ngân hàng cá nhân, ngân hàng doanh nghiệp, ngân hàng đầu tư đến quản lý tài sản cho khách hàng. Khi mua lại Home Credit, ít nhất có 3 thứ mà SCB khai thác được thêm.


Thứ nhất, SCB có thể thuận lợi đưa các sản phẩm và dịch vụ vào Việt Nam bởi Home Credit sở hữu cơ sở dữ liệu khổng lồ kèm điểm tín dụng thực của khách hàng.


Thứ hai, ngân hàng Thái Lan sẽ làm chủ được know-how (tạm dịch: bí quyết) của dịch vụ tài chính cá nhân Home Credit, tùy theo các điều khoản của hợp đồng mà SCB có thể sử dụng trực tiếp để kinh doanh tại thị trường Thái Lan hay gián tiếp sử dụng để phát triển sản phẩm gần tương tự.


Đặc biệt, Home Credit là một trong số ít công ty tài chính tiêu dùng đầu tư mạnh về ESG, do đó thương vụ mua lại này có thể giúp SCB dễ đạt chuẩn hơn và thuận lợi tiếp cận các dòng vốn quốc tế.


Tài chính tiêu dùng là một ngành đặc thù, đòi hỏi giấy phép đặc biệt (hạn chế) để được phép hoạt động, cùng một hình ảnh sang, sạch và tích cực trong mắt cộng đồng, truyền thông và các cơ quan quản lý để được phép thành công. Từ đó, có thể thấy được vai trò của hình ảnh thương hiệu cùng chiến lược ESG thông minh mà Home Credit đã dày công đầu tư từ thời mới thành lập trong định giá của doanh nghiệp.


Vậy để xây dựng một chiến lược ESG thông minh, phù hợp với hoạt động cốt lõi của doanh nghiệp và hình ảnh thương hiệu có đắt hay không? 


Ông Trần Bằng Việt phân tích thêm: “Với trường hợp của Home Credit thì tôi đoán là không đắt vì sự tích hợp chiến lược thương hiệu với CSR/ESG một cách tự nhiên ngay từ đầu và nhất quán với chiến lược doanh nghiệp. Thứ 2 là cách thực thi một số dự án khá thông minh khi tận dụng được năng lực hệ thống sẵn có (không tăng chi phí quá nhiều), tập trung vào đúng nhóm đối tượng khách hàng mục tiêu (làm trách nhiệm xã hội đồng thời là làm thương hiệu & hỗ trợ bán hàng). Các dự án Home for Life, Home Smart, Home Love… là những ví dụ tiêu biểu. Đồng thời, việc triển khai chiến lược ESG không chỉ là một phần của cam kết với môi trường, xã hội và quản trị công ty, mà còn là sự hiện thực hóa của giá trị cốt lõi mà họ đã theo đuổi từ ngày đầu thành lập."



Ở góc độ kinh doanh, Home Credit vẫn duy trì vị trí thứ 2 về thị phần tính trên tổng dư nợ cho vay trong những năm qua, cùng với FE Credit và HD Saison chiếm lĩnh phần lớn thị trường. Tỷ lệ nợ xấu tại doanh nghiệp cũng luôn dưới mức 3%, thậm chí có những thời điểm chỉ 2% vào năm 2022. Đây là những con số thấp nhất ngành tài chính Việt Nam.


Checklist để xây dựng chiến lược ESG thông minh và bền vững:


  1. Định hình chiến lược ESG dựa trên giá trị cốt lõi và sứ mệnh doanh nghiệp.
  2. Gắn kết chiến lược ESG với hoạt động kinh doanh hàng ngày.
  3. Đo lường và báo cáo tiến độ ESG một cách minh bạch.
  4. Thúc đẩy sự đổi mới và hợp tác trong việc thực hiện ESG.
  5. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp coi trọng và khuyến khích sự đa dạng, hòa nhập và phát triển bền vững.
  6. Kiểm soát rủi ro và tuân thủ pháp luật liên quan đến môi trường, lao động và quản trị.
  7. Tạo dựng mối quan hệ với cộng đồng, cải thiện chất lượng cuộc sống thông qua các sáng kiến hỗ trợ cộng đồng và môi trường.
  8. Đảm bảo sự tham gia và cam kết từ cấp quản lý cao nhất đến từng nhân viên.
  9. Sử dụng công nghệ và đổi mới để thúc đẩy các mục tiêu ESG.
  10. Đánh giá và tái cấu trúc các chiến lược ESG theo thời gian để phản ánh những thay đổi trong kinh doanh và thị trường.


Mọi quy mô loại hình doanh nghiệp, đều có thể nên xây dựng thương hiệu và chiến lược kinh doanh dựa trên sự quan tâm đến phát triển bền vững từ ban đầu. Điều này không chỉ giúp xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn mà còn tạo ra giá trị thực sự cho doanh nghiệp và nâng cao vị thế trên thị trường trong tương lai.


Theo ông Trần Bằng Việt - chuyên gia tư vấn cấp cao, CEO Đông A Solutions