Sử dụng chiến lược "Fastvertising" trong quảng cáo: Khi xu hướng trở thành công cụ truyền thông hiệu quả cho các thương hiệu

Fastvertising không còn là một khái niệm xa lạ trong thế giới tiếp thị ngày nay. Nó là sự kết hợp của từ "fast" (nhanh) và "advertising" (quảng cáo), nghĩa là một chiến lược quảng cáo nhanh nhạy, tận dụng những sự kiện hoặc xu hướng nóng hổi để thu hút sự chú ý ngay lập tức từ người tiêu dùng. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thông tin được truyền tải và tiêu thụ một cách chóng mặt trên các nền tảng mạng xã hội.



Fastvertising là một chiến lược quảng cáo nhấn mạnh vào sự nhanh nhạy và linh hoạt trong việc phát triển nội dung, giúp thương hiệu tận dụng các sự kiện, xu hướng đang diễn ra để thu hút sự chú ý của khách hàng ngay lập tức. 


Sức mạnh của fastvertising nằm ở khả năng phản ứng nhanh và khéo léo trước các thay đổi của thị trường, xã hội và văn hóa. Nhanh nhạy trong cách nắm bắt xu hướng, trong việc lên ý tưởng và triển khai chiến dịch để ý tưởng không bị lỗi thời. Nội dung của các chiến dịch fastvertising có thể ở dạng video, meme, bài đăng trên phương tiện truyền thông xã hội hoặc trải nghiệm tương tác tạo được tiếng vang với khán giả tại thời điểm đó. Những chiến dịch này thường nhắm đến sự chia sẻ rộng rãi, đảm bảo nội dung lan truyền nhanh chóng trên các nền tảng như Instagram, TikTok và Twitter.



Xu hướng này thường được nhiều thương hiệu áp dụng để có thể tiếp cận gần với thế hệ trẻ, đặc biệt là tăng độ nhận diện cho các thương hiệu khi họ trực tiếp nói về vấn đề đang được nhiều người quan tâm. Với cách tiếp cận này, các thương hiệu có thể tạo ra những chiến dịch quảng cáo được liên kết trực tiếp với những sự kiện nóng hổi, từ đó không chỉ gia tăng tương tác mà còn tạo sự gắn kết nhanh chóng với khách hàng. 


Bên cạnh đó, với tốc độ lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội các chiến dịch Fastvertising sẽ giúp thương hiệu khuếch đại thông điệp của mình đến một lượng lớn người dùng trong thời gian ngắn. 


Ông Aron North - Giám đốc Marketing của Mint Mobile, thương hiệu công nghệ của nam diễn viên Ryan Reynold chia sẻ với báo Martechvibe về Fastvertising: “Các chiến dịch tiếp thị thời gian thực là một con đường quan trọng để bất kỳ thương hiệu nào muốn tạo ra tác động mạnh mẽ trong bối cảnh văn hóa thay đổi nhanh chóng và không ngừng phát triển ngày nay. Một điều mà mọi người đang thảo luận ngày hôm nay có thể bị lãng quên hoàn toàn vào ngày mai”.



Fastvertising mang lại cho các thương hiệu cơ hội độc đáo để hòa nhịp với các khoảnh khắc văn hóa, tận dụng tốc độ của mạng xã hội và nâng cao mức độ tương tác của khách hàng theo thời gian thực. Trong bối cảnh tiếp thị ngày càng thay đổi, chiến lược này đã trở thành lựa chọn hàng đầu cho các thương hiệu muốn nắm bắt và duy trì sự chú ý của một lượng khán giả ngày càng phân tâm.


Nổi bật là thương hiệu Oreo với bài đăng mạng xã hội hưởng ứng sự kiện mất điện tại Super Bowl năm 2013 trong lúc diễn ra trận đấu bóng giữa Ravens và 49ers. Với câu copy “Power out? No problem. You can still dunk in the dark” (tạm dịch: Mất điện ư? Đừng lo lắng. Bạn vẫn có thể úp rổ trong bóng tối). 




Gần đây, khi Microsoft gặp sự cố kỹ thuật dẫn đến "màn hình xanh chết chóc" xuất hiện trên nhiều máy tính toàn cầu, thương hiệu thể thao Decathlon đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội và triển khai chiến dịch OOH với thông điệp kêu gọi khách hàng "săn sale" chỉ trong vòng 24 giờ. Chiến dịch không chỉ mang tính thời sự mà còn tạo sự liên kết trực tiếp với sự kiện, thu hút sự chú ý của công chúng. 



Ngoài ra, thương hiệu KitKat cũng nhanh chóng nắm bắt được sự kiện nay khi cho ra mắt print-ad ấn tượng, biến tấu lại hình ảnh màn hình xanh thành màn hình màu đỏ như một điểm nhấn để thu hút sự chú ý của người tiêu dùng. Cả hai chiến dịch này đều cho thấy sự linh hoạt và sáng tạo trong việc thực hiện Fastvertising.



Bên cạnh việc nắm bắt xu hướng trên mạng xã hội, nhiều thương hiệu còn sử dụng chiến lược fastvertising cho các hiện tượng tự nhiên. Mới đây, thương hiệu bia Corona đã nhanh chóng nắm bắt hiện tượng nhật thực hình khuyên xảy ra vào ngày 2/10 tại khu vực khu vực Nam Mỹ và Đại Tây Dương bằng print-ad chai bia Corona được đặt ngoài trời và được canh chỉnh góc chụp làm sao cho Mặt Trời xuất hiện ngay trên đỉnh chai.  



Đội ngũ thương hiệu và agency chỉ có một khoảng thời ngắn để chuẩn bị cho cảnh chụp này, theo nhiếp ảnh gia người Brazil - Marcelo Maragni, người phụ trách chính cho bộ print-ad cho biết: “Chúng tôi chỉ có một khoảng thời gian ngắn khoảng 5 phút để ghi lại khoảnh khắc này, và kết quả thực sự đáng kinh ngạc – hoàn toàn thể hiện được hình ảnh thương hiệu của Corona”.


Fastvertising không chỉ yêu cầu tốc độ trong việc nắm bắt xu hướng mà còn đòi hỏi sự linh hoạt trong quy trình sản xuất nội dung. Thương hiệu Mint Mobile của Ryan Reynolds đã minh chứng cho điều này qua một chiến dịch đặc biệt được thực hiện trong vòng 6 tiếng. Mọi chuyện bắt đầu từ dòng tweet của diễn viên Dave Foley mong muốn được xuất hiện trong quảng cáo của Mint Mobile. Ryan Reynolds đã ngay lập tức mời ông đến quay quảng cáo và từ lúc lên ý tưởng, quay, chỉnh sửa cho đến khi phát hành, tất cả đều được thực hiện chỉ trong vòng 6 tiếng.



Bên cạnh đó, hình thức fastvertising còn được nhiều thương hiệu áp dụng bằng cách lồng ghép các câu nói đang nổi trên mạng xã hội, cụ thể là các slang được giới trẻ sử dụng. Trong đó, nổi bật là các slang hiện đang được sử dụng nhiều như: “Khó chịu vô cùng", “Đã làm gì đâu”,... Nắm bắt các trend đang thịnh hành cũng là một trong những cách khiến cho thương hiệu được nhiều người biết đến hơn và độ phủ của thương hiệu được lan toả một cách rộng rãi. 



Không thể phủ nhận rằng Fastvertising có sức mạnh tức thời trong việc thu hút sự chú ý, nhưng điều làm nên thành công dài hạn của chiến lược này chính là khả năng tạo dựng mối quan hệ lâu dài với khách hàng. Các chiến dịch Fastvertising không chỉ mang lại kết quả nhanh chóng về lượt tương tác, mà còn góp phần làm tăng mức độ nhận diện thương hiệu trong lòng công chúng. 


Nhờ vào sự lan tỏa mạnh mẽ trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Instagram hay Twitter, những chiến dịch này có thể tiếp cận hàng triệu người dùng chỉ trong vài giờ, tạo ra một hiệu ứng tích cực cả về mặt doanh thu lẫn lòng trung thành với thương hiệu. Sau khi Oreo đăng tải hình ảnh trên tài khoản Twitter chính thức, thương hiệu đã ghi nhận được hơn 10.000 lượt retweet và đã gây ấn tượng mạnh mẽ đến người tiêu dùng. Ngoài ra, chiến dịch hưởng ứng “màn hình xanh chết chóc” của KitKat cũng đã đạt được hơn 3,7 triệu lượt xem trên Twitter và gần 90 nghìn lượt thích. 



Mặc dù Fastvertising mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng đi kèm với không ít thách thức. Thứ nhất, áp lực về thời gian là một yếu tố quan trọng. Các đội ngũ marketing phải phản ứng nhanh, từ việc nắm bắt xu hướng cho đến việc triển khai chiến dịch trong thời gian ngắn nhất có thể. Điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ và sáng tạo giữa các phòng ban trong công ty, đồng thời đòi hỏi sự linh hoạt trong quy trình sản xuất nội dung.


Bên cạnh đó, rủi ro về việc không đoán đúng xu hướng cũng là một yếu tố không thể tránh khỏi. Không phải lúc nào các sự kiện hoặc xu hướng nổi lên cũng có sức hút với công chúng, và một chiến dịch Fastvertising không thành công có thể khiến thương hiệu trở nên "lạc lõng" trong bối cảnh thị trường. Do đó, việc đánh giá và lựa chọn xu hướng phù hợp với tầm nhìn và giá trị của thương hiệu là vô cùng quan trọng.


Kim Yến


Đừng quên đăng ký newsletter của Advertising Vietnam để cập nhật những thông tin mới nhất về marketing, quảng cáo hàng tuần!



Sử dụng chiến lược "Fastvertising" trong quảng cáo: Khi xu hướng trở thành công cụ truyền thông hiệu quả cho các thương hiệu

Kim Yến

Kim Yến

Content Writer | Advertising Vietnam

13 Thg 10 2024

Lưu

Cùng chuyên mục