Tác giả Hiền Trang: "Hãy để việc đọc và tìm hiểu trở thành một khao khát của người làm sáng tạo"

Nhớ lại Giải thưởng Văn học Đoàn Thị Điểm diễn ra vào năm 2015, một trong năm tác phẩm lọt vòng chung khảo cuộc thi lại là tác phẩm đầu tay của một “nữ văn” 9X không ai rõ hành tung chữ nghĩa. Mãi sau này, khi giải 3 Cuộc thi Văn học tuổi 20 lần VIII – 2019 gọi tên của nữ văn ấy một lần nữa cùng tập truyện “Giấc mơ trên cánh đồng cỏ ướt”, tên tuổi của cô mới thực sự rõ nét trên văn đàn. Cái tên đó chính là Hiền Trang, cô gái được nhà báo Văn Thành Lê gọi là một “người viết có cái nhìn sắc bén nhưng khiêm cung về chữ nghĩa". 


Tốt nghiệp đại học Ngoại Thương, Hiền Trang nói vui rằng “mình nhập học theo xu hướng". “Tôi học chuyên ngoại ngữ, cả lớp ai cũng vào ngoại thương nên tôi cứ theo trào lưu mà đăng ký", cô nói. Trùng hợp thay, Ngoại Thương lại là cái nôi của nhiều tay viết cứng cựa trên văn đàn Việt như Phan Việt, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Nhật Phi,... và sau này là Hiền Trang. 



Với 5 cuốn sách đã xuất bản và hàng loạt bài báo mảng văn hoá - nghệ thuật đăng tải trên Tia Sáng, Tuổi Trẻ, Phụ nữ TP.HCM, An ninh thế giới, Hiền Trang gây ấn tượng với phong cách viết nhạy bén, logic, hàm lượng tri thức cao, có góc nhìn và chủ kiến riêng.


Hiện tại, Hiền Trang đang kiêm nhiệm nhiều vai trò: Nhà văn, Nhà bình luận, Copywriter, Content Writer. Nhưng tựu chung lại, có thể gọi cô là một người viết hay mơ. Và cô mơ về chữ nghĩa của riêng mình. Trong thế giới đó, Hiền Trang có gì? Hãy cùng tìm hiểu về hành trình làm người sáng tạo mà theo cô là “rất đơn độc” nhưng “mở mang”. 



1. Nhà văn cũng được xếp vào nhóm “nghệ sĩ". Sáng tạo nghệ sĩ (Nhà văn) và Sáng tạo thương mại (Content Creator) khác nhau ở những điểm nào?


Với tôi, hai công việc này khác nhau ở nhiều điều nhưng nói riêng về quá trình thực hiện mỗi công việc thì chúng khác nhau ở 3 điểm: Tâm thế, Các bước khởi động và Quy trình chỉnh sửa. 


Tôi bước vào thế giới của người viết văn và thế giới của người làm sáng tạo nội dung với hai tâm thế khác nhau. Hễ động tới công việc content, ở đâu tôi cũng có thể viết được, bất kể tôi đang ngồi ở sân bay, tiệm cà phê hay cạnh cửa sổ nhà. Nhưng với văn chương thì chỉ có thể viết ở vài không gian cụ thể. Tâm thế của tôi lúc đấy là mình sẽ bước vào một thế giới rất riêng tư, rất trần trụi và không có một người đồng hành nào.  


Động tác khởi động thì giống như một nghi thức. Trước khi viết content, việc làm đầu tiên của tôi là lên Google. Tôi sẽ nghiên cứu xem người ta đã viết cái gì về chủ đề này rồi. Ở ngôn ngữ của họ có điều gì mà tôi có thể học được, có điều gì không hợp thì tự động bỏ đi. Viết văn thì khác. Nghi thức viết văn là tôi thường đặt một cuốn sách bên cạnh để dẫn dắt tinh thần. Cuốn sách đó giống như một cây cầu để tôi bước vào thế giới văn chương. 


Chúng còn khác nhau ở quy trình sửa chữa. Viết content thì tôi sửa rất nhiều, có khi vừa viết vừa sửa. Còn viết văn thì mình cứ viết đã, viết xong, vài tuần, hay vài tháng sau, khi cảm xúc đã nguội hẳn, tôi mới quay lại sửa. 


2. Ở cương vị là một nhà văn, chị có nghĩ Content Creator là một nghề “làm ra tiền để nuôi dưỡng công việc viết lách?” 


Tôi là kiểu người sẽ chỉ viết được khi không còn nỗi lo lắng nào lôi tôi trở lại đời sống thường nhật nữa. Có lẽ đó là lý do khiến từ ngày rất trẻ, tôi đã đặt ra những mục tiêu về tài chính rõ ràng để một ngày khi mình vẫn còn đủ sức lực, có thể toàn tâm toàn ý viết văn. Điều đó đồng nghĩa với việc trước hết tôi phải có một công việc “bình thường” để… kiếm sống.


Công việc “bình thường" ấy với tôi là copywriter và content writer. Ban đầu, viết content và viết văn đối với tôi là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Một công việc làm buổi sáng, một công việc làm buổi tối. Một công việc đàng hoàng có bảo hiểm, phúc lợi, tiền lương; một công việc làm vì đam mê, làm vì không thể không làm. Nhưng càng đi, tôi càng nhận ra hai con đường này không song song mà chúng có thể nhập lại làm một. Viết văn ban đầu chỉ là một thú vui, nhưng bây giờ tôi có thể tự tin nói rằng, viết văn là nền tảng cho tất cả các công việc mang lại thu nhập cho tôi, kể cả trong mảng content. Ngay cả các khách hàng thương mại cũng thường gọi tôi là… nhà văn.


3. Viết văn rất tự do sáng tạo, bản chất là để phục vụ cho nhu cầu cảm xúc của chính tác giả. Nếu đã quen phóng khoáng như vậy rồi thì khi viết quảng cáo có gò bó không? 


Người ta thường nói rằng viết cho doanh nghiệp thì phải hiểu doanh nghiệp, hiểu khách hàng của doanh nghiệp. Với cá nhân tôi, tôi nghĩ tôi cần hiểu mình trước nhất. Tôi là ai, tôi thích viết cái gì, tôi trận trọng những giá trị nào.


Hiểu được bản thân mình rồi, tôi mới nghĩ đến liệu doanh nghiệp này, đối tượng mà doanh nghiệp này hướng tới, họ có hợp với tôi không. Họ hợp mình thì họ mới thích mình được và tin mình được. Chẳng hạn, tôi là người viết văn, vậy thì rất tự nhiên, tôi thích kể chuyện. Nếu khách hàng thích nghe kể chuyện thì chúng tôi… dành cho nhau rồi. Lúc đó, nhà sáng tạo sẽ vừa được là chính mình, vừa có thể nói được ngôn ngữ của thương hiệu. 


4. Nhiều người cho rằng viết quảng cáo thì phải có chiến lược chứ không được phóng bút theo bản năng. Chị nghĩ gì về điều này? 


Hai khái niệm này không tách biệt nhau. Bản năng là bước đầu của của một người viết trước khi họ trở thành những người viết chuyên nghiệp. Sự chuyên nghiệp không gì khác chính là biết cách điều khiển bản năng của mình, khi nào cho nó buông thả, khi nào nên tiết chế nó.


5. Theo chị, lưu ý quan trọng nhất khi viết là gì?


Là viết một thứ thôi. Dù bạn viết dài hay ngắn, viết tiểu thuyết vài trăm trang hay viết nội dung vài dòng, viết một bài tiểu luận trên báo chí hay một content trên facebook thì điều quan trọng nhất là ta biết mình đang muốn nói gì, và không bao giờ đi chệch hướng. Một bộ sách nhiều tập hay một bộ phim điện ảnh dài 2-3 tiếng cũng có thể được gói gọn trong logline một, hai câu. Khi mình biết mình đang nói cái gì thì mình sẽ không đi lạc. 



6. Dựa trên quan sát và hiểu biết của chị, loại định dạng nội dung nào chị nghĩ sẽ phát triển trong thời gian tới?


Tôi nghĩ những content dài và có ích đang trở lại. Mọi người thường nhắc đến “sự sụp đổ của chữ nghĩa, của văn chương”. Tôi lại không hề nghĩ như thế. Rồi cũng sẽ đến lúc con người quay trở lại với bản năng của họ là những người thích kể chuyện và ngồi nghe kể chuyện. 


7. Hiện tại mạng xã hội đang bùng nổ, quãng chú ý của người dùng cũng được cho là đang ngày càng ngắn lại. Chị có nghĩ một content dung lượng dài sẽ còn hiệu quả? 


Có chứ. Những content dài 3000 - 4000 vẫn hoàn toàn thu hút lượt xem trên Facebook, vẫn có những KOL viết những bài dài như sớ mà ta vẫn thích thú đón đọc. Dung lượng không phải là vấn đề, chừng nào câu chuyện ấy đủ hay. Tôi tin khi người dùng nhấn follow ai đó trên mạng xã hội, họ không nghĩ nhiều đến chuyện nội dung đó ngắn hay dài, mà là có bổ ích và phù hợp với họ hay không. 



8. Nhưng có vẻ nền tảng giải trí TikTok vẫn đang rất thu hút với video ngắn. Chị đánh giá gì về điều này?


Thực ra thì, ngay cả TikTok cũng đang dài ra. Ngày trước, video TikTok chỉ dài độ 1 phút, bây giờ dung lượng video có thể kéo dài đến 10 phút. Chính TikTok cũng nhận ra là ở đâu đó, video dài vẫn có hiệu quả. 


Tôi nghĩ, dung lượng ngắn là điểm thu hút mới đầu của TikTok, nhưng chính nó rồi sẽ trở thành điểm yếu. Có một dạo tôi rất hay lên TikTok để xem review quán ăn. Không thể phủ nhận là chúng rất viral và thu hút, tuy nhiên, sau một tiếng xem hàng loạt video thì tôi… chẳng nhớ gì cả. Với dung lượng quá ngắn, các video TikTok hầu như đều hao hao nhau, từ cách nói năng, cách quay, cách diễn đạt và hiệu ứng. Đây là vấn đề của cả creator lẫn nền tảng TikTok. 


Hãy xem TikTok là một thị trường, thì những tiểu thương ở đó đang bán những sản phẩm hao hao nhau. Hôm nay bạn nổi tiếng vì nội dung này, nhưng ngày mai sẽ có hàng triệu creator khác làm nội dung tương tự như thế. Nếu nhà sáng tạo không độc quyền nội dung thì họ sẽ không có quyền định giá. Các thương hiệu lúc này sẽ là người định giá creator. 



9. Mỗi bài viết của Hiền Trang đều có cảm giác như một cuộc chơi liên văn bản. Ở đó, cùng một đề tài nhưng chị cài cắm nhiều tình tiết ở những khía cạnh khác nhau như phim ảnh, âm nhạc, văn chương. Chị có vẻ là người rất giỏi xâu chuỗi tình tiết? 


Thật ra tôi là kiểu người đọc xong rồi quên liền. Có những cuốn tôi đọc mấy lần rồi mà khi ai đó hỏi tới thì tôi lại chẳng biết trả lời thế nào. Tôi không phải là người theo hệ tình tiết, dù có thể nhớ rất rõ bầu không khí của câu chuyện.


Nhưng tôi nghĩ đến một ngưỡng nào đó thì một người viết không thể tránh khỏi việc xâu chuỗi các văn bản. Còn vì sao tôi có thể xâu chuỗi được thì thực sự không phải vì tôi có trí nhớ tốt hay trong bụng tôi thiên kinh vạn quyển gì đâu. Chỉ là trước khi viết gì đó, tôi luôn cố gắng nghiên cứu lại, kể cả với những chủ đề rất quen thuộc như điện ảnh của Vương Gia Vệ chẳng hạn. Tôi xem phim ông rất nhiều nhưng mỗi khi phải viết về ông thì tôi vẫn sẽ xem lại một lượt. Tôi không tin vào trí nhớ của mình. Nó nghịch ngợm và không đáng tin. 


10. Theo chị, để tạo ra content có hàm lượng thông tin cao, có phải việc đọc sẽ là thói quen cần có của nhà sáng tạo nội dung? 


Người viết nào trước hết cũng là một độc giả đã. Việc đọc giúp người viết mở rộng từ vựng và có nhiều công cụ hơn trong hộp “đồ nghề” của họ. Nghĩa là khi viết, họ có nhiều lựa chọn hơn trong cách diễn đạt và dùng từ để tạo ra hiệu quả cao nhất. Cũng là cùng một câu đấy nhưng mình sẽ viết dấu chấm hay là dấu chấm than thì sẽ hay hơn. Hay cũng với một ý đấy nhưng nếu mình đảo ngữ, dùng câu hỏi tu từ thì sẽ tác động mạnh hơn. 


11. Cũng là một người viết, chị nghĩ nên đọc như thế nào thì có ích cho công việc viết lách?


Tôi nghĩ cứ đọc như… một người bình thường thôi. Đọc thật nhiều, đọc đủ thứ. Cứ thấy chữ là đọc. Ví dụ như chữ trên một hộp sữa thì cũng đọc để xem nó viết cái gì. Xa hơn là đọc sách, đọc sách hay, đọc sách dở, đọc sách không hay không dở. Cũng không cần nghĩ mình sẽ dùng những kiến thức hay từ ngữ đó cho mục đích gì, đọc nhiều có vô ích không. Dù cho bạn có quên hết những gì đã đọc đi chăng nữa thì cũng chẳng sao cả, vì chữ nghĩa thường quay trở lại vào đúng lúc ta không ngờ nhất. 


12. Với chị, đọc sách có nên ghi chú lại?


Với tôi thì không. Tôi nghĩ cái mà tôi không tự nhiên nhớ được thì có nghĩa là nó không đáng nhớ lắm. Nên kể cả nếu có cố gắng ghi chú lại, mình cũng có đọc lại đâu. 


Tuy nhiên, một Content Creator có thể ghi nhớ từ vựng tốt hơn bằng cách vận dụng nó. Cá nhân tôi, khi thấy một từ nào mới mà tôi tâm đắc là tôi sẽ muốn bằng mọi cách dù là viết báo hay viết văn hay viết content, tôi cứ phải dùng ngay cái từ đó, không thể hoãn sự sung sướng đó lại! Thế rồi, tự nhiên, cái từ ấy thành của mình.



13. Theo chị, tố chất cần có của một Content Creator là gì?


Với tôi là sự tò mò. Nếu mình tò mò thì mỗi content sẽ như một cơ hội để mình tìm hiểu cái mình chưa từng tìm hiểu. Như thế thì viết không còn là một sự gông cùm hành xác nữa mà là một hành trình phiêu lưu, đưa mình đến nhiều thế giới khác nhau. Hôm nay là các loại phô mai, ngày mai là các loại hàu Nhật, ngày mốt là các loại kim cương đá quý, ngày nữa nữa là nghệ thuật cắm hoa.


14. Làm sao để người viết có thể đảm bảo chất lượng tốt trong khi có quá nhiều đầu việc?


Thật ra mình sẽ phải chấp nhận có cái chỉ tốt 98% thôi. Giả sử trong một ngày bạn có 10 đầu việc, bạn không thể hoàn thành cả 10 việc với mức độ hoàn hảo như nhau. Người viết buộc phải chọn ra 2 đầu việc cần sự tập trung cao độ và những kỹ năng tốt nhất để có được sự hoàn hảo. Những đầu việc nào đơn giản thì chỉ nên dành 5 phút thôi, không hơn. Tôi nghĩ việc phân chia thời gian và năng lượng cho từng đầu việc là kỹ năng cần có của một người viết hiệu quả. Mỗi ngày bạn như cục pin chỉ có bấy nhiêu cột năng lượng. Mình nên biết khi nào thì cột năng lượng đang tốt nhất để làm những thứ quan trọng. Nếu dành nhiều công sức thời gian cho việc không đâu, đến lúc việc cần nhiều năng lượng thì mình lại hết năng lượng rồi. 



15. Theo nhận xét của chị, tại sao có rất nhiều nhà văn có tài năng tương đương nhưng lại không thể nổi tiếng ngang bằng?


Văn chương, như bọn tôi thường nói vui, là trò xổ số. Ai trúng số văn chương thì sẽ nổi tiếng. Thật ra tôi đang viết một tiểu thuyết mà một trong những chủ đề chính của nó chính là điều này, về cái gì làm nên một nhà văn: danh tiếng, uy tín, sự phổ biến, hay cứ viết là đã thành văn rồi, không cần được xuất bản hay không cần nổi tiếng cũng đã đủ tư cách làm nhà văn. 


16. Mới đây, chị Hiền Trang thông báo sẽ tham gia chương trình lưu trú International Writing Program của University of Iowa. Chị hãy chia sẻ về cột mốc này?


International Writing Program (IWP) của University of Iowa là chương trình lưu trú có lịch sử từ năm 1967, đến nay đã có hơn 1500 nhà văn từ hơn 150 quốc gia tham dự. Hai nhà sáng lập của chương trình từng được đề cử giải Nobel Hoà Bình vì đã đưa các nhà văn từ cả những vùng đất đối nghịch về tư tưởng chính trị hay các vùng đất đang nổ ra chiến tranh để ngồi lại với nhau. Thành phố Iowa được gọi là thành phố văn chương của Mỹ, nơi quy tụ nhiều văn sĩ tài danh, nơi những nhà văn trên thế giới không thể bỏ qua mỗi khi tới đất nước này, cũng là thành phố mà các nhà văn Mỹ không thể bỏ sót khi xuất bản sách.


Một trong những kỷ niệm mà tôi nhớ nhất là lần gặp gỡ nhà đồng sáng lập IWP, một nhà văn lớn người Mỹ gốc Đài Loan, Hualing Nieh Engle, năm nay bà đã 97 tuổi. Khi xem bộ phim tài liệu về cuộc đời bà, có một đoạn rất hay mà bà phân vân không biết nên viết tiếng Anh hay viết tiếng Hoa. Chồng bà là một nhà thơ Mỹ nổi tiếng, bà có vô số những mối quan hệ trong giới xuất bản phương Tây, ai cũng sẵn sàng hỗ trợ bà biên tập nếu bà viết tiếng Anh, mà bà cũng rất tự tin về vốn Anh ngữ trong nhiều năm sống ở Iowa, nhưng cuối cùng bà vẫn chọn viết bằng tiếng mẹ đẻ, tiếng Hoa.



Tôi cũng nhớ một trong những người phụ trách chương trình đã nói với chúng tôi rằng: một số nhà văn khi mới sang đây thường nghĩ mình từ nay nên viết tiếng Anh, nhưng thực ra không cần phải thế, mình cứ viết bằng ngôn ngữ nào mình mơ về, ngôn ngữ nào mình thân thiết nhất. Minae Mizumura, một trong những nhà văn nổi tiếng của Nhật Bản đương đại, chính vào thời gian tham gia IWP nhiều năm trước, bà đã khởi sự viết cuốn The Fall of Language in the Age of English (Sự sụp đổ của ngôn ngữ trong thời đại tiếng Anh), một cuốn sách quan trọng về thời đại toàn cầu hoá văn chương. Toàn cầu hoá không có nghĩa là chúng ta đều nói tiếng Anh hết, viết tiếng Anh hết. Tất nhiên, đến đây, ta lại phải nói về vai trò của dịch giả, nhưng đó là một câu chuyện lớn khác mà tôi muốn để dành cho những bản thảo dài hơi hơn. Nhưng sau cùng, tôi nghĩ điều mình thực sự muốn viết ra, chứ không phải thứ tiếng mình viết ra, mới là quan trọng hơn cả.


Tác giả Hiền Trang: "Hãy để việc đọc và tìm hiểu trở thành một khao khát của người làm sáng tạo"

Hằng Trần

Hằng Trần

Content Creator | Advertising Vietnam

21 Thg 09 2022

Lưu

Cùng chuyên mục