Với hơn 2 tỷ người dùng hoạt động hàng ngày trên phạm vi toàn cầu, Facebook vẫn là nền tảng thống trị vị trí cao nhất của mạng xã hội. Sự phát triển nhanh chóng của Facebook đã tạo ra nhiều cơ hội mới, giúp doanh nghiệp tiếp cận với tệp khách hàng tiềm năng, cũng như nâng cao độ nhận diện thông qua việc xây dựng chiến lược chạy quảng cáo phù hợp. Để Marketer có thể khai thác tối ưu hiệu quả của công cụ này, hãy cùng tìm hiểu những chỉ số quan trọng trong việc đo lường quảng cáo trên Facebook nhé! 


Toàn cảnh xu hướng quảng cáo Facebook năm 2024


1. Sự tăng trưởng của người dùng Facebook tại Việt Nam 


Dữ liệu từ Meta cho thấy Facebook có 72,70 triệu người dùng tại Việt Nam vào đầu năm 2024. Từ tháng 1/2023 đến tháng 1/2024, phạm vi tiếp cận quảng cáo trên Facebook tại Việt Nam đã tăng 6,5 triệu (+9,8%). Tuy nhiên, với báo cáo dữ liệu gần đây nhất trong khoảng tháng 10/2023 đến tháng 1/2024, số lượng người dùng mà các Marketer có thể tiếp cận bằng quảng cáo trên Facebook tại Việt Nam đã giảm 5,9 triệu (-7,4%) 


Meta cũng đưa ra tuyên bố ngay sau đó về các số liệu trên: “Quy mô đối tượng trong báo cáo không phải đại diện cho người dùng hoạt động hàng tháng, hàng ngày hoặc mức độ tương tác của họ, cho nên các dữ liệu báo cáo có thể khác nhau tùy thuộc vào các yếu tố như số lượng tài khoản trên Facebook mà một người có, số lượng người dùng truy cập tạm thời tại một thời điểm nhất định hay nhân khẩu học”. 



2. Sự phổ biến của Facebook tại Việt Nam 


Phạm vi tiếp cận quảng cáo trên Facebook tại Việt Nam tương đương 73,3% tổng dân số vào đầu năm 2024 (tương đương 92,7% người dùng Internet tại địa phương bất kể độ tuổi). Tuy nhiên, Meta chỉ cho phép người dùng từ 13 tuổi trở lên sử dụng Facebook, vậy nên chỉ có 90,7% đối tượng “đủ điều kiện” ở Việt Nam sử dụng Meta vào năm 2024. Vào đầu năm 2024, 51% đối tượng quảng cáo mục tiêu trên Facebook tại Việt Nam là nữ, 49% còn lại là nam. 



Top 10 các chỉ số Quảng cáo quan trọng trên Facebook


1. Số lần hiển thị (Impression)


Chỉ số Impression là số lần hiển thị của quảng cáo trên giao diện của người dùng. Tần suất hiển thị quảng cáo sẽ phụ thuộc vào chi phí mà các Marketer chi trả, cũng như mức độ phù hợp của quảng cáo đến đối tượng mục tiêu đã được xác định trước đó. Chỉ số Impression càng cao cho thấy các Marketer đang nhắm đúng đối tượng của mình và chiến lược chạy quảng cáo đang hoạt động rất hiệu quả. 



2. Số lần nhấp vào liên kết (Link clicks)


Link clicks sẽ cho các Marketer biết số lần người dùng đã nhấp vào quảng cáo bao gồm nội dung bài viết, hình ảnh, video, các nút CTA (Call to action)... nhằm đo lường mức độ tương tác của người dùng đối với quảng cáo và độ hấp dẫn của quảng cáo. Số lượng nhấp chuột cao đồng nghĩa với việc quảng cáo của doanh nghiệp thú vị đối với đối tượng mục tiêu, thúc đẩy họ có những hành động tiếp theo khi thấy quảng cáo như truy cập vào website, đăng ký nhận thông tin…



3. CTR (Click-through rate)


CTR là tỷ lệ phần trăm người dùng đã xem và thực hiện nhấp chuột vào quảng cáo. Bằng cách tính toán CTR, doanh nghiệp có thể đánh giá chuẩn xác quảng cáo nào thúc đẩy người dùng click vào tốt hơn.


Công thức tính CTR như sau: CTR = (Link clicks/Impression)*100% 


Ví dụ: Với 5 lượt click và 100 lượt hiển thị, CTR mà doanh nghiệp nhận được sẽ là 5%



4. Số tiền đã chi tiêu (Amount Spent) 


Số liệu này cho biết tổng số tiền mà Marketer đã chi tiêu cho một quảng cáo trong một khoảng thời gian cụ thể. Việc theo dõi số tiền chi tiêu là rất quan trọng nhằm đảm bảo rằng doanh nghiệp có sự cân bằng ngân sách hợp lý. Có một vấn đề khá phổ biến đối với Amount Spent là mặc dù quảng cáo đã bắt đầu chạy, nhưng có thể mất tới 48h để chỉ số này được Facebook cập nhật và hiển thị. Điều này có thể làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vì họ không thể nắm bắt được đâu là lúc nên đẩy mạnh quảng cáo, giới thiệu sản phẩm đến người dùng tiềm năng. 



5. CPM (Cost per mile)


CPM là chi phí mà Marketer cần chi trả cho 1000 lượt hiển thị quảng cáo đến người dùng. Đây là một trong những chỉ số được sử dụng thường xuyên vì nó cho phép Marketer tính hiệu quả chi phí của các quảng cáo trên Facebook. Tuy nhiên, CPM cần phải phân tích cùng các chỉ số khác để cho ra kết luận khách quan về hiệu suất của quảng cáo. 


Công thức tính CPM như sau: CPM = (Amount Spent/Impression)*1000


Ví dụ: Nếu doanh nghiệp đã chi 500.000 VNĐ cho một chiến dịch quảng cáo hiển thị trên Facebook và đến giờ quảng cáo đã hiển thị được 10.000 lần, thì CPM hiện tại của doanh nghiệp là 50.000 VNĐ cho 1.000 lượt hiển thị.



6. CPC (Cost per click)


CPC là chi phí trung bình mà doanh nghiệp cần phải trả cho mỗi lượt nhấp của người dùng vào quảng cáo. CPC được tính dựa trên số lượt nhấp thực tế mà quảng cáo nhận được, còn CPM sẽ dựa trên số lần quảng cáo được xem, bất kể người dùng có nhấp vào quảng cáo đó hay không. Marketer có thể cân nhắc sử dụng cả hai chỉ số để có cái nhìn toàn diện hơn về hiệu quả của quảng cáo. 


Công thức tính CPC như sau: CPC = Tổng số tiền chi tiêu/Link clicks



7. Tần suất quảng cáo (Ad frequency)


Ad frequency cho phép Marketer ước tính số lần trung bình mà một người dùng xem quảng cáo. Thông thường, một người cần phải xem quảng cáo nhiều lần mới có thể nhớ đến thương hiệu và thực hiện hành động mà quảng cáo kêu gọi. Tuy nhiên, nếu một quảng cáo bị lặp lại quá nhiều lần sẽ gây ra cảm giác khó chịu cho người dùng. Điều này khiến cho chi phí quảng cáo của doanh nghiệp tăng nhưng hiệu quả lại giảm.


Công thức tính Frequency như sau: Frequency = Impression/Reach (Reach là số lượng người dùng duy nhất đã nhìn thấy quảng cáo) 


8. Hành động/Chuyển đổi (Action)


Sự chuyển đổi là mục tiêu cuối cùng của hầu hết các chiến dịch quảng cáo trên Facebook. Sự chuyển đổi xảy ra là khi người dùng thực hiện hành động được chỉ định trong quảng cáo. Ví dụ như là hành động thêm sản phẩm vào giỏ hàng, mua hàng, bấm vào xem trang chủ của doanh nghiệp… 


Đây được xem là yếu tố quan trọng vì lượt chuyển đổi giúp doanh nghiệp biết chính xác họ nhận được gì sau khi cho chạy quảng cáo. Ngoài ra, việc theo dõi và phân tích sự chuyển đổi có thể giúp doanh nghiệp cải thiện hiệu suất và hiểu rõ hành trình của người dùng. 


9. CPA (Cost per action)


Chỉ số này cho biết số tiền trung bình mà doanh nghiệp chi trả cho mỗi hành động hoặc sự chuyển đổi đủ điều kiện. Ví dụ: tải phần mềm ứng dụng, hoàn thành mẫu đăng ký… sau khi click vào liên kết của quảng cáo trên Facebook. 


Nếu CPA quá cao nghĩa là ngân sách của doanh nghiệp sử dụng không hiệu quả. Điều này có thể cho thấy rằng quảng cáo đang chạy không thực sự phù hợp với đối tượng mục tiêu của doanh nghiệp. Ngược lại, CPA thấp cho thấy chiến lược quảng cáo của doanh nghiệp đang hoạt động rất tốt. 


Công thức tính CPA như sau: CPA = Tổng chi tiêu cho quảng cáo/Action


10. ROAS (Return on ads spend)


Return on ads spend được hiểu nôm na là doanh thu mà doanh nghiệp nhận được từ chiến dịch quảng cáo so với số tiền mà doanh nghiệp đã chi tiêu. Chỉ số này sẽ giúp doanh nghiệp xác định được các chiến dịch quảng cáo của họ có hoạt động tốt không và cách phân bổ ngân sách quảng cáo sao cho phù hợp nhất.


Công thức tính ROAS như sau: ROAS = Tổng doanh thu/Tổng chi tiêu cho quảng cáo 


Những lưu ý khi phân tích chỉ số quảng cáo trên Facebook


1. Số lần nhấp vào liên kết phải tương ứng với tỷ lệ chuyển đổi


Số lượt nhấp chuột cao cho thấy tỷ lệ tương tác của người dùng cao. Tuy nhiên, nếu điều này không chuyển đổi thành hành động thì chỉ riêng việc nhấp chuột vào quảng cáo cũng không mang lại giá trị và hiệu quả nào cho doanh nghiệp. Các Marketer phải luôn theo dõi và đảm bảo số lần nhấp vào liên kết cao tương ứng với tỷ lệ chuyển đổi cũng phải tốt. 


2. Kiểm tra số lần hiển thị tương quan như thế nào với số lần nhấp vào liên kết 


Số lần hiển thị thấp có thể cho thấy việc lựa chọn đối tượng mục tiêu của doanh nghiệp không phù hợp. Cũng giống như tỷ lệ chuyển đổi, nếu quảng cáo có số lần hiển thị cao nhưng tỷ lệ nhấp chuột thấp thì điều này đồng nghĩa với việc nội dung và thông điệp quảng cáo của doanh nghiệp chưa đủ hấp dẫn người dùng, các Marketer cần tinh chỉnh lại quảng cáo để tiếp cận tối đa với người dùng của mình. 



3. CTR liên quan như thế nào đến tỷ lệ chuyển đổi của người dùng


Nếu quảng cáo của doanh nghiệp có CTR cao nhưng tỷ lệ chuyển đổi thấp thì rất có thể trang chủ của doanh nghiệp hoặc đường dẫn liên kết có vấn đề. Các Marketer cần đảm bảo xem trang chủ, đường dẫn liên kết có đang hoạt động bình thường hay không, hoặc nội dung, thông điệp có thống nhất với những gì quảng cáo đang chạy hay không. Điều này cũng áp dụng cho trường hợp doanh nghiệp có CTR thấp. 


Như Quỳnh