Năm 2023, các nền tảng mạng xã hội đều có những đợt sóng thay đổi lớn: xu hướng A.I được áp dụng trên nhiều nền tảng, xu hướng mua sắm đa trải nghiệm của người tiêu dùng ngày càng rõ rệt,... Những biến động lớn trên các nền tảng đòi hỏi marketer phải cập nhật liên tục để kịp thời thay đổi các chiến dịch Social Media Marketing, qua đó đạt được mức độ tiếp cận lớn nhất.


Vậy trong năm 2024, xu thế nào sẽ trở thành trọng tâm trên các nền tảng mạng xã hội? Mới đây, trang Social Media Today đã đưa ra các dự đoán về tiếp thị truyền thông của Facebook, Instagram, Linkedin và TikTok. Cùng tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây.


Facebook


1. Tích hợp thêm công cụ A.I, Reels được kỳ vọng phát triển mạnh mẽ


A.I đã trở thành công cụ dự đoán ngày càng chính xác về mức độ quan tâm của người dùng đối với từng định dạng nội dung. Từ đó, Meta đã cố gắng tối ưu quá trình nội dung đến người dùng thông qua sức mạnh của trí tuệ nhân tạo.


Trong năm 2024, Facebook sẽ tiếp tục tích hợp nhiều công cụ A.I hơn để tăng tương tác với người dùng. Dựa trên đề xuất từ trí tuệ nhân tạo, Reels sẽ được phân phối nhiều hơn trên bảng tin người dùng. Nội dung video hiển thị sẽ phụ thuộc vào những gì người dùng quan tâm nhất. Điều này giúp Facebook giữ chân và gia tăng thời gian sử dụng nền tảng của người dùng. 


Reels được kỳ vọng sẽ tiếp tục trở thành chuyên mục “dẫn đầu” trên bảng tin Facebook. Theo đó, Social Media Today khuyến khích marketer chú trọng sáng tạo những nội dung mang tính giải trí nhằm tăng khả năng tiếp cận khách hàng mới. Điều này đồng nghĩa với việc, các bài viết có gắn link, bài viết tin tức hoặc có nội dung hàn lâm có thể không được Meta phân phối mạnh mẽ.


Reels tiếp tục trở thành một trong những chuyên mục bùng nổ trên Facebook vào 2024


2. Phát triển avatar trông “thật hơn”


Meta dự định sẽ thu hút nhiều người dùng hơn với các hình đại diện 3D có trong ứng dụng. Đa số những người dùng trẻ sử dụng Facebook đều khá hứng thú với việc tương tác trong các game. Đó cũng là lý do Meta muốn phát triển thêm nhiều lựa chọn avatar cho người dùng. 


Trong thời gian phát triển hình mẫu đại diện giống với người thật qua 3D, Meta vẫn sẽ tiếp tục bổ sung các điều chỉnh đối với hình đại diện ảo trên Facebook như: thêm các hiệu ứng khi đăng bài, các nhãn dán mới,... Các chuyên gia cũng mong đợi Meta sẽ tìm được cách tích hợp VR vào Facebook và Instagram để người dùng có thể tương tác trực tuyến như chơi game online. 


Meta đang trong quá trình thử nghiệm AR, ưu tiên đưa nhân vật giống trong game đến với người tiêu dùng


3. Công cụ quản lý tin nhắn cho doanh nghiệp 


Trong bối cảnh ngày càng nhiều người dùng chuyển sang các nhóm nhắn tin riêng tư thay vì đăng công khai, Meta sẽ bổ sung các phương thức quảng cáo qua tin nhắn đa dạng hơn để các doanh nghiệp có thể tiếp cận người dùng tốt hơn, đơn cử như tính năng quảng cáo “Click to message”. 


Instagram


4. Phát triển video và ứng dụng A.I đa dạng hơn


Năm 2024, Instagram cũng được kỳ vọng sẽ có những cải tiến mang tính bước ngoặt trong quá trình ứng dụng A.I. Ông Mark Zuckerberg - Tổng Giám đốc Điều hành của Meta khẳng định thời gian dành cho Instagram đã tăng 24% sau khi ứng dụng phân phối video ngắn dựa trên đề xuất của A.I.


Bên cạnh đó, Instagram còn thử nghiệm nhiều dạng nhãn dán A.I và công cụ chỉnh sửa hình ảnh khác nhau. Dự đoán trong năm 2024, Instagram tiếp tục cho phép người dùng tự tạo và chỉnh sửa hình ảnh đại diện ảo (avatar), đồng thời phát triển tính năng tạo ra một bức ảnh AI và cho phép nhiều người dùng có thể cùng tham gia sáng tạo để hoàn thiện bức ảnh đó. Nhờ điều này, ứng dụng có thể kích thích sự tương tác của người dùng toàn cầu.


Dự đoán sang năm 2024, ngoài nhãn dán, người dùng có thể tự chỉnh sửa ảnh đại diện ảo bên trên Instagram theo sở thích của mình 


5. Sự bùng nổ của Threads


Được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng người dùng, Threads có thể trở thành một trong những nền tảng tiếp thị truyền thông bùng nổ và là đối thủ đáng gờm với nền tảng X trong năm 2024. Để tiếp cận với số lượng lớn khách hàng đang sử dụng nền tảng này, marketers nên bắt đầu cân nhắc xây dựng nội dung trên Threads.


Threads tạo ra một cuộc bùng nổ lớn trên Instagram vào 2023 và được dự đoán sẽ trở thành một trong những đối thủ cạnh tranh khốc liệt với nền tảng X


6. Ứng dụng AR trong mua sắm tại Instagram


Sau khi Snap từ bỏ dự án sử dụng AR trưng bày cửa hàng online, các chuyên gia dự đoán Instagram sẽ “lấp đầy” khoảng trống này. Instagram có thể ứng dụng AR kết hợp với trưng bày cửa hàng sản phẩm trên ứng dụng. Điều này sẽ giúp các thương hiệu bán hàng trên Instagram có cơ hội giúp khách hàng trải nghiệm sản phẩm giống với ngoài đời.



Năm 2024, Shopping trên Instagram có thể trở nên mạnh mẽ hơn khi tiếp tục ứng dụng AR để khách hàng “trải nghiệm thử” sản phẩm online


LinkedIn


6. Cải tiến các tính năng để tập trung tăng tương tác cho ứng dụng


Năm 2023, LinkedIn đã tập trung toàn lực vào A.I thông qua việc liên kết với OpenAI để giúp người dùng dễ dàng tìm kiếm việc làm. Vì thế trong năm 2024, các chuyên gia kỳ vọng LinkedIn sẽ tiếp tục ứng dụng trí tuệ nhân tạo để nâng cao trải nghiệm trong ứng dụng. Bên cạnh đó, nền tảng cũng nên chú tâm cải thiện tính năng kết nối giữa người tìm việc và nhà tuyển dụng. 


Để cải thiện vai trò kết nối 2 bên, LinkedIn được kỳ vọng mang lại thêm nhiều đề xuất cho người tiêu dùng dựa trên dữ liệu về networking, kinh nghiệm và mức độ tương tác.


7. Tăng sự kiện ảo - Virtual Events và Video


LinkedIn gặp hạn chế trong việc phân phối video và các sự kiện online một cách rộng rãi vì nền tảng chỉ cho phép người dùng biết đến những hoạt động từ các tài khoản họ theo dõi trên LinkedIn tổ chức. Các chuyên gia kỳ vọng LinkedIn sẽ mở rộng phân phối các sự kiện ảo và video trên bảng tin của người dùng, đồng thời tìm cách làm nổi bật các sự kiện diễn ra trực tiếp (livestream) ở thanh trên cùng của ứng dụng.


Các sự kiện trực tiếp diễn ra trên LinkedIn được kỳ vọng sẽ xuất hiện nổi bật trên đầu bảng tin của người dùng 


Bên cạnh đó, thay vì hiển thị nội dung video dựa trên những tài khoản mà người dùng kết nối hoặc theo dõi, LinkedIn có thể ứng dụng tính năng AR nhằm phân phối nhiều nội dung hơn đến cả 2 bên.


8. Sử dụng dữ liệu để tăng khả năng tiếp cận nghề nghiệp cho ứng viên


Trong năm 2024, LinkedIn sẽ tìm cách cung cấp nhiều công cụ hỗ trợ người dùng tiếp cận nghề nghiệp dễ dàng hơn. Cụ thể, chatbot A.I sẽ được xây dựng với lời thoại có sẵn, hỗ trợ người dùng giải đáp thắc mắc và hướng dẫn những vấn đề có liên quan đến nghề nghiệp như: trọng tâm nghề nghiệp, hành trình thăng tiến của ứng viên,...


Bên cạnh đó, Linked được khuyến khích tiếp tục phát huy vai trò của “A.I job coach” - công cụ giúp tóm tắt mô tả công việc và gợi ý cho ứng viên cân nhắc xem vai trò đó có phù hợp hồ sơ của mình hay không. Tính năng này còn tích hợp dữ liệu và phân tích giúp tìm kiếm nghiên cứu và gợi ý cho ứng viên các công việc phù hợp. 


Linkedin sử dụng A.I giúp tóm tắt mô tả công việc và gợi ý cho ứng viên công việc phù hợp


Cơ sở dữ liệu của LinkedIn có thể đề xuất cho ứng viên những công việc phù hợp với sở thích, đồng thời giới thiệu các bước cần thiết để ứng viên áp dụng điều chỉnh sao cho CV của mình đáp ứng các yêu cầu trong mô tả công việc. 


Ngoài ra, các chuyên gia cũng kỳ vọng LinkedIn sẽ cung cấp thêm các công cụ cho phép ứng viên tự so sánh kỹ năng và kinh nghiệm của mình với hàng triệu người dùng LinkedIn khác, đồng thời cho thấy những người khác ở các vị trí tương tự đã thăng tiến như thế nào.


9. Lời nhắc tự động


Các chuyên gia đề xuất LinkedIn khai thác cơ sở dữ liệu của mình để đưa ra các lời nhắc ứng viên cần bổ sung những kỹ năng, kinh nghiệm nào để tăng cường cơ hội tìm việc. 


Ngoài các khóa học LinkedIn Learning có liên quan đến những kỹ năng mà ứng viên thiếu sót, nền tảng có thể hướng dẫn người dùng cách cải thiện các kỹ năng cần thiết hàng tuần hoặc đề xuất chỉnh sửa hồ sơ ứng tuyển của người dùng. Để thúc đẩy người dùng cập nhật CV, LinkedIn có thể thêm các phần thưởng khuyến khích như huy hiệu nhằm làm nổi bật mức độ chủ động trong việc cập nhật kỹ năng, hoặc mức độ hoạt động tích cực của họ trong việc thảo luận trên ứng dụng.


10. Xác minh ID chính xác hơn


Dự đoán vào 2024, LinkedIn sẽ mang đến cho người dùng nhiều lựa chọn để xác minh ID và hồ sơ hơn. Hiện nền tảng đang tiến hành làm việc với các nhà cung cấp bên thứ ba để xác nhận thông tin người dùng. Mục tiêu đến năm 2025 của Linkedin là xác minh danh tính ít nhất 100 triệu người dùng trên ứng dụng. Điều này cũng góp phần tăng tính xác thực của các tài khoản, giúp ứng viên và nhà tuyển dụng yên tâm trao đổi thông tin công việc. 


TikTok


11. Thử nghiệm tính năng “Gần tôi” (Nearby)


Tại Trung Quốc, TikTok đã phân nhánh sang các lĩnh vực thương mại mới, bao gồm tính năng giao đồ ăn dịch vụ địa phương bằng cách phân phối nhiều video từ người dùng và doanh nghiệp địa phương.


Tiktok thử nghiệm tính năng “Nearby”


Hiện tại, nền tảng vẫn đang thử nghiệm tính năng “Gần tôi” (Nearby) nhằm đề xuất các video từ các Creator sinh sống trong khu vực lân cận gần với người dùng. Điều này có thể trở thành trọng tâm phát triển của TikTok vào năm 2024 khi nền tảng đang cố gắng tìm nhiều cách để mở rộng hành vi người tiêu dùng. 


12. Công cụ A.I trên TikTok


TikTok đã bắt đầu thử nghiệm các công cụ trí tuệ tổng hợp, bao gồm công cụ dịch văn bản sang video và ảnh đại diện A.I. Trong năm kế tiếp, có khả năng cao TikTok sẽ cho phép người dùng đăng các video clip hoàn toàn do A.I tạo ra. 


TikTok kỳ vọng chatbot A.I có thể giữ chân khách hàng trong quá trình trải nghiệm 


Đồng thời, TikTok đang mở rộng thử nghiệm chatbot A.I và dự kiến ra mắt vào đầu năm 2024. Công cụ này đang được nền tảng triển khai tại Trung Quốc nhằm hỗ trợ giải đáp cho người dùng với mức độ chính xác tương đương như chatGPT. Ngoài việc hỗ trợ người dùng, chatbot A.I của TikTok được xem là công cụ giữ chân người dùng khi tích cực liên kết với các nội dung đang trên xu hướng, đồng thời tạo điều kiện để người dùng khám phá đa dạng content, sản phẩm trong quá trình giải trí trên nền tảng này. 


Huyền Trang


Cập nhật các thông tin mới nhất về ngành qua Newsletter!