Trong bối cảnh hiện nay, khi mà vai trò của người tiêu dùng ngày càng được nâng cao, các doanh nghiệp cần có các chiến lược xây dựng thương hiệu hiệu quả để đảm bảo sản phẩm và dịch vụ đáp ứng được yêu cầu của hiện tại.
Vào năm 2023, theo Clayton Christensen, giáo sư tại Trường Kinh doanh Harvard cho biết gần 30.000 sản phẩm mới được giới thiệu mỗi năm và chỉ 15-20% trong số đó thành công. Cơ hội dành cho doanh nghiệp đang trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết nếu doanh nghiệp biết cách nắm bắt thị trường và đưa ra chiến lược xây dựng thương hiệu phù hợp.
Xây dựng thương hiệu là gì? Tầm quan trọng của nó đối với doanh nghiệp
Xây dựng thương hiệu là quá trình doanh nghiệp sử dụng các chiến lược tiếp thị với mục tiêu tạo độ nhận diện độc đáo, lâu dài trên thị trường, nhằm định hình “chất riêng” của doanh nghiệp trong tiềm thức của khách hàng. Việc xây dựng thương hiệu không xảy ra trong một sớm một chiều mà cần có một chiến lược cụ thể, và có thể thay đổi để phù hợp với sự biến động của thị trường cũng như nhu cầu của người tiêu dùng.
Theo một cuộc khảo sát toàn cầu của Statista vào năm 2022, cứ 10 người tiêu dùng thì có 5 người cho biết họ sẵn sàng chi thêm tiền cho một thương hiệu có hình ảnh quảng cáo lôi cuốn. Ngoài ra, một báo cáo khác của Amazon Ads và Environics Research trong cùng năm cũng tiết lộ rằng, 79% người tiêu dùng toàn cầu có nhiều khả năng mua hàng từ các thương hiệu phù hợp với giá trị của họ.
Suy cho cùng, xây dựng thương hiệu giúp hình thành sự kết nối quan trọng giữa doanh nghiệp và đối tượng mục tiêu. Sau đây là những yếu tố cho thấy tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu đối với doanh nghiệp:
- Tạo sự nhận diện: Xác định chiến lược xây dựng thương hiệu phù hợp sẽ giúp doanh nghiệp nổi bật giữa đám đông cạnh tranh, tạo ra sự phân biệt so với đối thủ trên thị trường. Một thương hiệu mạnh không chỉ thu hút sự chú ý mà còn làm cho doanh nghiệp trở nên đặc biệt và dễ nhớ trong tâm trí của khách hàng.
- Tạo lòng tin và uy tín: Người tiêu dùng có xu hướng mua sắm và làm việc với các doanh nghiệp mà họ tin tưởng. Nếu doanh nghiệp muốn giữ chân người tiêu dùng của mình, hãy xây dựng thương hiệu gắn liền với những giá trị rõ ràng.
- Tạo sự kết nối: Xây dựng một thương hiệu không chỉ là để bán sản phẩm hay dịch vụ, mà còn để tạo sự kết nối sâu sắc với khách hàng. Điều này có thể giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về nhu cầu của họ, từ đó tạo ra các chiến dịch tiếp thị và cung cấp sản phẩm, dịch vụ phù hợp hơn.
Vinamilk đã có dịp kết nối với người dùng khi cung cấp công cụ giúp họ tạo ra mẫu logo giống với bộ nhận diện thương hiệu mới
Các yếu tố cần có để xây dựng thương hiệu
1. Thông điệp và giá trị thương hiệu rõ ràng
Cuộc chiến xây dựng thương hiệu trong marketing rất tàn khốc, thị trường thì chỉ có vậy nhưng doanh nghiệp thì không ngừng xuất hiện. Vậy nên, mỗi doanh nghiệp cần có cho mình một thông điệp và giá trị phát triển nhất quán, cụ thể. Chỉ có như vậy, người tiêu dùng mới có thể định vị thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường, cũng như trả lời được câu hỏi tại sao họ phải lựa chọn sản phẩm, dịch vụ này.
Từ khi chiến dịch "The Real Beauty" ra mắt vào năm 2024 cho đến nay, Dove đã có một hành trình gầm 20 năm bền bỉ theo đuổi thông điệp về vẻ đẹp đích thực
2. Đầu tư cho bộ nhận diện thương hiệu
Hình ảnh doanh nghiệp cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu. Vậy nên, doanh nghiệp cần quan tâm đến việc thiết kế bộ nhận diện thương hiệu của mình sao cho thật “match” với thông điệp và giá trị đã đề cập trước đó.
Bộ nhận diện thương hiệu sẽ được thể hiện qua phần logo - một dạng truyền tải thông điệp thông qua hình ảnh. Sau khi thống nhất và thiết kế xong, logo sẽ là hình ảnh đại diện cho doanh nghiệp trong suốt các hoạt động sau này. Mỗi khi nhắc đến doanh nghiệp nào đó, nếu hình ảnh logo của doanh nghiệp xuất hiện ngay trong suy nghĩ của người dùng thì đã là một thành công lớn trong việc xây dựng thương hiệu.
Logo của Vinfast được thiết kế đơn giản, không có quá nhiều chi tiết nhưng vẫn thể hiện sự tinh tế, sang trọng và đẳng cấp về một hãng xe phong cách của Việt Nam
3. Xây dựng nền tảng trực tuyến phù hợp
Việc chọn nền tảng xây dựng thương hiệu thích hợp phụ thuộc rất nhiều vào mục tiêu của doanh nghiệp. Theo VnReview vào năm 2022, 70% doanh nghiệp cho biết website là công cụ tiếp thị trực tuyến hiệu quả nhất giúp tiếp cận và củng cố các mối quan hệ với khách hàng, hơn hẳn các công cụ tiếp thị marketing trực tuyến khác.
Hơn hết, website được ví như “bộ mặt trực tuyến” của doanh nghiệp. Đây là nơi người dùng tìm kiếm được tất cả các thông tin liên quan cũng như sản phẩm, dịch vụ, lĩnh vực mà doanh nghiệp đang cung cấp, giúp doanh nghiệp thúc đẩy các hoạt động tiếp thị trực tuyến. Ngược lại, mạng xã hội là một công cụ marketing, thu hút người dùng truy cập vào website để tìm hiểu và quan trọng là đưa ra lựa chọn mua hàng. Nhìn chung, doanh nghiệp có thể sử dụng website và mạng xã hội với mục đích bổ trợ cho nhau trong việc xây dựng và phát triển lâu dài.
Xu hướng xây dựng thương hiệu nổi bật của năm 2024
1. Ưu tiên trải nghiệm của người dùng
Theo nghiên cứu của Forbes trong năm 2022, có tới 89% khách hàng cho biết lý do họ lựa chọn thương hiệu khác chỉ vì trải nghiệm khách hàng của doanh nghiệp quá nghèo nàn. Và mặc dù 93% CEO từ đơn vị hàng đầu chia sẻ rằng việc cải thiện trải nghiệm khách hàng là một trong những ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp trong hai năm tiếp theo, thì thống kê cũng cho thấy, mới chỉ có 37% còn lại nghiêm túc với vấn đề này.
Đối với những doanh nghiệp biết nắm bắt thời cơ, đây không chỉ là cơ hội để xây dựng mối quan hệ lâu dài với người dùng mà còn là lợi thế cạnh tranh đáng kể với đối thủ.
L’Oreal và công cụ trải nghiệm làm đẹp thực tế ảo ngay trên website của thương hiệu, cá nhân hóa sản phẩm làm đẹp tốt nhất dành cho người dùng
2. Áp lực chuyển đổi xanh: Sự bền vững và trách nhiệm xã hội
Bên cạnh chất lượng sản phẩm, dịch vụ đạt chuẩn, giá cả phải chăng thì doanh nghiệp cũng cần ưu tiên thực thi các mục tiêu về phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội. Theo thống kê của Unilever vào năm 2023, nhu cầu của người tiêu dùng đối với các thương hiệu bền vững đang gia tăng đáng kể, cụ thể có 54% người dùng muốn mua sản phẩm từ các thương hiệu bền vững. Có thể thấy, việc tích hợp những “giá trị xanh” vào chiến lược phát triển thương hiệu không chỉ để lại ấn tượng tốt đối với cộng đồng và môi trường, mà còn đóng góp vào việc xây dựng hình ảnh lâu dài trong mắt người dùng.
Vào ngày 09/02/2022, BTS với tư cách là Đại sứ toàn cầu của Samsung đã tham gia chiến dịch quảng bá sáng kiến tái chế rác thải nhựa, giúp hoạt động kinh doanh của thương hiệu thân thiện hơn với môi trường
3. Sử dụng nền tảng kỹ thuật số và lợi ích công nghệ mới
Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo và các xu hướng mới đã giúp doanh nghiệp tối ưu hóa nguồn lực, tiếp cận chính xác đến nhóm đối tượng khách hàng tiềm năng. Việc tận dụng các định dạng và nội dung quảng cáo mới có tích hợp công nghệ là cơ sở để doanh nghiệp thu hút sự chú ý của người dùng.
Nhờ công nghệ CGI (Công nghệ mô phỏng hình ảnh), MILO “trình làng” những quảng cáo trông bắt mắt hơn
Có thể nói, việc xây dựng và phát triển thương hiệu là một hành trình không ngừng cải tiến để đáp ứng sự thay đổi của thị trường và nhu cầu của người tiêu dùng. Từ đó, doanh nghiệp có thể tập trung vào trải nghiệm của người dùng, hướng đến chuyển đổi xanh và sử dụng tiện ích của công nghệ mới để gia tăng mức độ nhận diện.
Như Quỳnh