1. Dạng bài viết Giveaway - Tặng quà miễn phí


Nguồn: PNJ

Không có món ăn nào ngon hơn món ăn miễn phí - Tuyên bố này trở nên chính xác hơn bao giờ hết trong trường hợp này. Khách hàng YÊU việc được nhận quà tới mức họ sẵn sàng cạnh tranh với cả trăm người khác để có cơ hội trúng một phần thưởng mà chưa chắc họ đã dùng tới. 

Tuy việc tạo ra một nội dung liên quan tới tặng quà là không hề khó, vẫn có một vài điều bạn cần cân nhắc, chẳng hạn như:

- Điều kiện nhận quà không nên quá khó hoặc quá nhiều bước nhỏ, chẳng hạn như để lại bình luận chia sẻ cảm nghĩ về sản phẩm, trả lời một câu hỏi hóc búa hay bắt buộc phải tag 4-5 người bạn chẳng hạn.

- Món quà không cần quá đắt giá nhưng cũng không nên quá rẻ hoặc gây ra sự ngại ngùng, chẳng hạn như với một thương hiệu đồ lót, thay vì tặng họ một bộ nội y miễn phí, hãy tặng họ một voucher giảm giá chẳng hạn.

Vậy dạng bài này mang tới lợi ích gì cho thương hiệu?

- Tăng chỉ số tương tác của trang, như số lượng nhận xét, chia sẻ, thích và lưu bài viết.

- Cung cấp cho người dùng thứ gì đó để đạt được khi tương tác với nội dung của bạn.

- Cải thiện mối quan hệ của bạn với những người theo dõi.


2. Dạng bài minigame - Tổ chức cuộc thi


Nguồn: Karawindows

Cùng là nhận quà, nhưng khác với dạng bài "trao tay" ở phần trên, khách hàng sẽ cần "sáng tạo" một chút để nhận quà. Không đơn giản chỉ là tag một vài người bạn hay để lại một con số ngẫu nhiên, người nhận cần suy nghĩ một chút để "cạnh tranh" với những đối thủ còn lại hòng chiến thắng. Một vài dạng bài phổ biến có thể là để lại một bức hình thú vị với sản phẩm, dự đoán kết quả một trận đấu thể thao...

Những lợi ích mà một cuộc thi tốt có thể mang lại cho thương hiệu bao gồm:

- Khuyến khích những người theo dõi của bạn tương tác một cách "có ý nghĩa" với trang

- Tăng số lượng bình luận bạn có trên một bài đăng

- Thúc đẩy cộng đồng tham gia, khi những người tham gia thích và bình luận về các mục của người khác.


3. Nội dung gần gũi


Thật khó để giải thích thế nào là một nội dung gần gũi. Hiểu một cách đơn giản, nội dung gần gũi là nội dung giúp người đọc thể hiện cái tôi hoặc phong cách sống của chính mình, từ đó kích thích họ chia sẻ bài viết. 


Chẳng hạn như: Tại sao mỗi khi uống cafe xong bạn lại có cảm giác muốn đi vệ sinh!? hay Không có điều gì khiến bạn hối hận hơn việc xơi tái một chiếc pizza chỉ sau 2 ngày ăn kiêng... Đây cũng là một trong những dạng nội dung đang được khai thác rất mạnh mẽ bởi các công ty truyền thông, một vài ví dụ tiêu biểu có thể kể tới: Insights mất lòng, hội người lười Việt Nam,...

Nguồn: Insight mất lòng


Việc sáng tạo ra các nội dung thực sự gần gũi với người dùng sẽ giúp bạn:

- Kích thích người dùng gắn thẻ bạn bè và chia sẻ bài viết

- Xây dựng một mối quan hệ tốt với khán giả, khiến họ cảm thấy muốn gắn bó và tương tác với trang nhiều hơn.

- Tạo ra sự đa dạng cho nội dung, tránh sự nhàm chán với hàng loạt những bài viết PR / Tiếp thị sản phẩm lặp đi lặp lại.


4. Tổ chức thăm dò ý kiến


Tính dễ dàng trong việc tham gia là một trong những nguyên nhân chính khiến dạng nội dung này cực kỳ hiệu quả. Thêm vào đó, việc tạo ra những cuộc bỏ phiếu sẽ kích thích sự tò mò của người dùng, bởi họ chỉ có thể xem kết quả nếu đã tiến hành bỏ phiếu. Chẳng hạn như bạn đang kinh doanh đồ ăn nhanh chẳng hạn, một câu hỏi như: "Món nào ngon hơn, gà rán hay hamburger?" cũng đủ để khiến hàng trăm "những chú mèo tò mò" tương tác với cuộc thăm dò ý kiến của bạn rồi đấy.


Tổ chức một cuộc thăm dò ý kiến sẽ:

- Tạo một cách đơn giản, dễ dàng để những người theo dõi tương tác với nội dung của bạn

- Cho phép bạn biết ý kiến ​​của khán giả là gì

- Tạo số liệu thống kê có thể chia sẻ cho cả bạn và những người theo dõi trang


5. Yêu cầu ghép nối/song ca


Loại bài đăng tương tác này đang tỏ ra đặc biệt hiệu quả trên TikTok, nơi bạn có thể yêu cầu người xem song ca hoặc thực hiện các hành động ghép với nội dung của bạn. Đây là loại tương tác yêu cầu khách hàng hành động nhiều hơn so với những lượt thích hoặc bình luận thông thường, nhưng nó thường sẽ mang lại kết quả có giá trị hơn.


Ví dụ: có rất nhiều nghệ sĩ trên TikTok đăng video “hãy song ca bài này cùng tôi nhé" và hát trước một đoạn chẳng hạn. Những người dùng Tik Tok khác sẽ có cảm giác được gần gũi với thần tượng hơn, từ đó kích thích họ tương tác và thực hiện các thử thách, qua đó giúp tăng tính lan tỏa của thông điệp / bài hát.


Nội dung này có thể giúp bạn:

- Khuyến khích người dùng khác tạo video kết hợp nội dung của bạn

- Giao tiếp rõ ràng với những người theo dõi của bạn rằng bạn đang tìm kiếm loại tương tác này

- Theo dõi và đánh giá loại nội dung nào thu hút người theo dõi của bạn hành động nhất


6. Trả lời bình luận bằng video


Đây cũng là một dạng nội dung được khuyến khích nhiều nhất trên Tik Tok. Việc trả lời một bình luận bằng một video ngắn sẽ giúp truyền tải thông điệp của bạn một cách cụ thể và giàu cảm xúc hơn (Nghiêm túc / Hài hước / Giàu thông tin...) thay vì việc trả lời bằng câu từ như thông thường. 


Trả lời nhận xét bằng video có thể dẫn đến:

- Nhiều nhận xét hơn về tổng thể các bài đăng của bạn, khi người dùng cố gắng trở thành người tiếp theo bạn chọn để trả lời

- Làm cho khán giả của bạn cảm thấy được lắng nghe và có giá trị

- Có khả năng bán được nhiều hàng hơn, đặc biệt nếu các nhận xét có liên quan đến việc đặt hàng hoặc đóng gói sản phẩm


7. Xin lời khuyên


Việc đưa ra các nội dung dạng nghi vấn / câu hỏi và khuyến khích khách hàng đưa ra lời khuyên thực sự không phải là một cách hay nếu bạn đang đi tìm giải pháp, nhưng nó sẽ là một cách tuyệt vời để thu hút người dùng tương tác. Trên mạng xã hội, người ta thường có xu hướng thể hiện mình nhiều hơn, đặc biệt là với các vấn đề liên quan tới đạo đức hoặc yêu cầu sự am hiểu nhất định. 


Chẳng hạn như: Liệu đôi giày xyz có thực sự xứng đáng với giá tiền!? Hay "bạn nên đánh màu son gì khi đi phỏng vấn?"...

Dạng nội dung "xin lời khuyên" này có thể:

- Khuyến khích những người theo dõi bạn bình luận về bài đăng của bạn

- Khuyến khích khách hàng lưu lại bài viết (vì những người khác có thể muốn ghi nhớ lời khuyên tương tự để đọc lại trong tương lai)

- Mang lại thông tin chi tiết về sản phẩm nào của bạn được người theo dõi yêu thích


8. Đặt câu hỏi


Chiến lược này tương tự như xin lời khuyên, nhưng cởi mở hơn bởi bạn có thể đặt câu hỏi về bất cứ điều gì. Chẳng hạn như "Bạn dự đoán sản phẩm tiếp theo của chúng tôi là gì?" hay "Bạn có nghĩ rằng việc đeo một chiếc bông tai lấp lánh như sản phẩm... sẽ khiến bạn trông trẻ ra?"


Việc tạo ra một câu hỏi cụ thể sẽ giúp bạn:

- Nhận thêm bình luận về bài đăng của bạn

- Giúp bạn theo dõi mức độ quan tâm của khách hàng về nhãn hàng / sản phẩm

- Tạo ra cảm giác ngóng chờ / quan tâm khi chuẩn bị mắt sản phẩm mới


9. Đăng hình ảnh chất lượng


Thực sự thì đây là một trong những dạng nội dung đơn giản nhất mà bạn có thể sử dụng khi "bí ý tưởng". Một bức ảnh đẹp sẽ thay mọi lời muốn nói, kích thích người xem tương tác, để lại bình luận và chia sẻ chúng. Không phải mọi bức ảnh mà bạn chia sẻ trên phương tiện truyền thông xã hội của mình đều cần phải hoàn hảo, nhưng thỉnh thoảng hãy cân nhắc việc đưa ra một bức ảnh thực sự chất lượng, khác biệt hẳn với những bức hình thông thường nhằm tăng giá trị cảm nhận cho thương hiệu của bạn.


Đăng những bức ảnh đẹp sẽ:


- Khuyến khích những người theo dõi của bạn chia sẻ nội dung của bạn dựa trên thẩm mỹ

- Tạo cho thương hiệu của bạn một cái nhìn chuyên nghiệp hơn

- Làm cho newfeed của bạn có cảm giác bắt mắt hơn


10. Đăng nội dung tập trung vào thị trường ngách


Hầu hết những người dùng theo dõi bạn vì họ quan tâm đến thị trường ngách cụ thể của bạn sẽ bị thu hút nhiều nhất bởi nội dung liên quan tới thị trường ngách đó. Chẳng hạn, người dùng của một thương hiệu túi xách sẽ bị thu hút nhiều bởi các nội dung giúp họ lựa chọn chiếc túi phù hợp vào các dịp đặc biệt.


Việc sử dụng dạng nội dung này sẽ giúp bạn:

- Đảm bảo rằng những người theo dõi bạn có thể kết nối với nội dung của bạn

- Khuyến khích khách hàng lưu lại bài viết 

- Làm cho nội dung của bạn tập trung và mang tính cụ thể, để những người theo dõi biết bạn là ai


11. Chia sẻ tin tức cá nhân


Người dùng phương tiện truyền thông xã hội hiện đại - ví dụ như GenZ - rất thích nhìn thấy những người thực sự đứng sau các thương hiệu. Hãy "nhân cách hóa "nội dung của bạn nhiều hơn bằng cách chia sẻ (tất nhiên là ở mức độ vừa phải) tin tức hoặc sự kiện cá nhân mà bạn hào hứng sẽ khiến người dùng cảm thấy thú vị. Dạng nội dung này sẽ đặc biệt hiệu quả nếu bạn đang xây dựng một thương hiệu song song với nhân hiệu. 


Chẳng hạn như để đánh dấu sinh nhật tuổi thứ 33 của mình, bạn quyết định giảm giá 33% cho người dùng chúc mừng sinh nhật bạn trong bài viết này... chẳng hạn!


Chia sẻ tin tức cá nhân có thể:


- Cung cấp cho những người theo dõi của bạn một nhận thức xác thực hơn về thương hiệu của bạn

- Mang lại lượt thích và nhận xét từ những người mong muốn tốt và người dùng hỗ trợ bạn

- Hãy là một lý do tuyệt vời để hồi đáp những người theo dõi bạn (ví dụ: thông qua giảm giá hoặc tặng quà)


12. Đăng nội dung hữu ích và nhiều thông tin


Nếu một trong những mục tiêu tiếp thị xã hội của bạn là nhận được nhiều lượt chia sẻ và lượt lưu bài viết hơn, hãy cân nhắc đến việc tạo nội dung hữu ích và chứa nhiều thông tin. Nếu những người theo dõi của bạn có thể học được điều gì đó thông qua bài đăng của bạn, họ có thể sẽ muốn chia sẻ kiến thức đó hoặc lưu nó để sử dụng trong tương lai.


Chẳng hạn như bạn là một thương hiệu chuyên bán bàn là, hãy thử chia sẻ các bài viết liên quan tới cách gấp quần áo nhanh, cách bảo quản quần áo...


Việc đăng nội dung hữu ích và nhiều thông tin sẽ dẫn đến:

- Nhiều lượt chia sẻ hơn, vì người dùng muốn chia sẻ kiến thức tới những người xung quanh

- Tăng lượt lưu bài viết 

- Tăng sự tin tưởng của người dùng về thương hiệu nếu các thông tin trên thực sự có ích / hiệu quả


13. Chia sẻ nội dung từ người dùng


Đây là một cách tuyệt vời để nói với khách hàng tiềm năng rằng không chỉ có mỗi chúng tôi yêu thích sản phẩm mà mình tạo ra, khách hàng của chúng tôi cũng yêu nó. Tương tự như dạng bài đánh giá / feedback, việc chia sẻ các câu chuyện của khách hàng liên quan tới sản phẩm sẽ tạo động lực cho những khách hàng khác có trải nghiệm tương tự cũng chia sẻ.


Chia sẻ nội dung do người dùng tạo có thể giúp bạn:

- Xây dựng tính xác thực cho thương hiệu của bạn

- Khuyến khích những người theo dõi của bạn đăng bài về bạn, vì có khả năng họ sẽ được giới thiệu

- Tăng số lượt chia sẻ của bạn, khi người dùng chắc chắn sẽ chia sẻ lại nội dung của chính họ sau khi bạn chia sẻ nội dung đó


14. Nắm bắt thời điểm để "bắt trend" 


Không có dạng nội dung nào thú vị hơn việc bắt trend đúng thời điểm. Điều này sẽ khiến khách hàng thích thú và có xu hướng tương tác nhiều hơn so với các dạng nội dung khác. Một ví dụ đơn giản sẽ có dạng như "Tôi thích xem phim ở nhà hơn vì yêu sự "riêng tư", vì thế tôi chọn loa ... có khả năng cách âm / chống ồn tuyệt vời...


Những nội dung như thế này sẽ giúp bạn:

- Thể hiện khả năng cập nhật xu hướng và sự hiểu biết về các xu hướng hiện tại

- Làm cho thương hiệu của bạn gần gũi hơn với khán giả 

- Truyền cảm hứng


15. Trả lời bình luận 


Làm thế nào để khiến người xem tương tác? Trò chuyện với họ!

Việc thường xuyên trả lời các bình luận / nhận xét một cách nhất quán sẽ thiết lập một hình thức giao tiếp chung với những người theo dõi của bạn, họ sẽ có nhiều khả năng đưa ra những bình luận về các bài đăng của bạn hơn nếu họ nghĩ rằng bạn sẽ trả lời. 


Trả lời bình luận sẽ:

- Thiết lập mối quan hệ có ý nghĩa với những người theo dõi bạn

- Làm cho những người theo dõi của bạn có nhiều khả năng nhận xét về bài đăng của bạn hơn

- Tăng tổng số bình luận bạn có trên mỗi bài đăng


16. Đăng meme


Meme hiểu đơn giản là những bức ảnh chế hoặc những bức hình hài hước đang viral - trở thành xu hướng trong thời điểm đó. Đây là một trong những dạng nội dung được giới trẻ (Millennial / 9x - GenZ) đặc biệt yêu thích. Thông qua các nội dung này, thương hiệu của bạn sẽ thể hiện ra một hình ảnh thân thiện, gần gũi và "trendy" hơn so với các thương hiệu thông thường trong mắt những người dùng trẻ tuổi.

Đăng meme có thể:

- Thu hút khán giả trẻ hơn vào nội dung của bạn

- Dẫn đến nhiều lượt chia sẻ

- Khiến những người theo dõi của bạn biết rằng bạn rất sành điệu và nắm bắt xu hướng nhanh


17. Sao chép (hoặc thách thức) đối thủ cạnh tranh


Ấy, đừng chỉ đọc mỗi tiêu đề mà vội làm theo bạn nhé, nghe Ori nói hết đã. Đừng thực sự sao chép đối thủ cạnh tranh - chúng ta đang tìm cách thu hút người dùng tương tác chứ không phải dính vào một vụ kiện liên quan tới bản quyền đâu nhé. Nhưng một cái "gật đầu thân thiện" với thương hiệu khác trong ngành của bạn có thể là một cách tuyệt vời để khiến người xem tương tác với tác phẩm của bạn.



Ví dụ tốn giấy mực nhất chắc hẳn là các quảng cáo mang tính "cà khịa" của các cặp kỳ phùng địch thủ như Cocacola và Pepsi / Samsung và Apple hay ở Việt Nam là Milo và Ovaltine.


Sao chép hoặc thách thức một đối thủ cạnh tranh sẽ:

- Khuyến khích những người theo dõi chọn một bên và nói lên ý kiến của họ

- Tạo ra một bộ phim truyền hình dài tập (có thật hoặc dựng) mà khán giả yêu thích

- Thúc đẩy mối quan hệ giữa thương hiệu của bạn và những người khác trong ngành 


18. Đưa ra quan điểm về chủ đề đang nóng


Việc đăng các nội dung mang tính chủ kiến của bạn (nghiêm túc hoặc ngớ ngẩn) sẽ châm ngòi cho cuộc trò chuyện trong phần bình luận của bạn. Khán giả thường không thể cưỡng lại việc chia sẻ ý kiến của họ về các chủ đề gây tranh cãi, bất kể chủ đề đó thực sự quan trọng như thế nào.


Ví dụ như bạn nghĩ gì về quảng cáo bị đánh giá là phân biệt chủng tộc mới đây nhất của Dior / Hay những câu nói đạo lý của anh MC nào đó có thực sự đáng để gây tranh cãi...


Việc chia sẻ quan điểm về một chủ đề sẽ giúp thương hiệu:

- Khuyến khích những người đồng ý lên tiếng ủng hộ họ

- Khuyến khích những người không đồng ý lên tiếng bác bỏ


Nguồn: Ori Marketing Agency