Từ giây phút bước chân vào công ty, một ngàn lẻ một nỗi sợ có thể bủa vây lấy nhân sự: “Mình không thuộc về nơi này”, “Mình quá may mắn khi có được những thành tích hiện tại”, “Liệu hôm nay có ai phát hiện ra rằng mình là một 'Imposter' trong văn phòng này hay không?”,... Nhưng nhân sự không biết rằng bé Intern ngồi đối diện, chị Account ngồi cạnh bên hay anh Designer trong góc phòng kia cũng lặng lẽ có suy nghĩ như vậy.


Không còn quá xa lạ, những suy nghĩ này chính là biểu hiện của Imposter Syndrome (Hội chứng kẻ mạo danh). Hiện tượng tâm lý này đã và vẫn đang gây ảnh hưởng mạnh mẽ lên rất nhiều nhân sự và cản bước họ chinh phục những cột mốc thành công trên lộ trình sự nghiệp.


Impostor Syndrome là gì?


Imposter Syndrome hay Hội chứng kẻ mạo danh là một hiện tượng tâm lý lần đầu được Pauline Rose Clance và Suzanne Ament Imes nghiên cứu và cho ra đời vào năm 1978. Trạng thái này diễn ra khi con người lặp đi lặp lại suy nghĩ nghi ngờ về những thành công mình đã đạt được, tự đánh giá rằng mình không giỏi, không xứng đáng với thành công đó và lo ngại rằng người khác phát hiện những gì bản thân có đều nhờ vào sự may mắn. 


Thực chất, đây không phải là một hội chứng hiếm gặp. Theo nghiên cứu “You're Not Fooling Anymore" của John Gravois, có đến khoảng 70% dân số từng mắc phải hội chứng này ít nhất một lần. Hội chứng này có thể được bắt gặp ở người thuộc mọi giới tính, công việc, hoàn cảnh sống và thậm chí, những người có năng lực tốt, đạt thành công vượt trội, những quản lý cấp cao,... cũng không phải là ngoại lệ.


"Hội chứng kẻ mạo danh" vẫn đang xâm chiếm chốn công sở


Có ba đặc điểm cơ bản để nhận biết một người đang mắc phải Imposter Syndrome:

  • Phản ứng tiêu cực đối với những phản hồi tích cực về bản thân
  • Mang nỗi sợ bị vạch trần là “lừa đảo”
  • Có xu hướng liên tục hạ thấp những thành tích của bản thân, cho rằng nó chưa đạt “tiêu chuẩn”


Chúng ta có thể nhìn thấy những đặc điểm này thông qua những biểu hiện tưởng chừng như rất nhỏ hằng ngày. Ví dụ như cho rằng mọi người có cái nhìn phóng đại về khả năng của bản thân hoặc việc người khác khen mình có thể chỉ là do họ lịch sự; một lỗi rất nhỏ cũng khiến bản thân “tức điên” lên dù cho tổng thể công việc thực sự rất tốt; cảm thấy vô cùng sợ hãi mỗi lần nhận feedback; chần chừ hoặc không bày tỏ ý kiến cá nhân trong những cuộc họp… Những biểu hiện này có thể khác biệt tuỳ theo tính cách cá nhân và những yếu tố xung quanh.


Tưởng không hại mà hại không tưởng


“Mình có ý tưởng này nhưng nói ra thì bị cười mất!”


“Mình không đồng ý với quan điểm của chị Manager, nhưng chắc là mình sai rồi, mình không giỏi mà.”


“Sếp mới giao cho mình task này hay quá, nhưng đồng ý nhận mà làm không được thì bị nói là dốt mất!”


Như một sợi dây vô hình, những ý nghĩ dai dẳng này trói chặt nhân sự vào chiếc ghế họ đang ngồi - không phát triển, không thay đổi, không sáng tạo! Trong thời gian ngắn, điều này gây ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc, làm giảm độ hài lòng trong công việc của nhân sự. Ở tầm nhìn xa hơn, nhân sự bỏ qua những cơ hội dấn thân và không khai thác được hết những tiềm năng đang có để thăng tiến cao hơn.


Bên cạnh đó, xu hướng không để tâm đến những lời khen ngợi ở những người mắc Imposter Syndrome cũng gây bất lợi cho nhân sự trong việc xây dựng mạng lưới mối quan hệ. Theo Tiến sĩ Lisa Orbé-Austin, tác giả cuốn sách "Own Your Greatness: Overcome Impostor Syndrome, Beat Self-Doubt, and Succeed in Life" (Tạm dịch: "Làm chủ sự vĩ đại của bạn: Vượt qua hội chứng kẻ mạo danh, đánh bại sự nghi ngờ và thành công trong cuộc sống"), mỗi lời khen chính là một khoảnh khắc kết nối mối quan hệ. Việc ám ảnh với việc phù nhận bản thân sẽ làm cho nhân sự vô tình đánh mất cơ hội đó.


Mặt khác, dù đây không phải là một căn bệnh tâm lý nhưng nếu hội chứng này kéo dài có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần của người mắc phải khi nó dẫn đến căng thẳng, lo lắng, kiệt sức thậm chí là trầm cảm.


Hội chứng này đem đến những tác động tiêu cực đến sự nghiệp lẫn sức khoẻ tinh thần của những ai mắc phải


Cách để “combat” với hội chứng kẻ mạo danh


1, Cho bản thân nhiều thông tin hơn


Thay vì vội vã đi đến kết luận rằng mình không giỏi và không xứng đáng với những gì bản thân đang có, nhân sự hãy thu nhặt nhiều thông tin hơn bằng cách tự nhìn nhận lại toàn bộ quá trình làm việc hoặc trò chuyện với những người xung quanh về khả năng làm việc của mình. Từ đó, nhân sự có thể có được một bức tranh tổng thể hơn về việc mình đang giỏi ở đâu, còn thiếu sót điều gì và từ đó có được một cái nhìn khách quan về khả năng thực sự của bản thân.


Việc chấp nhận rằng mình còn nhiều điều chưa hoàn thiện là điều tốt để bản thân có được không gian để học hỏi, phát triển hơn nhưng nhân sự không nên để những suy nghĩ đó giữ chân và ngăn cản mình tiến về phía trước.


2, Sử dụng "bằng chứng thép"


Những con số sẽ không thể nói dối. Thay vì chìm đắm trong suy nghĩ rằng mình quá may mắn, nhân sự có thể thử tìm hiểu xem mình có thực sự may mắn như vậy hay không bằng cách tạo một tệp riêng để thống kê lại các kết quả đạt được trong thời gian làm việc.


Hãy để những con số nói lên sự thật


Nếu những kết quả dao động trong một phạm vi nhất định, chứng tỏ khả năng của nhân sự thực sự đang ở vị trí đó. Ví dụ, một blogger có thể theo dõi số lượt xem trang trung bình hàng tháng của bài đăng của mình và xem chúng tăng lên hoặc so sánh chúng với mức trung bình.


Tương tự như việc theo dõi các số liệu về kết quả công việc, nhân sự hãy lưu giữ một tập tin về những thành quả của bản thân dù là những thành công vượt trội hay chỉ là những tin nhắn mang phản hồi tích cực từ khách hàng. Việc tập thói quen tiếp nhận những điều này giúp cho nhân sự củng cố sự tích cực cả trong công việc và cuộc sống cá nhân. 


3, Trò chuyện với mọi người xung quanh một cách cởi mở, thoải mái


Như đã đề cập ở trên, đây không phải là một hội chứng hiếm gặp và rất nhiều người đã và đang có những trải nghiệm tương tự với hội chứng này. Do đó, việc nhân sự chia sẻ suy nghĩ và trải nghiệm với người khác, đặc biệt là những người có kinh nghiệm dày dặn như quản lý hay mentor, là một lựa chọn tốt để nhân sự cảm nhận được sự đồng cảm và tham khảo nhiều cách "đối phó" với hội chứng kẻ mạo danh. 


Ví dụ: Nhân sự có thể nhờ họ gợi ý hệ thống theo dõi kết quả phù hợp hoặc tìm ra số liệu nào nên được đo lường, họ cũng có thể giúp đỡ để tìm kiếm nhiều cơ hội hơn để nhân sự tỏa sáng và đạt được tầm nhìn trong nhóm hoặc công ty nói chung.


Giao tiếp là cách hiệu quả để tìm kiếm giải pháp vượt qua Hội chứng kẻ mạo danh


Bên cạnh đó, quá trình giao tiếp cũng mở ra cánh cửa để họ bày tỏ những suy nghĩ, đánh giá của họ. Nếu nhận được lời khen, nhân sự nên thoải mái hơn trong việc tiếp nhận và nghiêm túc nhìn nhận những phản hồi tích cực đó. Tiến sĩ Lisa Orbé-Austin đưa ra lời khuyên rằng, thay vì nói "kết quả của tôi chỉ tầm thường thôi", hãy giao tiếp bằng ánh mắt và cảm ơn họ, bày tỏ rằng mình rất biết ơn khi họ đã dành lời ngợi khen đó cho mình.


4, Tập trung vào sự tiến bộ thay vì sự hoàn hảo


Một nghiên cứu vào năm 2015 chỉ ra rằng những người mắc hội chứng kẻ mạo danh có nhiều khả năng gặp khó khăn với chủ nghĩa cầu toàn và thiếu tự tin vào khả năng hoàn thành nhiệm vụ của mình. Những người như vậy quan tâm sâu sắc đến chất lượng công việc và tác động của những đóng góp của họ. Tuy nhiên, khi nhân sự gắn điều đó với giá trị bản thân có thể dẫn đến sự thiếu linh hoạt và khắt khe quá mức với bản thân.


Do đó, việc điều chỉnh các tiêu chuẩn thành công có thể giúp cho nhân sự dễ dàng chấp nhận những thành quả của mình hơn. Việc chấp nhận mình khó có thể hoàn hảo và tập trung nhiều hơn vào sự tiến bộ sẽ giúp cho nhân sự cảm thấy "dễ thở" hơn, cho mình không gian để phát triển một cách tích cực và mạnh mẽ hơn.


Thay đổi tiêu chuẩn thành công giúp nhân sự cải thiện mức độ hài lòng với công việc


5, “Say yes” với những cơ hội mới


Đảm nhận công việc mới đầy thử thách và làm tốt công việc đó có thể mở ra rất nhiều cánh cửa cho nhân sự. Đừng để kẻ mạo danh bên trong từ chối những cơ hội “thay đổi cuộc chơi này”. Những cơ hội tuyệt vời này có thể làm nên điều kỳ diệu để giúp nhân sự học hỏi, phát triển và thăng tiến trong sự nghiệp.


Cơ hội không thể đến quá nhiều lần, hãy luôn sẵn sàng nắm bắt nó


Hãy ghi nhớ câu nói nổi tiếng của Richard Branson: “Nếu ai đó cho bạn một cơ hội tuyệt vời và bạn không chắc mình có thể làm được, hãy nói đồng ý. Sau đó hãy học cách thực hiện nó sau.”


Mặc dù việc đảm nhận một vai trò mà bản thân không chắc mình có thể thành công có thể đáng sợ, nhưng nhân sự hãy biết rằng bản thân được yêu cầu làm việc đó là có lý do và không có gì sai khi học những điều mới và đặt câu hỏi trong suốt quá trình.


Hà Duyên