Trước khi mạng xã hội trở nên phổ biến, truyền hình được xem là kênh quảng cáo hiệu quả nhất của các thương hiệu. Tại thị trường quốc tế, kể từ khi mạng lưới phát National Broadcasting Company (NBC) phát sóng quảng cáo truyền hình đầu tiên trên thế giới vào năm 1941, các thương hiệu đã có một cuộc cạnh tranh thầm lặng nhằm tìm xem công ty nào có thể tạo ra quảng cáo… đắt đỏ nhất. Những tên tuổi nổi bật trên thị trường như Chanel, Coca-Cola, Honda,... đều đã tham gia cuộc đua “đốt tiền” với mức phí đầu tư dao động từ 1,8 triệu đến 21,5 triệu USD (tương đương 44 đến 530 tỷ đồng). Cùng khám phá những TVC có giá trị hàng trăm tỷ đồng!


1. Coca-Cola: Hilltop (1971)


Với quảng cáo “Hilltop” của Coca-Cola, người xem được nhìn thấy những hình ảnh cổ điển và giản dị đến bất ngờ trên một đỉnh đồi ở Ý. Một nhóm người đa dạng màu da, chủng tộc, kiểu tóc, trang phục,... cất vang tiếng hát kêu gọi mọi người cùng uống Coca-Cola để thúc đẩy hòa bình thế giới. 


Ca khúc thú vị này được ông Bill Backer - Cố Giám đốc Sáng tạo của agency McCann Erickson kết hợp cùng các nhạc sĩ như Billy Davis, Roger Cook,... Thay vì giam mình trong studio và cố gắng viết lời, ông Backer lại hoà mình vào trong dòng người đông đức, nhìn thấy những hành khách ngồi trong quán cà phê ở sân bay, vui vẻ nói cười cùng chai Coca-Cola. 


Ông đã ghi lại cảnh tượng này và viết rằng: “Vào khoảnh khắc đó, tôi nhìn thấy chai Coke dưới một góc nhìn hoàn toàn mới. Đây không chỉ là một loại đồ uống thông thường mà nó còn giúp gắn kết hàng trăm triệu người ở khắp mọi nơi trên thế giới. Vì thế, với tôi, câu nói ‘Hãy cùng uống một cốc Coke’ mang nghĩa ‘Chúng ta hãy bầu bạn với nhau một lát nhé’”.



Vì thế, ca khúc đầy tính nhân văn “Tôi muốn mua cho thế giới một ngôi nhà và trang trí nó bằng tình yêu thương. Tôi muốn mua cho thế giới một lon Coke và bầu bạn với họ” đã vang lên trên các đài phát thanh vào ngày 12/02/1971. Chúng ngay lập tức trở nên nổi tiếng và thậm chí dần xuất hiện trên các bảng xếp hạng nhạc pop. Sau đó, Backer đã phát hành bản thu âm “I'd Like to Teach the World to Sing (In Perfect Harmony)” và chúng đã đạt vị trí thứ 7 trên bảng xếp hạng Billboard Hot 100. 


Quảng cáo mang tính biểu tượng của Coca-Cola được đầu tư với mức phí 250 nghìn USD vào năm 1971. Nếu tính theo thời điểm hiện tại, con số đó lên đến 1,8 triệu USD (tương đương 44,2 tỷ đồng). Đây là mẫu quảng cáo đắt nhất thế giới vào thời điểm đó.


Không đơn thuần chỉ quảng bá sản phẩm, thương hiệu còn nỗ lực kêu gọi hoà bình cho khắp thế giới


2. Honda: Cog (2003)


“Cog” là mẫu quảng cáo truyền hình do Honda tung ra vào năm 2003 nhằm quảng cáo cho dòng xe Accord thế hệ thứ 7. Theo đó, quảng cáo đã tháo rời tất cả bộ phận trên chiếc xe Accord, sau đó sắp xếp thành chuỗi phản ứng dây chuyền đầy thú vị. 


Video mở đầu với hình cảnh ổ trục chuyển động lăn trên bề mặt gỗ. Sau đó, nó tác động đến bánh răng, bô xe, đinh, bánh xe, ghế ngồi,... Máy ảnh lần lượt dõi theo các chuyển động theo chuỗi phản ứng domino từ trái sang phải. Càng về sau, va chạm của các dụng cụ càng trở nên phức tạp hơn khi có sự “tham gia” của dầu nhớt, cánh quạt, kính chắn gió, nắp ca-pô,... 



Không chỉ tạo ra những âm thanh vui tai, điều khiến người xem bất ngờ là sau khi chìa khoá điện tử được tra vào ổ cắm và cửa sau được đóng lại, tất cả bộ phận đã kết hợp với nhau tạo thành chiếc xe Accord hiện đại. Đoạn quảng cáo kéo dài 2 phút này được sản xuất hoàn toàn thủ công và không có sự tham gia của bất kỳ công nghệ đồ hoạ nào.


Để tạo dựng được quảng cáo này, Honda đã kết hợp cùng agency Wieden+Kennedy, đạo diễn người Pháp Antoine Bardou-Jacquet và một đội ngũ gồm các nhà thiết kế, điêu khắc và nhiếp ảnh gia. Tất cả nhân sự đã dành nhiều tháng trong một studio ở Paris để “phá huỷ” và nghiên cứu hướng dẫn sử dụng chiếc xe của Honda, vẽ ra chuỗi dây chuyền hợp lý, sau đó liên tục thử nghiệm. Các buổi quay phim đòi hỏi sự tập trung cao độ bởi những chuyển động của các bộ phận xe hơi cần chính xác đến từng inch. Trong buổi quay đầu tiên, đội ngũ sản xuất đã mất hơn 90 phút chỉ để quay được hình ảnh ổ trục chuyển động ở đầu video. 


TVC đòi hỏi sự tính toán kỹ lưỡng để tạo ra những thước phim hoàn hảo


Ngay sau khi mẫu quảng cáo được ra mắt trên đài truyền hình, Honda đã chứng kiến mức lưu lượng truy cập trang web trong 24 giờ của hãng nhiều hơn lưu lượng của tất cả các thương hiệu ô tô ở Anh trong cả tháng đó. Dù lúc bấy giờ, Honda không thể chiếu mẫu quảng cáo dài hơn 120 giây do chi phí của đài truyền hình quá cao, thế nhưng “Cog” vẫn được xem là một trong những mẫu quảng cáo đột phá và có sức ảnh hưởng nhất trong những năm 2000, đồng thời là TVC nhận được nhiều giải thưởng từ ngành Truyền hình và Quảng cáo nhất từ trước đến nay.


Có thể nói, Honda đã thành công khi chấp nhận đầu tư số tiền “khổng lồ” lên đến 6 triệu bảng Anh - tương đương 6,2 triệu USD lúc bấy giờ (khoảng 10 triệu USD - 245,8 tỷ đồng ngày nay) để thực hiện được mẫu quảng cáo này. Chia sẻ với tờ The Guardian vào năm 2016, ông Tony Davidson - Giám đốc Điều hành Sáng tạo của Wieden+Kennedy từng tham gia thực hiện “Cog” cho biết: “Ngày nay các công ty chi những khoản tiền khổng lồ cho nghiên cứu và phát triển, thế nhưng rất khó để họ có thể mạo hiểm thử nghiệm những mẫu quảng cáo như thế này. Tôi không nghĩ rằng mình có thể có cơ hội tham gia một dự án như vậy lần nào nữa.” 


3. Chanel: Nº5 The Film (2004)


Chanel Nº5 (hay Chanel No.5) là mẫu nước hoa đầu tiên được đưa ra thị trường bởi nhà thiết kế thời trang Gabrielle "Coco" Chanel vào năm 1921. Dù đã tồn tại trên thị trường hơn một thế kỷ, Chanel No.5 vẫn được xem là sản phẩm nước hoa phụ nữ thành công nhất mọi thời đại, luôn được xếp vào top 10 loại nước hoa bán chạy nhất trên thế giới đến tận ngày nay. Thương hiệu Chanel ước tính, cứ mỗi 30 giây lại có 1 lọ nước hoa No.5 được bán ra.


Nhằm quảng bá cho sản phẩm nước hoa biểu tượng này, Chanel đã chi 33 triệu USD (52 triệu USD ngày nay - tương đương 1,278 nghìn tỷ đồng) cho đoạn quảng cáo dài 180 giây vào năm 2004 do Baz Luhrmann đạo diễn và nữ diễn viên đoạt giải Oscar Nicole Kidman đóng vai chính. Mang tên “The Film”, quảng cáo miêu tả hình ảnh người phụ nữ nổi tiếng cố gắng chạy trốn khỏi những ánh đèn flash và các tay săn ảnh. Bất chấp xe cộ đông đúc trên Quảng trường Thời đại, cô vẫn hối hả chạy ra giữa dòng đường nhằm tìm kiếm một lối thoát cho mình.



Sau đó, cô mở cửa một chiếc taxi và gặp gỡ một người đàn ông xa lạ. Cả hai trở về căn hộ có view ngắm toàn cảnh thành phố của anh và trải qua một mối tình lãng mạn. Cả hai nhân vật cùng nhau khiêu vũ, ngắm nhìn pháo hoa,... Những tưởng đây sẽ là một đoạn phim có “happy ending”, thế nhưng đáng tiếc thay, Nicole phải trở về vị thế ngôi sao của mình bởi áp lực từ khắp nơi bủa vây. Cô trở về trước ánh đèn sân khấu và đám đông nhiếp ảnh gia mình từng nỗ lực trốn chạy, bỏ lại người mình yêu trên căn hộ ấm áp. Người đàn ông vẫn ngồi trên chiếc biển hiệu Chanel khổng lồ và dõi mắt theo người phụ nữ yêu quý của mình.


Vào thời điểm ấy (2004), thước phim điện ảnh lãng mạn này đã giúp quảng cáo của Chanel trở nên khác biệt và độc đáo trên thị trường. Không cố ý lồng ghép hình ảnh sản phẩm “lộ liễu”, đạo diễn Luhrmann chứng minh Chanel không chỉ bán nước hoa mà còn bán cả phong cách sống sang trọng, thời thượng cho người dùng. Mẫu nước hoa Nº5 sẽ biến bất kỳ người dùng nào trở thành ngôi sao được vô vàn người yêu mến.


 

Chuyện tình lãng mạn của cặp đôi bên cạnh logo Chanel khổng lồ


Việc sản xuất một quảng cáo truyền hình với thời lượng lên đến 180 giây là một khoản chi phí khổng lồ đối với các thương hiệu. Dù được ra mắt vào năm 2004, đến nay đã gần 20 năm nhưng Chanel Nº5 The Film vẫn là một trong những mẩu quảng cáo đắt đỏ nhất mọi thời đại. 


4. Alexa: Loses Her Voice (2018)


Nếu Apple có trợ lý ảo Siri, tập đoàn Amazon cũng không kém cạnh khi sở hữu trợ lý ảo Alexa. Được giới thiệu đến công chúng lần đầu vào năm 2014, Alexa hỗ trợ nhiều ngôn ngữ như tiếng Anh, Nhật, Tây Ban Nha, Ả Rập,... Vào năm 2018, Amazon đã ra mắt đoạn TVC dài 30 giây để quảng bá cho trợ lý ảo này. Được biết, mức chi phí đầu tư vào quảng cáo lên đến 15 triệu USD (tương đương 17,7 triệu USD hiện nay - 434,6 tỷ đồng).


Thông thường, người dùng sẽ ra lệnh cho Alexa bằng giọng nói, sau đó trợ lý ảo này sẽ làm theo lệnh của người dùng. Thế nhưng khi một người phụ nữ đang đánh răng hỏi Alexa về dự báo thời tiết, trợ lý ảo chợt ho và không thể tiếp tục cung cấp phản hồi. 



Sau đó, các kênh truyền thông và báo chí liên tục đưa tin về việc Alexa “đánh mất giọng nói” đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dùng. Để thay thế Alexa, công ty đã tìm đến nhiều nhân vật nổi tiếng như Gordon Ramsay, Cardi B, Rebel Wilson,... đóng vai trợ lý ảo phục vụ người dùng.


Thế nhưng các nhân vật này lại không có sự kiên nhẫn với những câu hỏi của người dùng như Alexa. Đơn cử như khi người dùng hỏi công thức món bánh mì kẹp phô mai, với vai trò là một đầu bếp nổi tiếng thế giới, ông Gordon Ramsay đã cười nhạo: “Ôi trời ơi bây giờ mà bạn còn hỏi về công thức làm món ăn này sao. Tên của nó là công thức chế biến luôn rồi đấy!”


Điều này đã phần nào thể hiện sự "ỷ lại" của người dùng với Alexa: họ yêu cầu Alexa làm tất tần tật từ công thức nấu ăn, tra cứu thông tin khoa học, phát bản nhạc yêu thích hay đơn giản là gọi điện thoại cho người thân. Trợ lý ảo của Amazon đã góp phần khiến cuộc sống của người dùng trở nên dễ dàng. Vì thế, khi Alexa "mất giọng nói", cuộc sống của họ bị đảo lộn.


Amazon chứng minh không ai có thể thay thế được Alexa, dù họ có là những nhân vật nổi tiếng


Và trước khi tất cả mọi thứ không thể cứu vãn được, Alexa đã quay trở lại: "Cảm ơn mọi người nhưng tôi sẽ làm nốt công việc còn lại." Mẫu quảng cáo hài hước này được đón nhận nồng nhiệt bởi đông đảo người dùng, gây tiếng vang tại các giải thưởng danh giá như Emmy Awards, USA TODAY Ad,... Hơn nữa, đây cũng là mẫu quảng cáo đạt được nhiều lượt xem nhất trên YouTube năm 2018 với 50 triệu lượt xem.


Kim Ngọc


Đăng ký newsletter để cập nhật thông tin mới nhất về ngành