Theo báo cáo công bố vào ngày 19/7, Netflix lại tiếp tục mất 1 triệu thuê bao tính từ đầu tháng 4 đến cuối tháng 6. Tuy nhiên, con số này đã tốt hơn rất nhiều so với việc mất 2 triệu thuê bao trong quý trước. Giám đốc điều hành Reed Hasting cho rằng đây là một kết quả khả quan, và nó có được là nhờ thành công của loạt phim Stranger Things cùng những cải tiến về chiến lược tiếp thị.


Cho tới thời điểm hiện tại, Stranger Things 4 đang là một trong những chương trình đắt giá nhất trên nền tảng này với con số đầu tư là 30 triệu USD cho mỗi tập. Với khoản đầu tư khủng đó, Netflix đang nỗ lực hết mình trong công tác tiếp thị để giữ sức nóng cho series. “Chúng tôi đã cải thiện nhiều nhất có thể trong cách tiếp cận khán giả và từng bước xây dựng tình yêu thương hiệu. Nếu có ví dụ hoàn hảo nào cho những nỗ lực của chúng tôi, thì đó chính là Stranger Things", Reed Hasting nói. Với những thành công theo sau, Reed Hasting cũng tự tin tuyên bố Netflix sẽ đạt được mức 1 triệu thuê bao đăng ký gói trong quý III/2022 sau 2 quý liên tiếp hao hụt người dùng. 


Cho tới thời điểm hiện tại, Stranger Things 4 đang là một trong những chương trình đắt giá nhất trên nền tảng này với con số đầu tư là 30 triệu USD cho mỗi tập. 


Rốt cuộc Stranger Things có kiểu tiếp thị gì mà lại khiến Reed Hasting lạc quan như thế? Dưới đây là 5 kiểu tiếp thị của Netflix do trang tin Social Samosa rút ra, giúp nền tảng giữ nhiệt cho một bộ phim đã ra mắt cách đây 6 năm nhưng vẫn làm dậy sóng truyền thông và mạng xã hội mỗi lần trở lại. 


1. Dùng công thức nhắc nhớ và gây tò mò 


Sau 2 năm chờ đợi, Netflix cuối cùng cũng thông báo về sự trở lại của series kinh dị- giả tưởng Stranger Things mùa 4. Trong teaser đính kèm thông báo, hãng đã trình chiếu hình ảnh thị trấn Hawkins, thế giới đảo ngược, dàn diễn viên chủ chốt. Bằng cách chọn đúng nội dung tiếp cận, Netflix đã kéo khán giả quay trở lại bối cảnh của phim Stranger Things. 



Marketing nhỏ giọt giúp Netflix kéo dài sự tò mò của khán giả về phần 4 của series ăn khách.


Sau đó, Netflix lần lượt đăng lại các đoạn video ngắn trích từ các mùa phim trước. Thời gian đăng tải cách nhau vừa đủ để khán giả nhớ lại diễn biến trước đó của bộ phim. Một tháng sau khi tạo cuộc thảo luận trên mạng xã hội bằng những đoạn video ngắn, Netflix mới chính thức tung trailer với các phân cảnh gây tò mò. Như vậy, công thức “nhá hàng" cho các series dài hơi như Stranger Things của Netflix chính là: Làm khán giả nhớ lại diễn biến cũ trước khi tạo độ nóng cho mùa phim mới. 


2. Sử dụng tiếp thị hoài niệm 


Stranger Things là series lấy bối cảnh nước Mỹ những năm 1970 - 1980. Xuyên suốt bộ phim là những yếu tố kích thích sự hoài cổ như thời trang, kiểu tóc, lối trang điểm, hình ảnh nhóm bạn đạp xe ngoài trời, xe cộ,... Thế nhưng, phải đến mùa 4 Netflix mới triển khai tiếp thị hoài niệm, hợp tác với nhà sản xuất để cho ra các thước phim hoạt hình với kiểu đồ hoạ tạo bầu không khí “cổ xưa". 


A Stranger Morning là series phim hoạt hình ngắn kích thích cảm giác hoài niệm ở khán giả. 


Mục tiêu của A Stranger Morning, tên của series phim hoạt hình ngắn, chính là điểm lại các phân cảnh kinh điển trong các mùa phim trước đó. Bằng định dạng mới này, Netflix và nhà sản xuất đã gây thích thú cho người xem, đồng thời duy trì được độ hot cho bộ phim trong xuyên suốt thời gian ra mắt. 


3. Đa dạng hoá cách tiếp thị cho phù hợp với từng khu vực


Sức nóng của Stranger Things là ở phạm vi toàn cầu, vì vậy Netflix đã linh hoạt thay đổi cách tiếp thị sao cho phù hợp với khán giả từng khu vực, nhằm tăng tương tác và xây dựng được tình yêu cho bộ phim. 


Netflix triển khai chiến dịch OOH tại Anh, dựng lại “cánh cổng dẫn vào thế giới ngược” phiên bản mô phỏng. 


Ở Ấn Độ, Netflix triển khai loạt video phỏng vấn nhanh ngôi sao quốc dân Varun Dhawan về series phim Stranger Things sắp ra mắt. Còn ở thị trường Indonesia với nền tảng TikTok đang là app xu hướng, Netflix đã tổ chức buổi livestream ngay trên nền tảng để mọi người cùng dự đoán nội dung trong mùa tiếp theo. Điểm chung của các cách tiếp thị này là Netflix xem xét thị trường, chọn ra những kênh truyền thông, định dạng nội dung phổ biến và người có sức ảnh hưởng nhất tại thị trường đó để hợp tác. 


4. Hợp tác độc quyền với các thương hiệu


Không chỉ phủ sóng kênh truyền thông, Netflix còn hợp tác với nhiều thương hiệu nhằm quảng bá cho Stranger Things mùa 4. Các cái tên nhãn hàng có thể kể đến như Lays Thái Lan, Oreo Ấn Độ, Dominos, M.A.C, Doritos,…Bằng cách tạo ra đa dạng sản phẩm như đồ ăn, mỹ phẩm, Netflix đã có thể tiếp cận nhiều tệp khán giả hơn. 


Lays Thái Lan tung mẫu bao bì kỳ bí như Stranger Things 4


5. Để khán giả được là một phần của bộ phim


Không chỉ tiếp thị một chiều, Netflix còn cố gắng để khán giả được trở thành một phần của series Stranger Things. Trong suốt thời gian quảng bá, nhà sản xuất liên tục tạo ra các trò chơi phong cách “Hawkins" như: Tìm toạ độ thành phố trong dãy số dưới đây và đoán xem có sự kiện gì sẽ xảy ra ở đó. 


Buổi trình diễn diễn ra tại các địa điểm nổi tiếng ở 14 quốc gia trên toàn cầu. 


Kết quả là, trong dãy số mà Netflix đăng tải trên Twitter, người xem phát hiện đây chính là những địa điểm nổi tiếng ở 14 quốc gia trên thế giới. Ngay sau đó, nền tảng trực tuyến này cũng “khai súng” mở màn buổi trình diễn hoành tráng bậc nhất có chủ đề Stranger Things, diễn ra tại đúng 14 địa điểm nói trên. Chính cách làm độc lạ này của Netflix đã tạo ra nhiều cuộc thảo luận và thích thú cho khán giả theo dõi bộ phim. 


Sắp tới đây, Netflix công bố sẽ tập trung chi tiêu tiếp thị vào các tựa phim tạo ra phấn khích và thảo luận như Stranger Things. Đại diện nền tảng cũng tiết lộ đã chi dưới 575 triệu bảng Anh cho hoạt động tiếp thị trong quý 2, nhiều hơn 19 triệu so với trong quý 1. Với con số chi tiêu này, người trong giới và khán giả mong đợi những chiến lược tiếp thị độc đáo khác đến từ nền tảng phát trực tuyến này trong tương lai. 


Hằng Trần