Kể từ thời điểm Internet thực sự bùng nổ, quản lý nội dung trên các nền tảng mạng xã hội trở nên đặc biệt quan trọng bởi đây là một trong những nền tảng kinh doanh hiệu quả của các thương hiệu. Nhiều thương hiệu đã và đang cố gắng cân bằng việc quản lý nội dung trên các kênh truyền thông xã hội với các hoạt động khác. Theo nghiên cứu của Hootsuite, hơn 40% khách hàng mua sắm tìm kiếm thông tin về một thương hiệu và sản phẩm mới qua các kênh mạng xã hội, website,...Do đó, nếu không có kế hoạch quản lý cụ thể, thương hiệu sẽ dần mất đi lợi thế cạnh tranh trên thị trường.


Các chuyên gia từ Hootsuite đã liệt kê 5 bước quản lý nội dung trên mạng xã hội hiệu quả dành cho marketer. Cùng tìm hiểu chi tiết qua bài viết sau!


Bước 1: Tập trung lắng nghe


Mọi hoạt động, nội dung trên các nền tảng mạng xã hội sẽ trở nên hiệu quả nếu marketer hiểu rõ đối tượng khách hàng mục tiêu của mình: Họ là ai? Họ có đặc điểm ra sao, sở thích thế nào? Chủ đề nào sẽ khiến họ quan tâm nhất? Và đâu là cách tiếp cận hiệu quả với nhóm đối tượng này? 


Mọi hoạt động, nội dung trên các nền tảng mạng xã hội sẽ trở nên hiệu quả nếu marketer hiểu rõ đối tượng khách hàng mục tiêu


Bên cạnh đó, marketer cũng phải trải qua một quá trình khám phá gọi là “social listening” (tạm dịch: Nghiên cứu dư luận xã hội) - hoạt động xoay quanh việc lắng nghe khách hàng đang nói gì về thương hiệu, về các đối thủ cạnh tranh và về những chủ đề nóng hổi khác trên mạng xã hội. Dưới đây là một số điều marketer nên quan tâm và đo lường thường xuyên:

  • Lượt đề cập thương hiệu
  • Lượt đề cập đến sản phẩm hoặc dịch vụ
  • Hashtag và những từ khóa liên quan đến thương hiệu 
  • Đối thủ cạnh tranh và đối tác 
  • Tin tức và xu hướng trong ngành

Ngoài ra, nếu thương hiệu có cửa hàng vật lý, marketer cũng nên khảo sát thường xuyên khách hàng đang thảo luận và quan tâm điều gì nhất xung quanh khu vực cửa hàng. 


Tuy nhiên, làm sao để thu thập thông tin hiệu quả? Một gợi ý về công cụ hữu ích được nhiều marketer sử dụng để lập kế hoạch content - Google Alerts. Khi tìm kiếm từ khóa trên Google Alerts, người dùng sẽ nhận về những kết quả liên quan đến ngành hàng hoặc hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, marketer cũng có thể tận dụng tiềm năng vô hạn trên Internet bằng cách tìm kiếm thủ công các lượt đề cập đến thương hiệu của mình. 


Khi tìm kiếm từ khóa trên Google Alerts, người dùng sẽ nhận về những kết quả liên quan đến ngành hàng hoặc hoạt động kinh doanh. 


Bước 2: Phân tích thông tin  


Sau khi thực hiện social listening, Hootsuite khuyên marketer dành 5 phút tiếp theo để tổng hợp và tiến hành phân tích thông tin. Đây là một bước quan trọng bởi marketer có thể tìm được cách định hướng nội dung hiệu quả cho các kênh mạng xã hội của thương hiệu. 


Trong đó, thái độ là yếu tố cơ bản ảnh hưởng lớn tới hành vi. Vì vậy, marketer cần biết được hiện khách hàng đang nghĩ gì và có cảm xúc thế nào đối với thương hiệu để có những hoạt động và nội dung phù hợp. Điều này có thể đánh giá qua việc: Khách hàng đang nói gì về thương hiệu? So sánh với cách họ nói về đối thủ thì có khác biệt thế nào? Phản hồi của khách hàng dành cho những nỗ lực của thương hiệu ra sao? 


Thái độ là yếu tố cơ bản ảnh hưởng lớn tới hành vi. Vì vậy, marketer cần biết được hiện khách hàng đang nghĩ gì và có cảm xúc thế nào đối với thương hiệu để có những hoạt động và nội dung phù hợp. 


Tiếp theo, mọi hoạt động của thương hiệu nên bắt nhịp với xu hướng nổi bật trên thị trường bởi đây là yếu tố được phần đông khách hàng ủng hộ. Tìm hiểu và áp dụng các ý tưởng sáng tạo có thể giúp marketer tối ưu hiệu quả nội dung trên các mạng xã hội. 


Quản lý nội dung trên mạng xã hội không chỉ đơn giản là theo dõi khách hàng hiện tại mà còn giúp marketer thu hút, thuyết phục được tệp khách hàng mới. Ngoài ra, sử dụng những cụm từ hoặc chủ đề mà người tiêu dùng tiềm năng có thể tìm kiếm trong tương lai có thể tăng cơ hội mở rộng cho thương hiệu.


Bước 3: Rà soát nội dung


Tiếp theo, marketer cần kiểm tra kế hoạch triển khai nội dung sắp tới là gì. Những yếu tố chính như tiêu đề, nội dung, hình ảnh, hashtag,… và quan trọng không kém là chính tả, cấu trúc câu đều cần được kiểm tra thật kỹ. Lời khuyên là marketer có thể sử dụng các công cụ phổ biến để hỗ trợ quá trình kiểm tra nhanh chóng và dễ dàng hơn:

  • Phần mềm kiểm tra nội dung tiếng Việt miễn phí: Trang web VSpell, ứng dụng VCatSpell, ứng dụng TinySpell, ứng dụng Tummo Spell
  • Công cụ nhận biết nội dung do A.I tạo ra: AI Text Classifier, AI Content Detector, Corrector App, CrossPlag AI Content Detector


AI Text Classifier là công cụ phát hiện ra nội dung được phát triển bởi OpenAI (công ty mẹ của Chat GPT), trang web này hỗ trợ gần 100 ngôn ngữ khác nhau bao gồm cả Tiếng Việt


Việc lên kế hoạch tổng quan, chuẩn bị trước cho từng hoạt động cụ thể là rất cần thiết. Điều này không chỉ giúp marketer luôn kiểm soát tốt tiến độ của công việc mà còn tạo tiền đề vững chắc cho hoạt động quản lý nội dung trên các nền tảng mạng xã hội.


Nếu thiếu ý tưởng hoặc hạn chế về nguồn lực, marketer có thể tham khảo User-Generated Content (viết tắt UGC) - nội dung do người dùng tạo. Khi khách hàng mua sản phẩm của doanh nghiệp và chủ động chia sẻ lên các trang mạng xã hội, doanh nghiệp không phải chi trả bất kỳ khoản chi phí quảng cáo nào mà vẫn lan toả được hình ảnh, sản phẩm. Khi được tận dụng hiệu quả, UGC có thể tạo nên tín hiệu tích cực góp phần thuyết phục khách hàng lựa chọn sản phẩm, dịch vụ của thương hiệu. Theo khảo sát của Google, 79% người mua sắm trực tuyến cho biết UGC tác động mạnh đến quyết định mua hàng của họ. 


Khi được tận dụng hiệu quả, UGC có thể tạo nên tín hiệu tích cực góp phần thuyết phục khách hàng lựa chọn sản phẩm, dịch vụ của thương hiệu. 


Bước 4: Tiến hành đăng bài


Sau khi đã kiểm tra kỹ lưỡng, tiếp theo marketer sẽ chia sẻ nội dung đến tệp khách hàng mục tiêu trên các nền tảng mạng xã hội. Marketer cần đảm bảo những gì đăng lên phù hợp với loại hình kinh doanh, định hướng phát triển thương hiệu và thị hiếu khách hàng. Mỗi nền tảng đều sẽ có mục tổng hợp dữ liệu phân tích tệp followers hay khung giờ online, mức độ tương tác của khách hàng. Đây sẽ là thông tin vô cùng hữu ích giúp marketer tối ưu hiệu quả cho những bài đăng. 


Bài viết, video, hình ảnh về sản phẩm hoặc dịch vụ của thương hiệu cần giải quyết được những vấn đề của khách hàng hoặc đem đến những giá trị nhất định. Để tương tác tích cực với tệp người theo dõi, marketer có thể cân nhắc sử dụng những tính năng phổ biến như Instagram Stories, Facebook Polls, Livestream,…. 


Tính năng Instagram Stories hiện vô cùng phổ biến và được nhiều thương hiệu sử dụng để tương tác tích cực với khách hàng


Bước 5: Tích cực tương tác với người dùng


Đây là lúc marketer “kết thân” với khách hàng bằng cách tích cực tương tác ngay bên dưới bài đăng. Hãy thử bắt đầu bằng việc phản hồi câu hỏi về thương hiệu hay sản phẩm hoặc dịch vụ. Cũng đừng quên việc cảm ơn khách hàng vì đã chia sẻ phản hồi hoặc mua hàng. Tuy vậy, làm sao để thu về nhiều tương tác từ phía khách hàng? Câu trả lời duy nhất là giá trị mà nội dung của thương hiệu đem đến. Ngoài ra, marketer cũng có thể dùng những câu hỏi để hiểu rõ hơn về khách hàng hay đơn giản là duy trì tương tác. 


Một số phương pháp giúp marketer tiết kiệm thời gian quản lý mạng xã hội


  • Lên trước lịch đăng bài: Tạo, chỉnh sửa và đăng bài, tương tác hằng ngày không chỉ khiến marketer cảm thấy chán nản mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro như quên lịch, có công việc đột xuất hoặc tình huống khẩn cấp,…Vì thế, việc lên sẵn lịch đăng bài và chuẩn bị kỹ từ trước bằng các công cụ thông minh sẽ giúp duy trì bài đăng đều đặn, chuẩn xác về mặt thời gian. Hơn nữa, từ kế hoạch trên, marketer sẽ có cái nhìn toàn diện về tình hình nội dung các trang mạng xã hội để đưa ra chiến lược phát triển dài hạn cho kênh. 


Business Suite Calendar có nhiều tiện ích hỗ trợ marketer lên lịch đăng bài


  • Giữ tất cả mọi thứ tại một nơi: Những thứ như nội dung bài đăng, ghi chú, hình ảnh và tài liệu khác cần được lưu trữ tại một nơi cố định. Marketer có thể tạo danh mục hoặc nhãn nổi bật để phân biệt và tìm kiếm dễ dàng, nhanh chóng để tiết kiệm tương đối thời gian cũng như tránh thất lạc thông tin. Hơn nữa, khi tạo hoặc muốn tham khảo bài viết mới, marketer cũng có thể dễ dàng tìm thấy thông tin vì đã lưu trữ cẩn thận trước đó. 


  • Khai thác sức mạnh của những công cụ báo cáo: Tổng hợp, đánh giá và báo cáo là rất quan trọng để biết được những nội dung trên các nền tảng mạng xã hội hiện đang đem đến kết quả thế nào. Hãy dùng các công cụ phân tích thông minh để hỗ trợ tốt nhất cho việc đánh giá ưu, nhược điểm của nội dung trên các nền tảng và định hướng chiến lược trong dài hạn. 


Các công cụ phân tích thông minh có thể hỗ trợ tổng hợp, đánh giá và báo cáo hiệu suất của nội dung trên các nền tảng mạng xã hội 


  • Theo dõi đánh giá của khách hàng: Thương hiệu cần nhanh nhạy nắm bắt và phản hồi những đánh giá của khách hàng ngay khi có thể để tránh những thông tin tiêu cực ảnh hưởng đến danh tiếng. Hãy thiết lập công cụ để nhận được thông báo mỗi khi có bất kỳ người dùng nào đề cập đến thương hiệu. 


  • Nỗ lực bắt kịp xu hướng: Mạng xã hội thay đổi trong từng giây, do đó marketer cần cố gắng theo kịp xu hướng mới nhất bằng cách thường xuyên update thông tin từ những nguồn uy tín và tham gia các cuộc trò chuyện phù hợp. Điều này giúp thương hiệu trở nên gần gũi hơn với nhóm khách hàng mục tiêu.

                                              

                                                                                                                         Minh Anh


Cập nhật các thông tin hữu ích từ Advertising Vietnam qua Newsletter!