Nửa cuối năm là “mùa lễ hội” với nhiều ngày lễ nổi bật như Tết Trung thu, Lễ Quốc khánh, Giáng sinh,... Đây cũng được xem là “thời cơ vàng” để thương hiệu bứt tốc trong cuộc đua kết nối với khách hàng và gia tăng doanh số. Trong bài viết này, Social Media Today đã liệt kê một số thông tin hữu ích để thương hiệu tối ưu hoá hiệu quả của các chiến dịch tiếp thị trên các nền tảng mạng xã hội trong dịp cuối năm!


Đăng bài viết trong khung giờ người dùng sử dụng mạng xã hội nhiều nhất


Vào tháng 5/2023, Sprout Social đã hợp tác với nhóm khoa học dữ liệu để xem xét xu hướng sử dụng mạng xã hội trong năm qua từ hơn 34.000 người dùng. Qua đó, công ty đã phân tích thời điểm họ tương tác thường xuyên và ít nhất với các nội dung được phân chia theo nền tảng và ngành. Tuy nhiên, có một lưu ý rằng dữ liệu của Sprout Social là kết quả khảo sát người dùng từ nhiều ngành và địa điểm khác nhau. Tất cả các khung thời gian được ghi lại trên toàn cầu, vì thế thương hiệu có thể thử nghiệm để xem thời gian nào là phù hợp để đăng bài nhất.


Trong quá trình phân tích dữ liệu, Sprout Social nhận thấy thời gian tương tác cao nhất là thứ ba, tư và năm trong khung giờ từ 9 giờ sáng đến trưa. Buổi sáng giữa tuần được chứng minh là thời điểm thành công trên hầu hết các nền tảng xã hội, bao gồm Facebook, Instagram, Twitter và LinkedIn. Trong khi đó, Pinterest và TikTok thấy mức độ tương tác cao hơn vào buổi chiều.



Thời gian tốt nhất để đăng tải bài viết trên Facebook:

  • Thứ hai: từ 8 giờ sáng đến 1 giờ chiều.
  • Thứ ba: từ 8 giờ sáng đến 2 giờ chiều.
  • Thứ tư: từ 8 giờ sáng đến 1 giờ chiều.
  • Thứ năm: từ 8 giờ sáng đến trưa
  • Những ngày tốt nhất để đăng bài trên Facebook: Thứ hai đến Thứ năm
  • Những ngày không nên đăng trên Facebook: Chủ nhật



Thời gian tốt nhất để đăng trên Instagram:

  • Thứ hai: từ 10 giờ sáng đến trưa
  • Thứ ba: từ 9 giờ sáng đến 1 giờ chiều.
  • Thứ tư: từ 10 giờ sáng đến 1 giờ chiều
  • Thứ sáu: từ 9 đến 11 giờ sáng
  • Những ngày tốt nhất để đăng bài trên Instagram: Thứ ba và Thứ tư
  • Những ngày không nên đăng trên Instagram: Chủ nhật



Thời gian tốt nhất để đăng trên tài khoản LinkedIn của công ty:

  • Thứ ba và thứ tư: từ 10 giờ sáng đến trưa
  • Những ngày tốt nhất để thương hiệu đăng bài trên LinkedIn: Thứ ba đến Thứ năm
  • Những ngày thương hiệu không nên đăng bài: Cuối tuần



Thời gian tốt nhất để đăng trên TikTok:

  • Thứ ba: từ 2 đến 6 giờ chiều.
  • Thứ tư: từ 2 đến 5 giờ chiều.
  • Thứ năm: từ 3 đến 5 giờ chiều.
  • Những ngày tốt nhất để đăng bài trên TikTok: Thứ ba và Thứ tư
  • Những ngày không nên đăng bài trên TikTok: Chủ nhật


Thương hiệu có thể đăng bài theo các khung giờ được liệt kê bên trên, tuy nhiên, cần lưu ý rằng mỗi thương hiệu lại có một tệp khách hàng khác nhau. Vì thế, các thương hiệu cần có sự điều chỉnh khung giờ đăng bài cho phù hợp với hành vi của tệp khách hàng mục tiêu mà mình muốn nhắm đến. Hiện nay, nhiều nền tảng cũng đã hỗ trợ tính năng lên kế hoạch, đăng bài vào thời gian phù hợp để thu hút tương tác và tiết kiệm thời gian đăng bài cho các thương hiệu. 



Video là trọng tâm chính của các nền tảng


Khi người dùng ngày càng yêu thích các nội dung giải trí, video trở thành trọng tâm chính cho tất cả các nền tảng. Meta cho biết thời gian người dùng dành cho Instagram đã tăng hơn 24% kể từ khi công ty ra mắt Reels và triển khai tính năng khớp nội dung dựa trên A.I. Ngoài ra, CEO Mark Zuckerberg cũng cho biết, việc cải tiến các thuật toán trên Reels đã giúp Facebook có được sự tăng trưởng ấn tượng và cán mốc 2 tỷ người dùng hàng ngày vào tháng 2/2023. Đồng thời, tính năng này đã cung cấp dịch vụ sáng tạo video ngắn, tiết kiệm thời gian và hiệu quả hơn cho người dùng trên Facebook và Instagram.


Sự tăng trưởng ấn tượng của Facebook là nhờ vào việc cải tiến các thuật toán trên Reels


Nếu muốn tối đa hóa mức độ nhận diện và tương tác trên mạng xã hội, thương hiệu cần xem xét yếu tố giải trí và đảm bảo quá trình sáng tạo video phù hợp với xu hướng của từng ứng dụng. Dù thương hiệu tự tạo video hay hợp tác với các Influencer nổi tiếng, điều này vẫn có thể đóng một vai trò lớn trong việc nâng cao nhận thức về thương hiệu trong mùa lễ hội.


Nắm bắt những cải tiến mới của nền tảng


Trong những ngày đầu khi truyền thông xã hội vừa ra đời, cơ hội để chia sẻ suy nghĩ và quan điểm là một điểm để các nền tảng mạng xã hội thu hút người dùng. Thế nhưng giờ đây, ngày càng có nhiều người không thích điều này. Thay vào đó, họ chọn chia sẻ một cách riêng tư hơn, thông qua các nhóm nhắn tin hoặc kết nối riêng. Đây là một xu hướng quan trọng mà thương hiệu cần lưu ý, bởi nó có thể tác động đến cách tiếp thị của doanh nghiệp. Việc người dùng dịch chuyển xu hướng từ đăng bài công khai sang riêng tư đã tái định hình các nguồn cấp dữ liệu. Các nền tảng đã có những thay đổi như thế nào?


Tính năng Channel trên Instagram


Đầu tiên, Instagram đã thêm một loạt yếu tố mới để khai thác mức độ phổ biến ngày càng tăng của kết nối Direct Message (tin nhắn trực tiếp), bao gồm biểu mẫu khách hàng tiềm năng cho hồ sơ doanh nghiệp, nhắc người dùng chia sẻ thông tin liên hệ của họ trong ứng dụng,...


Ngoài ra, nền tảng cũng đã ra mắt Channel (kênh) - tính năng trò chuyện một chiều. Theo đó, những người nổi tiếng có thể tự tạo một Channel riêng cho mình và người dùng sẽ đăng ký để có thể theo dõi các nội dung mà thần tượng của họ chia sẻ riêng. Tuy nhiên, tính năng này chỉ dành cho các nhà sáng tạo, đồng thời cũng chỉ có họ được quyền chia sẻ. Người dùng đăng ký chỉ có thể thả biểu tượng cảm xúc, tham gia vote,... Theo dự đoán, Channel có khả năng trở thành một yếu tố được thương hiệu cân nhắc để gia tăng kết nối với người dùng.


Gần đây nhất, Instagram cũng cho ra đời Threads - một nền tảng chia sẻ văn bản tương tự Twitter. Dù ứng dụng hiện vẫn đang ở giai đoạn phát triển đầu tiên nhưng vẫn là một yếu tố và nền tảng quảng cáo tiềm năng mà các thương hiệu nên chú ý cho chiến lược phát triển trong tương lai. 


Nền tảng Threads vừa ra mắt gần đây


Trên Facebook, Meta cũng đã thêm quảng cáo Click-to-Messenger vào các tùy chọn quảng cáo trên Reels của thương hiệu. Còn với LinkedIn, nền tảng cũng đã ra mắt tính năng Direct Message cho các tài khoản doanh nghiệp, bổ sung thêm biểu mẫu Lead Generation. Tính năng này sẽ giúp thương hiệu tạo danh sách khách hàng tiềm năng thông qua nhiều cách như bài đăng trên blog, sự kiện trực tiếp, phiếu giảm giá hoặc các nội dung online,... 


Trí tuệ nhân tạo lên ngôi


Thời gian qua, hàng loạt ứng dụng trí tuệ nhân tạo (A.I) đã liên tiếp ra đời nhằm mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho người dùng. Đông đảo người dùng sử dụng ChatGPT để có câu trả lời chi tiết, sáng tạo ảnh bằng Midjourney hay DALL-E, hay sáng tác truyện tranh, video bằng nhiều ứng dụng tích hợp trí tuệ nhân tạo khác. Bên cạnh đó, một số công ty như Adobe, Coca-Cola, McDonald’s,... cũng đã sử dụng A.I trong hoạt động kinh doanh và quảng cáo.


Adobe "tất tay" trong cuộc đua sáng tạo hình ảnh A.I với Firefly


Không đứng ngoài cuộc đua, các nền tảng đang tìm cách tích hợp các công cụ này vào trải nghiệm người dùng. Điều này có thể thay đổi cách các thương hiệu kinh doanh trên mạng xã hội. Meta đang tìm cách ứng dụng A.I nhằm giúp các nhà quảng cáo tối ưu hoá hiệu quả của các chiến dịch. 


Bên cạnh đó, LinkedIn đã sử dụng mô hình GPT-4 để hỗ trợ người dùng cải thiện profile trên nền tảng. Tính năng này có thể giúp những người gặp khó khăn trong việc viết phần giới thiệu (overview) hấp dẫn cho bản thân mình. Cụ thể, người dùng có thể cung cấp thông tin về bản thân mình để A.I sáng tạo một đoạn văn hoàn chỉnh, trôi chảy.


Trong khi đó, mô hình GPT-3.5 được tích hợp nhằm giúp các nhà tuyển dụng thực hiện bản mô tả công việc (job description). Người dùng chỉ cần viết ra một số thông tin cơ bản bao gồm chức danh công việc và tên công ty. Sau đó, công cụ sẽ tạo ra một bản đề xuất công việc chi tiết để người dùng xem xét và chỉnh sửa. 


Công cụ A.I của LinkedIn


Cập nhật thuật toán hiển thị nội dung theo nền tảng để tối ưu hoá hiệu quả bài đăng


Mỗi thương hiệu sẽ tìm được cho mình một nền tảng mạng xã hội phù hợp để quảng cáo sản phẩm, thu hút tệp khách hàng mục tiêu, gia tăng mức độ nhận diện,... Với mỗi nền tảng khác nhau, thương hiệu cần lưu ý những gì?


1. Facebook


Hiện nay, Facebook vẫn là nền tảng truyền thông xã hội được truy cập nhiều nhất trên thế giới. Gần 2 tỷ người vẫn đăng nhập vào Facebook mỗi ngày để trò chuyện với bạn bè và người thân. Ngoài ra khi đang truy cập vào ứng dụng, họ vẫn dành thời gian tìm kiếm các tài khoản, tham gia vào các nhóm, chia sẻ bài đăng,... 


Nhằm mục đích tối ưu hóa mức độ tương tác, các marketer có thể tìm hiểu thuật toán News Feed được củng cố bởi ba yếu tố chính:

  • Nguyên tắc hiển thị bài đăng: Thuật toán của Facebook tính đến tần suất người dùng tương tác với trang hoặc tài khoản như một phương tiện để xác định sở thích của người dùng. Vì vậy, nếu thường xuyên Thích hoặc Bình luận về các bài đăng từ một trang, người dùng sẽ có cơ hội thấy nhiều bài đăng hơn của trang đó. Điều đó có nghĩa là càng nhiều người tương tác với nội dung từ trang của thương hiệu, càng có nhiều khả năng người dùng sẽ nhìn thấy trang đó nhiều hơn trên trang chủ.
  • Thời điểm đăng bài: “Tính kịp thời” (Timeliness) vẫn là một yếu tố quan trọng trong nguồn cấp tin tức của Facebook. Điều này có nghĩa là những phản hồi đầu tiên của bài đăng sẽ giúp thuật toán xác định phạm vi tiếp cận của bài đăng. Do đó, thương hiệu cần thu hút sự chú ý của những người đầu tiên nhìn thấy bài đăng bằng cách dựa vào phân tích của trang thương hiệu để tìm hiểu thời điểm khách hàng của mình sẽ online và những nội dung mà họ sẽ muốn tương tác.
  • Khả năng thúc đẩy mức độ tương tác: Thuật toán của Facebook có thể xác định thói quen tương tác của từng người dùng và sẽ tối ưu hóa để phù hợp nhất với các hành vi cụ thể của họ. Theo Facebook: “Đối với bất kỳ câu chuyện nào, chúng tôi dự đoán khả năng người dùng có thể bình luận hoặc chia sẻ câu chuyện đó.” Facebook cũng sẽ ước tính khoảng thời gian người dùng có thể xem video hoặc đọc một bài báo, như các chỉ số khác về khả năng tương tác.


 Thuật toán của Facebook có thể xác định thói quen tương tác của từng người dùng để gợi ý nội dung


  • Thuật toán: News Feed luôn được cập nhật và phát triển, đồng thời, trọng tâm lớn gần đây của Facebook là làm nổi bật các cập nhật video có liên quan hơn. Meta đã nói rằng họ sẽ tiếp tục bổ sung các đề xuất dựa trên A.I theo thời gian. Khi thuật toán của nền tảng được cải thiện, điều này sẽ giúp Facebook hiển thị các nội dung phù hợp với từng người dùng.


2. TikTok


TikTok là mạng xã hội phổ biến nhất thời điểm hiện tại, đặc biệt là đối với những khán giả trẻ tuổi. Thuật toán gợi ý nội dung phù hợp với người xem, đồng thời cung cấp một luồng nội dung kéo dài bất tận khiến người xem không thể rời mắt. Cách thể hiện mới lạ này đã tạo nên dấu ấn trong bối cảnh truyền thông xã hội ngày càng phân mảnh, khiến các đối thủ phải nỗ lực bắt kịp sự thay đổi trong hành vi của người dùng.


Savannah Sanchez - Chuyên gia về các chương trình khuyến mãi trên TikTok đã có kinh nghiệm mang lại doanh số hàng triệu USD cho nhiều thương hiệu. Dựa trên kinh nghiệm của Savannah và ghi chú từ TikTok, đây là một số phương pháp giúp thương hiệu tối ưu hiệu quả trên nền tảng vào năm 2023.


  • Tạo nội dung phù hợp với các bài đăng trong News Feed của người dùng: Khi xem TV truyền thống, họ sẽ phải ngồi xem quảng cáo và đợi nó trôi qua. Tuy nhiên, ở nền tảng này, nếu thương hiệu không thể thu hút sự chú ý và cho họ lý do để tiếp tục xem, họ sẽ nhanh chóng lướt qua. Vì vậy, thương hiệu cần tạo các video bắt mắt, không thể hiện “lộ liễu” tính chất quảng cáo có phong cách tương tự với nội dung khác trong ứng dụng.
  • Chú trọng câu Hook: Trong âm nhạc, “hook” là phần điệp khúc, thể hiện thông điệp chính hoặc chủ đề của bài. Còn trong các video TikTok, đây là điểm nhấn tạo sự hấp dẫn cho người xem. Một số câu hook cơ bản có thể kể đến như: “Tôi ước ai đó đã cho tôi biết điều này sớm hơn”, “3 lý do tại sao sản phẩm/dịch vụ này là tốt nhất”,....


Một số câu hook TikTok do ChatGPT đề xuất cho tác giả


  • Thu hút người dùng trong 3 giây đầu tiên: Các hiệu ứng trực quan, thú vị và định dạng sáng tạo sẽ giúp thương hiệu thu hút sự chú ý. Ngoài ra, thương hiệu cũng nên tìm cách làm nổi bật những lợi ích của sản phẩm và cách nó giải quyết các nỗi lo của người dùng như thế nào, qua đó nhấn mạnh tầm quan trọng của sản phẩm trong đời sống.

 

Thương hiệu có thể tham khảo phần “Top Ads” (Quảng cáo hàng đầu) của TikTok. Tại đây, thương hiệu sẽ nhìn thấy các quảng cáo hoạt động tốt nhất trong ứng dụng, theo chủ đề hoặc ngành dọc. Dựa trên những thông tin này, thương hiệu có thể được truyền cảm hứng hoặc có giá trị tham khảo để tạo nên các video hiệu quả.



3. Instagram


Do khả năng đăng chéo bài viết, Stories và video giữa Instagram và Facebook, thương hiệu có thể sử dụng lợi thế này để tạo nhiều điểm tiếp xúc hơn cho nội dung. Yếu tố quan trọng đầu tiên thương hiệu cần xem xét khi xây dựng sự hiện diện trên Instagram là tính nhất quán trong suốt các bài đăng: màu sắc, nhãn dán, biểu tượng cảm xúc,... Những yếu tố này sẽ giúp thương hiệu tạo nên mức độ nhận diện trong ứng dụng. Đơn cử như với việc chụp ảnh sản phẩm, thương hiệu có thể tìm kiếm một studio nhỏ để chụp ảnh trên một phông nền, mức độ ánh sáng đồng nhất. 


Các hình ảnh trên Instagram của Dior Beauty có sự tương đồng về màu sắc


Về cơ bản, để theo kịp TikTok, Instagram đã tập trung nhiều hơn vào các video dạng ngắn trong phần Khám phá. Nếu thương hiệu có thể tạo ra một video Reels hấp dẫn, mang tính lan truyền, cơ hội tiếp cận các khách hàng tiềm năng trên Instagram của thương hiệu sẽ tăng theo cấp số nhân. Đây là một yếu tố quan trọng để thương hiệu tăng mức độ hiệu quả trên Instagram trong năm 2023. Đại diện Instagram cũng chia sẻ rằng các doanh nghiệp nên làm nổi bật thương hiệu của họ trong vài giây đầu tiên của video.


4. LinkedIn


Trong năm qua, LinkedIn đã lặng lẽ phát triển các công cụ mới để người dùng có thể thể hiện bản thân tốt hơn trong ứng dụng, cũng như nâng cấp, ra mắt các tùy chọn mới để hỗ trợ việc kết nối và tham gia các cuộc họp kỹ thuật số. Với những cải tiến kể trên, LinkedIn cho biết người dùng của nền tảng đã xem các nội dung trên feed nhiều hơn 22% vào năm 2022 so với cùng kỳ năm ngoái, tạo thành mức độ tương tác kỷ lục. Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu trên LinkedIn sẽ có nhiều điểm khác biệt so với các nền tảng khác. Ở những mạng xã hội khác, người dùng sẽ tương tác trực tiếp với tài khoản thương hiệu. Còn với LinkedIn, người dùng lại kết nối với những người đứng phía sau thương hiệu. 


Đại diện LinkedIn chia sẻ: “Người dùng thường theo dõi các thương hiệu trên LinkedIn. Thế nhưng, các bài đăng và thông điệp mà họ tương tác trực tiếp lại thường đến từ nhân viên - những người đứng sau các thương hiệu đó. Vì thế, các thương hiệu hãy khuyến khích nhân viên của mình trở thành ‘Đại sứ’ thương hiệu, góp phần lan toả mức độ hiện diện trên LinkedIn. Theo đó, khi thương hiệu đăng bài viết ở nền tảng này, 30% mức độ tương tác đến từ nhân viên của họ. Sau đó, những người này có khả năng lan toả nội dung cao gấp 14 lần so với các loại nội dung khác.”


Thương hiệu có thể tận dụng sức mạnh từ network của nhân viên để lan toả nội dung truyền thông


Mỗi người dùng trên LinkedIn đều có networking (mạng lưới giao tiếp) của riêng họ. Vì thế, thương hiệu có thể tận dụng điều này để chia sẻ các nội dung và thông điệp tiếp cận đến đông đảo người dùng hơn.


Kim Ngọc