“Cạn kiệt ngân sách” là lý do hàng đầu trong top 12 lý do khiến các startup thất bại (theo kết quả nghiên cứu của CBInsight). Đối với các startup, trừ khi đã đảm bảo được lợi nhuận, họ sẽ không đầu tư quá nhiều vào những hoạt động mà họ xem là chưa quá quan trọng như Tiếp thị. Tuy nhiên, đây không hẳn là một cách tiết kiệm thông minh bởi thực chất, marketing là một hoạt động “đầu tư”, giúp khách hàng nhanh chóng biết tới doanh nghiệp. Nếu loại tiếp thị ra khỏi kế hoạch phát triển, doanh nghiệp đang tự loại cơ hội tiếp cận được nhiều khách hàng mục tiêu.


Trong giai đoạn đầu khởi nghiệp, các startup vẫn có thể duy trì hoạt động tiếp thị với chi phí thấp hoặc thậm chí 0 đồng. Dưới đây là 6 ý tưởng tiếp thị mà startup có thể áp dụng.


Tối ưu Google My Business 


Google My Business là một dịch vụ miễn phí của Google. Dịch vụ này cho phép doanh nghiệp quản lý các thông tin như tên, địa chỉ, số điện thoại, trang web, giờ làm việc, hình ảnh và đánh giá của khách hàng. Khi khách hàng tìm kiếm công ty, Google sẽ hiển thị những thông tin này ngay trang đầu kết quả tìm kiếm và thậm chí trong ứng dụng Google Map. 


Google My Business cho phép doanh nghiệp quản lý các thông như tên, địa chỉ, số điện thoại, trang web, giờ làm việc, hình ảnh và đánh giá của khách hàng


Tối ưu Google My Business là ý tưởng tiếp thị phù hợp với startup vì 5 lý do sau đây: 


  • Miễn phí và dễ sử dụng: Google My Business là dịch vụ không mất phí cho phép doanh nghiệp tạo và quản lý trang thông tin một cách dễ dàng. 


  • Tăng khả năng xuất hiện trong kết quả tìm kiếm tại địa phương: Google My Business sẽ khoanh vùng phạm vi hiển thị theo thông tin startup cung cấp. Nếu công ty hướng đến thị trường Việt Nam, Google sẽ ưu tiên hiển thị cho những người dùng Việt Nam. 


  • Cung cấp thông tin chính xác và đáng tin cậy: Nếu người dùng tra cứu hai công ty trên Google. Công ty 1 hiển thị đầy đủ địa chỉ liên lạc, giờ làm việc, hình ảnh kèm các đánh giá của những người dùng khác. Công ty 2 không hề có profile trên Google My Business. Theo tâm lý chung, người dùng sẽ có xu hướng cảm thấy công ty 1 đáng tin cậy hơn. 


  • Tương tác và giao tiếp với khách hàng: Google My Business có mở phần đánh giá cho khách hàng. Ở phần này, startup có thể trực tiếp trả lời câu hỏi, tương tác và giao tiếp với khách hàng để tạo mối quan hệ. 


  • Cung cấp thống kê và phân tích: Công cụ cho phép thống kê lượt tìm kiếm, lượt xem trang và cuộc gọi điện thoại đến doanh nghiệp. Tính năng đi kèm này đóng vai trò như một công cụ đo lường, giúp startup biết được Google My Business có đang hiệu quả hay không. 


Google My Business sẽ khoanh vùng phạm vi hiển thị theo thông tin startup cung cấp


Tham khảo 7 bước tạo tài khoản Google My Business:


Bước 1: Truy cập trang Google My Business qua đường dẫn https://www.google.com/business.


Bước 2: Đăng nhập vào tài khoản Google hiện có của doanh nghiệp hoặc tạo một tài khoản mới.


Bước 3: Sau khi đăng nhập, nhấn vào nút "Bắt đầu" (Get Started) để tạo Google My Business


Bước 4: Cung cấp thông tin doanh nghiệp theo chỉ dẫn, bao gồm tên doanh nghiệp, địa chỉ, số điện thoại, ngành nghề kinh doanh, trang web và các thông tin khác liên quan.


Bước 5: Xác minh địa chỉ doanh nghiệp. Quá trình xác minh có thể được thực hiện thông qua thư gửi bưu điện, điện thoại hoặc email.


Bước 6: Sau khi xác minh địa chỉ, doanh nghiệp có thể tùy chỉnh hồ sơ bằng cách thêm hình ảnh, giờ làm việc, phản hồi đánh giá từ khách hàng và các thông tin khác. 


Bước 7: Kiểm tra lại thông tin mà doanh nghiệp đã cung cấp và chắc chắn rằng mọi thứ đã chính xác. Sau đó nhấn nút "Công bố" (Publish) để hoàn tất quá trình tạo tài khoản.


Tận dụng mạng xã hội để tương tác trực tiếp với khách hàng


Các nền tảng mạng xã hội mang lại nhiều cơ hội tiếp thị cho các startup. Có thể kể đến những lợi ích mà nền tảng này mang lại như: 


Danh sách các nền tảng mạng xã hội tạo ROI cao nhất cho doanh nghiệp


  • Miễn phí hoặc chi phí thấp: Đa số các mạng xã hội như Facebook, Instagram, Twitter LinkedIn đều cung cấp các tài khoản miễn phí cho doanh nghiệp. Ngoài ra, nếu muốn tăng cường hiệu quả tiếp thị, doanh nghiệp có thể đầu tư chạy quảng cáo với mức ngân sách thấp. 


  • Tiếp cận đông đảo khách hàng tiềm năng: Mạng xã hội có hàng tỷ người dùng trên toàn thế giới. Điều này mang lại cho doanh nghiệp cơ hội tiếp cận tệp khách hàng đông đảo và đa dạng.


  • Tạo thương hiệu và xây dựng lòng tin: Startup có thể chia sẻ thông tin về doanh nghiệp, giới thiệu sản phẩm, chia sẻ nội dung hữu ích và tương tác với khách hàng.


  • Tạo nội dung để tăng tương tác: Mạng xã hội cho phép startup sáng tạo và chia sẻ nội dung đa dạng như hình ảnh, video, bài viết, câu chuyện, livestream và nhiều loại nội dung khác nữa. Khác với website, các nội dung trên mạng xã hội có xu hướng nhận nhiều tương tác tích cực hơn từ khách hàng. 


  • Phân tích và đo lường hiệu quả: Các nền tảng mạng xã hội cung cấp các công cụ phân tích và đo lường, cho phép startup theo dõi lượt tiếp cận, tương tác và kết quả từ các hoạt động tiếp thị. 


Chiến lược 8 bước sử dụng social media hiệu quả dành cho doanh nghiệp


Xây dựng network cho tài khoản LinkedIn của thương hiệu


LinkedIn có hơn 774 triệu người dùng trên toàn thế giới (tính đến tháng 12/2020). Đây là nền tảng phù hợp để marketing bởi:


  • Đối tượng chuyên nghiệp: LinkedIn là mạng xã hội việc làm, kinh doanh được hàng tỷ người dùng và doanh nghiệp sử dụng trên toàn thế giới. Đối với các B2B startup, SaaS (Công ty cung cấp phần mềm mạng dịch vụ) thì LinkedIn chính là “mỏ vàng”.vì nền tảng này cho phép họ xây dựng các mối quan hệ kinh doanh tiềm năng. 


  • Có nhiều tính năng không phải trả phí: LinkedIn cung cấp một loạt các công cụ và tính năng miễn phí để tạo và quảng bá nội dung. Vì thế, các startup có thể tạo hồ sơ công ty, chia sẻ bài viết và thông tin về sản phẩm và dịch vụ mà không phải chi trả bất kỳ loại phí nào. 


Để bắt đầu thực hiện các chiến lược marketing trên LinkedIn, hãy thử áp dụng các chiến thuật sau:


Cách 1 - Chia sẻ bài viết: Startup có thể chia sẻ bài viết ở nhiều định dạng như bài đăng, hình ảnh, video, bảng khảo sát, hoặc article. Hãy tập trung chia sẻ thông tin, kiến thức hữu ích cho người dùng thay vì quảng bá công ty và sản phẩm liên tục.  


Cách 2 - Tham gia nhóm LinkedIn: Tham gia vào các nhóm LinkedIn để biết được các tệp khách hàng đang thảo luận điều gì, trao đổi với nhau bằng ngôn ngữ như thế nào, và bắt đầu làm cho họ biết tới sự tồn tại của startup. 


Cách 3 - Tìm kiếm và kết nối: Sử dụng công cụ tìm kiếm LinkedIn để tìm kiếm người dùng, công ty hoặc nhóm có liên quan đến doanh nghiệp. Sau đó, marketer có thể gửi lời mời kết nối và bắt đầu thiết lập quan hệ kinh doanh.


Cách 4 - Thống kê và phân tích: LinkedIn cung cấp các công cụ thống kê và phân tích miễn phí giúp đo lường hiệu quả của hoạt động tiếp thị, bao gồm tính năng theo dõi lượt xem hồ sơ và tương tác với bài viết. 


6 định dạng nội dung trên LinkedIn mà startup có thể cân nhắc áp dụng


Email Marketing


Email Marketing là chiến lược gửi thông tin sản phẩm hoặc khuyến mãi đến một nhóm khách hàng qua email. Trong đó, Email Marketing thường bao gồm các bước như xây dựng danh sách email của khách hàng, tạo nội dung hấp dẫn và gửi lần lượt thông tin đến những người có trong danh sách này. Mục tiêu của chiến lược này là tương tác, tăng nhận thức về thương hiệu, cải thiện doanh số và xây dựng mối quan hệ lâu dài với khách hàng.


Google có các hướng dẫn dành cho chiến dịch Email Marketing 


Những startup có ngân sách marketing thấp nên thử áp dụng chiến lược này, vì nó sẽ mang lại nhiều hiệu quả như:


  • Tiếp cận rộng: Với Email Marketing, startup có thể tiếp cận một lượng khách hàng tiềm năng rất lớn vì đây là phương tiện phổ biến và hầu như mọi người đều sử dụng email hàng ngày.   


  • Tương tác cá nhân hóa: Email Marketing cho phép doanh nghiệp tùy chỉnh và cá nhân hóa thông điệp dựa trên thông tin và hành vi của từng khách hàng. 


  • Chi phí thấp: So với các hình thức tiếp thị truyền thống như quảng cáo truyền hình, in ấn hoặc quảng cáo đài phát thanh, Email Marketing có chi phí thấp nên phù hợp với startup hơn. 


Tuy nhiên, để Email Marketing mang lại hiệu quả tốt, doanh nghiệp cần lên chiến lược chỉn chu:nội dung đủ giá trị và hấp dẫn, tuân thủ các quy định riêng của nền tảng. Startup cũng cần có kỹ năng phân tích dữ liệu để tạo ra các nội dung mang tính cá nhân hóa. 


Tận dụng các gói khuyến mãi miễn phí (Free Ad Promo Credits)


Free Ad Promo Credits đề cập đến các gói quảng cáo miễn phí của Google, Facebook, Twitter hoặc LinkedIn. Mục tiêu của các gói miễn phí này là để thu hút và khuyến khích người dùng mới thử nghiệm và sử dụng dịch vụ của họ.


 

Startup có thể chạy quảng cáo trên nền tảng mà không cần trả phí hoặc chỉ trả một phần phí


Khi sử dụng gói Free Ad Promo Credits, startup có thể chạy quảng cáo trên các nền tảng mà không cần trả hoặc chỉ trả một phần phí. Điều này giúp các startup giảm thiểu nguy cơ tài chính nhưng vẫn có cơ hội tiếp cận khách hàng tiềm năng. 


Ví dụ: Google Ads cung cấp chương trình khuyến mãi cho người dùng mới với giá trị là 100 USD trong Free Ad Promo credits. Nếu startup đăng ký tài khoản Google Ads, họ sẽ nhận được ưu đãi 100 USD dành riêng cho việc chạy chiến dịch quảng cáo.


Guerilla Marketing


Trong chiến tranh, Guerilla dùng để chỉ những trận đấu mà lực lượng nhỏ thắng áp đảo các lực lượng lớn hơn nhờ chiến thuật sáng tạo. Tương tự, Guerilla Marketing là một chiến lược tiếp thị giúp startup tiếp cận khách hàng mà không đòi hỏi ngân sách lớn. Tất cả những gì mà startup cần là một ý tưởng độc lạ.  


Guerilla Marketing thường bao gồm các hình thức chính như:

1. Street art và graffiti: Sử dụng nghệ thuật đường phố và graffiti để quảng bá thông điệp tiếp thị và tạo sự chú ý từ người đi đường. Đơn cử, Nike đã hợp tác với nhiều nghệ sĩ vẽ đường phố trên toàn thế giới để tạo ra các bức tranh tườngl. Ý tưởng này hiệu quả đến mức Nike đã liên tục sử dụng trong các chiến dịch sau này như Nike Air Force 1 Mural Project, "Unlimited Future", "Write the Future" World Cup. 


Dự án vẽ tranh tường trong Nike Air Force 1 Mural Project


2. Flashmob: Một nhóm người đồng loạt thực hiện một hành động nào đó như nhảy, vỗ tay, hát,... để thu hút sự chú ý và tò mò từ người xem. Coca-Cola đã sử dụng flash mob trong các chiến dịch quảng cáo của mình. Họ đã tổ chức các Flashmob tại các sự kiện thể thao lớn như World CupOlympic, nơi hàng trăm người mặc áo Coca-Cola biểu diễn các điệu nhảy biểu tượng của thương hiệu. Các sự kiện như vậy giúp tạo nên một không khí sôi động và kết nối với khách hàng. 


Màn trình diễn Flash Mob của Coca-Cola


3. Viral marketing: Tạo ra nội dung hoặc video gây sốt trên mạng xã hội để tăng nhận diện thương hiệu. Thương hiệu có thể tham khảo Ice Bucket Challenge (Thử thách xô nước đá) - một case study hoàn hảo về viral marketing ra đời vào năm 2014. Mục đích của Ice Bucket Challenge là để tăng nhận thức của mọi người về ALS - Căn bệnh căn bệnh khiến các tế bào thần kinh vận động của con người bị tê liệt. Khi người chơi dội nước đá vào người, họ sẽ cảm nhận được cảm giác của người mắc bệnh ALS trong vài giây. Toàn bộ tiền do Ice Bucket Challenge kêu gọi được sẽ dùng để quyên góp cho bệnh nhân ALS và các tổ chức nghiên cứu về loại bệnh này. Kết quả là, Ice Bucket Challenge đã quyên góp được 115 triệu đô chỉ trong 6 tuần đầu tiên. Từ một ý tưởng tiếp thị, Ice Bucket Challenge đã trở thành hiện tượng toàn cầu và vẫn còn thu hút người tham gia thử thách dù đã gần 9 năm trôi qua. 


18Bucket-superJumbo.jpg (2048×1365)

Ice Bucket Challenge đã quyên góp được 115 triệu đô chỉ trong 6 tuần đầu tiên


Hằng Trần