Trước sự phát triển như vũ bão của công nghệ, công việc của một nhà thiết kế đồ họa (Graphic Designer) cũng theo đó mà thay đổi và cải tiến. Nếu cứ mãi đi theo một phong cách hoặc thói quen thiết kế của bản thân, nhà thiết kế rất dễ bị bỏ lại phía sau.


Vậy làm thế nào để một Designer thoát ra khỏi khuôn mẫu và cải thiện kỹ năng thiết kế đồ họa của bản thân? Dưới đây là 7 phương pháp mà Designer có thể tham khảo!


1. Nắm vững lý thuyết trong thiết kế


Nếu như những yếu tố cơ bản như đường nét, hình khối,… là cơ sở hình thành nên một thiết kế thì nguyên tắc chính là “chất keo” kết nối các yếu tố lại với nhau để tạo nên một tổng thể hài hoà và đẹp mắt. Ngoài ra, việc nắm rõ các nguyên tắc giúp các nhà thiết kế mới có những nhận định đúng về hình ảnh, giúp họ xây dựng nền móng vững chắc để tạo ra các tác phẩm mang dấu ấn cá nhân.


Nắm vững lý thuyết là bước đầu để nâng cao kỹ năng thiết kế


Những nguyên tắc cơ bản mà Designer cần nắm vững có thể kể đến như lý thuyết lưới, lý thuyết màu sắc, kiểu chữ và tỷ lệ vàng trong thiết kế. Nhà thiết kế có thể học những kiến thức này từ trường Đại học chính quy hoặc các khóa học ngắn hạn, thậm chí là có một số khóa học thiết kế đồ họa miễn phí. Ngoài ra, đọc sách cũng có thể giúp Designer hiểu thêm về những lý thuyết này.


2. Đọc sách liên quan đến thiết kế


Hiện nay có rất nhiều đầu sách về lý thuyết thiết kế đồ họa, cách cải thiện kỹ năng thiết kế,... Đọc những tựa sách này không chỉ giúp nhà thiết kế có thêm hiểu biết về công việc của bản thân ở khía cạnh lý thuyết mà còn học hỏi thêm được nhiều kinh nghiệm thực tế của những "tiền bối" thành công trong nghề.


3. Học hỏi từ những phản hồi (feedback)


Là một nhân sự, việc nhận quá nhiều phản hồi hay lời chỉ trích từ cấp trên có thể khiến công việc trở nên mệt mỏi hơn. Tuy nhiên, việc xử lý các phản hồi để rút ra bài học là một kỹ năng quan trọng không kém để nhà thiết kế nâng cao trình độ bản thân.


Học hỏi từ những phản hồi


Trong công việc, nhân sự có thể sẽ nhận được những lời phản hồi nhẹ nhàng. Tuy nhiên cũng có một số trường hợp nhân sự sẽ phải đối mặt với những phản hồi tiêu cực, hay còn gọi là những chỉ trích mang tính xây dựng. Nếu xét về mặt tích cực, những lời góp ý này giúp nhân sự nhạy cảm hơn với những chi tiết nhỏ nhặt, cải thiện khả năng nhìn nhận tổng thể vấn đề từ nhiều quan điểm và góc nhìn khác nhau. Đặc biệt, những góp ý này không chỉ đến từ khách hàng mà còn đến từ đồng nghiệp, thậm chí là người dùng mạng xã hội. 


4. Thực hiện thêm những dự án bên ngoài


Nếu công việc thiết kế chỉ quanh đi quẩn lại cùng một loại tác phẩm trong suốt giờ làm việc, điều này có thể làm giảm đi sự nhiệt tình, đam mê của chính Designer. Do đó, thực hiện những dự án của riêng mình là cách để nhà thiết kế tự học hỏi và rèn luyện khả năng sáng tạo. Những dự án freelance sẽ giúp designer tiếp cận được yêu cầu sáng tạo và tiêu chí thẩm mỹ đa dạng ngành nghề hơn.


5. Không ngừng thử nghiệm


Trong giới khởi nghiệp có một câu nói phổ biến là "fail fast" (thất bại nhanh chóng). Nói cách khác, việc liên tục thử nghiệm nhiều ý tưởng sáng tạo khác nhau và áp dụng chúng vào thực tế, Designer mới tìm ra được sở trường của bản thân.


Liên tục thử nghiệm để tìm ra sở trường của bản thân


Thay vì luôn sử dụng cùng một phông chữ, tông màu, bố cục hay phần mềm, Designer hãy thử nghiệm những điều mới như sử dụng một phông chữ lạ lẫm chưa bao giờ dùng trước đây; thử sáng tạo hình ảnh 3D thay vì 2D; phác thảo bằng bút bi, bút màu thay cho cây bút chì quen thuộc. Nhà thiết kế nên thử phá vỡ một quy tắc quen thuộc của bản thân và khám phá những phong cách mới. 


6. Giao lưu với các nhà thiết kế khác


Để cải thiện kỹ năng của bản thân, Designer nên giao lưu, trò chuyện nhiều hơn với những người cùng nghề. Designer có thể đến các buổi họp mặt, sự kiện, hội nghị hay thậm chí là các diễn đàn, hội nhóm trên mạng xã hội. Tại đây, nhà thiết kế có thể bước ra khỏi vùng an toàn và kết nối với nhiều người hơn. Điều này có thể giúp nhà thiết kế học hỏi được thêm nhiều điều.


Cải thiện kỹ năng của bản thân bằng cách kết nối với những người cùng ngành


7. Sử dụng một phần mềm khác


Có thể nói, phần mềm/chương trình (program) mà Designer sử dụng để thiết kế có thể tạo ra sự khác biệt lớn. Việc dùng quen một phần mềm có thể giúp nhà thiết kế xử lý công việc nhanh hơn, tuy nhiên mặt trái là chúng có thể hạn chế khả năng sáng tạo của Designer. Do đó, chuyển sang sử dụng một phần mềm khác có thể mở ra nhiều ý tưởng độc đáo, mới lạ hơn cho nhà thiết kế. 

Designer nên thử chuyển qua sử dụng một phần mềm khác


Theo Creativebloq

Kim Ngọc