Năm 2023 chứng kiến nhiều sự đổi mới mang tính đột phá đa lĩnh vực và marketing cũng không phải là ngoại lệ. Những thay đổi lớn trong cách thức mua sắm của khách hàng, xu hướng sử dụng mạng xã hội chưa từng xuất hiện trước đó và các thuật toán liên tục được update tạo nên một “thế giới ảo” vô cùng nhộn nhịp trong năm vừa qua.


Để xây dựng được chiến lược và lên kế hoạch cho hoạt động marketing trên mạng xã hội, marketer cần liên tục cập nhật những thông tin mới nhất về thị trường, khách hàng và nền tảng đang sử dụng. Cùng khám phá ngay 7 xu hướng mạng xã hội được Hootsuite dự đoán có sức ảnh hưởng mạnh mẽ trong năm 2024 qua bài viết sau!


Mạng xã hội cạnh tranh với các công cụ tìm kiếm truyền thống


Vào năm 2024, các trang mạng xã hội trở thành mối đe dọa lớn nhất cho các công cụ tìm kiếm truyền thống như Google. Khảo sát của Hootsuite gần 9000 người tiêu dùng Gen Z trên toàn cầu đã chỉ ra rằng: Mạng xã hội hiện đang là cách phổ biến thứ hai để tham khảo về sản phẩm hoặc thương hiệu trước khi mua hàng. TikTok, FacebookInstagram trở thành nơi công cụ tìm kiếm yêu thích của giới trẻ vì tính chân thật, dễ tiếp cận. “Trong nghiên cứu của chúng tôi, gần 40% người dùng Gen Z được khảo sát không truy cập Bản đồ của Google khi tìm kiếm một địa điểm để ăn trưa mà thay vào đó họ chọn TikTok hoặc Instagram”, ông Prabhakar Raghavan, Phó chủ tịch cấp cao của Google chia sẻ trong một hội nghị công nghệ vào tháng Bảy vừa qua.


Các nền tảng truyền thông xã hội hiện đang là cách phổ biến thứ hai để người dùng tham khảo về sản phẩm hoặc thương hiệu trước khi mua hàng


Để thực sự thay thế được “gã khổng lồ” Google, các trang mạng xã hội kể trên cũng đã đưa ra một số điều chỉnh để trở nên phù hợp hơn với thị hiếu của người dùng. Chẳng hạn như TikTok đã tích hợp kết quả tìm kiếm của Google vào trong ứng dụng và bổ sung thêm các công cụ như Keyword Insights vào trong Creative Center


TikTok đã tích hợp kết quả tìm kiếm của Google vào trong ứng dụng và bổ sung thêm các công cụ như Keyword Insights vào trong Creative Center


Ưu tiên phát triển các video có thời lượng dài hơn


Những nội dung dài từ hai đến năm phút cho mỗi video thay vì dưới một phút như short-form video dần xuất hiện trở lại. Khi mà Instagram Reels có thể dài tới 15 phút, TikTok cũng đang thử nghiệm độ dài đó thì X (Twitter) đã triển khai chương trình đăng ký trả phí để có thể tải lên video dài tối đa hai giờ. Nội dung dạng video có thời lượng dài hơn sẽ trở nên phổ biến hơn trong năm tới. 


TikTok cho phép người dùng đăng tải video có thời lượng tới 15 phút


Như đã đề cập ở xu hướng trên, người dùng giờ đây lên các trang mạng xã hội để tìm kiếm những câu trả lời chi tiết, chính xác nhất thay vì dùng Google hoặc các công cụ tìm kiếm web khác như trước kia. Do đó, nội dung đến từ thương hiệu cũng cần đủ sâu, đầy đủ và được đầu tư để giải đáp được các thắc mắc của khách hàng. Video dạng ngắn trong năm 2024 vẫn sẽ tiếp tục lên ngôi nhưng với thời lượng dài hơn để đáp ứng được nhu cầu tìm kiếm của người dùng. 


Lượt chia sẻ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết


Vì sao lượt chia sẻ lại quan trọng với thương hiệu đến thế? Marketer luôn muốn thu hút được sự quan tâm của khách hàng nhiều nhất có thể. Tuy vậy, việc đo lường bằng reach, lượt thích hay bình luận không thể hiện được chính xác hiệu quả của hoạt động marketing. Tiêu chí đánh giá thực tế và sát sao nhất chính là lượt chia sẻ. Bởi không giống như like, comment hay follow, view, lượt xem, lượt chia sẻ thể hiện giá trị thực tế bởi khi ai đó share một nội dung có nghĩa là họ đã cảm nhận được giá trị thực sự. 


Marketer cần đặc biệt quan tâm đến lượt share vì đây là tiêu chí đánh giá thực tế và sát sao nhất đối với các hoạt động marketing trên mạng xã hội


Hành động chia sẻ nội dung về trang cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội có thể xuất phát từ nhiều lý do. Thông tin hữu ích, tính giải trí cao hoặc mong muốn thể hiện bản thân đều có thể dẫn đến việc người dùng chia sẻ nội dung. Ngoài ra, thiện ý muốn giúp đỡ ai đó cũng tạo nên thôi thúc mạnh mẽ để một người nhấn nút share trên mạng xã hội. Xuất phát từ điều này, thương hiệu có thể tăng lượt chia sẻ và tiếp cận nhờ những nội dung đem đến giá trị thực sự cho khách hàng. 


Tuy nhiên, marketer không vì thế mà đánh giá thấp tầm quan trọng của các chỉ số khác như like hay comment bởi đây vẫn là một cách để đánh giá hiệu quả của bài đăng trên mạng xã hội. Nếu như thương hiệu tạo nên nội dung tập trung thu hút lượt share thì like và comment vẫn sẽ theo sau nhưng điều ngược lại không phải lúc nào cũng đúng.


LinkedIn giảm mức độ ưu tiên cho nội dung mang tính cá nhân để hướng đến sự chuyên nghiệp


LinkedIn hiện có hơn 1 tỷ người dùng đến từ 200 khu vực và quốc gia trên toàn cầu. Thuật toán của nền tảng này xử lý hàng tỷ bài đăng mỗi ngày - tất cả là để cung cấp kiến thức và thông tin hữu ích nhất cho người dùng. Ưu tiên nội dung chất lượng cao và thúc đẩy tương tác thật nhờ giá trị đem đến cho người dùng là những gì nền tảng này sẽ tiếp tục phát triển trong năm tới. LinkedIn không phải là một nền tảng mà thương hiệu tạo ra nội dung để lan truyền mà là nơi để chia sẻ kiến ​​thức để những người theo dõi có thể ứng dụng thông tin đó cho sự nghiệp và cuộc sống của họ. 


Quy trình kiểm duyệt nội dung được chia sẻ bởi LinkedIn 


Thuật toán LinkedIn phân loại người dùng dựa trên các nhóm, hashtag, trang và những người họ theo dõi. Từ đó, nền tảng phân tích sự quan tâm của người dùng đối với một chủ đề dựa trên các hành động trên mạng xã hội như viết bài, thích nội dung hoặc bình luận về bài đăng hoặc bài viết có liên quan. Trên thực tế, LinkedIn đã triển khai một số thay đổi thuật toán nhằm ưu tiên tính chuyên nghiệp của nội dung được chia sẻ, bao gồm việc tập trung vào "kiến thức và lời khuyên", đặc biệt là giữa các chuyên gia về chủ đề của họ. Đó là bởi vì, LinkedIn cho biết, người dùng thấy nội dung có giá trị nhất khi nó bắt nguồn từ kiến ​​thức, đặc biệt hơn khi được chia sẻ bởi những người họ yêu thích. 


Nội dung được tổng hợp từ nhiều ảnh (Photo Dumps) trở nên thịnh hành 


Trong năm 2023, có tới hơn 2,8 triệu bài đăng trên Instagram sử dụng hashtag #photodump và con số này vẫn tiếp tục tăng lên. Cũng tại nền tảng này, theo kết quả thử nghiệm của Hootsuite, nội dung tổng hợp ảnh thu về lượt tiếp cận và lượng tương tác cao hơn so với reels và ảnh đơn lẻ. 


Định dạng nhiều ảnh cho phép thương hiệu kể những câu chuyện dài bằng cách thú vị và trực quan, từ đó cũng tăng khả năng thu hút người xem lên cao hơn. Để có được một video hay bộ ảnh, thương hiệu sẽ phải đầu tư nguồn lực từ chi phí đến sản xuất. Trong khi đó, nội dung thể hiện qua nhiều ảnh tập trung vào tính chân thực và gần gũi nên có thể sản xuất nhanh hơn nhưng lại truyền tải được nhiều nội dung hơn qua hình thức thu hút hơn và mức chi phí thấp hơn. Trên Instagram, thương hiệu có thể chia sẻ tối đa 10 ảnh hoặc video trong một bài đăng và trên TikTok, số lượng ảnh có thể lên tới 35. 


Khi sử dụng dạng nội dung này, thu hút người xem ngay từ bức ảnh đầu tiên là điều vô cùng quan trọng. Thương hiệu có thể tham khảo 3 gợi ý sau để thành công với định dạng này:


Giới thiệu sản phẩm

Photo Dumps cho phép thương hiệu có thể chia sẻ nhiều ảnh, video trong một bài đăng và đây là một cách tuyệt vời để giới thiệu sản phẩm với khách hàng. Thương hiệu có thể dễ dàng chia sẻ thông tin về biến thể của sản phẩm như màu sắc hoặc kiểu dáng khác nhau hoặc làm nổi bật một số chi tiết quan trọng khác. 


Photo Dumps cho phép thương hiệu có thể chia sẻ nhiều ảnh, video trong một bài đăng


Chia sẻ những khoảnh khắc đời thường


Việc sử dụng hình ảnh để kể chuyện, nhất là đối với những câu chuyện gần gũi khiến người dùng bị thu hút và hứng thú hơn bao giờ hết. Thương hiệu có thể sáng tạo những bài đăng mang tính chất tóm tắt nhanh qua những bức ảnh chân thật để thu hút được sự chú ý của khách hàng.


Việc sử dụng hình ảnh để kể chuyện khiến người dùng bị thu hút và hứng thú hơn bao giờ hết


Nội dung do người dùng tạo (UGC) 


UGC là một trong những dạng nội dung được người tiêu dùng đánh giá là đáng tin cậy và chân thật bậc nhất. Trong năm 2024, nội dung do người dùng tạo (UGC) được dự đoán sẽ tiếp tục phát triển và có sức ảnh hưởng lớn đến thương hiệu. Do đó, thương hiệu có thể kết hợp UGC và các bài đăng chứa nhiều ảnh để thu hút sự chú ý và tạo được thiện cảm tốt với người xem.


UGC là một trong những dạng nội dung được người tiêu dùng đánh giá là đáng tin cậy và chân thật bậc nhất


Thương hiệu và AI trở thành “những người bạn tốt”


Những công cụ ứng dụng trí tuệ nhân tạo như ChatGPT tạo nên cuộc cách mạng lớn trong việc sáng tạo nội dung nói riêng và mọi khía cạnh trong cuộc sống nói chung. Nếu biết khai thác đúng cách, AI sẽ trở thành trợ thủ đắc lực của marketer bởi công nghệ này giúp mọi việc trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn. HootSuite đã tiến hành một thử nghiệm để so sánh nội dung được viết bởi ChatGPT và người thật được đăng tải trên X (Twitter). Kết quả thật thú vị - ChatGPT tạo ra nhiều tương tác hơn nhưng nội dung do con người viết lại nhận về lượt reach cao hơn. Do đó, khi con người và AI phối hợp ăn ý sẽ tạo ra kết quả tích cực cho hoạt động marketing của thương hiệu. 


Kết quả thử nghiệm để so sánh nội dung được viết bởi ChatGPT và người thật được đăng tải trên X (Twitter) của Hootsuite


Ngoài ChatGPT, rất nhiều công cụ AI xuất hiện và hỗ trợ tối đa quá trình sáng tạo nội dung như Bard (được Google ra mắt vào tháng 2/2023 là đối thủ nặng ký của ChatGPT), Bing AI, Jasper AI, Adobe Firefly (beta)Midjourney sử dụng để xử lý hình ảnh. Việc sử dụng AI tạo nội dung tương tự như việc marketer phối hợp với các phần mềm khác nhau trong một công đoạn sản xuất nhưng với hiệu quả và tốc độ được nâng cao gấp nhiều lần. AI có thể tiết kiệm thời gian, công sức từ 5 thậm chí 10 lần so với việc tạo ra nội dung một cách truyền thống. 


Sự phát triển của YouTube Shorts


Làm mưa làm gió với video định dạng ngắn, TikTok tuy vẫn đang phát triển bùng nổ nhưng cũng phải đối mặt với việc bị hạn chế ở một số quốc gia. Chẳng hạn, Ấn Độ đã cấm vĩnh viễn nền tảng này vào tháng 1/2021 vì lý do an ninh quốc gia và các chính trị gia cấp cao ở Mỹ cũng đang xem xét việc loại bỏ TikTok. 


Nắm bắt cơ hội trên cùng với việc nghiên cứu thị hiếu người dùng, YouTube Shorts xuất hiện. Tính năng này ra mắt lần đầu tiên vào năm 2021 và bị nhiều người đánh giá đây chỉ là "bản sao của TikTok". Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh tính năng YouTube Shorts không chỉ đơn thuần là một thay đổi mang tính nhất thời mà nằm trong chiến lược phát triển dài hạn của “gã khổng lồ” này.


Thực tế đã chứng minh tính năng YouTube Shorts không chỉ đơn thuần là một thay đổi mang tính nhất thời mà nằm trong chiến lược phát triển dài hạn của “gã khổng lồ” này


Theo Google Trends, sự quan tâm của người Mỹ dành cho YouTube Shorts đã tăng hơn 500% kể từ năm 2021 đến nay. Khảo sát của Statista cũng đã chỉ ra sự phát triển vượt bậc của tính năng này: Vào năm 2022, có 1,5 tỷ người dùng toàn cầu hoạt động hàng tháng trên YouTube Shorts và sau đó một năm, con số này tăng thêm nửa tỷ. Bà Nicky Rettke, phó chủ tịch quản lý sản phẩm của YouTube, chia sẻ rằng video dạng ngắn phát triển bùng nổ trong hai năm qua và nền tảng này không thể nằm ngoài xu hướng đó. Mức tăng trưởng ấn tượng của Youtube Shorts cũng dẫn đến sự gia tăng đáng kể số lượng những nhà sáng tạo nội dung. 


Vào năm 2022, có 1,5 tỷ người dùng toàn cầu hoạt động hàng tháng trên YouTube Shorts và sau đó một năm, con số này tăng thêm nửa tỷ (Nguồn: Statista)


Ông Ben Foster, đối tác quản lý tại công ty truyền thông The Kite Factory tin rằng YouTube Shorts có vai trò quan trọng nằm trong nỗ lực của công ty mẹ Alphabet nhằm duy trì sự thống trị của mình với tư cách là công cụ tìm kiếm hàng đầu, trong bối cảnh các thế hệ mới ngày càng rời xa Google.


Minh Anh