Năm 2024, đứng trước sự bất ổn của kinh tế và việc công nghệ A.I đang phát triển vượt bậc, các công ty cắt giảm lượng lớn nhân vật và chỉ tuyển dụng hoặc giữ những nhân viên tiềm năng, có năng lực bên mình. 


Môi trường cạnh tranh ngày càng cao này khiến các ứng viên khi xin việc cần chuẩn bị thật chỉn chu và cẩn thận để tăng tỷ lệ ứng tuyển thành công. Cùng điểm qua những phẩm chất mà một nhà tuyển dụng cần ở các ứng viên để có một buổi phỏng vấn thuận lợi. 


1. Trung thành và chính trực 


Một nhân viên trung thành và chính trực trong công việc sẽ cho nhà tuyển dụng thấy họ mong muốn gắn bó với công ty và cống hiến hết mình. Nhân viên sẽ là người hướng đến mục tiêu, sứ mệnh chung của công ty. Họ đưa ra những cam kết khả thi và cho thấy mình có tìm hiểu, nghiên cứu để hiểu được tầm nhìn, giá trị mà công ty đang hướng đến.



Không nên nói suông là “tôi sẽ cống hiến cho công ty nếu được nhận vào làm việc”, mà hãy cụ thể hóa dự định của mình, ví dụ: “Tôi sẽ thực hiện những điều này để thúc đẩy doanh số cho công ty hoặc cải thiện những thiếu sót của mình để làm việc hiệu quả hơn”. Mọi lời hứa đều phải đảm bảo tính khả thi và cho thấy ứng viên thực sự muốn trở thành một phần của công ty. 


2. Khả năng giao tiếp hiệu quả 


Một trong những bước đầu tiên để ứng tuyển là soạn email xin việc. Email cần được trình bày rõ ràng, đúng quy tắc và nêu đúng trọng tâm vấn đề. Ứng viên nên kiểm tra kỹ thông trước khi gửi để đảm bảo văn bản đúng chính tả, quy tắc và những thông tin trình bày rõ ràng, chính xác. Ngoài ra, giao tiếp tốt và ăn nói mạch lạc, cuốn hút cũng là điều quan trọng. Hãy luôn tích cực lắng nghe nhà tuyển dụng và phản hồi thông tin một cách lịch sự, cẩn trọng, chu đáo. 



Nhiều ứng viên không thể giao tiếp với nhà tuyển dụng do khoảng cách thế hệ, vì vậy biết cách đặt câu hỏi khi ứng tuyển cũng là một điểm cộng rất lớn. Thay vì hỏi “Chị ơi, làm sao để hoàn thành công việc này?”, hãy hỏi “Em đã tìm hiểu qua nhiều cách để làm tốt công việc này nhưng vẫn chưa có được giải pháp hợp lý, chị có thể cho em vài gợi ý được không?”. Điều này giúp ứng viên không đặt câu hỏi “vô tri”, hỏi cho có mà thực sự đặt thời gian vào nghiên cứu công việc và tinh thần cầu tiến. 


3. Tự tin khẳng định bản thân


Tự tin là một phẩm chất hàng đầu các nhà tuyển dụng tìm kiếm, ứng viên cần tin vào khả năng của bản thân và biết mình muốn gì. Việc truyền đạt các ước mơ, lý tưởng thật rõ ràng sẽ cho nhà tuyển dụng thấy mình là một ứng viên tiềm năng, có giá trị và thực sự muốn làm công việc đó thay vì chỉ làm vì đồng lương. 



Khi được gọi phỏng vấn, nghĩa là ứng viên đã có sự phù hợp với vị trí của công ty qua hồ sơ, vì vậy hãy thật thoải mái thể hiện bản thân. Chú ý trau chuốt ngoại hình, ăn mặc lịch sự để có một vẻ ngoài tự tin nhất, ngoài ra còn phải tìm hiểu kỹ về thông tin công ty, vị trí công việc. Ví dụ với những câu hỏi dễ gây nói “hớ” như deal lương, có thể chuẩn bị trước mức lương mong muốn ở nhà và thỏa thuận lại với tuyển dụng. Cần phải kiểm soát suy nghĩ trước khi nói để tránh run và nói lắp. 

 

4. Tư duy phản biện tốt 


Tư duy phản biện là khả năng suy nghĩ, phân tích logic, rõ ràng và có các lập luận đúng để bảo vệ một quan điểm nào đó. Quá trình này bao gồm thu thập thông tin, dữ liệu, đặt các câu hỏi phù hợp với vấn đề và phân tích để tìm ra những giải pháp khả thi. Những vấn đề phân tích phải dựa trên cơ sở khách quan, không để cảm xúc, sự thiên kiến lấn át suy nghĩ. Trong công việc, một nhân viên có tư duy phản biện tốt sẽ biết cách xử lý những đầu việc hiệu quả, có góc nhìn đa chiều và không nhìn nhận mọi thứ theo hướng chủ quan. 



Hãy tự đặt một tình huống giả định và đặt câu hỏi, cách xử lý của mình trong tình huống đó. Rằng thay vì chỉ nhìn vào mặt tối của vấn đề, mình còn có thể suy nghĩ theo các góc độ khác, cách làm khác theo tư duy tích cực. 


5. Tạo dựng độ tin cậy


Một nhân viên đáng tin cậy sẽ luôn có trách nhiệm trước các đầu việc mình nhận. Vì vậy hãy hoàn thành mọi thứ đúng thời hạn và tránh trì trệ, đến đúng giờ trong các buổi phỏng vấn và nhanh chóng làm xong những nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, cần đảm bảo vấn đề đạo đức và phẩm chất trong công việc, không viện lý do hay đổ lỗi cho các hành động mình đang làm mà gây mất niềm tin với nhà tuyển dụng. 


Nếu thường xuyên là người viện cớ cho việc mình đi trễ, làm task trễ hạn bằng nhiều lý do, nên thành thật nhận lỗi với nhà tuyển tuyển dụng và đặt ra cam kết. Tránh các từ tạo cảm giác đổ lỗi như “tại, bị, tưởng” và luôn nhìn nhận lại bản thân mình.



6. Khả năng làm việc nhóm


Mặc dù không phải mọi công việc đều cần đến sự hợp tác hay làm việc nhóm, nhưng khả năng cân bằng và trung hòa khi làm việc nhóm là một điểm cộng lớn. Trên thực tế, các nhà tuyển dụng thường đặt câu hỏi về cách hoạt động khi làm nhóm, hãy nêu những điểm đặc biệt để làm nổi bật khả năng hợp tác, kết nối của chính mình.



Ứng viên có thể trình bày những điều mình thường lưu ý khi làm việc nhóm để chứng tỏ bản thân làm việc hiệu quả. Hãy đặt ra nhiều trường hợp như “Nếu nhận vị trí leader, trước khi làm việc nhóm, tôi sẽ tìm hiểu về các thành viên thông qua quan sát, trò chuyện để nhận ra điểm mạnh, điểm yếu của họ và kết nối các thành viên tốt hơn”. Ngoài ra, còn nên cụ thể hóa các giải pháp của mình, chẳng hạn với ứng viên hướng ngoại, hướng nội nên có cách giao tiếp và phân chia công việc như thế nào? Nên đặt ra mục tiêu chung trước khi thực hiện công việc và đảm bảo các thành viên đều hoàn thành đúng deadline. 


7. Tinh thần tích cực học hỏi


Ứng viên không cần biết làm mọi thứ ngay từ đầu, mà phải luôn tích cực nhìn nhận, cải thiện khuyết điểm của bản thân. Người ứng tuyển nên thể hiện với nhà tuyển dụng là mình luôn sẵn sàng học hỏi điều mới, khai phá các kỹ năng chưa biết và thích nghi với nhiều tình huống khác nhau. Trong quá trình phỏng vấn, hãy đề cập đến việc mình là người thích tìm kiếm tri thức qua việc đọc sách và thích học tập những điều mới. 



Một gợi ý nhỏ là ứng viên có thể trò chuyện với nhà tuyển dụng về những đầu sách mình thường đọc để phát triển bản thân, những thói quen tích cực liên quan đến sự ham học hỏi hoặc một vài nhân vật truyền cảm hứng mà mình yêu thích.


8. Linh hoạt trong mọi tình huống 


Một ứng viên gây ấn tượng tốt còn biết thích ứng linh hoạt trước các hoàn cảnh, đầu việc. Họ phải điều chỉnh vai trò của mình dựa trên các yêu cầu của công ty, chẳng hạn như giờ làm việc hoặc các đầu việc của mình. Có thể chứng minh kỹ năng này bằng việc giải quyết nhanh chóng các tiến độ công việc cần thực hiện và tìm thêm nhiều giải pháp đa dạng để xử lý các vấn đề. Ngoài ra, linh hoạt trong mọi tình huống còn giúp xây dựng các mối quan hệ và đưa ra quyết định mỗi ngày một cách dứt khoát. 



Sự linh hoạt khi ứng tuyển được thể hiện qua cách làm các đầu việc, nêu về những kỹ năng cứng, mềm ngoài lĩnh vực chuyên môn. Ứng viên cũng nên đưa ra những tình huống mình từng linh hoạt giải quyết, khi một rủi ro công việc diễn ra, mình đã bình tĩnh xử lý tình huống đó ra sao, theo trình tự nào?