Một dữ liệu từ Hubspot cho thấy, 80% người tiêu dùng nhanh chóng đưa ra đánh giá hoặc cảm nhận ban đầu về thương hiệu chỉ dựa trên màu sắc chủ đạo. Con số "khổng lồ" này đã chứng minh khả năng ảnh hưởng đến nhận thức thương hiệu thông qua việc lựa chọn màu sắc đại diện. Vì vậy, không lí do gì để doanh nghiệp lựa chọn một bảng màu nhạt nhoà hay không nêu bật được cá tính thương hiệu.


Bài viết này sẽ khai thác thêm về những thủ thuật “nhỏ mà có võ trong lựa chọn và sử dụng màu sắc thương hiệu (brand color) để doanh nghiệp có thể tối ưu hoá hiệu quả thật sự của chúng.


Brand Color là gì? 


Vượt xa tính thẩm mỹ đơn thuần, màu sắc thương hiệu là công cụ để thương hiệu thể hiện bản sắc, cá tính và giá trị cốt lõi. Nói một cách đơn giản, màu sắc thương hiệu là màu sắc mà thương hiệu lựa chọn để đại diện cho họ trên tất cả các kênh từ bộ nhận diện, website đến phương tiện truyền thông.


Tại sao Brand Color lại quan trọng đối với thương hiệu?


1. Màu sắc thiết lập bản sắc và sự công nhận 


Hàng loạt thương hiệu mới ra đời khiến bức tranh thị trường ngày càng trở nên cạnh tranh. Làm thế nào để người tiêu dùng có thể tìm thấy một thương hiệu ở vị trí hàng đầu? Câu trả lời chính là màu sắc. Với mỗi sắc thái riêng biệt, từng mã màu lại đem đến những cảm xúc khác nhau, dễ dàng truyền tải tinh thần của những câu chuyện thương hiệu khác nhau. 


Màu đỏ - trắng nổi tiếng của thương hiệu nước giải khát toàn cầu của Coca-Cola cất lên tiếng nói đầy đam mê, phấn khích và nhiều năng lượng. Trong khi đó, cũng là màu đỏ và trắng, khi kết hợp cùng với màu xanh biển đậm của Pepsi lại toát lên tinh thần ham khám phá cùng nguồn cảm hứng cổ điển từ cuối thế kỷ 19 của nước Mỹ - quốc gia nơi thương hiệu ra đời. 


Tinh thần nhiệt huyết và cảm hứng sáng tạo ưu tiên sự tối giản của Coca-Cola được thể hiện từ bộ nhận diện đến dáng chai kinh điển


2. Màu sắc khơi gợi cảm xúc và tạo sự liên tưởng


Tâm lý học màu sắc đã chứng minh rằng màu sắc khác nhau gợi lên những cảm xúc và liên tưởng khác nhau. Trong khi đó, một bộ phận khách hàng thường mua sắm dựa trên cảm xúc. Chọn được bảng màu thương hiệu phù hợp có thể thay đổi “cuộc chơi thu hút khách hàng, vì có đến 34,5% số lần mua hàng được quyết định bởi những tác động tâm lý từ màu sắc. Đó là lý do mà người tiêu dùng thường tìm thấy sự phấn khích và vui vẻ trong bộ nhận diện có màu đỏ của những thương hiệu thức ăn nhanh hay màu đen hoặc vàng kim từ hình ảnh của các thương hiệu xa xỉ - loại màu sắc gây tò mò và tạo cảm giác cao quý. 



Facebook đã lựa chọn màu xanh lam làm màu sắc chính trong nhận diện thương hiệu của mình. Màu xanh lam là màu của sự tin tưởng, bảo mật và cảm giác đáng tin cậy. Ý nghĩa này phù hợp với sứ mệnh kết nối mọi người và tạo ra một cộng đồng trực tuyến an toàn của Facebook. Sắc xanh cũng có tác dụng xoa dịu tinh thần, giúp người dùng cảm thấy thư giãn và thoải mái hơn khi sử dụng nền tảng mạng xã hội này. 


3. Màu sắc tăng khả năng ghi nhớ thương hiệu


Sử dụng màu sắc thương hiệu nhất quán có thể tăng 80% khả năng ghi nhớ thương hiệu của người tiêu dùng. Khi khách hàng nhìn thấy màu sắc thương hiệu của doanh nghiệp nhiều lần, đặc biệt trong nhiều ngữ cảnh khác nhau, bộ não của khách hàng sẽ tự động thiết lập rằng màu sắc đó chính là thương hiệu. Từ đó, ngay khi nhìn thấy màu sắc đã được bộ não ghi nhớ ở bất kì nơi đâu, người tiêu dùng sẽ ngay lập tức liên tưởng đến thương hiệu. 


4. Màu sắc tạo nên lợi thế cạnh tranh


Màu sắc là chữ ký của thương hiệu, tuyên bố sự tồn tại của thương hiệu với thế giới. Bởi lẽ đó, một bảng màu đủ nổi bật và giúp người dùng phân biệt thương hiệu sẽ trở thành “vũ khí” cạnh tranh mạnh mẽ cho thương hiệu trên thị trường. 


Màu sắc giúp người dùng nhận diện và phân biệt thương hiệu trên thị trường


Các chuyên gia của nền tảng thiết kế đồ hoạ trực tuyến Canva lưu ý rằng trước khi xác định Brand Color, thương hiệu nên phân tích màu sắc của đối thủ cạnh để tạo ra điểm khác biệt cho chính mình. Hãy trả lời các câu hỏi:

  • Đối thủ cạnh tranh sử dụng màu sắc thương hiệu nào? Làm thế nào mà màu sắc đó có thể phản ánh bản sắc thương hiệu của họ? 
  • Nhận thức của khán giả về từng thiết kế trực quan của đối thủ cạnh tranh đến mức độ nào?
  • Ý nghĩa của từng mã màu trong bảng màu sắc thương hiệu của đối thủ cạnh tranh là gì?
  • Điều gì làm cho thương hiệu có thể trở nên độc đáo hơn so với từng đối thủ cạnh tranh? 


Công thức cho màu sắc của thương hiệu


Tuỳ đặc trưng và giá trị muốn truyền tải, mỗi thương hiệu sẽ sở hữu công thức màu sắc khác nhau. Nếu có nhiều hơn một mã màu trong bộ nhận diện, thương hiệu cần xác định mức độ ưu tiên của từng màu để phản ánh đúng nhất tinh thần thương hiệu cũng như thuật lợi và nhất quán hơn trong thiết kế. 


1. Thương hiệu một màu 

Thương hiệu một màu chỉ có duy nhất màu chủ đạo được sử dụng trong nhận diện thương hiệu. 

Ví dụ: Nike với màu đen chủ đạo


2. Thương hiệu hai màu 

  • Màu chủ đạo: màu cơ bản được sử dụng trong nhận diện thương hiệu
  • Màu nhấn: màu phụ dùng để bổ trợ cho màu chủ đạo 


Ví dụ: Màu chủ đạo của T-Mobile là màu hồng tươi với điểm nhấn là màu trắng


3. Thương hiệu ba màu

  • Màu chủ đạo: màu cơ bản được sử dụng trong nhận diện thương hiệu
  • Màu thứ cấp: màu quan trọng thứ hai được sử dụng trong nhận diện thương hiệu
  • Màu nhấn: màu phụ dùng để bổ trợ cho màu chủ đạo và màu thứ cấp


Ví dụ: Màu chủ đạo và màu thứ cấp của FedEx lần lượt là tím và cam, màu nhấn là màu trắng


4. Thương hiệu bốn màu

  • Màu chủ đạo: màu cơ bản được sử dụng trong nhận diện thương hiệu
  • Màu thứ cấp: màu quan trọng thứ hai được sử dụng trong nhận diện thương hiệu
  • Màu nhấn thứ 1: màu phụ dùng để bổ trợ cho màu chủ đạo và màu thứ cấp
  • Màu nhấn thứ 2: màu phụ được ưu tiên thứ 2 dùng để bổ trợ cho màu chủ đạo và màu thứ cấp


Ví dụ: Màu sắc thương hiệu của Microsoft bao gồm màu chủ đạo xanh lam và màu thứ cấp xanh lá cây, màu vàng là màu nhấn 1 còn màu đỏ là màu nhấn 2


Làm thế nào để xác định và lựa chọn Brand Color cho thương hiệu?


1. Chọn màu sắc khơi gợi cảm xúc và kích thích hành động


Hãy liên kết với câu chuyện thương hiệu và sản phẩm mà thương hiệu muốn bán, rồi chọn màu sắc có thể kích thích hành động liên quan và khơi gọi được cảm xúc bổ trợ cho hành động đó. Một cuộc khảo sát trên 4.500 người tham gia từ hơn 30 quốc gia khác nhau cho thấy mọi người rất dễ dàng liên kết màu sắc và cảm xúc với nhau


Ví dụ cụ thể là màu đỏ thường đem đến sự hứng khởi và kích thích cảm giác đói bụng. Do đó, những thương hiệu F&B có thể tận dụng đặc điểm này để sử dụng nhiều màu đỏ hơn trong các hoạt động truyền thông. 


2. Lưu ý đến mối liên quan giữa giới tính và màu sắc


Giới tính cũng có thể ảnh hưởng đến những sở thích về màu sắc. Trong khi phụ nữ thường nghiêng về những màu có sắc thái nóng (23% phụ nữ thích màu tím), thì có đến 53% thích màu xanh lam - tức là màu có sắc thái lạnh rõ ràng hơn hẳn. Tuy nhiên, thương hiệu cần phân biệt giữa sở thích về màu sắc với định kiến giới về màu sắc của người tiêu dùng. Mặc dù ngày nay, màu hồng thường được sử dụng ở các thương hiệu hướng đến đối tượng khách hàng mục tiêu là nữ và ngược lại với màu xanh lam, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc màu hồng không thể áp dụng trên các sản phẩm dành cho nam giới hay màu xanh không nên là sản phẩm của nữ giới. 


Màu hồng hiện diện trên hầu hết sản phẩm dành cho đối tượng khách hàng là nữ của thương hiệu Barbie


3. Cẩn thận bối cảnh mà màu sắc thương hiệu xuất hiện


Ở nhiều trường hợp, màu đen đại diện cho sự sang trọng và tinh tế, đặc biệt trong ngành hàng thời trang. Tuy nhiên, đây cũng là màu sắc biểu thị sắc thái đau buồn và tang tóc. Một ví dụ khác là màu vàng. Thường được sử dụng cho các biển báo nguy hiểm, màu vàng dễ gợi liên tưởng đến sự chậm chạp khi di chuyển nhưng nó cũng có thể là màu sắc phản ánh niềm vui, chiến thắng hay vinh quang. Do đó, tuỳ ngữ cảnh và nội dung mà thương hiệu muốn truyền tải, hãy đặc biệt lưu ý sắc thái biểu cảm của từng màu sắc mà thương hiệu lựa chọn.


4 lưu ý giúp thương hiệu sử dụng Brand Color hiệu quả


1. Lưu ý điểm khác biệt giữa các nền văn hoá


Ngoài bối cảnh mà màu sắc xuất hiện, bức tranh văn hoá cũng có thể tác động đến sắc thái biểu cảm của màu sắc đó. Một số màu sắc phản ánh những ý nghĩa khác nhau khi được áp dụng tại những nền văn hoá khác nhau. Ví dụ, ở phương Tây, màu trắng tượng trưng cho vẻ đẹp ngây thơ và trong sáng nhưng nó lại mang ý nghĩa tang tóc và chết chóc tại một số quốc gia châu Á. 



Vào những năm 1950, Pepsi đã thay thế màu xanh đậm cũ kỹ thành màu xanh lam băng giá mới - mà hãng cho rằng sẽ giúp các máy bán hàng tự động ở Đông Nam Á trở nên tươi mới và hấp dẫn hơn. Thế nhưng, đối với người tiêu dùng của thị trường này, màu xanh lam đại diện cho cái chết và nỗi buồn. Kết quả, giá cổ phiếu của Pepsi giảm mạnh ở khu vực thời điểm đó. Tóm lại, khi lựa chọn màu sắc, hãy đảm bảo thương hiệu hiểu rõ ý nghĩa văn hoá mà những màu sắc đó phản ánh. 


2. Sử dụng màu sắc để phân biệt các sản phẩm khác nhau của thương hiệu


Nếu thương hiệu cung cấp các sản phẩm và dịch vụ khác nhau, hãy sử dụng màu sắc để phân biệt chúng và giúp khách hàng ghi nhớ từng sản phẩm tốt hơn. Đây là điều mà gã khổng lồ GoogleMicrosoft đã làm rất tốt cho bộ công cụ trực tuyến của mình.


Mỗi ứng dụng của Microsoft sở hữu hệ thống màu sắc khác nhau


3. Sử dụng màu sắc để củng cố tính cách thương hiệu


Ngoài các màu sắc thuộc bộ nhận diện, thương hiệu cũng có thể áp dụng những màu sắc khác trong các hoạt động truyền thông. Điển hình như NikeAdidas: ngoài màu chủ đạo là đen và trắng đại diện cho vẻ đẹp vượt thời gian, hai nhãn hàng thể thao hàng đầu này cũng thường xuyên tận dụng các gam màu nổi bật trong thiết kế để tôn vinh tinh thần thể thao đầy táo bạo và quả cảm. 


4. Cởi mở với việc phải thay đổi


Cuối cùng, đừng ngần ngại thay đổi màu sắc chủ đạo của thương hiệu nếu nó không còn có thể kết nối thương hiệu với khách hàng mục tiêu, hay đơn giản là không còn phù hợp với sứ mệnh mới mà thương hiệu theo đuổi. Hãy cởi mở với mọi áp lực phải thay đổi nếu nó thực sự giúp thương hiệu thêm hấp dẫn và phù hợp hơn với thị trường.


Ngày 6/7/2023, Vinamilk tuyên bố thay đổi nhận diện thương hiệu, lấy màu xanh lam đầy rực rỡ và táo bạo hơn làm chủ đạo


Trang Ngọc