Sinh ra từ giữa những năm 1990 đến đầu những năm 2010, có thể nói, Gen Z là thế hệ đầu tiên lớn lên trong một thế giới kỹ thuật số đầy ắp những phương tiện và công cụ hiện đại. Đến thời điểm hiện tại, phần lớn thế hệ này đã bước vào độ tuổi trưởng thành và dần hiện diện với tư cách một người tiêu dùng có mức ngân sách chi tiêu đứng đầu các thế hệ. 


Vào năm 2022, Business Insider ước tính rằng khả năng chi tiêu của Gen Z này là hơn 360 tỷ USD, nhiều gấp đôi so với ước tính ba năm trước. Con số này đã khiến các doanh nghiệp khó có thể bỏ qua tệp người dùng tiềm năng này, bằng chứng là ngày càng nhiều các chiến dịch, ý tưởng sáng tạo được triển khai nhằm hướng đến Gen Z. Có thể nói, thế hệ này đang định hình tương lai của thương hiệu và thách thức các marketer trong việc thu hút và thúc đẩy họ chi tiêu. 


Trong số các kênh quảng cáo đang hoạt động nhằm tiếp cận tệp khách hàng này, Digital Audio (âm thanh kỹ thuật số) đang nhanh chóng vươn lên trở thành một trong những kênh được yêu thích nhất. Lý do của điều này là gì?


1. Quảng cáo âm thanh thân thiện với thiết bị di động


Gen Z là thế hệ ưu tiên sử dụng thiết bị di động. Theo True List, thời gian trung bình mà thế hệ này sử dụng điện thoại là 9 tiếng/ngày. Báo cáo Culture Next của Spotify cho thấy 66% người dùng Gen Z tin rằng âm thanh giúp họ cảm thấy bớt cô đơn, vì thế số lượng Gen Z nghe podcast đã tăng 47% trong năm qua.



Trên thực tế, audio streaming được xếp hạng là hoạt động di động (mobile activity) số một của Gen Z với 64% người dùng Gen Z và Millennials tự gọi họ là Podcaster. Phản ánh xu hướng này, các nhà tiếp thị đã tăng ngân sách quảng cáo trên podcast lên 47% chỉ riêng trong năm 2022. 


Theo thống kê từ Forbes, số lượng kênh podcast hoạt động trên mọi nền tảng đã vượt qua con số 800.000, tương ứng 54 triệu tập đang được phát trên toàn cầu với đa dạng chủ đề: kinh doanh, truyền thông, phát triển cá nhân, giải trí, xã hội,... Do đó, không có gì bất ngờ khi các quảng cáo âm thanh ngày càng phát triển.


2. Ghét quảng cáo trực tuyến, Gen Z chú trọng âm thanh hơn


Gen Z có thể tiếp xúc với quảng cáo dễ dàng hơn với bất kỳ nhóm người dùng nào trước đây. Thế nhưng điều trớ trêu là rất nhiều người trong số họ lại có cảm giác chán nản, bực tức khi phải xem quảng cáo trực tuyến. Đó là lý do mà gần hai phần ba người dùng Gen Z sử dụng trình chặn quảng cáo. Nếu họ có tình cờ nhìn thấy, điều họ muốn làm không phải là tìm hiểu sản phẩm/dịch vụ được đề cập mà là tìm cách đóng quảng cáo ấy lại. Khảo sát “Ad blockers and advocacy: Why Gen Z is blocking paid ads in favour of real voices” của Bulbshare cho thấy, 99% người dùng sẽ chọn nút bỏ qua (skip) thay vì nhấn vào nút phát quảng cáo.



Thế nhưng điều kỳ lạ là, Gen Z lại xem quảng cáo âm thanh là điều có thể chấp nhận trong trải nghiệm nghe. Họ cho rằng chúng thường không gây phiền hà hay khó chịu. Hơn nữa, người dùng có xu hướng đeo tai nghe để nghe nhạc, podcast,... trong khi làm những công việc khác. Do đó, họ khó có thể bỏ qua quảng cáo âm thanh. 


3. Dễ dàng tiếp cận qua nhiều điểm tiếp xúc


Gen Z nổi tiếng với khả năng làm việc đa nhiệm (multitasking). Thế nhưng, điểm tích cực ở đây chính là marketer có cơ hội tiếp cận với người dùng qua tất cả hoạt động như làm việc, đi lại, tiệc tùng, học tập,... Với việc Gen Z dành hơn 4 giờ để nghe nhạc mỗi ngày - nhiều hơn bất kỳ tệp người dùng nào khác, marketer có thể tiếp thị sản phẩm/dịch vụ hiệu quả qua quảng cáo âm thanh.


4. Cá nhân hoá audio ads


Mặc dù nhiều quảng cáo bị đánh giá là “phiền phức”, “quấy nhiễu” và “mất thời gian”, điều này không có nghĩa là Gen Z ghét tất cả quảng cáo trực tuyến. Nói rõ hơn, họ chỉ không thích xem quảng cáo nói chung và những nội dung khuyến mại, PR thái quá.


Theo The Drum, 81% người dùng trẻ cho biết họ hoan nghênh những quảng cáo có mức độ cá nhân hoá cao. Thay vì sử dụng hình ảnh người nổi tiếng hoặc Influencer, Gen Z mong muốn được nghe thông điệp, chi tiết về sản phẩm từ thương hiệu trực tiếp. Để đáp ứng những nhu cầu đó, công nghệ quảng cáo âm thanh ngày nay ngày càng tập trung hơn vào việc nhắm mục tiêu xung quanh hành vi, sở thích và dữ liệu của người dùng nhằm để tạo ra những quảng cáo cá nhân hoá cho người nghe.



5. Đánh vào tâm lý Gen Z


Những người dùng trẻ tuổi thường rất giàu cảm xúc và đa cảm. Do đó, một trong những cách tốt nhất để kêu gọi họ mua hàng chính là đánh thẳng vào cảm xúc. Phần lớn Gen Z đồng ý rằng họ có xu hướng mua hàng từ các công ty phù hợp với giá trị của họ. Nhận biết được điều này, các thương hiệu đang chuyển sang quảng cáo bằng định dạng âm thanh để truyền tải thông điệp và giới thiệu sản phẩm/dịch vụ.


Audio ads là hình thức tiềm năng để nâng cao mức độ nhận diện thương hiệu và tạo kết nối cảm xúc với nhiều nhóm khách hàng. Theo Plug In - Audio Ad, việc tiếp nhận thông tin từ quảng cáo bằng âm thanh (audio ads) khiến 59% người nghe nhớ được khẩu hiệu (slogan) của thương hiệu, 10% nhớ tên thương hiệu và làm tăng 9% nhận dạng thương hiệu. 


Theo The Drum

Kim Ngọc