LinkedIn là mạng xã hội chuyên nghiệp với hơn 660 triệu người dùng trên toàn thế giới. Nền tảng giúp người dùng dễ dàng kết nối, mở rộng mối quan hệ, chia sẻ kinh nghiệm làm việc  cũng như tìm kiếm việc làm. Đối với các doanh nghiệp, LinkedIn là “mảnh đất” tiềm năng để quảng bá thương hiệu và tuyển dụng nhân tài.


Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu trên LinkedIn hiệu quả, các chuyên gia LinkedIn đã tổng hợp 10 thương hiệu có lượt theo dõi nhiều nhất như Amazon, Google, TED Conferences, Microsoft,... và phân tích cách thức họ hoạt động. Hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn những lý do giúp 10 thương hiệu này thu hút được hàng triệu người theo dõi trên LinkedIn! 


1. Amazon


Lượng người theo dõi: 28,5 triệu người


Cập nhật tin tức cho người dùng mỗi ngày 


Những bài đăng mà Amazon đăng tải chủ yếu xoay quanh các cuộc phỏng vấn với nhân sự trong công ty hoặc đưa tin về các sự kiện thực tế đang diễn ra tại doanh nghiệp. Điều này khiến Amazon luôn hiện diện trên LinkedIn một cách gần gũi và thực tế nhất. Nếu việc cập nhật thông tin về hiện trạng hoạt động tại công ty bị chậm trễ, điều đó sẽ khiến độc giả cảm thấy công ty đó đã lỗi thời, làm giảm sự hấp dẫn đối với bài đăng.


Tập trung phát triển nhân viên 


Từ việc cập nhật những điểm nổi bật của nhân viên trong môi trường làm việc đến những câu chuyện được chia sẻ trên mục Life, mọi thông tin mà Amazon đăng tải trên LinkedIn đều thể hiện rõ ràng rằng doanh nghiệp luôn dành sự ưu tiên hàng đầu cho nhân viên của mình. Các thành viên của LinkedIn đến với nền tảng này để kết nối với mọi người, không chỉ với các thương hiệu. Vì vậy việc cập nhật về khía cạnh con người luôn là bước đi đúng đắn.


Amazon thường xuyên đăng tải những nội dung liên quan đến nhân viên trên toàn thế giới.


Cung cấp cho nhân viên nền tảng của riêng họ


Mục Life của Amazon là nơi doanh nghiệp chia sẻ những nội dung liên quan đến môi trường làm việc tại công ty hoặc các chương trình thực tập, tuyển dụng đang diễn ra. Một trong những mục nổi bật phải kể đến “Trending Employee Content” (Nội dung đang thịnh hành của nhân viên). Tại đây, Amazon chọn lựa và đăng tải những nội dung nổi bật từ trang cá nhân của nhân viên. Bằng cách khuyến khích nhân viên tự xây dựng nội dung của mình, trang LinkedIn của Amazon không chỉ đơn thuần là nói về một thương hiệu mà là một cộng đồng thu nhỏ thực thụ - nơi mà nhân viên có thể chia sẻ những câu chuyện của họ. 


2. Google


Lượng người theo dõi: 26,9 triệu người


Xây dựng trang LinkedIn dưới dạng Hỏi & Đáp 


Nhiều bài đăng phổ biến nhất của Google được xây dựng theo cấu trúc đơn giản, phù hợp với tính chất gốc của doanh nghiệp là công cụ tìm kiếm nổi tiếng nhất thế giới. Cụ thể, Google sẽ đặt và trả lời các câu hỏi mà họ tin rằng người đọc sẽ quan tâm. Việc đặt đúng câu hỏi và cung cấp thông tin cho người dùng sẽ giúp thương hiệu phát triển nội dung phù hợp với đối tượng khán giả.


Google hướng dẫn ứng viên trả lời câu hỏi khi tham gia tuyển dụng tại Google. Những lời khuyên được chia sẻ từ chính nhân sự cấp cao trong công ty.


Kêu gọi mọi người cùng tham gia 


Bên cạnh tìm hiểu và trả lời thắc mắc của người dùng, Google cũng sử dụng LinkedIn để đặt câu hỏi và kêu gọi mọi người chia sẻ quan điểm. Những câu hỏi đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự trò chuyện và trao đổi giữa những người theo dõi và thương hiệu. Đơn cử như gần đây, Google đã đặt câu hỏi rằng nhân vật nào đã truyền cảm hứng cho người đọc. Bài đăng đã thu hút sự thảo luận của đông đảo người dùng với hơn 140 bình luận và 1.700 lượt tương tác. Một số người đã tag nhân vật truyền cảm hứng cho họ vào bài đăng và bày tỏ sự biết ơn với người đó. Chi tiết bài đăng tại Đây


Bài đăng thu hút sự tương tác của Google nhờ kêu gọi mọi người tích cực bình luận


Xây dựng hashtag 


Google sử dụng hashtag #LifeAtGoogle cho tất cả các bài đăng liên quan đến hoạt động thường ngày của nhân viên. Doanh nghiệp cũng khuyến khích nhân viên đăng tải về môi trường làm việc tại Google và gắn hashtag #LifeAtGoogle vào mỗi bài đăng. Kết quả, doanh nghiệp đã khơi mào một chủ đề thảo luận với hơn 5.000 người theo dõi.


3. TED Conferences


Lượng người theo dõi: 23 triệu người


Tập trung xây dựng nội dung 


Theo chuyên gia LinkedIn, hầu như những người thường xuyên truy cập nền tảng đều yêu thích TED Talks. Trang TED Conferences thường mang đến cho người theo dõi trang những thông tin mới nhất thông qua những video có thời lượng vừa phải. 


Nghệ thuật đặt tiêu đề 


Tuy các video đều hấp dẫn nhưng người xem cần biết chúng sẽ nói về gì trước khi quyết định bấm xem. Các tiêu đề ngắn gọn, phù hợp với ngữ cảnh mà TED Conferences sử dụng chính là lý do thu hút người đọc và khiến họ phải dừng lại để xem clip.


Tiêu đề ngắn gọn chỉ trong một câu nhưng thể hiện được bao quát vấn đề.


Trang cũng đóng vai trò như kho lưu trữ chính 


Ngay sau khi xem những video TED Talk, người xem thường sẽ mong đợi sự ra mắt của các nội dung tiếp theo. Để lấp đầy sự “trống rỗng” trong lúc chờ đợi của người dùng, TED Conferences lưu trữ hàng trăm video, cuộc phỏng vấn và nội dung nội bộ trên trang LinkedIn. Vì vậy, người dùng có thể tìm hiểu những nội dung trước đó của họ trong khi chờ đợi video tiếp theo.


4. Microsoft


Lượng người theo dõi: 18.3 triệu người


Cung cấp nội dung chính ngay trong câu đầu tiên 


Khi xem các nội dung của Microsoft, người xem sẽ nhận thấy hầu hết các bài đăng của họ đều bắt đầu bằng một câu đơn nhưng đủ nội dung cần có. Sau đó, thương hiệu ngắt dòng và bắt đầu triển khai nội dung chính. Đó là cách mà Microsoft cung cấp nội dung cần thiết cho người xem.


Luôn cập nhật thông tin 


Các bài đăng của Microsoft giúp người dùng cập nhật những thông tin mới nhất như các xu hướng của ngành công nghệ thông tin, nội dung liên quan đến các ngày lễ hội trong năm cũng như đưa ra đánh giá về một xu hướng, vấn đề chung của ngành. 


Xây dựng nội dung video 


Trong mục Life của Microsoft, họ không giới thiệu công ty bằng một đoạn văn bản thông thường. Thay vào đó, thương hiệu sẽ trình bày trong các đoạn video dài khoảng một phút. Video được xây dựng dựa trên những yêu cầu khắt khe nhất bao gồm yếu tố về màu sắc, các đoạn cắt tập trung vào con người. Do đó, đoạn video thường sẽ thu hút sự chú ý của người dùng nhiều hơn so với các đoạn văn bản đơn thuần.


Microsoft giới thiệu công ty thông qua video


5. Unilever


Lượng người theo dõi: 18,1 triệu người


Xây dựng thương hiệu trong mỗi bài đăng 


Những người theo dõi Unilever hầu như sẽ bị thu hút bởi logo màu xanh lam đặc trưng của hãng. Chúng xuất hiện xuyên suốt các bức ảnh, video và bài đăng của công ty. Điều này giúp người xem tự động phát hiện đó là bài đăng của Unilever khi nhìn thấy màu xanh đặc trưng xuất hiện trên các bài đăng.


Màu xanh đặc trưng của Unilever trong các hình ảnh


Ưu tiên hình ảnh con người trong các bài đăng


Gần như tất cả các nội dung của Unilever đều tập trung vào chân dung của nhân vật. Giống như Amazon, Unilever tập trung vào khía cạnh con người trong hoạt động kinh doanh của mình, tạo điều kiện cho người dùng tìm hiểu những gì mà một nhân viên trải qua thay vì đọc những nội dung một chiều từ doanh nghiệp.


Tạo sự khác biệt nhờ vào tính đa dạng


Unilever là một công ty đa quốc gia. Vì thế, các bài đăng của họ thường làm nổi bật hình ảnh các nhân viên của công ty từ khắp nơi trên thế giới, thuộc mọi chủng tộc và giới tính. Qua đó, Unilever chứng tỏ tính đa dạng trong môi trường làm việc chính là điểm mạnh của họ.


6. Forbes


Lượng người theo dõi: 17,9 triệu người


Đăng tải các nội dung độc quyền hoặc kết hợp chúng 


Bên cạnh việc dẫn link đến các bài viết trên website, Forbes gần đây cũng đã bắt đầu cập nhật Bảng tin hàng tuần (Newsletter) trên LinkedIn. Họ xây dựng những nội dung độc quyền, cung cấp cho người xem các thủ thuật và chiến lược để đạt được thành công trong công việc. Điều này đã thúc đẩy lượng người theo dõi Forbes trên LinkedIn ngày càng nhiều hơn.


Cẩn trọng với tiêu đề 


Tương tự như Microsoft, Forbes rất thận trọng trong việc kiểm soát cách tiêu đề hiển thị trên máy tính lẫn thiết bị di động. Tuy nhiên, những dòng tiêu đề của Forbes thường dài hơn và xuống hàng ngay tại nội dung quan trọng của chủ đề. Điều này khiến người đọc tò mò vì không thể xem hết trong một lần và họ phải dừng lại, nhấn “see more” (đọc thêm) để đọc được toàn bộ thông tin Forbes đang đề cập.


Dùng đồ hoạ thể hiện các câu trích dẫn 


Thay vì chỉ hiển thị một hình ảnh hay những dòng văn bản thông thường, Forbes sử dụng hình ảnh graphic để minh hoạ cho các câu trích dẫn của nhân vật nổi tiếng. Các câu nói sẽ được trình bày đơn giản, tập trung vào sự tương phản giữa màu nền và màu câu nói để thu hút ánh nhìn của người dùng LinkedIn trong quá trình họ lướt news feed.


Sự tương phản giữa nền ảnh và câu trích dẫn.


7. IBM


Lượng người theo dõi: 14,6 triệu người


Kết nối với các sự kiện nóng 


IBM thường triển khai những nội dung liên quan đến các sự kiện đang được bàn luận nhiều trên thế giới. Một trong những video mới nhất mà IBM đăng tải liên quan đến hashtag #HispanicHeritageMonth. Hispanic Heritage Month hay còn gọi là Tháng Di sản Tây Ban Nha diễn ra từ ngày 15/9 đến 15/10 hàng năm nhằm tri ân những đóng góp và ảnh hưởng của người Mỹ gốc Tây Ban Nha đối với lịch sử, văn hóa và thành tựu của Hoa Kỳ. Ngoài ra, IBM cũng thường xuyên gia vào các cuộc thảo luận của nhân sự trên LinkedIn qua các bình luận để giúp thương hiệu trở nên gần gũi và cập nhật xu hướng kịp thời. 


Đa dạng hóa nội dung 


IBM đã sử dụng tất cả các công cụ mà họ có để truyền tải thông điệp của mình, bao gồm các bài đăng bằng hình ảnh, cuộc thăm dò ý kiến và video. Khi truyền tải thông điệp, việc sử dụng nhiều phương tiện truyền thông cho phép thương hiệu có thể xuất hiện trên bản tin của người xem nhiều hơn.


Bài viết xoay quanh chủ đề Hispanic Heritage Month của IBM


Khám phá IBM trên toàn thế giới 


IBM chia mục Life của họ thành các khu vực Bắc Mỹ, Mỹ Latinh, Ấn Độ, Úc và New Zealand. Qua đó, IBM tạo không gian bình đẳng cho các khu vực cũng thể hiện tư duy quốc tế và tính chất đa dạng của doanh nghiệp.


8. Nestlé


Lượng người theo dõi: 14 triệu người


Thể hiện mục tiêu của doanh nghiệp 


Nestlé sử dụng “Our featured commitments” (Các cam kết nổi bật của chúng tôi) trong mục About để thể hiện mục tiêu phát triển bền vững của doanh nghiệp. Trong phần này, Nestlé cung cấp danh sách cụ thể các kế hoạch mà họ đang thực hiện để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Hành động này không chỉ giới thiệu đến các người dùng LinkedIn về giá trị công ty mà còn thể hiện những hành động thiết thực để đạt được giá trị đó.


Mục “Our featured commitments” của Nestlé thể hiện định hướng phát triển bền vững và những hoạt động của công ty.


Tiếp tục triển khai trên nhiều phương tiện


Bên cạnh việc giới thiệu mục tiêu phát triển trong mục About, Nestlé cũng thường xuyên cập nhật thông tin về những nỗ lực phát triển bền vững của họ thông qua các video và hình ảnh. Qua đó, người theo dõi của Nestlé có thể hiểu được Nestlé đang thực hiện cam kết như thế nào cũng như vai trò của người tiêu dùng trong việc góp phần bảo vệ môi trường. 


Tạo mối quan hệ với người theo dõi 


Ngoài ra, Nestlé cũng thường xuyên phản hồi những câu hỏi và bình luận bên dưới mỗi bài đăng. Việc trò chuyện với khách hàng giúp thương hiệu tạo mối quan hệ lâu dài cũng như thúc đẩy mức độ tương tác cao hơn. 


9. Harvard Business Review (HBR)


Lượng người theo dõi: 13.7 triệu người


Tổ chức các sự kiện


Harvard Business Review thường xuyên tổ chức các sự kiện trực tiếp (Live Events) trên LinkedIn. Nội dung của những sự kiện này thường xoay quanh chủ đề nghề nghiệp và môi trường làm việc, phù hợp với đối tượng khán giả của họ. Trong các sự kiện trực tiếp, người tham gia có thể đặt câu hỏi cho các diễn giả và thảo luận về những chủ đề liên quan. Qua đó, HBR có thể mở rộng network cũng như tạo thêm nhiều cơ hội kết nối với các nhân vật khác. 


Nêu rõ những vấn đề trong bài viết 


Với mỗi bài đăng, HBR thường sẽ tóm tắt ngắn gọn các thông tin trong khoảng ba dòng. Những dòng tóm tắt sẽ giúp các độc giả hiểu được bài viết phù hợp với đối tượng nào cũng như giá trị chúng đem lại cho họ.


Hành động như một chuyên gia trong lĩnh vực cụ thể 


Có thể nói trang LinkedIn của HBR cung cấp cho người đọc nhiều nội dung có giá trị phù hợp với đa dạng nghề nghiệp và chức vụ. Bằng các nội dung video, sự kiện trực tiếp, Newsletter hoặc đơn giản là trò chuyện với khán giả, HBR đảm bảo trang LinkedIn của họ là nơi mọi người có thể đến tìm hiểu và tham khảo những thông tin nghề nghiệp để ứng dụng và phát triển trong tương lai.


10. The Economist


Lượng người theo dõi: 13 triệu người


Tính nhất quán của màu sắc trong các bài đăng 


The Economist luôn tìm cách kết hợp màu đỏ đặc trưng của thương hiệu trong các bài đăng và hình ảnh. Điều này giúp các bài đăng của The Economist luôn có điểm nhấn riêng và người theo dõi có thể dễ dàng nhận ra khi đang lướt news feed.


Thay đổi những hình ảnh trang trí 


The Economist sử dụng nhiều dạng hình ảnh khác nhau trong các bài đăng của họ bao gồm: con người, phong cảnh, bản đồ và thậm chí là illustration (hình vẽ minh hoạ). Nếu tính nhất quán về màu sắc giúp bài đăng của The Economist luôn nổi bật thì việc sử dụng hình ảnh minh hoạ giúp giao diện trang LinkedIn của họ không bị nhàm chán.


Forbes sử dụng đa dạng các hình ảnh minh hoạ.


Nhân cách hoá thương hiệu

 

Trong mục Life của The Economist, họ giới thiệu đến người theo dõi những nhân viên trong công ty bao gồm cả hồ sơ và testimonial (sự chứng thực) của những nhân vật. Điều này giúp The Economist không còn là một trang báo khô khan mà biến họ thành một nhóm người đáng tin cậy để giao tiếp.


(Còn tiếp)


Theo LinkedIn

Thanh Thảo