Trong những năm gần đây, Trí tuệ nhân tạo (A.I) đã có những tiến bộ vượt bậc, kéo theo đó là những lo ngại rằng thị trường lao động sẽ dần thu hẹp để nhường chỗ cho A.I. Tuy nhiên, cũng có nhiều người cho rằng A.I là công cụ tuyệt vời để nâng cao năng suất làm việc. Các nhân sự ngành Marketing là một trong những đối tượng háo hức khám phá công cụ này.


Hướng đi nào cho các Marketer trong Kỷ nguyên A.I?


Thế kỷ 21 đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của A.I với hàng loạt công nghệ đột phá như học máy sâu tự động, nhận dạng hình ảnh, giọng nói, dịch thuật đa ngôn ngữ,... Đặc biệt, sự ra đời của các chương trình A.I chatbot đã chính thức mở ra một trang mới của kỷ nguyên A.I. Trí tuệ nhân tạo hiện nay đã đạt được nhiều thành tựu đáng kinh ngạc, từ việc giao tiếp tự nhiên, soạn thảo văn bản, viết mã lập trình, tạo hình ảnh,... đến sản xuất file âm thanh và video dựa trên yêu cầu của người dùng. Nhiều nhân sự đã và đang tận dụng năng lực của A.I để cải thiện hiệu suất làm việc. 


Với sự xuất hiện của Generative A.I, ngành Marketing đang dần chuyển dịch và tập trung hơn vào mảng kỹ thuật số. Các Agency sẽ phải tái định hình các chức năng và dịch vụ của mình để theo kịp xu hướng của thời đại. Nhiều nơi đã bắt đầu phát triển thêm các giải pháp công nghệ phù hợp cho khách hàng của họ. Theo Forrester, điều này sẽ khiến mọi Agency dần trở thành “Digital Agency”, và các Agency thuần Digital sẽ “biến mất” khỏi thị trường.


Ngành Marketing đang dần chuyển dịch và tập trung hơn vào mảng kỹ thuật số


Vậy cơ hội ở đâu và thách thức là gì? 


Vì chi phí dành cho ngành Quảng cáo đang dần bị cắt giảm, những Agency truyền thống sẽ phải gấp rút áp dụng công nghệ A.I vào các khâu quản lý và phân tích số liệu để giảm nhẹ khối lượng công việc và chi phí vận hành. Ngược lại, các Digital Agency sẽ có kinh nghiệm hơn về mảng xử lý số liệu và tiếp cận công nghệ, nhưng thách thức của họ là phải đa dạng hóa dịch vụ, cung cấp thêm những giải pháp sáng tạo như dùng A.I để tạo văn bản, hình ảnh, video,... theo phong cách phù hợp với khách hàng.


Marketer cần có những kỹ năng gì để “thu phục” A.I và nâng cao hiệu suất làm việc?


Có nhiều người tìm đến các ứng dụng chatbot A.I với hy vọng tìm được giải pháp cụ thể cho vấn đề kinh doanh của họ. Tuy nhiên, họ thường cảm thấy thất vọng vì không nhận được câu trả lời phù hợp với tình huống của mình. Trên thực tế, A.I chỉ đưa ra những gợi ý chung chung, thậm chí không phải lúc nào cũng chính xác. Muốn tận dụng công nghệ này một cách hiệu quả, người dùng cần tự giác nghiên cứu vấn đề sâu hơn dựa trên những gợi ý của Trí tuệ nhân tạo. Dưới đây là một số kỹ năng mà nhân sự cần có để biến A.I thành trợ lý đắc lực của mình:


1. Đào sâu vào từng vấn đề và ứng biến linh hoạt theo tình hình thực tế:


Khi người dùng yêu cầu ChatGPT tạo ra một chiến lược truyền thông xã hội cho công ty của mình, công cụ này sẽ đưa ra một bản chiến lược cơ bản, kèm theo gợi ý rằng bản chiến lược này cần được điều chỉnh dựa trên sản phẩm cụ thể, đối tượng khách hàng và mục tiêu kinh doanh của công ty. Dựa trên đó, marketer phải lựa chọn mô hình Marketing phù hợp và đào sâu vào từng yếu tố (nền tảng truyền thông, định dạng bài đăng, đối tượng khách hàng,...) để tạo ra một chiến lược phù hợp với thực tế thị trường và mục tiêu của doanh nghiệp.


Người dùng cần chủ động đào sâu vào vấn đề mình đang gặp phải để tìm giải pháp phù hợp


Thị trường đang biến động hàng ngày, nhưng một công cụ A.I đã được lập trình lại không thể tự động cập nhật kho dữ liệu trừ khi được can thiệp từ bên ngoài. Vì vậy, trách nhiệm của mọi nhân sự là phải sẵn sàng trước mọi thay đổi và liên tục điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp với thị trường. Lúc này, khả năng phân tích, tính linh hoạt và quyết đoán của nhân sự sẽ là “kim chỉ nam” giúp A.I hoạt động đúng hướng.


2. Hiểu biết toàn diện:


Hiểu biết Toàn diện (holistic understanding) là sự hiểu biết và ý thức về mối quan hệ giữa các thành phần trong một hệ thống. Ông Brian Rhea từ JobLens.ai cho biết: "Con người rất giỏi về Hiểu biết Toàn diện: Ta có thể liên kết những thông tin và trải nghiệm dường như không liên quan đến nhau để rút ra một kết luận có ý nghĩa và nảy ra những ý tưởng sáng tạo. Chúng ta giỏi hơn A.I trong việc rút ra bài học từ những mẫu lặp - nhưng không liên quan - trong cuộc sống." 


Có một sự thật rằng A.I rất giỏi tổng hợp thông tin và đưa ra cái nhìn toàn cảnh cho một vấn đề. Tuy nhiên, Trí tuệ nhân tạo thường không thể hiểu được nguyên nhân dẫn đến hành động của con người trong nhiều hoàn cảnh khác biệt. Vì không có cảm xúc và trải nghiệm cá nhân nên những giải pháp cho các vấn đề xã hội mà A.I đưa ra thường thiếu đi chiều sâu và tính sáng tạo. Đây là lúc con người cần phải can thiệp để đúc kết vấn đề, nêu quan điểm, thể hiện cảm xúc, và đưa ra giải pháp phù hợp.


3. Tư duy phản biện:


Mặc dù A.I Chatbot thường tỏ ra rất hiểu biết và có thể phân tích vấn đề một khách khá toàn diện và trung lập, nhưng công cụ này vẫn mang theo những thiên kiến được “cài vào” từ người lập trình. Điển hình, khi được yêu cầu tạo hình ảnh cho “Người làm việc năng suất”, kết quả của A.I đa phần là nam, mặc suit, và là người da trắng. Ngược lại, với yêu cầu cho “Người cần trợ giúp xã hội”, A.I đưa ra hình ảnh của người da màu với vẻ ngoài khắc khổ. Trên thực tế, vào năm 2020, “Khảo sát thu nhập và tham gia chương trình xã hội” của Cục điều tra dân số Mỹ cho thấy có đến 63% người nhận phiếu thực phẩm là người da trắng và 27% là người da đen.


A.I “áp đặt” stereotype xa rời thực tế


Bên cạnh đó, không phải lúc nào ChatGPT cũng đưa ra câu trả lời đúng. Theo một nghiên cứu từ Đại học Purdue, chatbot này trả lời sai đến 52% các câu hỏi lập trình phần mềm. Đáng nói, ChatGPT có thể thuyết phục hơn 1/3 người dùng tin vào câu trả lời sai của mình. Nghiên cứu cho biết, người dùng chỉ nhận ra những lỗi sai cơ bản về kiến thức. Đối với những vấn đề yêu cầu nghiên cứu sâu hơn từ các nguồn tài liệu bên ngoài, họ thường không thể xác định, hoặc thậm chí bị thuyết phục bởi lập luận sai lầm của A.I.


Đừng để bị đánh lừa bởi giọng văn lịch sự và đậm tính học thuật của những chatbot này. Hãy luôn xác minh lại những thông tin mà A.I cung cấp để đảm bảo mọi thứ đều chính xác và khách quan.


4. Giao tiếp hiệu quả với A.I:


Để đạt được kết quả mong muốn và giảm thiểu khả năng nhận kết quả sai, người dùng cần lưu ý những điều sau: 


  • Nêu vấn đề một cách ngắn gọn, rõ ràng và có ngữ cảnh cụ thể: Ví dụ, khi yêu cầu chatbot A.I giải thích về khoa học lượng tử cho một học sinh cấp hai, công nghệ này sẽ hạn chế dùng thuật ngữ chuyên ngành và sử dụng những so sánh dễ liên tưởng hơn. Thế nhưng nếu câu lệnh của người dùng là “Giải thích về khoa học lượng tử cho sinh viên Đại học”, câu trả lời có thể bao gồm nhiều từ ngữ chuyên sâu hơn. 


  • Xác minh thông tin từ các nguồn đáng tin cậy: Mặc dù A.I sẽ cố gắng trả lời một cách đầy đủ và chính xác, nhưng người dùng nên xác minh thông tin từ các nguồn đáng tin cậy hơn.


  • Chia nhỏ các câu hỏi phức tạp: Đối với những câu hỏi phức tạp hoặc nhiều khía cạnh, hãy cân nhắc chia nhỏ các câu hỏi để công nghệ máy học nhận biết cụ thể hơn. 


  • Sử dụng ngôn ngữ phổ thông: A.I đọc hiểu ngôn ngữ phổ thông tốt hơn. Những thuật ngữ phức tạp hoặc ngôn ngữ kỹ thuật có thể sẽ gây lẫn lộn thông tin. Việc đơn giản hóa ngôn ngữ sẽ nâng cao cơ hội nhận được phản hồi chính xác.


  • Báo cáo sự cố và cung cấp phản hồi: Nếu nhận được phản hồi không rõ ràng và đầy đủ, đừng ngần ngại yêu cầu làm rõ hoặc đặt câu hỏi theo cách khác. A.I có thể thu thập thêm thông tin được bổ sung để cung cấp câu trả lời chính xác hơn. Mặt khác, nếu phản hồi của A.I có vấn đề, hãy báo cáo lại việc này cho nhà phát triển, giúp họ cải thiện hệ thống, giảm sai lệch và nâng cao hiệu suất tổng thể.


Báo cáo về lỗi sai của ChatGPT cho nhà phát triển để hỗ trợ cải thiện ứng dụng này


5. Tránh lạm dụng A.I:


Đừng lệ thuộc quá nhiều vào A.I trong quá trình sáng tạo! Những chiến dịch Marketing bất hủ với ý tưởng mới lạ và đánh thẳng vào tâm lý người tiêu dùng đều khởi nguồn từ việc để ý đến một sự thật hiển nhiên nào đó, đồng cảm với người dùng, sau đó là đi tìm giải pháp.


Nhận thấy khách hàng của mình thường bối rối không biết nên chọn món ăn nào trên menu, McDonald’s đã tạo ra một chiếc đồng hồ tự nhiên khổng lồ, gợi ý cho khách nhiều món ngon phù hợp với từng thời điểm trong ngày.


Không cần phải nhức đầu suy nghĩ, khách ghé McDonald’s giờ nào cũng có món ăn ngon


McDonald’s đã thể hiện xuất sắc sự thấu hiểu của mình đối với khách hàng, đồng thời “khoe” khả năng sáng tạo vô bờ khi biến biển quảng cáo của mình thành một chiếc đồng hồ mặt trời với những món ăn phù hợp cho từng thời điểm trong ngày. Một công cụ A.I liệu có hiểu được cảm giác bức bối khi phải gọi món thật nhanh trong khi không biết bản thân muốn ăn gì, hay nghĩ ra được ý tưởng biến biển quảng cáo thành đồng hồ bằng cách lợi dụng mặt trời? 


Lựa chọn công cụ A.I phù hợp theo nhu cầu


Một nghiên cứu của HubSpot cho thấy, 62% lãnh đạo doanh nghiệp được khảo sát cho biết công ty của họ đã ứng dụng A.I và các công cụ tự động hóa vào quy trình làm việc. Trong số đó, 71% đã nhận được chỉ số ROI (tỷ suất hoàn vốn) tích cực, và 72% cho biết A.I đã giúp nhân viên làm việc hiệu quả hơn.


Một trong những ứng dụng chính của trí tuệ nhân tạo trong Marketing là tự động hóa quy trình chăm sóc khách hàng thông qua việc thiết lập chatbot tự động. Ngoài ra, A.I còn có thể xử lý lượng dữ liệu khổng lồ từ các nguồn khác nhau như website, mạng xã hội, email marketing, từ đó cung cấp thông tin quan trọng về hành vi mua hàng, sở thích và xu hướng tiêu dùng. 


Các creator cũng vận dụng được trí tuệ nhân tạo để tạo ra nội dung đa dạng, từ viết blog, email tiếp thị, đến chỉnh sửa video và hình ảnh chất lượng cao. Theo Hubspot, các nhà sáng tạo nội dung cho rằng A.I đã giúp họ tạo ra nhiều hơn 83% số lượng công việc mà họ có thể làm nếu không có sự hỗ trợ của công cụ này.


Hơn nữa, marketer còn có thể sử dụng A.I để tối ưu hóa chiến dịch Marketing, theo dõi và phân tích dữ liệu từ quảng cáo trực tuyến, email, landing page, và đánh giá hiệu ứng lan tỏa trên mạng xã hội. Đa số các công cụ A.I cho doanh nghiệp hiện nay đều có khả năng tổng hợp thông tin về tỷ lệ chuyển đổi, mở email, tương tác trên mạng xã hội, đồng thời đề xuất phương án điều chỉnh và tối ưu hóa SEO cũng như cải thiện hiệu suất công việc một cách hiệu quả.


Hiện nay có rất nhiều ứng dụng A.I trên thị trường với chức năng khác nhau


Những ứng dụng A.I phổ biến nhất được marketer tin dùng hiện nay:


  • Chatbot: ChatGPT, Google Bard

ChatGPT và Google Bard là hai chương trình chatbot phổ biến nhất hiện nay với khả năng diễn đạt ngôn ngữ tự nhiên, có thể cùng người dùng thảo luận để lập kế hoạch/lên ý tưởng cho nhiều chủ đề khác nhau.


  • Nghiên cứu thị trường: geinei, Aomni

Người dùng chỉ cần nhập vào những keyword cho dự án đang thực hiện, geinei sẽ tìm thêm thông tin liên quan trên internet và gợi ý một số nguồn đáng tin cậy để tham khảo. Aomni sẽ tóm tắt kết quả tìm kiếm về chủ đề cùng với danh sách trang đã nghiên cứu.


  • Soạn thảo văn bản: Jasper, Copy.ai

Jasper có rất nhiều template văn bản để tham khảo, hỗ trợ người viết tìm kiếm thông tin và thậm chí là tạo hình ảnh minh họa. Copy.ai thì lại hỗ trợ tốt hơn với những dạng bài viết copywriting, với nhiều lựa chọn cho mỗi yêu cầu người viết nhập vào.


Chỉnh sửa tông giọng của văn bản bằng Jasper


  • Biên tập và tối ưu hóa văn bản: Clearscope, Grammarly

Clearscope giúp người viết biên tập văn bản để tối ưu hóa SEO, tạo nội dung dễ đọc hiểu và hữu ích cho người đọc. Grammarly hỗ trợ tốt nhất cho các văn bản bằng tiếng Anh, giúp chỉnh sửa lỗi chính tả và giúp người viết điều chỉnh giọng văn theo nhiều phong cách. 


  • Tạo và chỉnh sửa hình ảnh: DALL·E, Midjourney, Adobe Photoshop

DALL·E và Midjourney đều có khả năng tạo hình ảnh mới theo nhiều phong cách khác nhau dựa trên mô tả của người dùng. Tính năng Generative A.I của Adobe Photoshop hỗ trợ designer rút ngắn thời gian chỉnh sửa hình ảnh bằng cách “điền vào chỗ trống”.


  • Chỉnh sửa video clip: Descript, Wondershare Filmora

Descript sẽ biến video gốc thành văn bản, người dùng có thể cắt ghép video trực tiếp trên đoạn văn bản này thay vì cách làm truyền thống. Tính năng A.I của Filmora cho phép người dùng cắt nền và cải thiện chất lượng âm thanh của video clip.


Descript “làm phẳng” video thành văn bản


  • Quản lý email và mạng xã hội: FeedHive, EmailTree

FeedHive giúp marketer tạo nội dung, hình ảnh, và quản lý các bài đăng trên mạng xã hội. EmailTree là giải pháp cho đội Hỗ trợ khách hàng, giúp sắp xếp lại hộp thư đến, gợi ý hành động phù hợp, và tự động hóa một số câu trả lời.


A.I sẽ không thể thay thế những nhân sự có đủ kỹ năng để chinh phục nó


A.I có thể làm rất nhiều việc từ phân tích số liệu, soạn văn bản theo nhiều format, đến tạo đa dạng nội dung hình ảnh, âm thanh theo yêu cầu. Nhưng suy cho cùng, đây cũng chỉ là một công cụ và không thể hoàn toàn thay thế con người. Những gì công cụ này thiếu là khả năng sáng tạo tự nhiên, cảm xúc và sự đồng cảm. Nó không hoàn toàn hiểu được yếu tố nhân văn, giá trị văn hóa, sở thích cá nhân và các tương tác phức tạp giữa con người với nhau. 


Ngoài ra, A.I cũng không thể thay thế hoàn toàn vai trò của con người trong việc đưa ra quyết định chiến lược, tạo ra các chiến dịch tiếp thị độc đáo hay hiểu rõ sâu sắc về hoàn cảnh và insight của khách hàng. Dù có thể giúp doanh nghiệp cải thiện khả năng tiếp cận người tiêu dùng, nhưng trải nghiệm và cảm xúc của marketer mới là yếu tố quan trọng nhất để tạo liên kết và lưu lại dấu ấn với khách hàng.


Có thể nói, A.I là trợ lý đắc lực giúp ta bắt kịp nhịp chuyển động nhanh chóng của thị trường và tiến xa hơn trong môi trường làm việc hiện đại. Bên cạnh đó, marketer cũng cần có tư duy sắc bén để sàng lọc thông tin, ứng biến linh hoạt, và tạo dấu ấn cá nhân cho công việc của mình. Khi sử dụng công cụ A.I một cách thông minh, marketer sẽ có thể nâng cao kỹ năng và đẩy mạnh hiệu suất làm việc.


Kim Thảo