D&AD New Blood Awards là cuộc thi về thiết kế và sáng tạo dành riêng cho sinh viên, thuộc sở hữu của tổ chức giáo dục Anh D&AD. Hằng năm, giải thưởng hợp tác cùng các doanh nghiệp toàn cầu như Netflix, Disney, Duolingo,... đưa ra những vấn đề hóc búa mà marketer cần phải giải quyết. Các nhà sáng tạo trẻ sẽ có cơ hội vận dụng kiến thức chuyên ngành vào thực tế, từ đó đề ra những phương án sáng tạo để ghi danh trong danh sách người chiến thắng. 


Năm nay, D&AD New Blood Awards có 18 đề bài (brief) quy tụ sự tham gia của hàng nghìn sinh viên từ khắp nơi trên thế giới. 27 tác phẩm đã xuất sắc đạt giải Bút Chì Vàng (Yellow Pencil), một trong số đó là chiến thắng của nhóm 4 sinh viên Việt Nam: Nguyễn Lê Duy (Đại học RMIT Việt Nam), Đàm Thị Thanh Hà (Đại học RMIT Việt Nam), Bùi Bảo Anh (Học viện Nghệ thuật Lasalle, Singapore) và Nguyễn Diệu Ly (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, trường Đại học Quốc gia TP.HCM) cho bản brief của Duolingo. 


Tại cuộc thi năm nay, Duolingo chỉ trao 3 giải Bút Chì Vàng cho 3 ý tưởng chiến dịch xuất sắc nhất


Duolingo yêu cầu các nhà sáng tạo “phát triển một ý tưởng nhằm thu hút người học và khuyến khích họ tích hợp việc học ngôn ngữ vào cuộc sống hàng ngày". Brief của Duolingo cũng nhấn mạnh rằng việc học ngôn ngữ yêu cầu có tính cam kết cao, thế nhưng nhiều người lại dễ dàng đánh mất động lực mà bỏ qua những lợi ích khi lĩnh hội một ngôn ngữ mới: “Những xáo trộn trong cuộc sống hay thay đổi trong thói quen khiến nhiều người đánh mất động lực học ngôn ngữ mỗi ngày. Ngay cả những tính năng như streak hàng ngày (daily streak), trải nghiệm trò chơi hoá, bảng xếp hạng, học cùng bạn bè, thông báo đẩy hay các bài học ngắn,... cũng không thể ngăn cản họ rời khỏi ứng dụng.”


Ý tưởng sáng tạo mang tên "Non-Fungible Effort" (Nỗ lực không thể thay thế, chơi chữ từ Non-Fungible Token) của nhóm sinh viên Việt Nam


Đi tìm giải pháp cho vấn đề này, nhóm sinh viên đề xuất cung cấp NFT (token không thể thay thế và là một loại tài sản số mới nổi) được cá nhân hoá dựa trên thành tựu của người học. Nhóm sinh viên lên ý tưởng về trang web “sản xuất” linh vật cú xanh NFT, tích hợp cùng ứng dụng học ngoại ngữ Duolingo. Cụ thể, chú cú này sở hữu 5 bộ phận tương ứng với 5 thành tích của người dùng trên ứng dụng:

  • Ngày streak - Kích thước cơ thể: Với mỗi ngày streak tăng lên, cú Duolingo sẽ cao hơn 2 pixel
  • Cấp độ - Áo: Cấp độ của người học càng cao, áo của cú Duolingo sẽ ngày càng tinh xảo
  • Số vương miện cơ bản (basic crowns) - Chiều dài chân: Với mỗi vương miện cơ bản đạt được, chân của cú Duolingo sẽ dài thêm 2 pixel
  • Mức độ hoàn thành của khóa học - Quần: Tỷ lệ giữa chiều dài của quần và chiều cao của chân sẽ tương ứng với mức độ hoàn thành khóa học. 
  • Vương miện huyền thoại - Mũ


Chú cú xanh NFT được cá nhân hoá dựa trên dữ liệu người học


Điều này đồng nghĩa, khi người dùng càng chăm chỉ, giao diện của cú NFT sẽ càng cao cấp và đặc biệt. Người dùng có thể tải về và chia sẻ NFT trên các nền tảng mạng xã hội để “khoe” chiến tích. Ngoài ra, website cũng dành riêng phân mục “Museum of Lost streaks” (Bảo tàng streak đã mất) trưng bày những chú cú bị bỏ rơi để cảnh báo người học về viễn cảnh “tăm tối” khi họ đột nhiên mất động lực. 


Bảo tàng streak đã mất như một lời nhắc nhở "chớ vội mất động lực" gửi đến người dùng


Về ý tưởng sáng tạo, nhóm sinh viên cho biết: NFT đã trở thành từ khoá hot nhất trong đời sống của 29,7% gen Z. Vì vậy chiến dịch cung cấp cho những người dùng gen Z một công cụ “tối thượng” để khoe khoang và chia sẻ thành tích học tập trên mạng xã hội. “Bằng cách biến những nỗ lực vô hình của người học thành một linh vật hữu hình, trường tồn và có thể chia sẻ được, chúng tôi cho họ một lý do để trở lại sử dụng ứng dụng và cải thiện khả năng ngoại ngữ.”


Sinh viên năm cuối Đại học RMIT Việt Nam Đàm Thị Thanh Hà chia sẻ rằng khoảnh khắc cả nhóm được xướng tên tại giải thưởng là trải nghiệm họ sẽ không bao giờ quên.


“Chúng tôi đã làm việc hết sức chăm chỉ và vượt qua thách thức để vươn ra thế giới. Nhờ cọ xát với đề bài lấy chủ đề từ ‘thế giới thực’, cuộc thi đã giúp chúng tôi hình thành tư duy sáng tạo, kỹ năng mềm và kinh nghiệm làm việc, đồng thời xây dựng mạng lưới giao lưu kết nối với chuyên gia trong ngành. Tất cả điều này sẽ giúp ích cho sự nghiệp của chúng tôi trong tương lai”, Đàm Thị Thanh Hà nói.


Soumik Parida, Giảng viên Ngành Quảng cáo tại đại học RMIT Việt Nam cho biết, chiến thắng này chứng tỏ sinh viên Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng cạnh tranh với những sinh viên giỏi nhất trên thế giới để giành chiến thắng trong các cuộc thi uy tín toàn cầu. Để đạt được điều này, Đại học RMIT Việt Nam đã đề ra nhiều kế hoạch giúp sinh viên có cơ hội cọ xát với môi trường thực tế và tiếp xúc với thị trường sáng tạo quốc tế. “Chúng tôi đã chuẩn bị cho các cuộc thi quốc tế từ vài năm trước. Chúng tôi đã tổ chức những cuộc hội thảo cùng các chuyên gia từng đoạt giải thưởng trong ngành công nghiệp sáng tạo của Việt Nam. Dưới sự chỉ đạo của Tiến sĩ Farida Kbar, bộ phận profcom cũng dành ngân sách để hỗ trợ sinh viên tham gia các cuộc thi.” 


Trong ảnh là nhóm sinh viên thắng giải cùng giảng viên Soumik Parida và bạn bè


Sau khi nhận giải, cả đội hiện đang tham gia đào tạo tại New Blood Academy - Học viện trực tuyến dành cho những người chiến thắng D&AD New Blood trên toàn thế giới đến học hỏi từ những nhà sáng tạo đầu ngành.


Lý Tú Nhã