Việc tận dụng các nền tảng mạng xã hội là điều vô cùng quan trọng trong chiến dịch truyền thông của bất cứ thương hiệu hoặc doanh nghiệp nào để tiếp cận khách hàng và gia tăng doanh thu. Một trong những cách phổ biến nhất là sử dụng công cụ quảng cáo do các nền tảng này cung cấp và YouTube ads là một trong số đó. 


Tuy nhiên, làm thế nào tạo được video có chất lượng cao và đủ sức thuyết phục khách hàng là nhiệm vụ khó khăn cho các công ty nhỏ. Trong khi đó, nhiều loại hình quảng cáo khác nhau của YouTube khiến các nhà quảng cáo bối rối không biết đâu là hình thức phù hợp với mục tiêu chiến dịch đề ra. 


Hãy cùng Advertising Vietnam tìm hiểu 5 loại hình quảng cáo YouTube Ads và cách tận dụng tối ưu từng loại cho các mục đích truyền thông khác nhau. 


Video Discovery Ads - Tạo dựng sự cân nhắc về thương hiệu 


Quảng cáo Video discovery ads là quảng cáo bao gồm một ảnh bìa kèm theo giới thiệu về Tiêu đề, tên kênh và tóm tắt ngắn về nội dung quảng cáo. Quảng cáo này xuất hiện ở mục “Trang chủ”, ở đầu lượt tìm kiếm và lượt đề xuất video của người dùng trên YouTube.



Doanh nghiệp không tốn ngân sách nếu người dùng không tương tác với quảng cáo, biến loại hình quảng cáo này trở nên hữu dụng với doanh nghiệp và marketer, giúp tiết kiệm thời gian của người xem và ngân sách quảng cáo.  


Quảng cáo Video discovery ads hoạt động như một công cụ để tăng sự “cân nhắc” (Brand Consideration) của người dùng. Thay vì chèn quảng cáo vào một video không liên quan đến thương hiệu, các marketers có thể tích hợp nội dung quảng cáo vào trải nghiệm tìm kiếm của người xem trên YouTube. 



Tận dụng các từ khóa đã nghiên cứu, thương hiệu có thể tạo ra quảng cáo xoay quanh chủ đề ít cạnh tranh với nhiều loại nội dung khác nhau. Nếu doanh nghiệp có một video hướng dẫn hoặc trình bày sản phẩm thú vị, người dùng có thể bấm vào quảng cáo hướng đến kênh YouTube của doanh nghiệp để xem xét rõ hơn, tạo sự cân nhắc của khách hàng về việc sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ khi có nhu cầu. 


Non-Skippable In-Stream Ads - Quảng cáo giúp tăng độ nhận diện với người xem 


Non-skippable in-stream ads là quảng cáo buộc người dùng phải xem hết 15 giây đầu tiên của video mà không bấm bỏ qua được. Tại một số quốc gia khác như Châu Âu, Ấn Độ hay Singapore độ dài tối đa có thể lên đến 20 giây. 



Hình thức tính phí cho quảng cáo là chi phí trên lượt xem, nhà quảng cáo phải thanh toán cho mỗi 1000 lượt xem của người dùng. Do đó quảng cáo Non-skippable in-stream ads thích hợp khi doanh nghiệp đã xác định được đối tượng mục tiêu hoặc muốn tối đa hóa phạm vi tiếp cận của mình. 



Các quảng cáo Non-skippable in-stream ads có thể xuất hiện lúc đầu, ở giữa hoặc thậm chí khi kết thúc video và không bấm bỏ qua được, giúp cho thương hiệu có thể tăng độ tiếp cận của mình đến số lượng người xem khổng lồ trên Youtube. Nhưng cần cân nhắc trước khi sử dụng để không tốn nhiều chi phí và thời gian cho việc tiếp cận sai khách hàng tiềm năng. 


Tạo lập danh sách khách hàng tiềm năng với Skippable In-Stream Ads


Phổ biến nhất trên YouTube là quảng cáo có thể bỏ qua được (Skippable in-stream ads). Loại hình quảng cáo này có thể dài từ 12 giây cho đến tối đa 6 phút, xuất hiện lúc bắt đầu mỗi video trên Youtube. 



Quảng cáo Skippable in-stream ads đi kèm đồng hồ đếm ngược trên màn hình và đường liên kết đến website của thương hiệu. Doanh nghiệp có thể lựa chọn thêm một banner xuất hiện bên cạnh video quảng cáo để người dùng bấm vào, tuy nhiên banner này không xuất hiện trên tất cả các trang YouTube mà video quảng cáo hiển thị. 


Phần quan trọng nhất của quảng cáo Skippable in-stream ads là lựa chọn bỏ qua video sau 5 giây. Nếu người xem lựa chọn và không tương tác với quảng cáo, doanh nghiệp không tốn phí. Chỉ khi người dùng xem hơn 30 giây, quảng cáo mới tính là một lượt xem và thu phí trên ngân sách của doanh nghiệp. 


Quảng cáo Skippable in-stream ads là lựa chọn tốt cho các nhà quảng cáo muốn tạo ra danh sách khách hàng tiềm năng cho thương hiệu. Với việc có thể người xem có thể bỏ qua quảng cáo sau 5 giây đầu, thương hiệu sẽ xác định được những người dùng thật sự yêu thích hoặc thấy thông tin về sản phẩm hứng thú và dừng lại xem lâu hơn. 



Người dùng sẽ bấm bỏ qua nếu không thấy hứng thú với quảng cáo. Ngược lại, với những người dùng bấm vào xem chi tiết các nội dung quảng cáo, doanh nghiệp có thể lọc được các thông tin hữu ích về nội dung quảng cáo, nhân khẩu học, các yếu tố giảm giá,... để từ đó cải tiến quảng cáo hiệu quả hơn. 


Gây điểm nhấn với người xem qua Bumper Ads


Với Bumper Ads, người dùng cũng không thể bấm bỏ qua quảng cáo tương tự với Non-skippable in-stream ads, nhưng sự khác biệt ở đây là về thời lượng của từng loại quảng cáo. Bumper Ads chỉ kéo dài ít hơn 6 giây, còn Non-skippable in-stream ads có thể lên đến 15 giây. 




Bumper Ads là hình thức quảng cáo được YouTube tạo ra để tránh sự không liên quan và bảo vệ trải nghiệm người dùng so với Non-skippable in-stream ads. Mức thời gian 6 giây của Bumper Ads được xem là lý tưởng để giúp thương hiệu gây ấn tượng với người xem mà không khiến họ khó chịu. 


Nếu doanh nghiệp ra mắt một sản phẩm mới, một chương trình giảm giá hoặc một sự kiện trong năm, Bumper Ads giúp truyền tải các thông tin này một cách nhanh chóng và tạo hứng thú cho người dùng trong khoảng thời gian ngắn. 



Thu hút lượng tiếp cận lớn thông qua Masthead Ads


Masthead ads có thể được xem là quảng cáo cao cấp nhất trên YouTube. Đây là nội dung đầu tiên người dùng nhìn thấy bất cứ khi nào họ vào YouTube, tạo lợi thế lớn cho doanh nghiệp trước các đối thủ cạnh tranh.  



Do đó, chi phí của hình thức quảng này cũng khá đắt đỏ và hiếm có doanh nghiệp nhỏ sử dụng vì tiêu tốn đến 600 - 700 triệu VNĐ/ ngày của doanh nghiệp, vượt quá ngân sách của các chiến dịch marketing thông thường. Dĩ nhiên, đi kèm với đánh đổi này là lợi thế hiển thị cho thương hiệu và số lượt xem có thể đạt lên đến 2.5 - 5 triệu một ngày.


Masthead ads giúp doanh nghiệp tiếp cận đến hàng triệu người dùng, đồng nghĩa với hàng triệu thông tin mà doanh nghiệp có thể thu thập được để nghiên cứu. Đồng thời theo báo cáo của YouTube, Masthead ads còn gia tăng tỷ lệ người xem lên đến 92% và ý định mua hàng của người dùng cũng tăng lên 46%. Tỷ lệ lợi nhuận trên chi phí đầu tư (ROI) của doanh nghiệp cũng tăng lên và thu lại gấp nhiều lần so với chi phí phải bỏ ra. 



Tạm kết 


Với số lượng người dùng tính đến năm 2021 đạt đến gần 1.86 tỷ, YouTube là một trong những nền tảng phổ biến để các marketer tiếp cận khách hàng. Tuy nhiên, bên cạnh những thách thức về đối thủ cạnh tranh và việc phải sáng tạo các nội dung thu hút, nhà quảng cáo cần xem xét để chọn hình thức quảng cáo phù hợp với ngân sách và mục đích chiến dịch để đạt được hiệu quả tối ưu trên YouTube. 


Theo NEILPATEL

Minh Hoàng | Advertising Vietnam