Đầu năm nay, nhiều người dự đoán về việc giảm tiêu dùng do suy thoái kinh tế. Thế nhưng AdWeek đã đưa ra một nhận định ngược lại. Khách hàng vẫn tiếp tục mua sắm cho mùa lễ tới, tuy nhiên họ có sự cân nhắc kỹ càng hơn trước khi quyết định chi tiền.


Jane Butler, Phó chủ tịch Bán hàng - Thương mại điện tử bán lẻ tại Google khuyên các thương hiệu nên “biến khoảnh khắc tò mò thành hành động mua hàng”. Theo đó, khách hàng rất dễ tò mò về một chiến lược/động thái nào đó của thương hiệu. Tuy nhiên cảm giác tò mò chỉ diễn ra trong một khoảnh khắc, để khoảnh khắc này thúc đẩy hành động mua hàng, marketer cần xây dựng một chiến lược hẳn hoi. 


Hãy cùng tham khảo ba chiến thuật chính sau đây, giúp doanh nghiệp biến những vị khán giả tò mò thành khách hàng thực thụ trong mùa lễ hội!


1. Củng cố niềm tin bằng các video quảng cáo


Giữa một thị trường đầy rẫy đối thủ cạnh tranh, việc khiến khách hàng biết đến thương hiệu là chưa đủ. Marketer còn phải thuyết phục người dùng tin vào những giá trị, sản phẩm và dịch vụ do thương hiệu cung cấp, và sau đó là đưa ra hành động mua hàng. Để làm được điều đó, bà Jane Butler cho rằng sử dụng video là một trong những chiến lược hoàn hảo nhất.


Coca-Cola và chiến dịch Điều giản dị làm nên Tết diệu kỳ


Theo số liệu của The Social Sherpherd, người dùng dành trung bình 3 tiếng mỗi ngày để xem các nội dung video trên đa dạng nền tảng. Trong đó, có tới 96% khán giả xem video chỉ để tìm hiểu thêm về sản phẩm và dịch vụ. Các từ khóa mà người dùng hay tìm kiếm chính là video âm nhạc, video viral, video review sản phẩm hoặc hướng dẫn cách sử dụng. Chính vì vậy, video marketing luôn nằm trong danh sách những chiến lược đáng đầu tư nhất của các nhà tiếp thị.


Music Marketing được dùng nhiều trong các chiến dịch mùa lễ hội


Trong số các nền tảng video, bà Jane Butler khuyến khích marketer nên tập trung chạy chiến lược tiếp thị trên YouTube, vì người mua sắm có xu hướng tin tưởng thông tin trên nền tảng này hơn các ứng dụng video khác. YouTube cũng là nền tảng video được lòng các nhà quảng cáo nhất trong năm qua. Dữ liệu của Social Sherpherd cho thấy 89% nhà tiếp thị đã lên kế hoạch sử dụng nó trong tương lai.


2. Truyền cảm hứng mua sắm


Các marketer luôn được nhắc nhở rằng phải thấu hiểu khách hàng. Nhưng ít ai hiểu được rằng, muốn nổi bật, doanh nghiệp phải là người hiểu cả những nhu cầu mà chính khách hàng cũng không rõ. 


Trong mùa lễ hội, AdWeek tiết lộ khách hàng thường không có một mặt hàng nào cụ thể trong đầu. Thói quen của họ là truy cập mạng xã hội, lướt các trang thương mại điện tử và mong đợi các thương hiệu gợi ý sản phẩm dựa trên nhu cầu của họ. 


May1-The_Ultimate_Guide_to_Instagram_Shopping-Newsletter-Feature (1200×800)

Khách hàng tìm cảm hứng mua sắm trên các trang mạng xã hội


Theo nghiên cứu của Ipsos, có 47% khách hàng đang tìm kiếm ý tưởng mua sắm và 44% đang lập danh sách quà tặng trong mùa lễ hội. Thương hiệu nào hiện diện nhiều nhất trong hành trình truyền cảm hứng này sẽ là ăn điểm mùa lễ hội. 


3. Khoe nhiều ưu đãi nhất có thể


Dù là khách hàng ở quốc gia nào, họ đều có một đặc điểm chung là “ưa thích mặt hàng giá rẻ”. Google cho biết từ khóa “Rẻ và tốt nhất” đã tăng 40% lượt tìm kiếm so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, cuộc khảo sát trực tuyến của Ipsos Shopping Tracker cũng cho thấy 76% người mua sắm ở Hoa Kỳ muốn mua các sản phẩm có chất lượng cao hơn và dùng được lâu hơn.


Các thương hiệu bắt đầu chạy các chương trình khuyến mãi


Như vậy, để chiếm ưu thế trong mùa lễ hội, các thương hiệu nên cung cấp nhiều tiện ích nhất có thể cho khách hàng. Đó có thể là giao dịch một chạm với ví điện tử, Miễn phí đổi trả, Ưu đãi vận chuyển, các chương trình khuyến mại “sâu”,.... Hoặc với cứ điều gì làm doanh nghiệp trở nên độc nhất vô nhị, thương hiệu nên giới thiệu nó một cách rầm rộ, tạo ấn tượng với người dùng ngay từ phút đầu tiên. 


Hằng Trần