Chuyện “lật brief" ở agency: Người chịu sức ép “bào mòn” sức sáng tạo, người học cách “trưởng thành” qua từng job

Lật Brief là cụm từ quen thuộc mà nhân sự ngành quảng cáo hay dùng để chỉ sự thay đổi về brief - văn bản chứa những thông tin cần thiết mà client cung cấp cho agency khi thực hiện dự án. Những bản brief bị thay đổi đôi khi sẽ mở ra cơ hội để client và agency cùng nhau thực hiện một chiến dịch tạo tiếng vang ấn tượng, nhưng cũng có lúc đem lại cho nhân sự ngành quảng cáo một loạt khó khăn và thách thức cần phải xoay sở để vượt qua nếu muốn đạt được một kết quả khả quan. 


Để làm rõ vấn đề này, cùng tìm hiểu trải nghiệm và góc nhìn của các nhân sự đến từ FURIN Creative Lab, Athena CM Agency (Admicro) và Innity Việt Nam thông qua những chia sẻ dưới đây. 


Sức ép sáng tạo trước trăm ngàn tình huống bị “lật brief” chẳng ai ngờ trước


Đối với nhân sự ngành quảng cáo, brief được xem là sự truyền đạt thông tin bằng hình thức văn bản về mục tiêu và yêu cầu của client trong bất kỳ chiến dịch hay dự án làm việc với agency. Những bản brief được xem là cơ sở để client và agency đi đến thống nhất phương án và quá trình thực hiện. Tuy nhiên, ở mỗi thời điểm, khách hàng sẽ có những nhu cầu khác nhau, bản brief vì thế cũng không có khuôn mẫu cố định nào cả. Những lúc như vậy, nhân sự ngành quảng cáo sẽ phải “đau đầu" với các tình huống thay đổi brief không lường trước, cùng với đó là một sức ép lớn về thời gian lẫn giới hạn của sự sáng tạo. 


Chia sẻ về 48 tiếng chật vật nghĩ idea, concept lẫn các cách execution mới sau khi nhận thông báo dự án trọng điểm thay đổi brief vào 2 ngày trước deadline, chị Yui Phan - Creative Director từng cộng tác tại một số local - global agency và là Founder của FURIN Creative Lab, cho biết: “Sức sáng tạo của con người là vô hạn, với cá nhân Yui, sức sáng tạo còn là sự "tuần hoàn" và sự "tái sử dụng". Thế nên việc khơi gợi lại, khơi gợi liên tục sự liên tưởng, tưởng tượng cùng cảm hứng từ nhiều nơi, luôn là một bài toán có thể giải đi giải lại không chán. Nhưng mọi thứ vẫn nên có giới hạn để giảm thiểu sức ép cho đội ngũ Creative. Chúng ta có thể bị lật brief nhiều lần, nhưng không thể để cùng-1-khách-hàng lật brief nhiều lần liên tục. Nhất là khi xét về mức độ nặng-nhẹ, thì việc dự án đó bị lật brief sẽ khiến đội ngũ dự án khó lòng xoay sở kịp thời".


Ở một trải nghiệm khác, chị Nguyễn Nam Phương - Senior Account Executive gặp phải tình huống bị “lật brief" vì cả client và agency đều hoàn toàn hiểu lầm ý nhau, dẫn đến proposal không đúng kỳ vọng. Chị chia sẻ: “Tụi mình bị đổi brief sau khi đã gửi plan cho khách hàng. Chiến dịch đó khá lớn, chỉ còn một tháng rưỡi nữa là chạy. Cách xử lý duy nhất tụi mình có thể làm đó là hẹn gặp client trực tiếp và ngồi làm cùng client tại văn phòng của họ, để đảm bảo không có thêm bất kỳ sai sót nào trong trao đổi hoặc làm chậm thêm thời gian hoàn thành dự án nữa”. 



Bản chất của brief là sự truyền đạt mục tiêu của client đến với agency. Khi client không làm rõ được thông tin cần truyền đạt, đó là lúc nội dung trong brief bắt đầu thay đổi liên tục. Là người từng nhận bản brief bị lật liên tục xuyên suốt chiến dịch truyền thông của một nhãn hàng ngành Dược, chị Lê Thị Mai Hồng - Content Manager, Athena CM Agency (Admicro) chia sẻ: “Đề bài tụi mình được giao ban đầu là lên kế hoạch truyền thông cho một giải chạy do nhãn hàng tổ chức, qua đó củng cố nhận diện thương hiệu cho nhãn hàng. Tuy nhiên, qua mỗi lần khách feedback thì mục tiêu lại thay đổi. Suốt 3 tháng trời với “n” lần feedback, đội làm dự án phải ngồi lọc lại brief mới, so sánh với brief cũ, tìm hiểu gu truyền thông của nhãn, về cách truyền thông của các nhãn hàng đối thủ trong ngành, những tư liệu mà khách có thể cung cấp, tìm hiểu cả tính cách của người feedback… để đưa ra một kế hoạch phù hợp nhất. Nội dung cuối cùng cũng được duyệt nhưng team lại phải đối mặt với một cú “lật” khác là khách quyết định rút ngắn thời gian chạy chiến dịch chỉ còn nửa tháng thay vì 2 tháng như ban đầu. Nguyên nửa tháng đó, cả đội không bao giờ được ngủ trước 2 giờ sáng và luôn trong tình trạng không rõ sáng hôm sau brief sẽ thay đổi thế nào”.


Thấu hiểu nguyên nhân “lật brief” là điều cần thiết để tìm ra phương án thế phù hợp 


Khi một bản brief bị lật, đằng sau nó có rất nhiều lý do. Cộng hưởng cùng tâm lý nhìn nhận agency là những đơn vị cung cấp dịch vụ và giải pháp, client thường kỳ vọng nhân sự agency sẽ luôn đưa ra những giải pháp mới khác với mục tiêu được thay đổi. Đặt ra giới hạn về vai trò của agency và nhìn nhận khách quan về những lý do lật brief dựa trên mối quan hệ win-win khi khách hàng cần tư vấn và agency có chuyên môn là cách chị Yui Phan tìm kiếm giải pháp cho những bản brief bị “lật". 



Từ kinh nghiệm hơn 10 năm làm nghề, chị Mai Hồng nhận thấy để có thể chiến thắng bản brief mới, điều đầu tiên phải hiểu được nguyên nhân vì sao bản brief cũ bị thay đổi. Chị nhận định: “Khi một bản brief bị “lật”, ở góc độ của khách hàng thì lý do nào cũng hợp lý. Còn ở phía tụi mình, việc đầu tiên là cần phải “đọc vị” được tại sao khách lại đưa ra lý do này. Phân tích được những gì ẩn giấu sau lý do được đưa ra sẽ có phương án cho những bước tiếp theo, dung hòa được 2 yếu tố: góc nhìn của khách (mong muốn, yêu cầu) và của mình (đảm bảo chất lượng chuyên môn) để đưa ra một kết quả phù hợp nhất”.


Cùng quan điểm trên, chị Mai Phương cũng cho rằng: “Mình cần hỏi lý do vì sao client thay đổi brief, bởi vì đôi khi không phải là client không hài lòng với tactic của mình, mà chỉ đơn giản là họ không rõ tactic của mình sẽ giúp họ đạt được mục tiêu chiến dịch như thế nào. Hoặc khi client muốn thay đổi một vài chi tiết trong mục đích truyền thông và nghĩ rằng sẽ cần thay đổi hoàn toàn tactic để đạt được mục đích đó, mà thực tế nhiều khi không cần thiết phải thay đổi toàn bộ”.



Học cách xoay sở khi bị lật brief - cơ hội để nhân sự ngành quảng cáo trưởng thành qua từng job


Nếu nhìn một góc độ khác, những tình huống bị “lật brief” không chỉ là thách thức gây “đau thương" cho nhân sự ngành quảng cáo, mà còn là cơ hội để nhân sự rèn luyện thêm kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng nắm bắt và phân tích vấn đề, rèn luyện kỹ năng đưa ra quyết định, để biết cách lựa chọn phương án phù hợp nhất vào mỗi thời điểm. Chị Thúy Nga cho rằng mỗi lần đối mặt với những dự án bị thay đổi brief là một lần nâng cao năng lực xử lý tình huống. “Ở vai trò là account kết nối giữa khách hàng với team nội bộ, mình phải luôn chủ động nắm bắt được mọi tình huống đang diễn ra. Khi một bản brief thay đổi, mình vừa cùng lúc trao đổi với khách hàng để làm rõ mục tiêu mới, vừa phải giải thích và phân tích cho các team nội bộ hiểu được vấn đề đang gặp phải, từ đó, xác định tính khả thi cũng như mức độ và tần suất công việc mà team phải thực hiện sau đó”.



Bên cạnh đó, sau mỗi lần vượt qua bản brief bị lật, nhân sự ngành quảng cáo sẽ học thêm cách xoay sở, cũng như biết làm thế nào để hạn chế tối đa nguy cơ bị thay đổi brief khi vận hành những dự án tiếp theo. Từ những kinh nghiệm “đau thương", chị Nam Phương thấy rằng cần phải trao đổi kỹ với client không chỉ ở thời điểm nhận brief mà còn ở tất các các bước sau, đồng thời tách nhỏ plan theo đầu việc và giai đoạn để có thể chủ động kiểm soát tốt nhất. Cá nhân mình nghĩ những nhân sự agency có năng lực tốt có thể làm được hơn thế, đó là ngay tại thời điểm client brief xong, nhân sự agency có thể phác thảo ngay cho một số idea, định hướng. Điều này sẽ giúp client lập tức hình dung ra được nhân sự agency đang suy nghĩ theo chiều hướng nào và sẽ giảm thiểu tối đa rủi ro “lạc đề” khi thực hiện”, chị chia sẻ thêm.


Ở trải nghiệm của một người không nhớ nổi đã trải qua bao nhiêu dự án bị lật brief, chị Mai Hồng đúc kết: “Khi gặp tình huống bị lật brief, hãy tạm thời bỏ bản brief ấy qua 1 bên, xử lý cảm xúc của mình trước. Sau đó hãy quay lại yêu lại từ đầu để tìm ra cách giải quyết phù hợp nhất. Đừng ngại tìm kiếm sự hỗ trợ từ đồng nghiệp vì nhiều góc nhìn, mỗi người một thế mạnh sẽ giúp chúng ta tìm ra giải pháp tối ưu nhất. Và cuối cùng, hãy xem mỗi bản brief bị lật là một cơ hội để bản thân được đào sâu hơn nữa những khả năng của mình, là cơ hội để mình tích lũy thêm kỹ năng xử lý vấn đề. Tin mình đi, bạn sẽ trưởng thành nhanh hơn sau khi chiến thắng một brief bị lật khó nhằn”.



Từ những chia sẻ trên, có thể thấy ở một mức độ có thể chấp nhận được, việc đối mặt với những tình huống bị lật brief vừa là áp lực vừa là động lực để nhân sự ngành quảng cáo nâng cao năng lực chuyên môn, khám phá những giới hạn sáng tạo mới và trau dồi kinh nghiệm ứng biến khi làm nghề, đồng thời, cũng là cơ hội để hiểu hơn về khách hàng và tính chất công việc mình đang theo đuổi.  



Chuyện “lật brief" ở agency: Người chịu sức ép “bào mòn” sức sáng tạo, người học cách “trưởng thành” qua từng job

Đoan Thục

Đoan Thục

25 Thg 10 2023

Lưu

Cùng chuyên mục