Ngày 11/01 vừa qua, “Báo cáo Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2023” (Báo cáo) đã chính thức được phát hành. Báo cáo được biên soạn ở dạng bản mềm và bản in, dưới hai ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh trong 3 tháng với sự tham gia của hơn 45 chuyên gia hàng đầu.
Mùa thứ 3 ra mắt với cấu trúc mới, diện mạo mới
Báo cáo năm 2023 là sự hợp tác của Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học - Công nghệ (NATEC), cùng Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp Sáng tạo Quốc gia (NSSC), được thực hiện bởi Nền tảng kết nối Đổi mới sáng tạo BambuUP. Được khởi động từ tháng 10/2022, sau gần 3 tháng triển khai với sự đầu tư công phu, báo cáo đã hoàn thiện với khối lượng thông tin có giá trị tư vấn, định hướng chiến lược đổi mới sáng tạo mở cho doanh nghiệp Báo cáo năm nay có sự ghi danh của hơn 3000 giải pháp công nghệ trong nước & quốc tế, gấp đôi so với năm 2022. Báo cáo có sự cố vấn nội dung của 47 chuyên gia trong các lĩnh vực kinh tế hàng đầu Việt Nam.
Ông Shawn Xu - Nhà sáng lập & Giám đốc điều hành SilverSea Media chia sẻ: “Báo cáo đã phân tích kỹ lưỡng các thay đổi thị trường ở cả Việt Nam và toàn cầu. Nó đưa ra nhiều góc nhìn quan trọng về môi trường kinh doanh và các bên liên quan chính của doanh nghiệp Việt Nam. Đổi mới luôn gắn liền với tinh thần khởi nghiệp. Báo cáo xem xét hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam và các quốc gia trong khu vực và toàn cầu, cung cấp cái nhìn sâu sắc về tinh thần khởi nghiệp luôn thay đổi”
Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023: Khó khăn, nhưng vẫn có điểm sáng
Theo báo cáo, phương diện đầu tư vốn cho hoạt động khoa học - công nghệ ĐMST của Việt Nam vẫn chưa được cải thiện. Mức đầu tư vào R&D so với GDP của Hệ sinh thái Việt Nam vẫn còn thấp và có xu hướng giảm. Năm 2023, con số được ghi nhận về mức đầu tư R&D so với GDP của Việt Nam là 0.4%. Trong khi đó, các nước trong cùng khu vực đã có sự gia tăng về nguồn vốn đầu tư vào hoạt động này, và nhanh chóng vươn lên trên bảng xếp hạng năm 2023 như: Thái Lan: 1,3% (tăng 4 hạng), Singapore 2.2% (tăng 3 hạng), Malaysia: 1%. Nhìn vào con số này, chúng ta nhận thấy điểm tương đồng giữa việc đầu tư vào R&D của một quốc gia so với mức độ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của quốc gia đó.
Bức tranh đầu tư 9 tháng đầu năm 2023 không có nhiều tiến triển lớn. Hoạt động đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam tiếp tục chững lại, đánh dấu mức giảm hai năm liên tiếp kể từ năm 2021. Trong 9 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị các thương vụ giảm 13%, đạt tổng cộng 427 triệu USD. Xu hướng này thể hiện rõ ràng hơn ở mức giảm mạnh 40% trong số lượng thương vụ, chạm mức thấp nhất kể từ năm 2018 với 56 giao dịch được ghi nhận.
Những con số quan trọng trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2023
Tuy nhiên, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam chứng kiến một vài điểm sáng. Với xếp hạng 46/132 trên Bảng xếp hạng chỉ số ĐMST toàn cầu (WIPO), Việt Nam là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về ĐMST trong thập kỷ qua và cũng là một trong 3 quốc gia giữ kỷ lục có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp.
Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo mở tại Việt Nam đang cần một cú hích. Đối mặt với những thách thức đáng kể, cần có một động lực mạnh mẽ để thúc đẩy tăng cường năng lực và sức mạnh cạnh tranh của các startup nội địa. Điều này giúp nuôi dưỡng cả hệ sinh thái, mang lại cơ hội hợp tác và chia sẻ giữa các tập đoàn, doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển giao công nghệ và đổi mới.
Đồng thời, việc tăng cường cơ hội cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp startup Việt Nam và đối thủ quốc tế là một phần không thể thiếu của chiến lược hỗ trợ này. Qua đó, sự phát triển của hệ sinh thái không chỉ tập trung vào việc thúc đẩy năng lực nội địa mà còn mở rộng tầm nhìn và cơ hội trong bức tranh toàn cảnh quốc tế.
Những chủ đề được bàn sâu: B2B Sales & Marketing 4.0, An ninh dữ liệu và Blockchain.
Trong bối cảnh hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của Việt Nam đang dần định hình sắc nét, sự tham gia của nhiều chủ thể đã và đang góp phần gia tăng sự đa dạng, năng động và hoàn thiện hệ sinh thái. Hòa vào xu hướng chung ấy, Báo cáo đi sâu vào phân tích 3 khía cạnh chính bao gồm B2B Sales & Marketing 4.0, an ninh dữ liệu và blockchain nhằm “tăng sức đề kháng” cho các doanh nghiệp trước cơ hội phát triển và cả những thách thức từ các hệ sinh thái quốc tế.
B2B Martech Saletech lên ngôi vì nhu cầu của thị trường, nhưng đã qua giai đoạn FOMO
Trong năm vừa qua, việc xây dựng mối quan hệ lâu dài với khách hàng trở thành xu hướng lớn của nhiều doanh nghiệp. Các chiến dịch Marketing B2B được quan tâm đầu tư, kéo theo đó là sự lên ngôi của các giải pháp B2B Martech, Salestech.
Một số xu hướng phổ biến mà báo cáo đề cập tới là:
- Tiếp cận khách hàng và đối tác thông qua sự kiện trực tiếp
- Sử dụng SEO và SEM
- Tích hợp truyền thông trả phí và không trả phí
- Ứng dụng giải pháp Martech tự động hóa
Nhân cơ hội này, ông Nam Nguyễn - CEO OplaCRM cũng đưa ra lời khuyên “Giờ đây các doanh nghiệp thực tế hơn rất nhiều, họ không còn muốn thử cái gì đó mới nữa, mà thay vào đó là muốn một giải pháp đem lại giá trị thật sự chứ không chỉ là lý thuyết trên demo” vì doanh nghiệp đã qua giai đoạn FOMO.
Doanh nghiệp cần nghiêm túc với an ninh mạng & bảo mật dữ liệu
Theo báo cáo, 82% khách hàng nói rằng họ đã ngừng sử dụng sản phẩm/dịch vụ của một công ty vì họ không hài lòng về cách công ty quản lý dữ liệu. Con số này gióng lên một hồi chuông báo động về an ninh mạng và bảo mật dữ liệu trong bức tranh hệ thống mạng toàn cầu.
Đơn cử như, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng nhiều vào các giải pháp tạo ra nhiều lỗ hổng bảo mật mới, từ các lỗ hổng cổ điển đến các khai thác zero-day. Thêm vào đó, việc quản trị truy cập không tốt đối với các thiết bị IoT khiến các thiết bị này dễ dàng bị xâm nhập bởi các bên trái phép ngoài hệ thống.
Trong năm sắp tới đây, các tổ chức và doanh nghiệp đang nâng cao khả năng đối phó với các mối đe dọa mạng thông qua việc triển khai giải pháp an ninh tiên tiến. Việc xây dựng văn hóa bảo mật đặt ra thách thức không chỉ về mặt kỹ thuật mà còn là về tư duy chiến lược.
Bức tranh hệ thống mạng toàn cầu
Lowcode/nocode: Ai cũng có thể trở thành nhà phát triển phần mềm
Theo Mendix, 33% tổ chức dự định sử dụng công nghệ này để cải thiện Trải nghiệm khách hàng (CX) trên nền tảng số tốt hơn.
Ngoài hai yếu tố con người và công nghệ, yếu tố quy trình cũng là điều các doanh nghiệp cần hết sức lưu ý trong hành trình chuyển mình đổi mới. Hai xu hướng low-code và no-code gần đây rất được quan tâm trong ngành phát triển phần mềm. No-code cho phép những người “non-IT” thiết kế những ứng dụng cơ bản mà không cần kiến thức chuyên sâu về mã nguồn. Tương tự, low-code là bước đệm giữa no-code và lập trình truyền thống, đi kèm với các API mở để tái sử dụng và triển khai linh hoạt trên đám mây hoặc on-premises.
Đối với các tổ chức doanh nghiệp, low-code/no-code giúp rút ngắn thời gian xây dựng có thể lên tới 3 - 4 lần. Theo ông Tài Huỳnh, CEO Kyanon Digital, do “nhu cầu phát triển phần mềm nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu kinh doanh và trải nghiệm người dùng ngày càng cao, khiến các nền tảng low-code trở thành xu hướng tất yếu. Nền tảng low-code sẽ là “chìa khóa” mở cửa cho chuyển đổi số, giúp các doanh nghiệp nâng cao năng suất, cạnh tranh và mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng”
Tóm lại
Xem và tải báo cáo TẠI ĐÂY - Thông qua việc phân tích dữ liệu, Báo cáo đã khắc họa rõ nét “Thế giới phẳng của đổi mới sáng tạo”, giúp doanh nghiệp chuẩn bị sẵn sàng và điều chỉnh chiến lược kinh doanh. Báo cáo nghiên cứu thị trường giúp doanh nghiệp hiểu rõ về đặc điểm, xu hướng và cơ hội, từ đó có giá trị tư vấn, định hướng cho doanh nghiệp về chiến lược ĐMST để có thể tồn tại và thích ứng trong thời kỳ được dự báo là tiếp tục có nhiều biến động trong năm 2024.