Cùng tìm hiểu những chuyển động sáng tạo trên thị trường trong và ngoài nước, được cập nhật nhanh chóng trong bản tin #AdsCreative của Advertising Vietnam!


1. PANTONE RA MẮT BẢNG MÀU DỰA TRÊN HÌNH ẢNH TỪ KÍNH VIỄN VỌNG JAMES WEBB: TÊN MÀU MANG ĐẬM CHẤT TRÁI ĐẤT



Trong đầu tháng nay, NASA đã làm nức lòng cộng đồng thiên văn và vũ trụ khi công bố hình ảnh đầu tiên chụp từ kính viễn vọng không gian James Webb, cho người xem thấy hình ảnh cực kỳ sắc nét về vũ trụ.


Các nhà khoa học đã nhận định các bức ảnh được chụp từ kính viễn vọng James Webb là một bước tiến lớn so với kính Hubble (hoạt động vào năm 1990), khi cho ra màu sắc rõ ràng và độ nét cực cao, giúp cộng đồng thiên văn có thể quan sát rõ và tìm hiểu sâu hơn về vũ trụ. Để cho mọi người thấy rõ vẻ đẹp của những tấm ảnh này, vừa qua NASA đã hợp tác với Pantone nhằm tạo ra một bảng màu ấn tượng dựa trên ảnh vũ trụ, giúp người dùng có thể tham khảo màu sắc một cách trực quan hơn. 


Đại diện Pantone cho biết trên trang Linkedin rằng bảng màu “tái hiện rõ rệt hình ảnh chụp từ kính viễn vọng không gian James Webb, từ dải ngân hà 13,5 tỷ năm tuổi cho đến những vì sao xa xôi”. Đặc biệt, Pantone đã dùng những những màu có tên đậm chất Trái Đất cho bảng màu về vũ trụ, có thể kể đến Adobe, Marina (Bến Du Thuyền), Dutch Canal (Kênh Đào Hà Lan) hay Cedar Wood (Gỗ Tuyết Tùng). 


Tổng hợp


2. SAMSUNG TUNG CHIẾN THUẬT QUẢNG CÁO CAMERA ĐỘC ĐÁO: “BẮT TRỌN" HÌNH ẢNH CÁC LOÀI ĐỘNG VẬT MÀ MẮT THƯỜNG KHÔNG THỂ NHÌN RÕ VỀ ĐÊM


 

“Gã khổng lồ” công nghệ Samsung đã thực hiện một khảo sát độc quyền với 2.000 người dân Anh về những loài động vật khó nắm bắt nhất (trong khung hình) khi về đêm. Nghiên cứu cho thấy rất ít người Anh đã từng nhìn thấy những loài động vật bản địa có đời sống về đêm như cú, lửng, nhím,... trong tự nhiên. Đặc biệt, khi được hỏi về việc chụp và quay động vật hoang dã, 62% người tin rằng không có công nghệ nào phù hợp và đủ điều kiện để tiếp cận động vật về đêm một cách hiệu quả. 59% người trả lời họ muốn sở hữu một chiếc máy ảnh chất lượng cao để có thể làm được những điều như vậy.


Để chứng minh chức năng “Chụp chế độ ban đêm" của chiếc điện thoại Samsung Galaxy S22 hoàn toàn có thể giải quyết được những “khúc mắc" đó của người dân Anh, thương hiệu đã hợp tác với nhiếp ảnh gia chuyên chụp động vật hoang dã Kyle Moore và Ian Wood để ghi lại loạt cảnh cuộc sống về đêm của các loài động vật.


Trong đoạn video ghi lại quá trình chụp và hướng dẫn người dân Anh sử dụng chức năng đặc biệt, hai nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp đã không sử dụng thêm bất kỳ một thiết bị chuyên dụng nào khác ngoại trừ chiếc điện thoại Samsung Galaxy S22. Dưới điều kiện ánh sáng kém, chức năng “Chụp ban đêm" tích hợp cùng chế độ Zoom, bút cảm ứng S-Pen và chân máy ảnh mini-tripod của Samsung Galaxy S22 đã “bắt trọn" mọi hoạt động và góc cận ấn tượng của các loài động vật trong tự nhiên. Đoạn video cũng cho thấy hai nhiếp ảnh gia có thể tiếp cận dễ dàng các loài động vật mà không làm ảnh hưởng đến đời sống tự nhiên của chúng. 



Ashrita Seshadri, Giám đốc Tiếp thị Thương hiệu của Samsung Vương quốc Anh chia sẻ: “Khi phát triển Samsung Galaxy S22, chúng tôi muốn mang đến cho cộng đồng của mình trải nghiệm máy ảnh tiên tiến nhất có thể. Chế độ Ban đêm cho phép người dùng chụp những bức ảnh tuyệt vời trong điều kiện ánh sáng yếu và ban đêm - công cụ tối ưu dành cho nhiếp ảnh gia về động vật hoang dã, để những bức ảnh từng “mờ ảo" có thể nên sống động”.


Theo Famous Campaign


3. CHÍNH PHỦ MEXICO LÊN ÁN VÌ SHEIN CỐ TÌNH “ĐẠO NHÁI” SẢN PHẨM THỦ CÔNG CỦA THƯƠNG HIỆU ĐỊA PHƯƠNG



Shein là một nền tảng mua sắm thời trang nhanh (fast fashion) của Trung Quốc được thành lập vào tháng 10/2008. Trong những năm gần đây, Shein liên tục phải đối mặt với nhiều vụ kiện liên quan đến bản quyền hình ảnh khi sử dụng và bán các tác phẩm của các nghệ sĩ trẻ mà không có sự cho phép.


Thậm chí, Shein còn bị Chính phủ Mexico lên án khi tung ra chiếc áo mang tên "Fan-Trim Top with Floral Print" (tạm dịch: áo in hoa). Chính phủ Mexico cho biết, Shein không những sử dụng hình thêu truyền thống của một thương hiệu quần áo thủ công địa phương mà còn chiếm đoạt "sự sáng tạo tập thể" của nhiều thế hệ. Trong một bức thư gửi đến Shein, Bộ Văn hóa Mexico viết: "Những thiết kế này đã được truyền tay nhau từ thế hệ này sang thế hệ khác, vì thế chúng là sản phẩm sáng tạo của tập thể người Maya."


Sản phẩm mà Shein cố tình "đạo nhái" đã được thương hiệu dệt may YucaChulas của Mexico ra mắt vào năm 2017. Thương hiệu khẳng định rằng chiếc áo của Shein giống hệt với thiết kế của họ, từ kiểu dáng, bố cục của các loài hoa trên áo đến màu sắc. Điểm khác biệt duy nhất là đường viền ren ở ống tay áo.


Sau khi nhận được phản ánh của các nhà chức trách Mexico, Shein đã xóa sản phẩm khỏi nền tảng và giải thích rằng họ không có ý định vi phạm quyền sở hữu sáng tạo của bất kỳ ai. "Chúng tôi hoàn toàn tôn trọng các nghệ nhân ở Mexico và toàn thế giới", người phát ngôn của Shein chia sẻ.


Theo Design Taxi


4. TÁC PHẨM NGHỆ THUẬT LÀM TỪ LÁT DƯA CHUA TRONG HAMBURGER CỦA MCDONALD’S ĐƯỢC BÁN VỚI GIÁ 147 TRIỆU ĐỒNG



Mới đây, nghệ sĩ người Úc Matthew Griffin đã triển lãm bốn tác phẩm mới tại Michael Lett Gallery, một phòng trưng bày Nghệ thuật ở Auckland (New Zealand). Trong đó, một tác phẩm nghệ thuật của Griffin đã thu hút sự chú ý của công chúng khi có giá trị lên đến 10.000 đô New Zealand (khoảng 147 triệu đồng). 


Tác phẩm "Pickle" (tạm dịch: Dưa chua) giống như tên gọi của nó, thực chất chỉ là một lát dưa chua trong món hamburger phô mai của McDonald's được dán lên trần nhà trắng tinh của phòng triển lãm. Trong phần mô tả, Griffin đã giải thích "tác phẩm" được tạo thành từ bột mì, đường, dầu hạt cải, gluten lúa mì và men. Nhiều người xem cho rằng đây là một ý kiến "thiên tài", trong khi nhiều người chỉ ra tác phẩm nghệ thuật này "quá đơn giản" để được bán với mức giá cao ngất ngưởng như thế. Ông Ryan Moore, Giám đốc của Fine Arts nhận xét "Pickle" là một tác phẩm nghệ thuật đương đại, khiến người xem phải thảo luận và phản hồi theo nhìn góc nhìn khác nhau.


Nếu mua tác phẩm này, người mua sẽ phải trả mức giá 10.000 đô New Zealand, đồng thời chi thêm 4,44 đô để mua một chiếc bánh mì McDonald's khác. Griffin sẽ hướng dẫn họ tái tạo tác phẩm ở bất kỳ đâu họ muốn.


Theo The Guardian


5. KHÁCH SẠN SỬ DỤNG 98 Ô CỬA SỔ ĐỂ MIÊU TẢ CÁC TƯ THẾ NGỦ CỦA KHÁCH HÀNG



Thành lập từ năm 2008, công ty CitizenM đã phá vỡ mô hình khách sạn truyền thống và phát triển "hybrid hotel" - nơi người dùng có thể đến để làm việc, thư giãn và vui chơi. Ngoài ra, các khách sạn thuộc CitizenM cũng chú trọng đến yếu tố nghệ thuật, bộc lộ qua việc trưng bày các tác phẩm nghệ thuật 


Nhằm kỷ niệm việc khai trương khách sạn đầu tiên tại London (Anh), CitizenM đã mời nhiếp ảnh gia Amber Pinkerton thực hiện loạt bức ảnh mang tên "Citizens of Sleep" (tạm dịch: Khi cư dân say giấc) để miêu tả tư thế ngủ của người dùng trên 98 ô cửa sổ của khách sạn. Những bức ảnh đã thể hiện những dáng ngủ tự nhiên khi họ say giấc: dáng nằm sấp, nằm nghiêng, có người ngủ quên khi đang bấm điện thoại, thậm chí là ôm thật nhiều gấu bông bên cạnh. 


Trong quá trình chụp ảnh, các người mẫu không thực sự ngủ. Họ sẽ có một không gian riêng tư với nhiếp ảnh gia để bộ ảnh trông tự nhiên và thoải mái nhất có thể. Người mẫu sẽ nằm trên một chiếc kính cường lực với tư thế thư giãn, nhiếp ảnh gia sẽ nằm bên dưới lớp kính và chụp ở góc độ hướng lên. Nhà thiết kế Adam Morton-Delaney chia sẻ: "Bộ ảnh được thực hiện một cách đơn giản nhưng đã truyền tải được cảm giác hài hòa, yên bình khi ngủ của con người."


Theo Muse by Clio


6. HEINEKEN CHIẾU THÔNG ĐIỆP “NGƯNG LÀM VIỆC MUỘN” LÊN TÒA NHÀ CAO TẦNG, KÊU GỌI MỌI NGƯỜI SỐNG CÂN BẰNG 



"Thành phố không bao giờ ngủ" là tên gọi được sử dụng phổ biến để đề cập đến thành phố New York. Theo nghiên cứu mới nhất từ thương hiệu nệm Mornings của Anh, một nửa cư dân của thành phố chìm vào giấc ngủ lúc nửa đêm và thức dậy lúc 6 giờ sáng.


Xuất phát từ thực trạng trên, thương hiệu Heineken đã hợp tác cùng agency Edelman thực hiện chiến dịch "Working Late?". Trong TVC quảng bá chiến dịch, đồng hồ đã điểm 9 giờ 27 phút tối nhưng hầu hết các tòa nhà cao tầng vẫn còn sáng đèn. Tại đó, các nhân viên văn phòng vẫn đang bận rộn họp, thuyết trình và làm việc miệt mài. Đường phố thì vẫn tấp nập xe cộ qua lại.


Các nhân viên của Heineken đã đến quận Manhattan - nơi được xem là trung tâm kinh tế, thương mại và có mật độ dân số đông nhất New York để kêu gọi người dân nơi đây từ bỏ thói quen làm việc muộn. Tại các tòa nhà chọc trời, Heineken đã chiếu đèn LED lên các ô cửa sổ với thông điệp: "Overworking? Try The Closer" (tạm dịch: Làm việc quá sức à? Thử The Closer ngay đi), "Still working? Time for The Closer" (tạm dịch: Vẫn còn làm việc ư? Đến lúc sử dụng The Closer rồi),... kèm đường link trang web của The Closer.


The Closer là dụng cụ bật nắp chai tích hợp công nghệ Bluetooth được Heineken ra mắt vào tháng 6/2022, nhắc nhở người dùng cân bằng cuộc sống với công việc. Mỗi khi người dùng mở nắp chai, thiết bị này sẽ buộc các laptop gần đó chuyển sang chế độ ngủ, giúp họ thư giãn và tụ họp cùng bạn bè. Chiến dịch "Working Late?" lần này đã nhấn mạnh lại sự tiện dụng của thiết bị The Closer và khuyến khích những nhân viên văn phòng ngừng làm việc muộn.


Bram Westenbrink, người đứng đầu thương hiệu toàn cầu tại Heineken cho biết: “Là một thương hiệu được xây dựng dựa trên việc tôn vinh những khoảnh khắc kết nối thực sự giữa con người với nhau, chúng tôi tin tưởng rằng mọi người nên dành thời gian vui chơi, trò chuyện cùng bạn bè, gia đình chứ không phải làm việc suốt đêm như thế.”


“Thông qua chiến dịch này, chúng tôi đang nhấn mạnh văn hóa làm việc quá sức tiếp tục cản trở mọi người tận hưởng cuộc sống. Bằng cách chiếu quảng cáo của Heineken tới những tòa nhà nơi mọi người làm việc đến tối muộn, chúng tôi hy vọng sẽ khuyến khích mọi người cân bằng giữa công việc và cuộc sống”, ông chia sẻ thêm.


Nhằm đảm bảo thông điệp sẽ tiếp cận được với hầu hết các nhân viên văn phòng, Heineken đã chụp lại các hình chiếu và đưa vào một quảng cáo in trên tờ The New York Times.


Theo The Drum


▶ Đón xem tin tức mới nhất về thị trường sáng tạo hàng tuần trên fanpage Advertising Vietnam!