Ngày nay, nhà sáng tạo nội dung không chỉ tạo ra doanh thu mà còn là cầu nối giữa thương hiệu và người dùng. “Sức mạnh của các nhà sáng tạo nằm ở sự kết nối giữa họ với cộng đồng người theo dõi”, Jamie Gutfreund, CMO của công ty thương mại sáng tạo Whalar cho biết. “Và tôi nghĩ một trong những gạch đầu dòng quan trọng của năm 2023 chính là các thương hiệu nên bồi dưỡng mối quan hệ này”, ông Gutfreund nói thêm.


Để xây dựng mối quan hệ chất lượng với người tiêu dùng, marketer cần lựa chọn gương mặt nhà sáng tạo phù hợp. “Sẽ cần có một chút thay đổi trong cách nhìn về các nhà sáng tạo nội dung. Nếu trước đây, các thương hiệu xem việc hợp tác với KOL/Influencer là một hoạt động bổ sung ‘phút chót’, thì bây giờ đã đến lúc họ nghiêm túc xem nó như một chiến lược hẳn hoi”, tác giả Ad Week trích dẫn. 


tiktok-creator-AdobeStock_487403475-scaled.jpg (2560×1713)

Để xây dựng mối quan hệ chất lượng với người tiêu dùng, marketer cần lựa chọn gương mặt nhà sáng tạo phù hợp


Trong năm 2023, các nhà tiếp thị nên làm gì để hợp tác với nhà sáng tạo hiệu quả hơn? Dưới đây là 3 lưu ý cần ghi nhớ. 


Lầm tưởng giữa Creator Marketing và Influencer Marketing


 Nhiều người trong lĩnh vực marketing vẫn đang lầm tưởng rằng nền kinh tế sáng tạo (creator economy) chính là tiếp thị người ảnh hưởng (influencer marketing). Thực tế, influencer marketing là một phương thức thuộc creator marketing. Vì thế, phương thức này nên được tiếp nhận ở một phạm vi rộng hơn bởi chúng đi đối với công việc của những nhà sáng tạo", Travis Montaque, Giám đốc điều hành của Group Black và người sáng lập mạng Crater cho biết. 


Cụ thể, nền kinh tế sáng tạo là một thị trường lớn và Influencer Marketing là một phương thức tiếp thị nằm trong thị trường đó. “Nói một cách đơn giản, nền kinh tế sáng tạo không thể thay thế hoàn toàn chiêu thức marketing thông qua người có sức ảnh hưởng (influencer marketing) và tiếp thị liên kết (affiliate marketing). Thay vào đó, nó là một hệ sinh thái cho phép người sáng tạo kiếm được doanh thu đáng kể thông qua vô số công cụ và dịch vụ sáng tạo, chẳng hạn như các mối quan hệ hợp tác lâu dài với thương hiệu, nội dung được tài trợ và tiền hoa hồng. Những cơ hội do thương hiệu mang lại cho phép các nhà sáng tạo xây dựng nên thương hiệu và dấu ấn cá nhân, từ đó phát triển thành một sự nghiệp một cách độc lập, Montaque chia sẻ. 


5f358a73b4bb1c001df53241 (1136×852)

Những cơ hội do thương hiệu mang lại cho phép các nhà sáng tạo xây dựng nên thương hiệu và dấu ấn cá nhân, từ đó phát triển thành một sự nghiệp một cách độc lập


Ngoài ra, có nhiều người xem Creator Marketing như một công cụ truyền thông dựa trên hiệu suất hoặc một công cụ chuyển đổi. Đây là những hoạt động thường nằm ở giai đoạn cuối phễu marketing. Lúc này, nhà sáng tạo sẽ đóng vai trò lan toả thông điệp chiến dịch, khiến thông điệp trở nên dễ tiếp nhận, tự nhiên và gần gũi hơn. Nhờ vậy, người tiêu dùng cũng dễ dàng đưa ra hành động hơn. 


Tuy nhiên, Creator Marketing nên được tiếp cận như một chiến lược Marketing toàn phễu, bao gồm từng bước từ việc xây dựng mối quan hệ, tạo ấn tượng với khách hàng tiềm năng, tăng sự tương tác, quen thuộc với khách hàng rồi đẩy mạnh các nội dung sáng tạo. 


Lượng followers không nói lên tất cả


Trước đây, nhóm người nổi tiếng với lượng fan khủng rất dễ thu hút sự chú ý của các thương hiệu. Những thương hiệu này thường có tệp khách hàng đại chúng (mass - audience), và nội dung hợp tác thường quanh quẩn ở các bài quảng cáo tài trợ, được đăng bằng tài khoản mạng xã hội của người nổi tiếng. 


20210621_tiktokJump_3x2.jpg (800×600)

Các nhà sáng tạo không bắt buộc phải là một ngôi sao thì mới được các thương hiệu để mắt tới


Thế nhưng, các nhà sáng tạo không bắt buộc phải là một ngôi sao thì mới được các thương hiệu để mắt tới. Trên thực tế, các nhà sáng tạo với lượng follower vừa phải đang được marketer ưa chuộng hơn. Nhóm nhà sáng tạo có cách làm nội dung hiệu quả, có sự uy tín trong một cộng đồng giới hạn, họ cũng dễ dàng tương tác với nhiều followers hơn. Chính vì vậy, Gutfreund ví những nhà sáng tạo có quy mô nhỏ giống như một “cánh cổng hẹp” nhưng mở vào một thế giới có nhiều sự gắn kết và dễ tạo ra hành động hơn. 


Đo lường chính xác


Một khi đã xem Creator Marketing như một phương tiện truyền thông, điều marketer cần lo nghĩ tiếp theo chính là làm sao để đo lường hiệu quả. Với các hình thức truyền thông trả phí khác, marketer thường dựa vào một loạt các chỉ số để đánh giá. Tuy nhiên, cần có một mô hình đo lường chính xác hơn cho mức độ nhận biết, cân nhắc và chuyển đổi dựa trên nội dung của nhà sáng tạo. 


content-creator-2.jpg (1280×720)

Cần có một mô hình đo lường chính xác hơn cho mức độ nhận biết, cân nhắc và chuyển đổi dựa trên nội dung của nhà sáng tạo


Việc đo lường chính xác cũng đem lại nhiều lợi ích cho người làm sáng tạo. “Họ có thể xác định được đâu là yếu tố thu hút trong nội dung của họ, cách triển khai nào có thể thúc đẩy hành động. Những điều này cho phép creator phác thảo được một chiến lược nội dung sáng suốt hơn”, Ad Week viết. 


Cuối cùng, đo lường là một trong những “giấy tờ” quan trọng giúp marketer thuyết phục doanh nghiệp bỏ tiền đầu tư cho Creator Marketing. “Nếu không thể đo lường, doanh nghiệp không có căn cứ để đưa ra chi phí đầu tư. Nếu không thể đo lường, bạn không thể quay lại và nói với sếp rằng ‘đây là những con số chúng tôi nhận được sau khi hợp tác với nhà sáng tạo’. Như vậy, sẽ không có một chiến lược Creator Marketing nào ra đời”, Gaz Alushi, Chủ tịch công ty đo lường và phân tích của Whalar kết luận. 


Tổng hợp

Hằng Trần