Trong thời đại mà nhu cầu tìm hiểu bản thân là vấn đề được người dùng đặc biệt quan tâm, trắc nghiệm tính cách dường như xuất hiện ở khắp nơi, từ những bộ câu hỏi uy tín như MBTI, DiSC, Enneagram,… cho đến các trắc nghiệm vui nhộn trên các trang thông tin điện tử. Không chỉ giúp người dùng tìm hiểu về tính cách của bản thân, những bài test này còn là công cụ quảng cáo cho sản phẩm và thương hiệu hiệu quả. 


Gần đây, trắc nghiệm phân tích tính cách với đồ họa bắt mắt đến từ Taiwan Design Expo đã được đông đảo người dùng hưởng ứng và chia sẻ trên các trang mạng. Bằng cách trả lời các câu hỏi trên trang web, người dùng sẽ được xếp vào các nhóm tính cách khác nhau như Water, Light, Steel, Poison,... Trong đó, mỗi nhóm sẽ có những đặc điểm tính cách riêng biệt được liệt kê chi tiết.


Người tham gia sẽ khám phá được đặc trưng bản thân và nhóm tính cách họ thuộc về (Nguồn ảnh: Today Online) 


Những tưởng chỉ là một bài test tính cách thông thường, thế nhưng hoá ra đây còn là công cụ truyền thông cho Triển lãm Taiwan Design Expo - một trong những sự kiện lớn nhất của Đài Loan từ năm 2003. Với mức độ chia sẻ rộng rãi của người tham gia, đây là một case study chứng minh việc biến hoá bài trắc nghiệm tính cách thành một dạng nội dung UGC (User-generated content) trong các chiến dịch truyền thông. 


Trước tiên, trắc nghiệm tính cách là gì mà lại có thể khiến đám đông “phát cuồng”? 


Mỗi khi mô tả về bản thân hay những người khác, người dùng thường đề cập đến nhiều đặc điểm tính cách khác nhau như hiền lành, cục súc, lém lỉnh,… thông qua cách họ biểu hiện trong cuộc sống hằng ngày. Thế nhưng đối với các nhà Tâm lý học, họ sẽ đánh giá cá tính của một người theo góc độ khoa học và có hệ thống hơn.

MBTI là một bài trắc nghiệm tính cách đã được hơn 50 triệu người thực hiện kể từ năm 1960 (Nguồn ảnh: Developer Experience Knowledge Base)


Theo nền tảng chăm sóc sức khỏe thể chất và tâm thần Verywellmind, bài trắc nghiệm tính cách là công cụ thường được dùng để đánh giá cá tính hay những đặc điểm tâm lý trong cách xử sự của một người, biểu hiện thái độ của người đó trong những hoàn cảnh điển hình. Các bài test được thiết kế để khơi gợi phản hồi của người tham gia về hành vi, sở thích, phản ứng cảm xúc, khả năng tương tác và động lực của họ nhằm đánh giá các đặc điểm và kiểu mẫu tính cách.

Thế nhưng, tại sao đông đảo người dùng lại yêu thích việc tham gia các bài test tính cách? Đã có nhiều câu trả lời giải thích cho sức hấp dẫn của các bài kiểm tra này. Trong đó, hiệu ứng Barnum là một đáp án khá thuyết phục được đưa ra dựa vào góc độ tâm lý học. 


Barnum là hiện tượng tâm lý xảy ra khi ai đó tin rằng một mô tả tích cực dường như sinh ra chỉ dành riêng cho mình. Họ sẽ cảm thấy hài lòng khi được nghe những điều tích cực về bản thân, đồng thời nỗ lực tìm kiếm những trải nghiệm này. Không chỉ các bài test tâm lý mà yếu tố liên quan đến tâm lý như chiêm tinh học, lá số tử vi cũng có thể được diễn giải tương tự. Nó được xếp vào dạng thiên kiến xác nhận (cognitive biases).


Bạn đã bao giờ tin vào mô tả của cung hoàng đạo dường như sinh ra chỉ dành riêng cho mình chưa? (Nguồn ảnh: iStock)


Thêm vào đó, nhiều người thường cảm thấy khao khát được hiểu rõ về bản thân và tìm ra bản sắc riêng, những điều giúp mang lại cảm giác mình là “độc nhất vô nhị”. Các bài test tính cách giúp phân loại người tham gia theo phẩm chất và cho phép nhóm công chúng ấy tự "gán nhãn", dùng 1 - 2 từ để mô tả bản thân như người hướng nội, người nhìn xa, người nghệ sĩ,... Những câu hỏi trong bài kiểm tra càng đi sâu thì mọi người càng có thể cảm nhận rõ hơn về con người họ, cách họ suy nghĩ và hành động. Cảm giác được thấu hiểu này, đặc biệt là với những người chưa từng cảm thấy được điều đó ở môi trường xung quanh, có thể khiến người tham gia bài test cảm thấy vô cùng hài lòng.


Hiệu ứng Barnum là lời giải thích hợp lý cho lý do vì sao chúng ta tin tưởng vào bói toán, tử vi và các bài test tính cách (Nguồn ảnh: Discover Magazine)


Vậy trắc nghiệm tính cách có thể mang về cho thương hiệu những lợi ích nào?


Các dạng bài kiểm tra về tính cách có thể được xếp vào dạng nội dung do người dùng tự sáng tạo (User-Generated Content - UGC) hoặc các nội dung thu hút tương tác (Interactive content). 

Theo trang Medium, việc áp dụng content mang tính tương tác như test tính cách sẽ mang lại cho thương hiệu nhiều lợi ích không ngờ. Thậm chí, những câu trả lời thu thập được có thể ví như “kho báu” với thông tin và dữ liệu xác thực từ người tiêu dùng.

 

Bằng cách mang đến nội dung khuyến khích người dùng chia sẻ sở thích, thói quen và mối quan tâm của họ, doanh nghiệp có thể tạo ra các thông điệp tiếp thị phù hợp, trực tiếp nói lên nhu cầu và mong muốn của khách hàng. Điều này cũng giúp nhãn hàng có thêm cơ hội phân khúc thị trường một cách chi tiết hơn và tìm ra những cách tiếp cận sâu với khách hàng ở từng ngách nhỏ. 


Một nội dung hấp dẫn như bài test tính cách được thương hiệu tung ra sẽ có phạm vi tiếp cận rộng rãi và mang đến tác động mạnh mẽ trên mạng xã hội. Một khi content được tạo ra phù hợp với những gì công chúng đang tìm kiếm, thương hiệu có thể thúc đẩy khả năng người dùng chia sẻ chúng trên mạng xã hội. Từ đó, tên tuổi của nhãn hàng sẽ được biết đến nhiều hơn, qua đó gây chú ý mạnh với các khách hàng tiềm năng. 


Dạng nội dung UGCs sẽ giúp thương hiệu dễ dàng hơn trong việc tiếp cận với các khách hàng tiềm năng (Nguồn ảnh: Beverly Hills Therapy Group)


Ngoài ra, các bài test này còn có khả năng tạo ra nhiều trải nghiệm đáng nhớ và ghi lại dấu ấn sâu đậm trong tâm trí khách hàng. Khi công chúng tích cực tham gia kể những câu chuyện về thương hiệu, họ có nhiều khả năng ghi nhớ thông điệp và dễ dàng liên kết tên tuổi thương hiệu với những trải nghiệm tích cực. Điều này góp phần gia tăng sự trung thành với một doanh nghiệp và khả năng nhãn hàng có thể kinh doanh lặp lại sẽ tăng cao hơn.


Các thương hiệu đã từng quảng bá thành công nhờ vào công cụ này


Đã có khá nhiều thương hiệu nổi tiếng khéo léo mang các bài trắc nghiệm tính cách, tâm lý vào chiến dịch truyền thông của mình và gây ấn tượng mạnh với khách hàng cũng như công chúng. 


1. Starbucks và những câu trắc nghiệm Coffee Quiz thú vị giúp người dùng tìm ra loại cà phê “chân ái”


Thương hiệu cà phê nổi tiếng toàn cầu Starbucks từng cho ra mắt một bài trắc nghiệm nhỏ thú vị giúp khách hàng tìm ra được sản phẩm cà phê đóng gói phù hợp với khẩu vị nhất. Bài test gồm năm câu hỏi xoay quanh hương vị mà người tham gia mong chờ cho ly cà phê được làm tại nhà của mình, từ loại cà phê họ thường lựa chọn cho đến cách họ pha cà phê. 


Những câu hỏi này sẽ giúp bạn tìm ra được loại cà phê đóng gói phù hợp khẩu vị bản thân nhất (Nguồn ảnh: Starbucks)


Dựa trên các câu trả lời được đưa ra, Starbucks sẽ ngay lập tức gợi ý đâu là sản phẩm cà phê gói thơm ngon và hợp gu của người tham gia bài test. Thậm chí, nhãn hàng còn sẵn sàng tặng khách hàng một công thức để có được ly cà phê hấp dẫn nhất. 


Chỉ với một content trắc nghiệm tưởng chừng như đơn giản, hãng đã khéo léo thu thập được thông tin của người tiêu dùng, từ đó mang đến cho khách hàng sản phẩm phù hợp với điều họ đang tìm kiếm nhất, giúp người dùng tránh khỏi vấn đề lãng phí thời gian khi phải lựa chọn giữa quá nhiều mặt hàng. Starbucks cũng có thể thu thập dữ liệu người dùng để nghiên cứu ra mắt, nâng cấp các sản phẩm của hãng.


Bài Coffee Quiz của Starbucks giúp người dùng tìm ra được gói cà phê phù hợp nhất với mình. (Nguồn ảnh: Starbucks) 


2. Tarot with YouTube dành cho người dùng “hệ tâm linh”


Vào năm 2022, “ông lớn” trong mảng chia sẻ video trực tuyến YouTube đã khiến công chúng phải trầm trồ khi ra mắt dịch vụ xem Tarot online và hoàn toàn miễn phí. Khi truy cập vào website https://tarot.withyoutube.com/, người dùng sẽ được trải nghiệm hành trình giải mã vận mệnh trực tuyến với ba khía cạnh là: Tình yêu, Sức khỏe và Vận mệnh. YouTube đã khiến công chúng trầm trồ với độ “chịu chơi” khi mời ba Tarot Reader (người giải bài) hàng đầu - Lavendaire, Vanessa Somuayina và Ediyasmr tham gia dịch vụ. Ngoài ra, từng lá bài mà YouTube ra mắt cũng sở hữu thiết kế riêng biệt, “không đụng hàng” với nhân vật đại diện là những YouTuber hay ngôi sao tên tuổi như BlackPink, Halsey,… 


BlackPink xuất hiện trên những lá bài của YouTube khiến ai cũng phải trầm trồ (Nguồn ảnh: X.com) 


Không chỉ được lắng nghe những thông điệp liên quan đến bản thân, người xem Tarot còn có thể tìm hiểu thêm về lá bài đại diện cho linh hồn của họ (Soul Card) và chia sẻ “thông điệp vũ trụ” lên mạng xã hội. 


Trang web thú vị này đã giúp YouTube tận dụng tiềm năng từ nhu cầu ngày càng tăng cao của việc chiêm nghiệm về đời sống tâm linh, từ đó giúp cá nhân hóa trải nghiệm, mang thương hiệu đến gần hơn với công chúng. Thậm chí, nền tảng chia sẻ video toàn cầu này còn sẵn sàng gợi ý cho người tham gia các playlist phù hợp và tương ứng với từng lá bài mà họ nhận được. 


Tarot with YouTube sẽ cùng bạn chiêm nghiệm thông điệp vũ trụ với ba khía cạnh: Tình yêu, Sức khỏe và Vận mệnh (Nguồn ảnh: The Webby Awards) 


3. Taiwan Design Expo và bài trắc nghiệm tính cách gây sốt cộng đồng mạng nhờ đồ họa bắt mắt 


Gần đây nhất, các cư dân mạng, đặc biệt là gen Z đang truyền tai nhau về một bài test tính cách có đồ hoạ được đầu tư tỉ mỉ là https://event.designexpo.org.tw/en/


Với đồ hoạ sinh động, mượt mà cùng mười hai câu hỏi đầy sáng tạo, bài test tính cách này đã đưa người tham gia vào thế giới giả tưởng, rằng họ đang di chuyển trên một chuyến tàu. Nhân vật chính chỉ có một mình và bước vào chuyến phiêu lưu bí ẩn thông qua các quyết định trong câu chuyện. Xuyên suốt chuỗi các vấn đề được đưa ra, họ sẽ phải tìm cách giải quyết phù hợp nhất với bản thân, đồng thời hành động theo những gì bản năng mách bảo. 


Bên cạnh việc phân loại người tham gia theo 16 nhóm nguyên tố khác nhau, kết quả của bài trắc nghiệm còn chỉ ra rằng đâu là nhóm người mà chúng ta sẽ “super like” và những ai mà ta sẽ dễ dàng “quẹt phải”. Điều này cũng kích thích sự tò mò của công chúng và họ sẽ cố gắng tìm ra những ẩn số ấy là ai. Chính nhờ các yếu tố trên mà bài test đã đánh đúng vào tâm lý người tham gia và tạo ra cơn sóng viral mạnh mẽ trên nền tảng trực tuyến.


Bài trắc nghiệm tính cách với đồ họa bắt mắt của Taiwan Design Expo (Nguồn ảnh: Reddit) 


Một số gợi ý để xây dựng chiến dịch thành công từ các bài test tính cách 


Trước khi bắt tay vào việc tạo ra một bài test tính cách sinh động và thu hút được sự chú ý của công chúng, cùng tham khảo những gợi ý “nhỏ mà có võ” sau đây để “ghi điểm” trong mắt người tham gia. 


  • Sử dụng đồ họa bắt mắt, sinh động: Mặc dù “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” nhưng trong thời đại trực tuyến như hiện nay, một sản phẩm đẹp bao giờ cũng sẽ thu hút sự chú ý hơn hẳn. Đông đảo người dùng cũng sẽ tích cực dành thời gian để khám phá những bài test mang tính thẩm mỹ cao, đặc biệt là phản ánh được “gu” của bản thân mình. 


Bài trắc nghiệm tính cách của Taiwan Design Expo viral nhờ vào đồ hoạ mãn nhãn 


  • Nội dung nhẹ nhàng, tích cực và không quá nghiêm túc: Dạo một vòng các bài trắc nghiệm mà nhiều thương hiệu đưa ra, dễ dàng nhận thấy rằng những dạng nội dung này đều mang tính giải trí khá cao, không quá nặng nề và nghiêm túc về mặt học thuật. Đó cũng là lý do chúng dễ dàng được người chơi đón nhận vì không phải mất quá nhiều thời gian để suy ngẫm, cân nhắc khi tham gia. 


Những nội dung nhẹ nhàng, đơn giản sẽ dễ dàng ghi điểm trong mắt người tham gia (Nguồn ảnh: FieldCheck) 


  • Các bài test cần có độ dài vừa phải, tiện lợi và dễ dàng tham gia: Ắt hẳn sẽ không có ai muốn hoàn thành một bài trắc nghiệm vừa dài dòng, rắc rối với nhiều thông tin cần xử lý. Đây cũng là điều mà nhãn hàng nên lưu ý trong quá trình xây dựng các bài test tính cách. Dù cho kết quả cuối cùng ra sao, chỉ cần trải nghiệm tham gia có nhiều điều thú vị và ấn tượng, chắc chắn khách hàng sẽ cảm thấy gắn bó và yêu thích thương hiệu nhiều hơn. 


  • Có thể áp dụng thêm nhiều hình thức minigame để tăng sức hút và độ lan truyền của bài test: Nhằm mang đến độ phủ sóng nhất định, nhãn hàng có thể tạo ra thêm một minigame nho nhỏ để tăng sức hấp dẫn của việc chia sẻ kết quả bài test. Điển hình là thương hiệu có thể trao tặng phần quà đặc biệt ngẫu nhiên dành cho một người tham gia bài test được phân loại nằm trong nhóm tính cách hiếm.


Minigame dành cho khách hàng là ý tưởng cũ không mới nhưng cũng không bao giờ lỗi thời (Nguồn ảnh: The Web Tier)


Có thể thấy, những bài kiểm tra tính cách đơn giản và vui nhộn đôi khi có thể mang đến cơ hội lớn để thương hiệu có thể thu hút được sự chú ý từ công chúng, nâng cao nhận thức thương hiệu, chạm đến các khách hàng tiềm năng và thúc đẩy kinh doanh. Phương thức truyền thông thú vị này cũng có thể được tham khảo và nghiên cứu cho các chiến dịch Marketing với dạng nội dung UGC trong tương lai. 

Ngọc Ngân


Cập nhật các thông tin về Marketing qua Newsletter!