Đang hăng hái làm việc bỗng dưng "trượt dài": 3 cách giúp nhân sự agency vượt qua giai đoạn hoài nghi bản thân

Không chỉ trong môi trường ngành Quảng cáo - Truyền thông, nhiều nhân sự trẻ ngày nay chỉ mất 1-2 năm để đạt được vị trí cao trong công ty. Đôi khi việc thành công quá sớm khiến nhiều người bỗng chốc “tụt mood” một cách kỳ lạ mặc dù mọi thứ xung quanh rất tốt. Trong tâm lý học và tâm lý trị liệu, một thuật ngữ được dùng để miêu tả trạng thái này chính là “khủng hoảng hiện sinh” (Existential crisis, khủng hoảng ¼ cuộc đời). Khi rơi vào khủng hoảng hiện sinh, con người chợt cảm thấy cuộc sống thiếu ý nghĩa hoặc mất định hướng về bản thân. Đi kèm với đó là lo lắng và căng thẳng, gây ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày và thậm chí, có thể dẫn đến trầm cảm.


Từ những trạng thái tâm lý trên, nhân sự có thể bỗng dưng cảm thấy mất động lực và nghi ngờ ý nghĩa của công việc, dẫn đến việc chán nản và muốn buông xuôi. Liệu “khủng hoảng hiện sinh” có phải là một vấn đề mà bất kỳ nhân sự nào cũng phải trải qua ít nhất một lần trên hành trình sự nghiệp? Làm thế nào để họ vượt qua trạng thái này và tiếp tục làm việc? Cùng phân tích về chủ đề này cùng các nhân sự đến từ Dentsu Redder, Ogilvy & Mather và WinWin Communication Agency!



Đang hăng hái làm việc bỗng rơi vào “vực thẳm”, nghi ngờ bản thân “chọn sai nghề”


Với sự phát triển không ngừng của các nền tảng xã hội và công nghệ, cũng như việc mỗi ngày đều có một xu hướng mới xuất hiện, các nhân sự agency phải không ngừng tiếp nhận thông tin, nâng cao kỹ năng làm việc,... Ban đầu, có thể nhân sự sẽ cảm thấy hứng thú, thoả mãn khi không ngừng được thử những điều mới. Song họ có thể cảm thấy cạn kiệt năng lượng, mệt mỏi sau một thời gian “bán mạng" cho deadline như chị Vy Nguyễn - Senior Content Creator tại WinWin Communication Agency: “Có một thời gian, mình bắt đầu hoài nghi nhân sinh, đánh mất niềm tin vào chính mình, và thậm chí nghi ngờ về mục tiêu sống, mục đích mình tồn tại. Đến hiện tại mình vẫn cảm thấy sợ hãi khi nhớ về khoảng thời gian đó.”


Giữa những năm 20 hay đầu năm 30 tuổi, nhân sự có khả năng rơi vào khủng hoảng ¼ cuộc đời. Song khủng hoảng 1/4 cuộc đời không nhất thiết sẽ xảy ra ở một phần tư cuộc đời mà chúng có thể xảy ra ở giai đoạn trưởng thành hay giai đoạn 25 đến 35 tuổi. Lúc này, nhân sự có thể rơi vào hoang mang trong việc xác định tương lai, không biết hướng đi nào mới thật sự phù hợp với bản thân,... Hiện tượng này còn được biết đến với thuật ngữ “khủng hoảng hiện sinh”. Lần đầu xuất hiện từ những năm 1930, thuật ngữ “khủng hoảng hiện sinh” được tạo ra để mô tả về hành trình cố gắng sống sót của người Do Thái trong bối cảnh phải đối mặt với nguy cơ diệt chủng thời kỳ Hitler. Đến năm 1970, nhà tâm lý học người Đức Erik Erikson bắt đầu đặt ra các vấn đề và phân tích khủng hoảng hiện sinh theo hướng tâm lý học và đặt tên cho nó là “khủng hoảng danh tính”.


Giữa những năm 20 hay đầu năm 30 tuổi, nhân sự có khả năng rơi vào khủng hoảng ¼ cuộc đời


Một thống kê được thực hiện tại phòng nghiên cứu tại Science of People cho thấy, 67,9% trong số 250 người được khảo sát công nhận bản thân đã từng trải qua giai đoạn khủng hoảng hiện sinh. Trong đó có 34,7% cho biết rằng trạng thái này vẫn đang tiếp diễn và 19,4% nói rằng họ đã phải đối mặt với những cảm xúc khó khăn này trong ít nhất 36 tháng.


Nhìn chung, trạng thái tâm lý này rất phức tạp và đôi khi không hẳn ai cũng nhận ra điều này. Từ những trải nghiệm của bản thân, chị Phương Chi - Former Senior Copywriter tại Ogilvy & Mather bày tỏ: “Mình nghĩ rằng bất kỳ nhân sự creative nào cũng từng trải qua giai đoạn trượt dốc này. Khác với những ‘cơn sóng’ cảm xúc trồi sụt bình thường trong quá trình làm nghề, giai đoạn tụt mood này kéo dài khá lâu, với bản thân mình là hơn một năm. Khủng hoảng hiện sinh kéo đến không hề có dấu hiệu báo trước, nó đến đột ngột và mang sự chán nản bủa vây trong công việc của mình. Khi ấy, mình không còn hứng khởi mỗi khi nhận brief hay được làm những điều mới, bỗng nhiên mình thấy ngờ vực bản thân, ‘Phải chăng mình đã chọn sai nghề?’, ‘Tại sao mình cứ dửng dưng như thế?’, thậm chí ‘Mình là ai? Mình đang làm gì ở đây?’. Có thể những điều kể trên nghe cứ như thoại phim nhưng lại là điều mình chất vấn bản thân mỗi ngày. Mình đã phải dùng lý trí để vực dậy tinh thần và hoàn thành những công việc trong trách nhiệm của mình.”


Anh Tấn Phát - Associate Strategy Manager tại Dentsu Redder giải thích rằng, niềm vui của những nhân sự agency đôi khi vô cùng nhỏ bé: cảm thấy hài lòng, thích thú khi nghĩ ra được một idea hay ho, được sếp duyệt direction, được team trong nhà đồng lòng chốt hướng, được khách hàng khen ở bản proposal đầu tiên. Ngược lại, đôi khi nhân sự cũng dễ rơi vào “vực thẳm” vì bị chối từ (rejected). Sếp chối từ, khách hàng “say no” và thậm chí là chính bản thân cảm thấy thất vọng với những thứ mình làm ra. “Dẫu biết rằng trong môi trường agency, đây là những việc chúng ta phải đối mặt hàng ngày và phải tập làm quen. Thế nhưng nếu nhân sự bị chối từ liên tiếp nhiều lần, đó sẽ là 1 giai đoạn tồi tệ với họ”, anh Tấn Phát kể lại. 


“Trượt dốc” không phanh khi đương đầu với áp lực


Trong môi trường ngành Quảng cáo - Truyền thông, nhiều nhân sự trẻ chỉ mất 1-2 năm để đạt được vị trí cao tại công ty. Đôi khi việc thành công quá sớm khiến nhiều bạn bỗng chốc “tụt mood” một cách kỳ lạ mặc dù mọi thứ xung quanh rất tốt. Chị Vy Nguyễn bày tỏ, từ giai đoạn còn đi học, chị đã khá tự hào về thành tích học tập của bản thân. Vì thế đến khi đi làm, chị cũng may mắn khi được công ty promote sớm hơn một chút so với đồng nghiệp cùng tuổi ở thời điểm đó. Ngoài ra, chị cũng có team member cũng như cấp trên ủng hộ, được tham gia vào những dự án “dừ” hơn. “Những điều này càng làm mình tự hào về bản thân hơn, nhất là niềm tin về năng lực của mình đã được củng cố thêm phần nào, bởi vì khi được thăng tiến đồng nghĩa với việc gánh vác trách nhiệm cao hơn mà buộc bản thân phải thích ứng nhanh hơn”, chị nói.


Thế nhưng việc được thăng chức quá nhanh chóng cũng vô tình mang đến tác dụng ngược cho tâm lý của chị. Mỗi ngày, chị ấy đều “tự vấn” rất nhiều lần rằng bản thân mình có thực sự đủ năng lực hay không? Vai trò mới có đang quá sức với chị không? Bản thân chị có tạo ra được giá trị nào cho công ty hay chưa? Cảm giác kinh khủng ấy ập đến với chị Vy Nguyễn khi mọi thứ xung quanh chị từng tin rằng nó bền vững thì bỗng đến một ngày, nó đang dần bị phá vỡ, gãy ngang và kéo nhau sụp đổ như hiệu ứng domino.  


“Mình rất muốn tìm cách để tháo gỡ khủng hoảng này lắm, thế nhưng mọi thứ đều như vô định khiến bản thân mãi luẩn quẩn trong vòng tròn tâm lý tiêu cực của chính mình. Để ‘trốn thoát’ khỏi vòng tròn tiêu cực này, mình quyết định chọn cách chia sẻ nhằm nhận được sự thấu hiểu, đồng cảm và hơn hết là tìm ngọn lửa từ những người xung quanh để củng cố lại niềm tin của bản thân. May mắn là, mình có bạn thân trong ngành và một người Mentor ‘thầm lặng’ đã xuất hiện đúng lúc để sẵn sàng lắng nghe mình nói hết những sự bực dọc, khó chịu và cả những cảm giác tiêu cực mình đang trải qua ở thời điểm đó. Nhờ gặp gỡ, lắng nghe chia sẻ từ những người giỏi hơn, tầm nhìn rộng hơn mà thế giới quan mình bắt đầu cởi mở hơn và dần dần, những nút thắt tâm lý trước đó dần được nới ra phần nào”, chị Vy Nguyễn kể lại.



Trước câu hỏi có những lý do nào khiến nhân sự rơi vào khủng hoảng, chị Phương Chi nói rằng mỗi cá nhân sống trong mỗi môi trường khác nhau, làm những công việc khác nhau thì sẽ có nhiều lý do dẫn đến trạng thái này. Dù nhân sự có thể sẽ gặp áp lực khi tranh đấu với những người xung quanh (peer pressure), nhưng với nhân sự Creative mà nói, áp lực vượt lên chính mình của ngày hôm qua có vẻ quan trọng hơn. Với bản thân, cuộc chiến với chính mình là nguyên nhân dẫn đến giai đoạn trượt dốc này.


Chị Phương Chi chia sẻ rằng đây là một khoảng thời gian không mấy dễ chịu, nhất là khi nó kéo dài từ ngày này qua tháng khác mà chị không biết được điểm kết thúc. Chị vẫn luôn gọi nó là thời kỳ “trượt dốc" của bản thân, khi mà tâm trạng và sự tự tin cứ thế lao xuống mà không có “dây cương” nào đủ sức níu lại. Khi nhận ra bản thân đang phát ra tín hiệu “SOS” cần được nghỉ ngơi và thư giãn, chị dành cho bản thân một chuyến nghỉ ngơi ngắn ngày, về với thiên nhiên và rời xa các thiết bị công nghệ. Và cũng giống như chị Vy Nguyễn, chị Phương Chi cũng tìm đến các bậc tiền bối thân thiết để tâm sự và hỏi xin ý kiến. Song song với đó, sự giúp đỡ của bạn bè và đồng nghiệp trong giai đoạn này là rất cần thiết với chị.


Khủng hoảng hiện sinh liệu có phải là vấn đề của riêng người trẻ?


Trên thực tế, các cuộc khủng hoảng hiện sinh diễn ra ở hầu hết mọi người và chúng không có giới hạn về độ tuổi hay giới tính bởi mọi người đều có thể trải qua một cuộc khủng hoảng hiện sinh vào một thời điểm nào đó. Nhiều người trải qua một cuộc khủng hoảng hiện sinh khi họ chuyển sang một giai đoạn mới của cuộc đời, chẳng hạn như từ thời thơ ấu đến tuổi trưởng thành, hay từ tuổi trưởng thành sang cuộc sống của một người cao tuổi.

 

Bản thân anh Tấn Phát cũng từng trải qua khủng hoảng hiện sinh năm 22 tuổi: “Năm ấy, sau khi mình rời bỏ agency đầu tiên với vị trí Account, mình bơ vơ không biết nên rẽ theo hướng nào, sợ hãi vì không biết nên lựa chọn con đường nào. Sau 2 tháng nằm ở nhà chỉ đọc sách, tự nói chuyện với bản thân và ngẫm nghĩ sự đời, mình đã thấy rằng mình có thể làm mọi thứ, chỉ cần mình muốn. Mình tự tin hơn vào bản thân, dám làm, dám thay đổi hơn. Sau này nhìn lại, mình cảm thấy chúng ta ai cũng nên trải qua giai đoạn này, bởi sau mỗi khủng hoảng, ta sẽ thay đổi được tư duy, thế giới quan của bản thân và dần trưởng thành hơn.”



Chị Vy Nguyễn chia sẻ rằng, nếu tâm lý không vững và bị sự tiêu cực nhấn chìm, nhân sự sẽ không thể tập trung chuyên môn để giải quyết công việc, từ đó khiến năng suất sụt giảm. “Ví dụ như với một người làm sáng tạo nội dung, điều chúng ta cần là một cái đầu thoáng không mang áp lực, tư duy mở để tạo ra những nội dung mới, hấp dẫn và thu hút. Song nếu bạn đang mang tâm lý nặng nề thì chắc chắn sản phẩm cũng sẽ bị thu hẹp góc nhìn, xám xịt, u buồn như chính tâm trạng của bạn vậy”, chị nói.  


Đồng ý với ý kiến trên, anh Tấn Phát bày tỏ, cảm xúc buồn bã là thứ tất nhiên và ta không nên giấu khi gặp khủng hoảng. Buồn bực càng cố giấu thì càng làm ta ức chế, và mang những hằn học đó vào công việc, khiến ta mang tới những sản phẩm không đạt chất lượng và mức độ hoàn thiện 100%. “Công việc của mình là phải làm việc với insight, định hướng truyền thông. Thế nhưng khi sự tiêu cực, chán nản tràn ngập, những thứ mình tìm ra cũng sẽ dễ mang màu sắc u buồn, phản chiếu tâm trạng của mình. Vì thế, mình cố gắng không giấu nỗi buồn, thậm chí mình còn hay… than với các đồng nghiệp và sếp. May mắn là họ rất chịu khó lắng nghe, biến nỗi đau, sự bất an của mình thành tiếng cười mỗi ngày”, anh kể.


Trang Guardian trích dẫn một khảo sát được thực hiện bởi Gumtree.com cho thấy, khoảng 86% trong số 1.100 người trẻ ở Anh được khảo sát thừa nhận họ gặp áp lực buộc phải thành công trước khi bước vào tuổi 30, hơn 40% lo lắng về tiền bạc và nghĩ rằng mình chưa có được mức lương mong muốn. Trước ý kiến cho rằng “Nếu dùng công việc, vốn là một thứ dễ dàng bị thay thế để định nghĩa bản thân, nhân sự sẽ luôn rơi vào khủng hoảng dù đang ở độ tuổi nào đi nữa”, anh Tấn Phát thể hiện sự đồng tình: “Mình cần phải nhìn nhận thực tế ‘Công việc chỉ là một trong những Pillar (khía cạnh) quan trọng trong cuộc đời mình’. Nếu nhân sự chỉ cố đứng trên 1 Pillar, khả năng cao là mình sẽ không đứng vững và dễ dàng rơi xuống đáy tuyệt vọng. Trong khi đó, dưới chân mình còn có những Pillar khác như Gia đình, Sức khỏe, Tình Yêu, Sở thích. Với bản thân mình, mình luôn cố gắng đặt chân đều lên các Pillar khác nhau: sau giờ làm thì gắng quên những sự việc nơi công sở, dù công việc còn dang dở chưa xong thì mình sẽ ráng đi làm sớm vào buổi sáng để trả bài chứ không xén bớt thời gian ngủ nghỉ, tập luyện. Khi bản thân tự quan niệm ‘Chỉ là công việc thôi mà’, thì mọi tiêu cực trong công việc sẽ trở nên đỡ nghiêm trọng hơn, và ta cũng trân trọng những thứ khác trong cuộc sống hơn.”


Trước đây, chị Phương Chi cũng xem công việc là tất cả và chị thừa nhận rằng, điều này khiến chị khá lao đao: “Thật khó để gạt bỏ ‘công việc’ ra khỏi định nghĩa về bản thân vì nó là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Chỉ có điều, chúng ta hãy đặt nó bên cạnh gia đình, bạn bè, người yêu, thú vui riêng,… thì mình nghĩ mọi người sẽ tìm được sự cân bằng cho phép định danh này.”




Là những người từng… vướng phải khủng hoảng hiện sinh, các nhân sự đã chia sẻ nhiều phương pháp giúp các marketer có thể vững vàng vượt qua điều này. Chị Vy Nguyễn nói: “Đầu tiên, bạn hãy giữ bình tĩnh! Khi tiêu cực bắt đầu le lói, bạn đừng vội nóng giận, phải thật bình tĩnh và tìm cách thư giãn. Nếu bạn nổi nóng hay quát tháo lên, mọi chuyện cũng không thể giải quyết được. Ngoài ra, hãy đi nhiều gặp nhiều người, mở rộng networking hoặc tìm một người cùng ngành có thể truyền lửa được cho bạn để mở rộng thế giới quan. Biết đâu họ sẽ giúp bạn vỡ lẽ ra những tiêu cực tưởng chừng lớn lao, trên thực tế chỉ là những vấn đề ‘tào lao’ do bản thân vô tình xây nên.”


Tìm đọc thêm các bài viết thuộc chuyên mục Real Agency Life tại đây

Đang hăng hái làm việc bỗng dưng "trượt dài": 3 cách giúp nhân sự agency vượt qua giai đoạn hoài nghi bản thân

Kim Ngọc

Kim Ngọc

Content Writer | Advertising Vietnam

29 Thg 06 2023

Lưu

Cùng chuyên mục