Trong nhiều năm qua, Influencer Marketing đã trở thành một hình thức marketing chủ chốt trong việc kết nối thương hiệu với người dùng. Theo Forbes, chỉ tính trong năm 2022, ngành này được định giá 16,4 tỷ USD và vẫn không ngừng tăng trưởng với dự báo doanh thu khổng lồ ở mức 143,10 tỷ USD vào năm 2030.


Tuy nhiên, trong bối cảnh người tiêu dùng đang ngày càng mất niềm tin vào những người có sức ảnh hưởng, vấn đề liên quan đến trách nhiệm xã hội và đạo đức của Influencer là một trong những yếu tố cần được các thương hiệu cân nhắc kỹ lưỡng.


Theo Michael Kuzminov - Giám đốc tăng trưởng (CGO) tại Influencer Marketing Agency HypeFactory, tính minh bạch là yêu cầu về đạo đức quan trọng nhất và là điều kiện cần để xây dựng tính bền vững trong sự nghiệp của một Influencer. Ngày nay, các Influencer thường tiếp cận khán giả của mình thông qua việc chia sẻ những câu chuyện, lối sống hay quan điểm cá nhân có sự tương đồng với đối tượng mục tiêu. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp các Influencer lợi dụng sức ảnh hưởng để liên tục đưa các nội dung quảng cáo không phù hợp và nhất quán với hình tượng bản thân lẫn đối tượng mục tiêu nhằm tối đa hoá lợi nhuận từ các thương hiệu. Số liệu từ Influencer Marketing Hub cho biết có 20% người dùng trên toàn cầu chia sẻ rằng họ sẵn sàng ngừng theo dõi một Influencer nếu họ không được thông báo trước về nội dung quảng cáo hoặc tài trợ. Vì thế, việc các influencer không minh bạch về sự hợp tác và thông tin tài trợ từ thương hiệu có thể khiến họ lẫn thương hiệu đối mặt với làn sóng “tẩy chay” từ khán giả.


Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ (FTC), Cơ quan Tiêu chuẩn Quảng cáo (ASA) và Cơ quan Cạnh tranh và Thị trường (CMA) ở Vương quốc Anh đều đưa ra các quy tắc về cách những người có ảnh hưởng nên trung thực trong các bài đăng và về mối quan hệ của họ với các thương hiệu. Không chỉ đánh mất lòng tin của khách hàng, các Influencer có khả năng đối mặt với các hình phạt pháp lý nếu không tuân theo các quy định về đạo đức trong hoạt động Influencer Marketing.


Minh bạch trong thông tin tài trợ là yếu tố quan trọng, ảnh hưởng đến danh tiếng và độ tin cậy của Influencer


Michael Kuzminov cũng cho rằng việc xem xét định kiến giới là một trong những điều cần thiết mà các thương hiệu cần phải lưu ý khi thực hiện hình thức Influencer Marketing. Theo đó, các thương hiệu không nên có sự phân biệt hay áp đặt định kiến giới tính trong việc lựa chọn Influencer và hình thức truyền tải nội dung thông qua các Influencer đó. Uỷ ban về Thực hành Quảng cáo (CAP) cho biết kể từ tháng 06 năm 2019, các tài liệu marketing không còn đánh giá nam giới và phụ nữ theo những cách dựa trên khuôn mẫu thông thường. Thay vào đó, các quy tắc này nêu rõ rằng quảng cáo “không được sử dụng các khuôn mẫu giới tính có khả năng gây tổn thương hoặc xúc phạm nhiều người.” 


Trong một thị trường mà ai cũng có thể trở thành những người có sức ảnh hưởng, làm thế nào để các thương hiệu có thể xây dựng một mối quan hệ hợp tác đáng tin cậy với các Influencer? Sau đây là một số yếu tố được Giám đốc phát triển của HypeFactory gợi ý mà các thương hiệu có thể xem xét:


Xây dựng các nguyên tắc đạo đức của thương hiệu


Việc xây dựng chiến lược Influencer Marketing đòi hỏi các thương hiệu cần hiểu rõ các nguyên tắc cốt lõi khi lựa chọn “gương mặt đại diện” và góp phần lan toả hình ảnh của doanh nghiệp đến với đại đa số bộ phận công chúng. Hầu hết các thương hiệu đều xác định các giá trị và đạo đức doanh nghiệp từ rất sớm. Từ đó, thương hiệu sẽ vạch ra ranh giới và xác định rõ ràng cách truyền tải những giá trị cốt lõi đó trên các phương tiện truyền thông. 


Khách hàng có thể sẽ chỉ trích một doanh nghiệp là “đạo đức giả” nếu họ luôn truyền tải những thông điệp chống lại nạn phân biệt chủng tộc nhưng sau đó lại hợp tác với một Influencer từng có “phốt” coi thường người da màu. Vì thế, lời khuyên là hãy thật sáng suốt trong lựa chọn những người có sức ảnh hưởng phù hợp với giá trị của doanh nghiệp và chính đối tượng khách hàng mục tiêu của doanh nghiệp đó.


Những tranh cãi liên quan đến đạo đức có thể khiến những Influencer đối mặt với sự tẩy chay dữ dội từ phía công chúng lẫn sự quay lưng và phủ nhận vai trò từ phía thương hiệu


Hợp tác với những người có tầm ảnh hưởng thực sự


Một trong những nguyên tắc tạo nên sự thành công của một chiến dịch Influencer Marketing là hãy hợp tác với những người có ảnh hưởng ngoài đời thực. Việc chọn đúng Influencer có tính xác thực và uy tín với đối tượng mục tiêu là điều cần thiết để xây dựng lòng tin của người tiêu dùng đối với thương hiệu.


Tính xác thực, mức độ phù hợp với thương hiệu và sức ảnh hưởng đối với công chúng là các yếu tố thương hiệu cần cân nhắc khi lựa chọn gương mặt Influencer 


Mặc dù số lượt tương tác và mức độ ảnh hưởng vẫn rất quan trọng trong việc lựa chọn người lan toả nội dung cho thương hiệu, những yếu tố này chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm” về độ tin cậy của người dùng đối với các Influencer. Các thương hiệu cần chú ý đến phong cách, hình tượng của các Influencer, song song đó là tham khảo đánh giá từ những thương hiệu mà họ đã hoặc đang làm việc cùng. Điều này sẽ giúp các thương hiệu có cái nhìn toàn diện và đáng tin cậy hơn đối với những gương mặt tiềm năng và đảm bảo rằng những gì họ mang lại cho khách hàng của doanh nghiệp không phải là những “giá trị ảo”.


Phát triển mối quan hệ đối tác lâu dài


Sau khi xác định danh sách các gương mặt Influencer tiềm năng, Michael Kuzminov gợi ý rằng các thương hiệu nên giữ liên lạc với họ về lâu dài. Theo ông Michael, khách hàng cho rằng việc hợp tác lâu dài và nhất quán với một nhóm Influencer cho thấy thương hiệu tôn trọng khách hàng và cũng đề cao sự thành công của chính doanh nghiệp. Do đó, họ có xu hướng gắn kết và gia tăng niềm tin đối với thương hiệu theo thời gian.


Với hơn 11 năm gắn bó, Yoona đã trở thành một trong những đại sứ có tầm ảnh hưởng nhất của thương hiệu skincare đình đám xứ Hàn innisfree


Nhìn chung, chìa khoá của một chiến dịch Influencer Marketing nằm ở việc những người ảnh hưởng luôn cung cấp nội dung có chất lượng cao, mang tính xác thực và liên quan đến đối tượng mục tiêu của mình cũng như tệp khách hàng mà thương hiệu muốn hướng đến. Ngoài những lo ngại về vấn đề đạo đức của Influencer, các thương hiệu cần phải tuân theo các nguyên tắc cộng đồng và điều khoản dịch vụ dựa trên các nền tảng truyền thông xã hội. Điều này có thể giúp thương hiệu tránh khỏi những mối nguy hại tiềm ẩn về pháp lý, đồng thời, mang lại hiệu quả cao cho chiến dịch và xây dựng lòng tin với người tiêu dùng.



Theo Forbes

Thảo Vy