Data Storytelling (Kể chuyện bằng dữ liệu) là một trong những kỹ năng cần được trang bị nhất trong thời đại số. Yêu cầu đặt ra đối với các nhà tiếp thị không chỉ dừng lại ở việc “hiểu dữ liệu nói gì”, mà còn phải rút ra kiến thức bổ ích, và sau cuối là truyền tải chúng một cách trực quan, sống động và dễ hiểu nhất.  


Dữ liệu là một trong những vũ khí mạnh mẽ nhất có thể tác động đến đối tượng mục tiêu, ngoài ra còn cung cấp bằng chứng cần thiết để các doanh nghiệp xác định rõ mục tiêu và nguyên nhân cho những hành động của mình. Các nhà lãnh đạo hay quản lý có thể sử dụng dữ liệu để làm cơ sở cho các thông báo về những vấn đề quan trọng của cả tổ chức. Trong khi đó, những nhà tiếp thị lại ứng dụng chúng để xây dựng các cách thức quảng bá sản phẩm đến khách hàng. 


Data Storytelling (Kể chuyện bằng dữ liệu) là một trong những kỹ năng cần được trang bị nhất trong thời đại số


Với tâm thế của người trong cuộc, chúng ta chắc chắn thấu hiểu được tính chất của ngành cũng như những trọng số liên quan. Và đôi khi, điều này khiến các nhà tiếp thị cho rằng những người ngoài cuộc cũng nhận thức được vấn đề như mình. Thông qua Data Storytelling, các nhà tiếp thị có thể chuyển đổi những con số khô khan hay khó hiểu thành những những khái niệm dễ hiểu cho nhiều đối tượng khác nhau. Cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây!


Data Storytelling là gì? 


Theo định nghĩa của Convince & Convert, Data Storytelling là một phương pháp kể chuyện bằng dữ liệu, biến hoá các con số thống kê thành những khái niệm dễ hiểu đối với người dùng mục tiêu. Tuy nhiên, muốn thu hút khách hàng tiềm năng và khuyến khích hành động từ họ, marketer cần biến hoá những dữ liệu này một cách chính xác và phù hợp. 


Kể chuyện bằng dữ liệu có hiệu quả hay không còn tuỳ thuộc vào chủ đề, câu chuyện, hình ảnh và sức sáng tạo của người làm tiếp thị. Ngoài việc vận dụng óc sáng tạo, marketer có thể áp dụng các công cụ tiên tiến để phân tích nhiều số liệu khác nhau, rút ra thông tin và giúp marketer có hình dung rõ hơn về câu chuyện cần kể. 


Từ những đặc điểm nói trên, có thể rút ra 3 thành phần chính tạo nên Data Storytelling: 



  • Dữ liệu: Phân tích dữ liệu chính xác là nền tảng của Data Storytelling. Sử dụng các phương pháp như phân tích mô tả và phân tích dự đoán để hiểu rõ hơn về dữ liệu. 


  • Cốt truyện (Narrative): Tạo một cốt truyện để truyền tải những hiểu biết mà marketer rút ra được từ dữ liệu.  


  • Hình ảnh: Sử dụng các công cụ kể chuyện bằng hình ảnh như biểu đồ, hình ảnh, sơ đồ và đồ thị để diễn giải câu chuyện một cách rõ ràng. 


Vai trò của Data Storytelling đối với doanh nghiệp 


Áp dụng đa dạng hình thức Data Storytelling sẽ đem lại nhiều lợi ích cho các tổ chức, chẳng hạn như: 


1. Thu hút sự tập trung 


Người dùng có xu hướng chuộng hình ảnh hơn các định dạng nội dung khác vì chúng truyền tải thông tin sống động và rõ ràng. Hơn thế, hình ảnh cũng giúp người đọc dễ dàng tiếp nhận các khái niệm phức tạp mà không cần phải đọc qua quá nhiều văn bản. 


Đó chính là lý do marketer nên biết cách dùng các phần mềm thiết kế đồ họa, các công cụ này giúp họ tạo ra các nội dung mang tính trực quan, cung cấp thông tin hữu ích cho độc giả. Từ đó, tỉ lệ chuyển đổi khách hàng cũng được cải thiện. 


2. Truyền tải thông điệp nhanh chóng


Thế giới thông tin đang vận hành với tốc độ nhanh, nơi khán giả muốn nhận tin tức/tri thức một cách dễ dàng và gọn ghẽ nhất. Data Storytelling cho phép marketer trình bày các thông tin phức tạp theo cách dễ hiểu. Các định dạng cũng vô cùng đa dạng bao gồm hình ảnh, video, sơ đồ,.... phù hợp với nhiều đối tượng độc giả khác nhau. 


Người dùng có xu hướng chuộng hình ảnh hơn các định dạng nội dung khác vì chúng truyền tải thông tin sống động và rõ ràng.


3. Giúp khách hàng đưa ra quyết định tốt hơn


Việc trực quan hoá dữ liệu và đưa nó vào câu chuyện sẽ giúp người tiêu dùng đưa ra quyết định chính xác hơn. Lý do là vì, khi trình bày các dữ liệu một cách đơn giản và dễ hiểu, marketer đã giúp khán giả hiểu thấu vấn đề và truyền cảm hứng cho họ bắt đầu hành động.


Để áp dụng Data Storytelling hiệu quả, marketer có thể tìm hiểu các hình thức sau đây. 


5 hình thức kể chuyện bằng dữ liệu 


1. Báo cáo 


Marketer có thể áp dụng phương pháp Data Storytelling vào trong báo cáo. Thay vì liệt kê số liệu khô khan, nhân sự có thể sử dụng các biểu đồ, sơ đồ, đồ thị trực quan để kể các câu chuyện về doanh nghiệp. Những câu chuyện đó có thể là: Kế hoạch đầu năm của công ty đã cho thấy hiệu quả như thế nào? Phần mềm mới đã giúp nhân sự tăng năng suất và giảm khối lượng công việc ra sao?


Thay vì liệt kê số liệu khô khan, nhân sự có thể sử dụng các biểu đồ, sơ đồ, đồ thị trực quan để kể các câu chuyện về doanh nghiệp.


2. Giao tiếp nội bộ


Trò chuyện với mọi người cũng là một cách để kể chuyện bằng dữ liệu. Cho dù đó là một mẩu tin nhắn trên mạng xã hội công ty, email hay cuộc gọi điện thoại, marketer đều có thể ứng dụng Data Storytelling để đảm bảo truyền tải thông tin một cách hiệu quả. Ví dụ, sau khi phân tích dữ liệu tiếp thị và nhận thấy công ty đang tạo ra nhiều khách hàng tiềm năng hơn thông qua một kênh nhất định, marketer có thể chia sẻ thông tin này trên kênh Slack của công ty. Nhân sự có thể tạo một video ngắn về nó, cắt video thành nhiều video nhỏ khác nhau và chia sẻ chúng tới người xem. Từ những hiểu biết rút ra từ video, công ty có thể quyết định đầu tư nhiều hơn vào kênh đó và hạn chế lãng phí ở nơi khác. Điểm hay của việc trò chuyện trực tiếp là có thể tạo ra hành động nhanh chóng, cũng không mất quá nhiều thời gian để xây dựng thông tin, móc nối liên lạc.


Trò chuyện với mọi người cũng là một cách để kể chuyện bằng dữ liệu


Tuy nhiên, ​​cách kể chuyện này sẽ không phù hợp nếu marketer muốn truyền tải nhiều dữ liệu cùng một lúc. Hơn nữa, sẽ có một số người dùng thích các thông tin được đăng tải chuyên nghiệp, chính thống. Tốt nhất là chỉ nên sử dụng phương pháp kể chuyện này cho những hiểu biết cá nhân.


3. Dashboard (Bảng thông tin)


Dashboard là một trong những hình thức kể chuyện bằng dữ liệu phổ biến nhất. Các nhà tiếp thị sử dụng cách này để trình bày các số liệu phân tích, các kết quả tối ưu, hoặc chia sẻ các chỉ số liên quan đến trải nghiệm khách hàng. Tuy nhiên, tính chất của Dashboard là một trang tổng quan chứa vô số thông tin có thể khiến người xem choáng ngợp. 


Dashboard là một trong những hình thức kể chuyện bằng dữ liệu phổ biến nhất


4. Infographic 


Điểm đặc biệt của Infographic là có thể truyền tải thông điệp nhanh chóng bằng cả văn bản và biểu đồ. Tuy nhiên, thiết kế Infographic mất nhiều thời gian và công sức hơn, vì vậy không phải nhà tiếp thị nào cũng có thể tự mình làm được. Thông thường, muốn sử dụng Infographic để kể chuyện, marketer sẽ phải cần đến sự hỗ trợ của một nhà thiết kế đồ họa.


Điểm đặc biệt của Infographic là có thể truyền tải thông điệp nhanh chóng bằng cả văn bản và biểu đồ


5. Newsletter (Bản tin email)


Newsletter là một bản tin được gửi qua email, chứa tin tức, bài viết hoặc các thông tin cập nhật về một chủ đề mà người dùng đã đăng ký trước đó. Với đặc điểm trên, nhân sự có thể áp dụng Data Storytelling trong Newsletter để tối ưu hoá các thông tin gửi đến người tiêu dùng. Một Newsletter với các hình ảnh trực quan, đồ thị minh hoạ số liệu rõ ràng sẽ có nhiều cơ hội được chú ý tới hơn là một Newsletter văn bản thông thường. 


Một Newsletter với các hình ảnh trực quan, đồ thị minh hoạ số liệu rõ ràng sẽ có nhiều cơ hội được chú ý tới hơn là một Newsletter văn bản thông thường


Hằng Trần