Thời gian qua, các lễ hội âm nhạc đình đám với sự xuất hiện của nhiều nghệ sĩ US-UK và Kpop đang khiến người hâm mộ tại Việt Nam “sục sôi”. Sự kiện 8Wonder với sự góp mặt của Charlie Puth, hay sắp tới đây là concert Born Pink của BlackPink tại Việt Nam đều là thời cơ để các thương hiệu đầu tư vào chiến dịch marketing gắn với âm nhạc. 


Cơ hội để tiếp cận người hâm mộ âm nhạc tại các sự kiện trực tiếp đang ở mức cao chưa từng có, thậm chí còn lớn hơn so với trước đại dịch Covid-19. Kết quả tài chính của công ty tổ chức và biểu diễn Live Nation trong Quý 3 năm 2022 ghi nhận lượt tham dự cao nhất từ trước đến nay. Việc đăng ký tài trợ cũng tăng 30% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy các thương hiệu đang lên kế hoạch xa hơn để trở thành một phần không thể thiếu trong trải nghiệm đáng nhớ của người hâm mộ.


Music Marketing không chỉ dừng lại ở MV, mà còn mở rộng ra các lễ hội âm nhạc


Âm nhạc có khả năng nhanh chóng kích thích cảm xúc và tạo ra những trải nghiệm đáng nhớ. Vì vậy, việc sử dụng âm nhạc như một công cụ tiếp thị đã trở nên phổ biến đối với các thương hiệu lớn trên toàn cầu. Tại Việt Nam, nhiều nhãn hàng cũng chủ động áp dụng chiến lược marketing tập trung vào "cảm xúc" này để thu hút và tạo sự gắn kết với khách hàng.


Biti’s áp dụng chiến lược Music Marketing khi xuất hiện trong MV "Lạc trôi" của Sơn Tùng MTP vào năm 2017


Vào năm 2017, Biti’s hợp tác với các nghệ sĩ tên tuổi để đưa sản phẩm của mình xuất hiện trong MV của họ – điều được cho là một bước ngoặt lớn làm nên sự thành công của thương hiệu này sau một thời gian dài chịu cảnh “lép vế” trước sự cạnh tranh của các thương hiệu giày thể thao ngoại nhập. Với chi phí khoảng 3 tỷ đồng, Biti’s Hunter đã để lại dấu ấn trong “Lạc Trôi” của Sơn Tùng M-TP và “Đi để trở về” của Soobin Hoàng Sơn. Ngoài ra, các nhãn hàng như Oppo, Dove, Vinamilk, Pepsi và Tiger cũng đầu tư mạnh để xuất hiện trong video âm nhạc của các tên tuổi nổi tiếng.


Các TVC hoặc MV thành công có thể xây dựng cảm xúc tích cực cho thương hiệu, qua đó thu hút và tạo độ nhận diện với khán giả. Tuy nhiên, để gia tăng sự kết nối và thúc đẩy hành động thì những sự kiện âm nhạc với quy mô lớn sẽ giúp chiến dịch Music Marketing đạt hiệu quả cao hơn. Với khả năng tạo nên một mức độ tương tác lớn từ khách hàng, tiếp thị thông qua lễ hội âm nhạc được đánh giá là chiến lược có mức đầu tư “khủng”, tạo ra trải nghiệm cá nhân hóa, đồng thời để lại những kỷ niệm đáng nhớ kéo dài trong tâm trí khách hàng lâu hơn bất kỳ hình thức quảng cáo nào khác.


Pepsi Ravolution Music Festival 2022 thu hút sự tham gia của đông đảo giới trẻ tại TP.HCM 


Những năm trở lại đây, các sự kiện âm nhạc đang trở thành một phương tiện được thương hiệu sử dụng thường xuyên hơn để tiếp cận và nâng cao trải nghiệm cho nhóm khách hàng trẻ. Đại nhạc hội EDM Ravolution đã giúp các nhãn hàng như Pepsi, Jetstar Pacific để lại ấn tượng khó quên trong lòng khán giả. Sau khi tổ chức 2 sự kiện Ravolution Music Festival tại TP.HCM và Hà Nội vào năm 2017, chiến dịch quảng bá 10 năm thành lập của Jetstar đã mang về cho thương hiệu lượt chú ý “khủng”, tiếp cận đến hơn 60.000 khán giả. Tháng 6 vừa qua, Seen Festival 2023 quy tụ của dàn sao như Taeyang (BIG BANG), BoA, Hyoyeon (SNSD), aespa…cũng khiến dòng sản phẩm đồng hành Tiger Soju Infused Lager gây được tiếng vang lớn trong cộng đồng fan Kpop. Hay sắp tới đây, sự kiện 8Wonder với sự góp mặt của Charlie Puth sẽ được tổ chức tại Nha Trang bởi VinGroup


Nhiều fan Việt vô cùng chờ mong sự xuất hiện của Charlie Puth tại sự kiện 8Wonder sắp tới


Tận dụng cơ hội marketing như thế nào?


Có thể thấy, các sự kiện âm nhạc trực tiếp là nơi mà thương hiệu có thể gây bất ngờ và làm hài lòng người hâm mộ, bằng cách tận dụng tốt những cơ hội tiếp thị xuyên suốt quá trình triển khai chiến dịch này. 


Có ba giai đoạn chính để các thương hiệu xây dựng dấu ấn trong chiến dịch marketing bằng lễ hội âm nhạc, bao gồm giai đoạn khám phá (thời điểm khi người hâm mộ lập kế hoạch tham gia sự kiện), trải nghiệm và hồi tưởng trong vài tuần sau buổi biểu diễn. Dù mang lại hiệu quả tiếp cận lớn, việc đầu tư vào các sự kiện âm nhạc được đánh giá là khá tốn kém với nhiều khoản chi phí “khổng lồ”, từ việc tổ chức, mời nghệ sĩ cho đến triển khai các hoạt động marketing tại sự kiện. Chính vì thế, việc tận dụng tối đa cơ hội tiếp thị trong cả ba giai đoạn này là điều rất quan trọng để mang lại hiệu quả tốt nhất cho chiến dịch. Sau đây là những cách để các thương hiệu không bỏ lỡ “thời cơ vàng” tại các lễ hội âm nhạc.


1. Tạo sức ảnh hưởng trong giai đoạn trước lễ hội


Theo một nghiên cứu mới từ phòng ban tài trợ của Live Nation UK, có tới 69% người hâm mộ bắt đầu hành trình tận hưởng lễ hội âm nhạc từ giai đoạn khám phá và lập kế hoạch tham dự. Đối với các nhà tiếp thị, việc hiểu rõ những gì người hâm mộ đang làm và suy nghĩ của họ ở từng giai đoạn là yếu tố then chốt để phát triển một chiến dịch thành công.


Giai đoạn khám phá thường bắt đầu từ một đến sáu tháng trước khi sự kiện diễn ra (nhưng có thể kéo dài đến 12 tháng đối với các lễ hội lớn). Trong giai đoạn này, 60% người hâm mộ cho biết họ dành rất nhiều thời gian để tìm hiểu về sự kiện mà họ muốn tham gia. Vì vậy, việc thông báo về lịch trình tour hoặc danh sách biểu diễn của một festival là thời điểm quan trọng để tạo sự nhận thức cho những người hâm mộ về thương hiệu. Lúc này, các chủ đề liên quan đến sự kiện sẽ mang lại tác động lớn, hoặc thương hiệu cũng có thể cung cấp cho khách hàng quyền truy cập độc quyền thông qua chương trình bán vé trước, từ đó xây dựng ấn tượng tốt trong lòng người hâm mộ.


Thương hiệu triển khai hoạt động tặng vé lễ hội âm nhạc "Những thành phố mơ màng" miễn phí cho khách hàng


Bên cạnh đó, các thương hiệu cũng cần chú ý tạo nhận diện nổi bật trong các sản phẩm truyền thông giới thiệu sự kiện âm nhạc. Chẳng hạn như, đối với các video giới thiệu dàn nghệ sĩ tham dự, các nhà tiếp thị cần đảm bảo rằng logo và dấu ấn thương hiệu luôn nằm ở vị trí trung tâm, khéo léo cài cắm vào tâm trí khách hàng về đơn vị tài trợ (hoặc tổ chức) sự kiện âm nhạc ấy. Đơn cử, với tư cách là nhà tài trợ chính của Wireless Festival, công ty giao hàng nhanh Gopuff đã đóng vai trò quan trọng trong việc công bố danh sách nghệ sĩ. Live Nation và Wireless đã hợp tác với Gopuff để tạo ra một đoạn phim giới thiệu, với logo Gopuff luôn được đặt tại vị trí hàng đầu trong khi người hâm mộ đang khám phá về các khách mời của sự kiện.



Ngoài ra, các thương hiệu cũng cần chủ động nhắc nhở khách hàng về sự hiện diện của mình trong các sự kiện âm nhạc thông qua bài đăng trên mạng xã hội, minigame. Một thương hiệu đã áp dụng thành công phương pháp tổ chức minigame trước khi diễn ra sự kiện chính là VPBank trong Countdown Party 2016, với tỉ lệ Brand Placement lên đến hơn 50%. 


Giai đoạn lập kế hoạch là giai đoạn kéo dài nhất trong hành trình của người hâm mộ, bao gồm nhiều cột mốc khác nhau mà các thương hiệu từ mọi lĩnh vực có thể tận dụng. Thời gian lập kế hoạch thường rơi vào giai đoạn ba tháng trước sự kiện, khi người hâm mộ tập trung vào việc xem xét tài chính, sau đó sắp xếp những nhu cầu về thời trang, thực phẩm và làm đẹp...


Cách tốt nhất để các thương hiệu giao tiếp với khách hàng trong giai đoạn lập kế hoạch sẽ thay đổi tùy thuộc vào loại sự kiện và trải nghiệm mà người hâm mộ đang tìm kiếm. Chẳng hạn như, 90% người tham dự sự kiện âm nhạc thường được thúc đẩy bởi âm nhạc và nghệ sĩ. Từ đó, thương hiệu cần xác định xem các hoạt động và thông điệp nên tập trung vào danh sách biểu diễn, những điểm nhấn ấn tượng của lễ hội hay trải nghiệm văn hóa liên quan đến thức ăn, đồ uống hoặc du lịch xuyên suốt thời gian diễn ra. Việc hiểu rõ chu kỳ của sự kiện và giai đoạn tâm lý của người hâm mộ là điều quan trọng để thương hiệu tạo ấn tượng đúng thời điểm.


2. Triển khai hoạt động phù hợp trong giai đoạn trải nghiệm sự kiện


Mỗi sự kiện âm nhạc sẽ thu hút các nhóm người hâm mộ khác nhau với động lực khác nhau. Điều này ảnh hưởng đến việc thương hiệu lựa chọn hoạt động tiếp thị nào là phù hợp nhất. Chẳng hạn như, tại lễ hội âm nhạc “Những thành phố mơ màng” với số lượng lớn người tham gia là sinh viên, thương hiệu cần tận dụng các điểm mạnh của mình để mang lại lợi ích cho nhóm đối tượng trẻ trong hành trình tham gia lễ hội. Các cửa hàng pop-up phục vụ nhu cầu ăn uống sẽ là lựa chọn hợp lý dành cho các thương hiệu đồ uống, thực phẩm,... Hay gian hàng trải nghiệm với những khoảnh khắc bất ngờ, giúp người hâm mộ tương tác với nghệ sĩ cũng là một cách tốt để thương hiệu xây dựng ấn tượng với khách hàng.


Hệ thống làm đẹp Zema tận dụng gian hàng tại sự kiện "Những Thành Phố Mơ Màng" để tiếp cận khách hàng trẻ


Bên cạnh việc tương tác với người hâm mộ bằng những trải nghiệm cụ thể trong quá trình diễn ra sự kiện, các thương hiệu cũng có thể tận dụng quy mô của lễ hội âm nhạc để mang đến những biểu tượng quen thuộc của thương hiệu.


3. Gợi nhắc và nhấn mạnh sự hiện diện của thương hiệu trong giai đoạn sau sự kiện


Các sự kiện âm nhạc đáng nhớ sẽ trở thành kỷ niệm khó quên trong lòng người hâm mộ. Do đó, các thương hiệu cần chủ động tham gia vào giai đoạn mà lễ hội ấy đang “sống lại” trong lòng khán giả từ 1 - 3 tuần sau buổi biểu diễn. 


Chia sẻ những khoảnh khắc đáng nhớ sau sự kiện chính là một cách để thương hiệu tận dụng dư âm và cảm xúc trong lòng khán giả


Để đạt được sự chú ý của khách hàng vào giai đoạn này, các bài viết truyền thông recap sự kiện, khai thác những khoảnh khắc quan trọng, hay những minigame gắn liền với nghệ sĩ sẽ giúp thương hiệu tận dụng tối ưu sức ảnh hưởng của buổi diễn và xây dựng mối liên kết cảm xúc với người hâm mộ. 


Việc đồng hành cùng người hâm mộ xuyên suốt trải nghiệm tham gia lễ hội âm nhạc, từ giai đoạn khám phá sự kiện cho đến vài tuần sau khi kết thúc sẽ giúp thương hiệu đạt được lợi ích lớn nhất, nâng cao giá trị và độ nhận diện của mình.


Phương Anh