Cyberbullying (bắt nạt hoặc đe dọa trực tuyến) là những hành động làm tổn hại, quấy rầy người khác bằng công nghệ thông tin (mạng internet, trang mạng xã hội, thiết bị điện tử,…) được biểu hiện ở dưới nhiều hình thức khác nhau.


Theo thống kê từ Unesco, 33% thanh thiếu niên trên toàn cầu đã và đang trải qua bắt nạt trực tuyến. Trong đó, 25% nạn nhân bắt nạt trực tuyến có xu hướng thực hiện hành vi tự làm hại bản thân. Những con số này đã cho thấy tình trạng đáng báo động của vấn nạn bắt nạt trực tuyến, đặc biệt là trong thời đại thông tin lan nhanh với tốc độ chóng mặt như hiện nay. 


Nhiều doanh nghiệp, tổ chức phi lợi nhuận trên thế giới theo đó đã thực hiện các chiến dịch nhằm kêu gọi mọi người ngừng bắt nạt trực tuyến. Cùng điểm qua các chiến dịch tiêu biểu dưới đây!


1. #HeartTheHate


Được khởi động vào năm 2019, chiến dịch #HeartTheHate của thương hiệu Cadbury Dairy Milk là một trong những chiến dịch hiếm hoi được thực hiện bởi một doanh nghiệp tiêu dùng, góp phần nâng cao nhận thức về thực trạng bắt nạt trực tuyến và khuyến khích mọi người quan tâm hơn đến những người xung quanh họ.


Năm nay, chiến dịch #HeartTheHate tiếp tục được triển khai sau khi Cadbury Dairy Milk hợp tác với Inshorts thực hiện một khảo sát và thấy rằng, có đến 55% nạn nhân bị bắt nạt trực tuyến cho biết họ không được bạn bè giúp đỡ. Thương hiệu ra mắt video cho thấy các nạn nhân bị tổn thương ra sao sau khi bị bắt nạt, qua đó kêu gọi người xem hỗ trợ nạn nhân bằng cách nhấp vào liên kết có biểu tượng trái tim màu tím trên video. 



Nhận xét về chiến dịch, Neville Shah, Giám đốc Điều hành Sáng tạo tại Ogilvy Ấn Độ cho biết: “Ý tưởng này giúp chúng ta thấy được tác động của việc bắt nạt trên mạng, điều mà nhiều người đã im lặng, bỏ qua trước đó. Một sự thúc đẩy, một lời nhắc nhở nhẹ nhàng đã tạo động lực để những người ngoài cuộc đứng lên hành động, và dù chỉ là một lượt nhấp cũng giúp nạn nhân mỉm cười"


2. Think twice before you type


Nhằm nâng cao nhận thức về cách bình luận và trò chuyện trực tuyến, tổ chức phi lợi nhuận Cybersmile đã hợp tác cùng nhiếp ảnh gia Ale Burset để thực hiện chiến dịch “Think twice before you type”. Chiến dịch bao gồm một video ngắn và bộ ảnh khắc họa khuôn mặt của những nạn nhân Cyberbullying được phủ bởi lớp trang điểm biểu tượng cảm xúc vui vẻ. 

 

 

Thông qua “Think twice before you type”, Cybersmile khuyến khích mọi người lưu ý đến cách bình luận trên mạng xã hội, bởi những lời bình luận không được xem xét kỹ có thể khiến người khác cảm thấy bị tổn thương. Tất cả nội dung của chiến dịch đều được chia sẻ trên Instagram, Facebook và Twitter của Cybersmile để lan tỏa rộng rãi hơn đến mọi người.

 

 

Các bạn có thể tìm hiểu thêm về chiến dịch tại đây.

 

3. #STOPHATE


#STOPHATE là một chiến dịch chống bắt nạt trực tuyến do trang tin 89.7 Bay hợp tác cùng MITA (Malta Information Technology Agency) và công ty sản xuất nước ngọt General Soft Drinks tổ chức vào năm 2014, với mục đích của nâng cao nhận thức về tác động của bắt nạt trực tuyến thông qua các ứng dụng mạng xã hội. 



Không những thế, chiến dịch còn khuyến khích mọi người lên tiếng kêu gọi sự giúp đỡ từ những người xung quanh và không nên tự mình đối phó. Bên cạnh video đăng tải trên YouTube và hoạt động chia sẻ hình ảnh nạn nhân Cyberbullying trên Facebook, các đơn vị tổ chức chiến dịch còn cung cấp nhiều thông tin hữu ích về cách giữ an toàn khi trực tuyến, các loại bắt nạt trực tuyến khác nhau trên mạng xã hội và cách để vượt qua. 


4. #endcyberbullying 


Chiến dịch #endcyberbullying được Chính phủ Queensland phát động vào Ngày quốc tế chống bạo lực và bắt nạt năm 2019. Điểm đặc biệt của chiến dịch là hoạt động trao quyền cho học sinh Queensland giải quyết nạn bắt nạt trực tuyến.



Video chiến dịch #endcyberbullying phản ánh thực tế về nạn bắt nạt trực tuyến trong giới trẻ hiện nay, qua đó kêu gọi tất cả học sinh lên tiếng và hành động để chấm dứt tình trạng này.


5. #SeeMe 


Chiến dịch được thực hiện bởi STOMP Out Bullying - tổ chức phi lợi nhuận hoạt động nhằm ngăn chặn và giảm thiểu hành vi bắt nạt, bắt nạt trực tuyến tại Mỹ, với mục đích thay đổi văn hóa và cách nhìn nhận của mọi người về một người nào đó. Đồng thời, chiến dịch cũng kêu gọi mọi người chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc, kỳ thị LGBTQ+, bắt nạt và bắt nạt trực tuyến.



Năm 2018, video #SeeMe 1 được ra mắt và thu hút sự chú ý từ truyền thông nhờ thông điệp ý nghĩa. Năm nay, #SeeMe 2 tiếp tục trở lại với các nhân vật có độ tuổi, giới tính, màu da, văn hoá,... khác nhau lần lượt chia sẻ về bản thân họ nhằm nhắc nhở mọi người đừng chỉ nhìn vẻ ngoài và phán xét người khác. 


Các bạn có thể tìm hiểu thêm về chiến dịch tại đây.


----


Tài liệu tham khảo:

[1] Business Insider

[2] Behaviour Education

[3] Cybersmile

...