Theo nguồn tin của Bloomberg, Prada đang bước vào giai đoạn cuối cùng trong quá trình đàm phán mua lại Versace từ Capri Holdings với mức giá khoảng 1,5 tỷ USD (tương đương 40 nghìn tỷ đồng). Nếu thương vụ này thành công, Versace sẽ chính thức trở về với một tập đoàn thời trang Ý sau gần 6 năm nằm dưới quyền sở hữu của Capri Holdings.


Một số cơ quan truyền thông châu Âu khác cũng đưa tin rằng quá trình thẩm định ban đầu không phát hiện rủi ro đáng kể, giúp thương vụ giữa PradaCapri Holdings có triển vọng diễn ra thuận lợi. Dự kiến, hai bên có thể ký kết thỏa thuận ngay trong tháng này. Tuy nhiên, cả Prada lẫn Capri Holdings - công ty từng mua lại Versace vào năm 2018 với giá khoảng 1,8 tỷ Euro - vẫn chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về thông tin trên.  


Tin đồn về việc Prada muốn thâu tóm Versace đã rộ lên từ tháng 01/2025, khi nhật báo Ý Il Sole 24 Ore lần đầu đưa tin về khả năng này. Đến tháng 02/2025, Reuters tiếp tục cho biết Capri Holdings đã cung cấp cho Prada các dữ liệu tài chính liên quan đến Versace, củng cố thêm giả thuyết về thương vụ này.  


Theo nguồn tin ẩn danh của Reuters, Prada dường như đang nắm ưu thế trong cuộc đua mua lại Versace. Lý do là tập đoàn thời trang Ý này đã được tiếp cận hồ sơ tài chính của Versace sớm hơn bất kỳ đối thủ nào khác đang theo đuổi thương vụ. Prada hiện có bốn tuần để quyết định liệu có chính thức mua lại thương hiệu xa xỉ này hay không.   


Tình hình kinh doanh ảm đạm của Versace


Trong bối cảnh thị trường thời trang cao cấp toàn cầu đang suy giảm, Versace vẫn được xem là một trong những mục tiêu thâu tóm hấp dẫn nhất năm 2025. Thương hiệu này sở hữu danh tiếng toàn cầu cùng tiềm năng phát triển mạnh mẽ tại châu Á và Trung Đông. “Rất ít thương hiệu di sản đang có sẵn trên thị trường để mua lại, vì vậy nếu một cái tên hấp dẫn xuất hiện với mức giá hợp lý, chắc chắn sẽ thu hút nhiều sự quan tâm,” Joëlle Grunberg, đối tác tại McKinsey, nhận định.


Versace hiện thuộc sở hữu của Capri Holdings, cùng với các thương hiệu Jimmy ChooMichael Kors. Trước đó, Capri Holdings từng có kế hoạch sáp nhập với tập đoàn Tapri - công ty mẹ của Coach, Kate Spade Stuart Weitzman - trong một thương vụ trị giá 8,5 tỷ USD. Tuy nhiên, vào tháng 11/2024, tòa án Hoa Kỳ đã ra phán quyết chặn thương vụ này. Hệ quả là đến tháng 02/2025, S&P Global Ratings đã hạ xếp hạng tín nhiệm của Capri xuống dưới mức đầu tư.


Các thương hiệu trực thuộc tập đoàn Capri Holdings


Theo Vogue Business, Capri Holdings dường như đang có kế hoạch bán bớt các thương hiệu nhỏ lẻ để tập trung nguồn lực vào Michael Kors - thương hiệu được xem là "viên ngọc quý" của tập đoàn. Hiện tại, Michael Kors là nguồn thu lớn nhất của Capri, với doanh thu đạt 738 triệu USD trong quý 02/2024, bỏ xa Versace (201 triệu USD) và Jimmy Choo (140 triệu USD)


Bước sang quý 3 của năm tài chính hiện tại (kết thúc vào tháng 03/2025), tình hình kinh doanh của Versace tiếp tục gặp khó khăn. Thương hiệu này ghi nhận doanh thu 193 triệu USD, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước, trong khi mức lỗ hoạt động tăng lên 21 triệu USD. Để tìm kiếm giải pháp chiến lược, Capri Holdings đã thuê ngân hàng tư vấn đầu tư Barclays đánh giá các phương án khả thi, bao gồm khả năng bán lại Versace và Jimmy Choo cho các đối thủ tiềm năng nếu có lời đề nghị phù hợp.  


Theo các chuyên gia phân tích từ ngân hàng đầu tư Intesa Sanpaolo, Versace đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng suy thoái kinh tế tại Trung Quốc. Thương hiệu này cần một cuộc tái cấu trúc toàn diện để làm mới hình ảnh và khôi phục tăng trưởng. Nếu thương vụ giữa Versace và Prada thành công, điều này không chỉ mang ý nghĩa một thương hiệu thời trang Ý về với một tập đoàn Ý, mà còn giúp Versace dễ dàng thích nghi và phát triển trong hệ sinh thái của Prada.  


Versace buộc phải giảm giá bán tại thị trường Trung Quốc để thúc đẩy hoạt động kinh doanh


Triển vọng nếu xảy ra thương vụ “khủng” 


Prada và Versace hướng đến những nhóm khách hàng khác nhau, tạo ra sự bổ trợ thay vì cạnh tranh nội bộ. Prada và Miu Miu theo đuổi phong cách tối giản (Minimalism), phi giới tính và hiện đại, trong khi Versace gắn liền với chủ nghĩa tối đa (Maximalism), sự cổ điển và bản sắc Ý đặc trưng. Việc hợp nhất các thương hiệu này không chỉ giúp Prada mở rộng phân khúc khách hàng mà còn củng cố vị thế của tập đoàn trong ngành thời trang cao cấp.


Versace nổi tiếng với phong cách thời trang táo bạo và quyến rũ


Prada đang nổi lên như một trong những thương hiệu xa xỉ hiếm hoi có thể "vượt bão" thành công giữa giai đoạn suy thoái toàn cầu. Nếu thương vụ thâu tóm Versace diễn ra suôn sẻ, Prada không chỉ củng cố vị thế tại thị trường thời trang Ý mà còn nâng cao khả năng cạnh tranh với những tập đoàn khổng lồ như LVMH và Kering SA, dù quy mô vẫn nhỏ hơn đáng kể so với các đối thủ này.  


Vào năm 2024, Prada và Hermès là thương hiệu xa xỉ hiếm hoi ghi nhận mức tăng trưởng dương


Tuy nhiên, lịch sử mua bán và sáp nhập (M&A) của Prada không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Trong thập niên 1990, tập đoàn từng mua lại Jil Sander và Helmut Lang nhưng gặp khó khăn trong quá trình tiếp nhận, dẫn đến việc phải bán lại cả hai thương hiệu. Hơn nữa, vào tháng 05/2024, Tổng giám đốc điều hành Prada, Andrea Guerra, từng khẳng định tập đoàn không có ý định thực hiện các thương vụ M&A lớn, mà muốn tập trung phát triển những thương hiệu hiện có. Điều này đặt ra câu hỏi liệu Prada có thật sự sẵn sàng thay đổi chiến lược để sở hữu Versace hay không.  


Không chỉ Prada, một số tập đoàn thời trang và quỹ đầu tư tư nhân khác cũng bày tỏ sự quan tâm đến Versace. Năm 2024, công ty đầu tư Exor (thuộc sở hữu của gia đình Agnelli) và tập đoàn xa xỉ Kering của Pháp từng cân nhắc việc mua lại thương hiệu này. Nhiều chuyên gia dự đoán Versace và Jimmy Choo có thể sẽ được bán cho những người mua khác nhau, do sự khác biệt trong định vị thương hiệu và chiến lược kinh doanh.  


Bối cảnh thị trường thời trang thế giới hiện nay


Theo nhà phân tích Neil Saunders, việc Capri Holdings bán đi Versace và Jimmy Choo có thể coi là một "giải pháp mang tính cách mạng" giúp tập đoàn tái cấu trúc hoạt động. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc Capri từ bỏ tham vọng trở thành một tập đoàn đa thương hiệu, quay lại mô hình tập trung vào một thương hiệu duy nhất. Với diễn biến này, viễn cảnh Hoa Kỳ sở hữu một tập đoàn xa xỉ ngang tầm với Kering hay LVMH ở châu Âu vẫn chưa thể trở thành hiện thực.  


LVMH hiện là tập đoàn xa xỉ lớn nhất thế giới, với danh mục hơn 75 thương hiệu trải rộng trên nhiều lĩnh vực. Tập đoàn này sở hữu những cái tên hàng đầu trong ngành thời trang như Louis Vuitton, Christian Dior, Fendi, Celine, Loewe, Kenzo Marc Jacobs, cùng với các thương hiệu nước hoa và mỹ phẩm danh tiếng như Guerlain. Bên cạnh đó, LVMH cũng thống lĩnh mảng đồng hồ và trang sức cao cấp với Bulgari, Tiffany & Co., đồng thời mở rộng sang lĩnh vực rượu vang và rượu mạnh.  


LVMH là nhà tài trợ lớn nhất cho Olympic 2024, khi đóng góp 166 triệu USD, trong tổng số dự kiến 1,3 tỷ USD tài trợ từ các nguồn


Xếp ngay sau LVMH, Kering là tập đoàn xa xỉ lớn thứ hai thế giới, cũng có trụ sở tại Pháp. Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch kiêm CEO François-Henri Pinault, Kering cho biết đang duy trì vị thế vững chắc với ba mảng kinh doanh chính: Thời trang cao cấp & Đồ da, Đồng hồ & Trang sức, và Kính mắt. Các thương hiệu nổi bật trực thuộc tập đoàn này bao gồm Gucci, Saint Laurent, Bottega Veneta, Balenciaga, Boucheron Pomellato.  


Trong lĩnh vực trang sức và đồng hồ xa xỉ, tập đoàn Richemont của Thụy Sĩ đã khẳng định vị thế là một trong những "ông lớn" hàng đầu thế giới. Tập đoàn này sở hữu 19 thương hiệu danh tiếng, được chia thành bốn mảng kinh doanh cốt lõi: trang sức và kim hoàn (Cartier, Van Cleef & Arpels); đồng hồ cao cấp (A. Lange & Söhne, Jaeger-LeCoultre, Vacheron Constantin); bút và đồ da (Montblanc); cùng thời trang phong cách sống (Chloé, Alfred Dunhill). Gần đây, Richemont cũng mở rộng sang lĩnh vực làm đẹp cao cấp, đánh dấu bước đi chiến lược mới trong ngành công nghiệp xa xỉ.


Như Quỳnh


Subscribe Newsletter của Advertising Vietnam để theo dõi nhiều tin tức hấp dẫn về ngành quảng cáo.