Trong thị trường Marketing luôn biến động không ngừng, Influencer Marketing vẫn nổi lên như một giải pháp hiệu quả để các thương hiệu tiếp cận đối tượng mục tiêu. Với khả năng tạo ra sự tương tác cao và độ tin cậy lớn, Influencer Marketing đã và đang giúp các doanh nghiệp đạt được những thành tích ấn tượng và trở thành sự lựa chọn hàng đầu trong các hoạt động tiếp thị của doanh nghiệp.


Theo Influencer Marketing Hub, dự báo đến cuối năm 2024, chi tiêu toàn cầu cho hình thức marketing này sẽ đạt mức 24 tỷ USD, tăng đáng kể so với năm trước với 21 tỷ USD. Ngoài ra, gần 60% các doanh nghiệp đã lên kế hoạch tăng ngân sách cho Influencer Marketing trong năm nay, trong đó có dưới một phần tư cho biết sẽ phân bổ hơn 40% tổng ngân sách tiếp thị năm 2024 của mình cho Influencer Marketing. Điều này càng khẳng định xu thế của hình thức marketing này trong chiến lược tiếp thị tổng thể.


Cần làm rõ những khác biệt giữa Influencer Marketing và Creator Marketing


Trong một khoảng thời gian dài, các thuật ngữ "Influencer" và "Creator" thường được sử dụng như nhau để chỉ những người tạo nội dung trên mạng xã hội. Tuy nhiên, gần đây, ranh giới giữa hai khái niệm này ngày càng rõ nét hơn. Nhiều doanh nghiệp đã nhận ra sự khác biệt này và xây dựng những chiến lược hợp tác riêng biệt với từng nhóm đối tượng.


Theo ông Errick Page Jr., Chuyên gia quan hệ đối tác về Influencer tại The Martin Agency, sự khác biệt giữa Influencer và Creator nằm ở cách họ xây dựng hình tượng trên mạng xã hội. Creator thường bắt đầu từ việc sáng tạo nội dung một cách đều đặn, có sự đầu tư trong việc tạo ra những sản phẩm mới. Trong khi đó, Influencer có thể trở nên nổi tiếng nhờ một khoảnh khắc viral và sau đó mới bắt đầu sản xuất nội dung một cách chuyên nghiệp.


Cristina Lawrence, Phó Chủ tịch Điều hành phụ trách trải nghiệm người tiêu dùng và nội dung tại Razorfish đã chỉ ra xu hướng ngày càng rõ nét trong ngành marketing: “Các thương hiệu đang nhận thức sâu sắc hơn về sự khác biệt giữa Influencer và Creator. Nhờ đó, các chiến dịch tiếp thị hiện nay đã đa dạng hơn, tận dụng tối đa thế mạnh của từng nhóm đối tượng. Khách hàng của chúng tôi cũng đặc biệt quan tâm đến việc kết hợp cả Influencer và Creator trong một chiến dịch, nhằm tiếp cận một đối tượng rộng lớn và đa dạng hơn”.


Các doanh nghiệp ngày càng mở rộng hợp tác không chỉ với những Influencer mà còn với cả những Creator, bao gồm những nội dung chân thực và lượng khán giả trung thành


Hiện nay, Razorfish đã xây dựng một hệ thống phân cấp cụ thể bao gồm 3 nhóm chính. Ở nhóm đầu tiên, công ty tận dụng sức mạnh của các Influencer để tiếp cận một lượng lớn khán giả và nâng cao nhận diện thương hiệu. Nhóm thứ hai tập trung vào việc hợp tác với các Creator để sản xuất nội dung phù hợp theo từng nền tảng mạng xã hội. Cuối cùng, Razorfish làm việc với các Micro Influencer và Nano Influencer để tạo ra những kết nối sâu sắc hơn với các nhóm đối tượng ngách.


Christina Westley, Giám đốc Tiếp thị Influencer tại PepsiCo cho biết thêm: “Từ góc độ của một nhà tiếp thị, tôi nhận thấy rằng việc hợp tác với những Creator có nội dung ngách mang lại hiệu quả rất cao. Những người sáng tạo này thường sở hữu những kỹ năng và kiến thức chuyên sâu mà không phải ai cũng có, giúp tạo ra những nội dung độc đáo và thu hút được sự quan tâm của một nhóm đối tượng rất cụ thể”.


Micro Influencer là những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội với số lượng người theo dõi thường từ 5.000 - 30.000 người, nội dung của họ thường tập trung vào các chủ đề hoặc sở thích cụ thể


Nhìn chung, Influencer Marketing thực chất là một phần trong Creator Marketing, tập trung vào những cá nhân có tầm ảnh hưởng lớn. Tuy nhiên, phạm vi của Creator Marketing rộng lớn hơn, bao gồm cả những nhà sáng tạo nội dung độc lập và những cộng đồng sáng tạo nhỏ hơn. 


Thông thường, Creator Marketing được xem như một công cụ để thúc đẩy chuyển đổi và tạo ra doanh thu. Bằng cách hợp tác với các Creator từ giai đoạn đầu trong hành trình của khách hàng, các thương hiệu có thể xây dựng mối quan hệ bền vững với khách hàng, tăng độ nhận diện thương hiệu và tạo ra một cộng đồng trung thành.


Dự đoán 3 xu hướng Influencer Marketing đáng chú ý trong nửa cuối năm 2024


1. LinkedIn trở thành môi trường ‘béo bở’ với số lượng người dùng toàn cầu dự đoán tăng 171,9 triệu người từ năm 2024 đến năm 2028 


Hiện nay, LinkedIn không chỉ đơn thuần là một nền tảng tìm việc. Với sự ra đời của các định dạng nội dung mới như video và các công cụ hỗ trợ người sáng tạo như nhãn "Brand Partnership" (Cộng tác thương hiệu), LinkedIn đang trở thành một sân chơi hấp dẫn cho các Influencer, đặc biệt là những người đã có sẵn lượng người theo dõi trên TikTok hay Instagram. Sự thay đổi này cho thấy LinkedIn đang nỗ lực để trở thành một nền tảng đa năng, đáp ứng nhu cầu của cả người tìm việc và người sáng tạo nội dung.


Trước đó, LinkedIn là nền tảng mạng xã hội với định hướng kinh doanh được ra đời vào cuối năm 2002. Tuy nhiên sang 2003, nền tảng này thay đổi định hướng sang trang mạng dịch vụ xã hội, người sử dụng chủ yếu là những thành viên chuyên nghiệp về hệ thống mạng.


LinkedIn ra đời với mục đích giúp những người làm việc chuyên nghiệp có thể kết nối và tương tác với nhau trên một nền tảng trực tuyến


Theo báo cáo của Global Data, từ năm 2021, có khoảng 92% doanh nghiệp B2B (Business To Business) đã và đang tận dụng LinkedIn như một công cụ tiếp thị không thể thiếu. Sự gia tăng nhu cầu quảng cáo trên nền tảng này đã đưa doanh thu của LinkedIn vượt qua mốc 10 tỷ USD. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dùng và doanh nghiệp, LinkedIn đã liên tục đổi mới, từ việc cải thiện tính năng tìm kiếm và tương tác đến việc bổ sung các công cụ sáng tạo nội dung như video.


Cụ thể, đến năm 2023, LinkedIn đã cập nhật thuật toán của mình để ưu tiên hiển thị các bài viết dựa trên hai tiêu chí quan trọng. Thứ nhất, bài viết phải đến từ những người mà bạn đã chọn theo dõi. Tiếp theo, nội dung của bài viết cần mang lại giá trị, kiến thức và lời khuyên hữu ích cho người đọc, được thuật toán đánh giá cao. Điều này được ông Dan Roth, Tổng biên tập của LinkedIn xác nhận. Đặc biệt, khác với nhiều mạng xã hội hiện nay, LinkedIn không xem xét đến mức độ phổ biến của bài viết khi quyết định hiển thị chúng cho người dùng. 


Thuật toán của LinkedIn hoạt động dựa trên việc ghi nhớ những nội dung người dùng tương tác gần đây để từ đó đưa ra những gợi ý phù hợp


Trong báo cáo của Statista vào tháng 5/2024, số lượng người dùng LinkedIn toàn cầu được dự báo sẽ liên tục tăng từ năm 2024 đến năm 2028 với tổng cộng 171,9 triệu người dùng (hơn 22,3%). Sau năm tăng trưởng liên tiếp thứ sáu, tổng người dùng LinkedIn ước tính sẽ đạt 942,84 triệu người dùng và đạt đỉnh mới vào năm 2028.


Với một cộng đồng người dùng khổng lồ, LinkedIn được dự đoán là nền tảng lý tưởng cho các Influencer triển khai chiến lược marketing hiệu quả, nhắm đến đối tượng chuyên nghiệp và doanh nghiệp với mọi quy mô. 


2. Gen AI trở thành xu hướng lớn nhất trong 10 năm tới, ước tính đóng góp gần 10.000 tỷ USD vào GDP toàn cầu


Sự ra mắt của ChatGPT vào cuối năm 2022 đã tạo nên ‘cơn sốt’ chưa từng có trong lĩnh vực công nghệ. Chỉ trong vòng 2 tháng, ChatGPT đã thu hút 100 triệu người dùng, lập kỷ lục về tốc độ tăng trưởng. Sự kiện này đã thúc đẩy các công ty công nghệ lớn đầu tư mạnh vào nghiên cứu và cho ra đời hàng loạt các ứng dụng chatbot Gen AI khác, biến Gen AI trở thành một trong những xu hướng công nghệ tiềm năng ở hiện tại lẫn tương lai.


Cả Bloomberg IntelligenceIDC đều đưa ra những dự báo vô cùng lạc quan về tương lai của thị trường Gen AI. Theo đó, quy mô thị trường này dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh mẽ, đạt mức 1.300 tỷ USD vào năm 2032 và đóng góp gần 10.000 tỷ USD vào GDP toàn cầu.


Nghiên cứu EY Reimagining Industry Futures 2024 (Tạm dịch: Tái hình dung Tương lai các Ngành) do EY thực hiện cũng khẳng định vị thế hàng đầu của Gen AI trong danh sách các công nghệ được doanh nghiệp ưu tiên đầu tư. Cụ thể, 43% trong số 1.405 doanh nghiệp được khảo sát đã đầu tư vào Gen AI, xếp nó vào vị trí thứ ba trong số chín công nghệ mới nổi. Ông Tom Loozen, Lãnh đạo Dịch vụ Viễn thông Toàn cầu của EY nhận định rằng việc đầu tư vào Gen AI đang trở thành một xu hướng mạnh mẽ và công nghệ này đang định hình lại cách thức hoạt động của các doanh nghiệp.


Trong dịp Tết 2024, Pepsi đã phối hợp cùng Zalo AI triển khai chiến dịch “Mang Tết về nhà, Sống trọn khoảnh khắc”, tận dụng công nghệ Gen AI để tạo trải nghiệm tương tác mới lạ cho người dùng 


Các yếu tố được cho là sẽ tiếp tục thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ của Gen AI bao gồm khả năng siêu phân giải (super-resolution), chuyển đổi văn bản thành hình ảnh (text-to-image conversion), chuyển đổi văn bản thành video (text-to-video conversion) và việc gia tăng nhu cầu hiện đại hóa quy trình làm việc của các ngành công nghiệp.


Trong lĩnh vực Influencer Marketing, Gen AI chủ yếu được sử dụng cho các mục đích thực tế. Từ việc tìm kiếm ý tưởng mới, tạo ra nội dung độc đáo cho đến việc chỉnh sửa video, Gen AI đang hỗ trợ Influencer một cách toàn diện. Khảo sát của Creator Now vào cuối năm 2023 cho thấy, gần 97% trong số hơn 2.200 Influencer sử dụng các công cụ AI trong quá trình sáng tạo nội dung, chủ yếu là để tìm ý tưởng và nghiên cứu các chủ đề. Ngoài ra, 35% Influencer cũng tận dụng AI để hỗ trợ chỉnh sửa nội dung của họ.  


3. Gen Alpha dự kiến trở thành lực lượng tiêu dùng chủ đạo với sức mua ước tính lên đến 5,46 nghìn tỷ USD vào năm 2029


Sinh ra trong kỷ nguyên số, Gen Z là thế hệ đi đầu trong các nền tảng và xu hướng truyền thông mới. Tuy nhiên, sự kế thừa đang dần chuyển sang thế hệ Gen Alpha. Theo công ty tư vấn nghiên cứu McCrindle, đến cuối năm 2024, những bạn trẻ trong nhóm độ tuổi 8-15 tuổi sẽ bước vào giai đoạn trưởng thành và sớm trở thành nhóm người tiêu dùng đông đảo nhất. Sức mua của thế hệ này cũng dự kiến đạt 5,46 nghìn tỷ USD vào năm 2029.


Được nuôi dưỡng bởi thế hệ Gen Y, những bậc phụ huynh sẵn sàng đầu tư vào việc mang đến những trải nghiệm tốt nhất cho con cái, Gen Alpha đã hình thành thói quen tiêu dùng khá đặc biệt. Không ngại chi tiêu cho những sản phẩm cao cấp và trải nghiệm mới lạ, Gen Alpha còn thể hiện sự tự lập khi bắt đầu có những quyết định mua sắm cá nhân từ rất sớm. Theo báo cáo của Kantar cuối năm 2023, 1/3 trẻ em từ 7-12 tuổi đã tự mua sắm đồ uống và đồ ăn hàng tuần, cho thấy sức mua của thế hệ này là không thể xem thường. 


Bên cạnh đó, việc lớn lên trong môi trường số đã hình thành nên những thói quen và sở thích tiêu dùng độc đáo ở Gen Alpha. Khác biệt so với các thế hệ trước, Gen Alpha có những nhu cầu và kỳ vọng rất riêng đối với sản phẩm và dịch vụ. 


Gen Alpha được tiếp cận với công nghệ và Internet từ nhỏ, chúng thoải mái sử dụng thiết bị kỹ thuật số và lướt Internet so với các thế hệ trước


Ông Mark McCrindle, Nhà sáng lập công ty McCrindle chỉ ra rằng không gian trực tuyến nơi Gen Alpha dành nhiều thời gian thường có tính thương mại cao, chính điều này khiến Gen Alpha trở thành thế hệ tiêu dùng nghiêm túc ngay từ khi còn nhỏ: "Không có gì ngăn cản thế hệ trẻ mua hàng trực tuyến thông qua các nền tảng thanh toán kết nối với tài khoản của cha mẹ".


Gen Alpha cũng là những người dùng mạng xã hội năng động, đặc biệt là trên các nền tảng như Instagram, TikTok YouTube. Theo báo cáo năm 2024 của EMarketer, có tới 58% trẻ em Mỹ sử dụng YouTube một lần một tháng. Việc không yêu cầu xác minh email đã giúp YouTube trở thành một nền tảng dễ tiếp cận đối với Gen Alpha, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận trực tiếp với đối tượng khách hàng tiềm năng này. Do đó, việc đa dạng hóa kênh truyền thông cũng là một chiến lược quan trọng để các doanh nghiệp, Influencer có thể xây dựng mối quan hệ bền vững với Gen Alpha từ sớm.


Như Quỳnh


Subscribe Newsletter của Advertising Vietnam để theo dõi nhiều tin tức hấp dẫn về ngành quảng cáo.