Emily in Paris là bộ phim hài kịch lãng mạn được công chiếu lần đầu tiên vào năm 2020 và nhanh chóng nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả trên toàn thế giới. Phim không chỉ thu hút vì nội dung cốt truyện của cuộc tình tay ba đầy tai tiếng, phong cách thời trang của Emily do Lily Collins thủ vai mà còn vì các thương hiệu collab cùng Netflix và xu hướng của người tiêu dùng các ngành hàng được nhắc đến trong mỗi tập.
Trở lại với mùa 4, Emily in Paris lại tiếp tục chứng minh sức ảnh hưởng của mình khi phim đứng Top 1 bảng xếp hạng những bộ phim dài tập được xem nhiều nhất trên thế giới tại Netflix, theo dữ liệu thống kê từ Felix Petrol.
Không những thế, nội dung của ‘Emily in Paris’ còn khiến nhiều người mong muốn trở thành một marketer sành điệu như Emily khi từ khóa tìm kiếm về ‘Bằng cấp Marketing’ trên thế giới tăng hơn 75% từ tháng 10/2020 đến tháng 8/2024. Bên cạnh đó, tìm kiếm về 'Công việc Marketing’ cũng tăng 49% trong thời gian này, cùng với 82,1% về từ khoá 'Nghề Marketing' tại Hoa Kỳ.
Ash Davis - Giám đốc điều hành kiêm nhà sáng lập Skyline Social cho biết: “Theo nghiên cứu này, sự quan tâm trực tuyến đối với bằng cấp, công việc về Marketing đã tăng vọt kể từ tháng 10 năm 2020. Những phát hiện này cho thấy, mọi người rất muốn đột phá vào lĩnh vực Marketing vào năm 2024 và sẽ rất thú vị khi xem mùa 4 tiếp tục truyền cảm hứng cho thế giới của những nhà tiếp thị mới nổi như thế nào".
Collab với các thương hiệu nổi tiếng như Google, Häagen-Dazs để truyền thông cho bộ phim
Nối tiếp ‘truyền thống’ của Netflix, khi cho ra mắt series thì sẽ tăng cường hợp tác với các thương hiệu để góp phần truyền thông cho bộ phim. Với ‘Emily in Paris’ mùa 4 cũng tương tự, Netflix đã hợp tác với các thương hiệu nổi tiếng để cho ra mắt các phiên bản sản phẩm đặc biệt.
Thời trang của các nhân vật trong ‘Emily in Paris' nói chung và phong cách ‘Emilycore’ nói riêng luôn là chủ để được nhiều người quan tâm khi nhắc đến bộ phim. Chính vì thế ‘Emily in Paris' kết hợp với Google để tích hợp tính năng Google Lens, cho phép người dùng có thể tìm kiếm các thiết kế thời trang của các nhân vật trong phim.
Cụ thể, người dùng có thể dùng thiết bị di động để quét trang phục của các diễn viên trong phim bằng Google Lens, sau đó người dùng sẽ được hướng đến trang web có mặt hàng tương tự. Để quảng bá cho tính năng độc đáo này, Lily Collins tiếp tục vào vai Emily nhằm hướng dẫn người dùng sử dụng thông qua quảng cáo dài 15 giây trên Netflix. Được biết, đây chính là ‘cú bắt tay' đầu tiên giữa Netflix và Google về nội dung quảng cáo chung cho tính năng tạm dừng (pause ad - khi người dùng tạm dừng video, quảng cáo giữa Netflix và Google sẽ xuất hiện).
Không những thế, Netflix còn kết hợp với thương hiệu kem Häagen-Dazs triển khai chiến dịch ‘Be More Emily’, bao gồm cho ra mắt 2 vị kem mới và có packaging lấy cảm hứng từ bộ phim Emily in Paris: Dâu tây và Caramel muối. Sản phẩm được ra mắt trên toàn thế giới để phục vụ nhu cầu của các khán giả yêu thích bộ phim Emily in Paris và cả người tiêu dùng mục tiêu của Häagen-Dazs.
Trong chuỗi chiến dịch, Häagen-Dazs còn thực hiện các hoạt động pop-up và chương trình khuyến mãi hấp dẫn giúp khán giả có thể hoá thân thành nhân vật Emily đúng với tinh thần ‘Be more Emily'.
Để tăng cường sức hút cho "Emily In Paris," Netflix đã hợp tác với các thương hiệu nổi tiếng như Kir Royal, một loại cocktail pha sẵn đến từ Pháp, để ra mắt phiên bản bao bì màu hồng đặc biệt. Ngoài ra, Netflix cũng đã kết hợp với nhà bán lẻ Target và thương hiệu mỹ phẩm Makeup Revolution để giới thiệu bộ sưu tập mỹ phẩm độc quyền lấy cảm hứng từ bộ phim này.
Sử dụng chiến lược Brand Integration vào phim
Đáng chú ý, Emily in Paris còn là bộ phim áp dụng chiến lược Brand Integration thành công, hàng loạt các thương hiệu xuất hiện và được nhắc đến trong các tập phim. Netflix đã dành hẳn một tập phim để quảng cáo cho sản phẩm đến từ Baccarat - thương hiệu sản xuất pha lê xa xỉ.
Sản phẩm được Emily in Paris nhắc đến là nước hoa Heartbreak, đây là một sản phẩm hư cấu tái hiện viên pha lê mang tính biểu tượng của thương hiệu "Coeur Amor". Khán giả cũng có thể sở hữu viên pha lê phiên bản Emily in Paris trên website của thương hiệu với giá 450 Euro (tương đương hơn 11 triệu đồng).
Nói về sự hợp tác của thương hiệu với Emily in Paris, Adam Banfield - Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Baccarat Bắc Mỹ chia sẻ: “Trong suốt 260 năm qua, Baccarat vẫn luôn đại diện và truyền cảm hứng cho niềm vui sống - một khái niệm được Emily Cooper thể hiện và niềm vui mà Emily tại Paris mang lại cho rất nhiều người”.
Không những thế, phim còn khéo léo lồng ghép xu hướng thị trường của các mặt hàng thời trang xa xỉ đã qua sử dụng (2hand) và hành vi của người tiêu dùng ở thế hệ Millennials, Gen Z khi sử dụng thức uống rượu không cồn.
Cụ thể, bộ phim đã đề cập đến xu hướng thị trường đồ xa xỉ đã qua sử dụng khi nhân vật Mindy bán chiếc váy tại Vestiaire Collective, nền tảng bán hàng xa xỉ đã qua sử dụng của Pháp. Chi tiết này không chỉ thể hiện xu hướng tiêu dùng của giới trẻ hiện nay mà còn là một minh chứng cho sự phát triển mạnh mẽ của thị trường đồ cũ cao cấp. Theo dự báo từ Boston Consulting Group, thị trường này dự kiến sẽ phát triển bùng nổ, với giá trị toàn cầu có thể đạt tới 51 tỷ USD vào năm 2026, phản ánh sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng và sự gia tăng nhu cầu về các sản phẩm bền vững.
"Emily in Paris" mùa 4 không chỉ là một hiện tượng văn hóa đại chúng mà còn là biểu tượng của sự kết hợp giữa giải trí và chiến lược tiếp thị hiện đại. Bằng cách lồng ghép các thương hiệu nổi tiếng vào nội dung phim, từ thời trang, mỹ phẩm, đến các sản phẩm xa xỉ, bộ phim không chỉ thu hút người xem bằng câu chuyện lãng mạn mà còn kích thích sự quan tâm và hành vi tiêu dùng của khán giả toàn cầu. Từ đó, còn góp phần truyền cảm hứng cho những thế hệ marketer trẻ tuổi.
Kim Yến
Đừng quên đăng ký newsletter của Advertising Vietnam để cập nhật những thông tin mới nhất về marketing, quảng cáo hàng tuần!