Nhìn vào chiến địa Marketing ngày nay, không ít các chuyên gia phải thừa nhận rằng quảng cáo đã không còn giữ vị thế mũi nhọn trong tiếp thị. Thay vào đó, các chương trình khuyến mãi đang dần “lên ngôi”, trở thành giải pháp lý tưởng của nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ trong suốt những thập kỷ qua. 


Phát triển mạnh mẽ theo thời gian, khuyến mãi (sales promotion) không còn đơn thuần là những chương trình ngắn hạn và kém hiệu quả. Ngày nay, các chương trình khuyến mãi được thiết kế chỉn chu và mang tính chiến lược, góp phần xây dựng thương hiệu độc đáo và tiếp cận được những tệp khách hàng phong phú hơn.


Chương trình khuyến mãi - chiến lược “đọc vị” khách hàng


Có muôn vàn lý do để một thương hiệu chuyển sang đầu tư vào chương trình khuyến mãi thay vì quảng cáo. Một nghiên cứu cho biết 70% người tiêu dùng “xiêu lòng” trước những ưu đãi, vì họ xem đấy là “vị cứu tinh” khi có quá nhiều lựa chọn bày ra trước mắt. Về cơ bản, khuyến mãi là những ưu đãi mà nhãn hàng dành tặng cho người tiêu dùng hoặc nhà phân phối, nhằm thôi thúc đối tượng mua hàng ngay lập tức.


Mã giảm giá, phiếu mua hàng, rút thăm trúng thưởng,... đều là những dạng thức khác nhau của khuyến mãi.Khuyến mãi có sức hút mạnh mẽ khiến người tiêu dùng mua nhiều sản phẩm với tần suất thường xuyên hơn. Kể cả những khách hàng mà quảng cáo không dễ dàng lung lay cũng có xu hướng “mềm lòng” trước khuyến mãi. Chính vì thế, các chương trình khuyến mãi được xem như vũ khí đắc lực giúp các marketers đưa sản phẩm ra thị trường nhanh chóng và hiệu quả nhất. 


Nguồn: Freepik.


Trên thực tế, khuyến mãi được chia thành hai dạng thức chính: Khuyến mãi cho người tiêu dùng và Khuyến mãi cho các đơn vị kinh doanh. Bài viết này đặt trọng tâm vào dạng thức đầu tiên - Khuyến mãi dành cho người tiêu dùng, và tập trung phân tích hiệu quả của những chiến lược này.


8 loại hình khuyến mãi phổ biến nhất


1. Sampling - Hàng dùng thử


  • Thường được áp dụng cho những dòng sản phẩm mới ra mắt trên thị trường hoặc phiên bản nâng cấp của sản phẩm cũ. Đây là hình thức khuyến mãi tốn kém nhất nhưng đồng thời cũng rất hiệu quả, bởi lẽ khách hàng được trải nghiệm thực tế sản phẩm, khác xa với sự hào nhoáng của quảng cáo. Thương hiệu có thể bù lỗ nhanh chóng nếu người dùng cảm nhận hiệu quả chỉ sau vài lần sử dụng. Ngược lại, nếu mẫu dùng thử gây kích ứng hoặc không đạt hiệu quả như ý muốn, khả năng cao là thương hiệu sẽ làm phật ý người mua hàng.Sản phẩm dùng thử được sử dụng dưới nhiều hình thức khác nhau:Tặng hàng dùng thử tận nhà
  • Gửi hàng dùng thử qua email
  • Nhận hàng tại quầy thanh toán
  • Tặng kèm theo sản phẩm khác...


Hàng dùng thử của chuỗi cửa hàng mỹ phẩm nổi tiếng Sephora.


Sephora nổi tiếng với các tín đồ làm đẹp nhờ chiến lược ưu đãi cho khách mua hàng trực tuyến với đa dạng nhiều loại quà dùng thử: hàng mẫu cho dòng sản phẩm mới, phiên bản Mini của sản phẩm được cộng đồng làm đẹp tin dùng,


2. Couponing - Mã giảm giá


Đây là loại hình khuyến mãi lâu đời nhất trong các dịch vụ ưu đãi. Mã giảm giá được xem là lựa chọn hàng đầu để thúc đẩy doanh số với mọi dòng sản phẩm từ cũ đến mới. Các thương hiệu vô cùng sáng tạo để gắn mã giảm giá vào sản phẩm:



Mã giảm giá điện tử của các hãng sữa Friso, Dutch Lady, Ovaltine… trên Shopee.


Đây là hình thức phổ biến nhất của mã giảm giá ngày nay, khi các sàn thương mại điện tử đã trở thành một phần không thể thiếu của người tiêu dùng. 



Mã giảm giá trên tạp chí Go-Guy Ticket của Nhật.


Nhật Bản nổi tiếng với lượng tiêu thụ báo giấy và tạp chí khổng lồ hằng năm. Đây chính là nền tảng lý tưởng để các thương hiệu quảng bá chương trình ưu đãi cũng như sản phẩm của mình. Khách hàng có thể cắt mã khuyến mãi yêu thích từ trang báo và trình cho nhân viên khi đến mua hàng.



Mã giảm giá trên bao bì sản phẩm của hãng đồ hộp Juanita.


Thương hiệu đặt mã vào những sản phẩm bất kỳ, người mua may mắn có thể trúng thưởng mã ưu đãi với nhiều giá trị khác nhau.



Máy phát hành mã giảm giá tại siêu thị của hãng bơ sữa Kraft Philadelphia.


Khách hàng có thể tự do lấy mã và áp dụng ở quầy thanh toán. Máy chỉ được đặt giới hạn ở một vài siêu thị trong khu vực và mã giảm giá cũng chỉ áp dụng trong khung thời gian nhất định.Điểm trừ của chiến lược dùng Mã giảm giá là khách hàng cần 2-6 tháng để sử dụng mã giảm giá. Rất khó để đội ngũ Marketing nghiệm thu hiệu quả quảng bá ngay lập tức. Hơn nữa, đối với những thương hiệu muốn mở rộng đối tượng mua hàng, coupon cũng là một lựa chọn nan giải vì người tiêu dùng có thể tặng coupon lại cho người khác. 3. Premiums - Quà tặng kèm


Quà tặng kèm rất phổ biến với các chuỗi nhà hàng, nhất là những nhà hàng bán đồ ăn nhanh như McDonald’s hay Burger King. Những doanh nghiệp này thường phát động chương trình tặng miễn phí đồ chơi, móc chìa khóa, mô hình lắp ghép… theo các suất ăn. 



Bộ quà tặng kèm các nhân vật trong phim “Toy Story 2” phiên bản giới hạn McDonald’s và Disney.


Nhiều người cho rằng Quà tặng kèm là công cụ để các thương hiệu lợi dụng trẻ em và không ủng hộ hình thức khuyến mãi này. Chính vì thế, ở một vài quốc gia, việc quảng cáo hoặc quà tặng kèm hướng đến đối tượng là trẻ em được kiểm soát vô cùng nghiêm ngặt và luôn nằm trong tầm ngắm chỉ trích của cộng đồng.


4. Contents & Sweeptakes - Cuộc thi & Rút thăm trúng thưởng


Những cuộc thi và cơ hội rút thăm trúng thưởng từ các nhãn hàng là hình thức ưu đãi “trá hình”, nhưng lại gây hứng thú mạnh mẽ cho người tiêu dùng. Một khi chọn hướng đi này, các doanh nghiệp phải lưu ý đặt chủ đề cuộc thi sát với mối quan tâm của khách hàng. Đồng thời, cuộc thi cần mang tính giải trí cao và giá trị giải thưởng phải đủ hấp dẫn để kêu gọi khách hàng tham gia. 


Cuộc thi thiết kế cho sinh viên của Nội thất MOHO.


Tuy nhiên, ngày nay nhiều khách hàng chỉ “săn sale” qua các website chuyên tổng hợp ngày tháng và địa điểm của các giải rút thăm trúng thưởng từ nhiều nhãn hàng khác nhau. Sự xuất hiện của những “chuyên gia săn sale” này khiến nhiều khách hàng chùn bước và dần mất niềm tin vào khả năng trúng giải của mình.


5. Refund - Hoàn tiền


Áp dụng với mọi loại hình sản phẩm từ đồ gia dụng, đến đồ điện tử, xe hơi... Tuy nhiên, thủ tục nhận lại tiền hoàn thường yêu cầu nhiều giấy tờ và tốn rất nhiều thời gian, vậy nên khách hàng thường bỏ cuộc giữa chừng và không mấy hứng thú khi nghe đến loại hình ưu đãi này.


6. Bonus Packs - Tăng lượng sản phẩm


Loại khuyến mãi này rất khó thu hút được khách hàng mới, chỉ hướng đến những khách hàng trung thành của hãng.Bánh O’Star ra mắt phiên bản mới tăng 20% lượng bánh.


7. Loyalty Programs - Chương trình khách hàng thân thiết


Hầu hết các siêu thị đều cung cấp dịch vụ này để thu hút khách hàng qua các đợt giảm giá, quà thưởng, nhận thông báo ưu đãi… Loại hình này cũng được những ngành hàng dịch vụ ưa chuộng, nhất là du lịch và khách sạn. Theo thời gian, nhiều sản phẩm đóng gói như Pillsbury, Nestle, Kraft… cũng ra mắt chương trình tích điểm như một hình thức mới của “Khách hàng thân thiết”, thúc đẩy người tiêu dùng tranh điểm thưởng đổi quà. Chương trình Khách hàng thân thiết là một vũ khí đắc lực giúp các thương hiệu thu thập dữ liệu khách hàng, từ đó dễ làm sâu sắc quan hệ với khách hơn. 


8. Event Marketing - Tiếp thị sự kiện


Các thương hiệu có thể tự thiết kế sự kiện riêng, phù hợp với sản phẩm và khách hàng đối tượng để mang đến trải nghiệm cho khách hàng.


Sự kiện “Facebook IQ Live” từ Facebook. Facebook tổ chức sự kiện dành riêng cho các


Marketers, triển lãm thông tin độc quyền về xu hướng người dùng phục vụ cho việc quảng bá thương hiệu trên MXH này.Cần lưu ý rằng, Tiếp thị sự kiện khác với Tài trợ sự kiện. Khi tài trợ sự kiện, thương hiệu đầu tư chi phí tổ chức cho sự kiện với điều kiện phủ sóng tên thương hiệu, logo và slogan trong suốt thời gian trình chiếu. 


Pepsi và LG lần lượt là đơn vị Tài trợ chính và Đồng tài trợ cho chương trình Rap Việt.


Mỗi marketer sử dụng một chiến lược khuyến mãi khác nhau để đạt được mục tiêu mình mong muốn. Vì thế, trước khi lên ý tưởng và đầu tư vào chương trình khuyến mãi, thương hiệu cần tham vấn các chuyên gia để định hướng kỹ càng, tránh trường hợp không đạt được hiệu quả như mong đợi.


Hồng Ân / Advertising Vietnam

Tổng hợp