Ngày nay, có hàng triệu người “nghiện” chia sẻ thông tin lên mạng xã hội mỗi ngày. Hãy cùng nghiên cứu những chủ đề mà người dùng mạng thường chia sẻ lên các nền tảng cộng đồng, và lý giải xu hướng này dưới góc nhìn tâm lý học.


Các phương tiện truyền thông xã hội (social media) đã thay đổi hoàn toàn cách chúng ta giao tiếp, kết nối, và chia sẻ thông tin. Những nền tảng này gần như xóa bỏ khoảng cách địa lý giữa ta với gia đình và bạn bè, đồng thời tạo điều kiện để ta chia sẻ tin tức, trải nghiệm của bản thân với mọi người xung quanh. Nhưng tại sao người dùng mạng lại thích chia sẻ thông tin lên các trang social? Loại nội dung nào thường được họ quan tâm nhất? Đây là câu hỏi mà các marketer cần đào sâu nghiên cứu để có thể tiếp cận tệp khách hàng tiềm năng của mình thông qua các phương tiện truyền thông kỹ thuật số.


Trong bài viết này, chúng ta sẽ khám phá lý do đằng sau lối sống “ảo” của người dùng internet hiện nay, các dạng nội dung mà mọi người thường tiếp cận và chia sẻ, cũng như cách các nhóm tuổi khác nhau sử dụng mạng xã hội.

Infographic phân tích xu hướng chia sẻ thông tin của người dùng mạng xã hội (Nguồn: red-website-design.co.uk)


5 lý do khiến người dùng thích chia sẻ thông tin lên mạng xã hội


Bất kỳ một tổ chức hay doanh nghiệp nào cũng cần nghiên cứu tâm lý người dùng mạng, vì khách hàng tiềm năng của họ nằm trong số hàng chục triệu người đang tích cực hoạt động trên mạng xã hội mỗi ngày. Trong phần này, ta sẽ tìm hiểu những động lực thúc đẩy người dùng internet chia sẻ thông tin lên social media. Thông qua đó, marketer sẽ hiểu hơn về lý do cũng như cách thức người dùng internet tham gia vào những nền tảng social - vốn là một phần không thể thiếu trong thời đại thông tin kỹ thuật số.


Lý do #1: Thể hiện bản thân


Nhu cầu thể hiện bản thân là một trong những động lực chính thúc đẩy mọi người chia sẻ về chính mình trên mạng xã hội. Đây là nơi để cư dân mạng tạo dấu ấn cá nhân thông qua việc chia sẻ những hình ảnh, video và cập nhật về cuộc sống một cách có chọn lọc.


Nhu cầu này bắt nguồn từ mong muốn được xã hội công nhận của con người. Khi nhận được nhiều lượt tương tác và chia sẻ trên bài đăng của mình, người dùng sẽ cảm thấy tự tin hơn và cảm giác như mình thực sự là một phần của cộng đồng. Profile cá nhân thể hiện cách họ muốn được mọi người nhìn nhận: Có thể là hình ảnh về một người đam mê du lịch, thích khám phá ẩm thực, “ghiền” tập thể hình, hay là một nhà hoạt động xã hội.


Blogger Hằng Đinh là một KOC nổi tiếng trong lĩnh vực du lịch (Nguồn: Facebook)


Lý do #2: Kết nối xã hội


Con người vốn là sinh vật xã hội, và social media là một “sân chơi” giúp ta kết nối với người khác. Chia sẻ nội dung trên mạng xã hội là một cách để duy trì và củng cố mối quan hệ với bạn bè, gia đình và người quen, ngay cả khi mọi người cách xa nhau về mặt địa lý.


Việc cập nhật về bản thân, đăng ảnh gia đình và đánh dấu các cột mốc quan trọng trong cuộc đời giúp chúng ta duy trì mối quan hệ với vòng tròn xã hội của bản thân. Nó thỏa mãn cảm giác được thuộc về một cộng đồng nào đó, và giúp ta cập nhật thông tin về cuộc sống của những người ta quan tâm, ăn mừng những thành tựu mà họ đạt được, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn và chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với họ.


Lý do #3: Chia sẻ thông tin


Nhiều người thường xuyên chia sẻ thông tin hữu ích đến cộng đồng thông qua mạng xã hội, như một bài báo, tài liệu giáo dục, hay video hướng dẫn. Các nền tảng này đã trở thành công cụ mạnh mẽ để truyền bá và nâng cao nhận thức về nhiều vấn đề khác nhau.


Cư dân mạng cũng hay chia sẻ những thông tin liên quan đến sở thích và quan điểm của mình với mục đích giáo dục, thảo luận với mọi người hoặc ủng hộ một điều gì đó. Đây là cách để các cá nhân đóng góp cho hệ sinh thái thông tin và lên tiếng trong các vấn đề quan trọng trong cộng đồng.


Lý do #4: Nhu cầu giải trí


Thực chất, không phải nội dung nào được chia sẻ lên social media cũng phải nghiêm túc và cung cấp nhiều thông tin. Phần lớn người dùng có nhu cầu giải trí và “xả stress” thông qua các meme, video hài và truyện cười. Những dạng bài đăng này thường được chia sẻ nhiều và rất dễ “viral”, mang lại tiếng cười cho cả khán giả và người tạo ra chúng.


Chia sẻ nội dung giải trí cũng có thể là một cách để xoa dịu tâm trạng, cho phép người dùng tạm gác những muộn phiền trong cuộc sống sang một bên. Đây là một hình thức “thoát ly kỹ thuật số” (Digital escapism) khá ý nghĩa, mang lại niềm vui và tiếng cười cho cộng đồng.


Lý do #5: Nỗi sợ bỏ lỡ


Nỗi sợ bỏ lỡ (FOMO) là động lực mạnh mẽ thúc đẩy người dùng đăng bài và hoạt động thường xuyên trên mạng xã hội. Người mắc hội chứng FOMO luôn lo sợ sẽ bỏ lỡ các sự kiện thú vị, trải nghiệm đặc biệt, những cơ hội lớn,... mà người khác đang có. Các phương tiện truyền thông xã hội khuếch đại cảm giác này bằng cách liên tục cho họ thấy những khoảnh khắc nổi bật trong cuộc sống của người khác.


Để chống lại nỗi sợ này, người dùng mạng thường sẽ chia sẻ thêm kinh nghiệm, chuyến đi hoặc thành tích của bản thân để chứng minh rằng họ rất năng động và không bị lạc hậu. Họ muốn chứng tỏ rằng bản thân cũng tham gia vào các sự kiện lớn và có nhiều trải nghiệm thú vị. Mong muốn trở thành người có sức ảnh hưởng thúc đẩy họ chia sẻ nhiều hơn nữa để được nhìn thấy và công nhận.


Cư dân mạng hào hứng “check-in” tại những sự kiện lớn (Nguồn: Facebook)


Ma trận nội dung được chia sẻ trên mạng xã hội


Sau khi biết được động cơ tâm lý đằng sau xu hướng chia sẻ thường xuyên trên mạng xã hội, hãy cùng đào sâu vào các loại nội dung thường được mọi người chia sẻ nhiều nhất. Tùy vào mục đích (để nâng cao nhận thức hoặc mua sắm) và cách truyền đạt (dạt dào cảm xúc hay chính xác và lý trí), nội dung do người dùng chia sẻ có thể được phân thành 4 nhóm: Giải trí (Entertaining), Truyền cảm hứng (Inspiring), Giáo dục (Educational), và Thuyết phục (Convincing). 


Ma trận nội dung chỉ ra 4 dạng nội dung thường được chia sẻ


Các hình thức nội dung có thể bao gồm:


1. Cập nhật cá nhân


Cập nhật cá nhân là cốt lõi của nhu cầu chia sẻ trên social. Đây có thể là một dòng trạng thái, các cột mốc quan trọng, và các hoạt động hàng ngày. Mọi người nói lên suy nghĩ, cảm xúc và kinh nghiệm của riêng mình, từ đó giúp người quen hiểu thêm về cuộc sống của họ. Một vài ví dụ về cập nhật cá nhân bao gồm thông báo về tiệc đính hôn, sinh con, tốt nghiệp hoặc cơ hội việc làm mới.


2. Hình ảnh và video kỷ niệm


Hình ảnh và video thường rất hấp dẫn và có tính tương tác cao. Chúng ghi lại những trải nghiệm và kỷ niệm mà ngôn từ không thể truyền tải được trọn vẹn. Mọi người thường chia sẻ ảnh và video về kỳ nghỉ, buổi họp mặt gia đình, lễ kỷ niệm, và các sự kiện đặc biệt trong đời. Những bức ảnh du lịch đáng nhớ, video thú cưng, và những khoảnh khắc cảm động là những chủ đề thường xuyên được nhiều người quan tâm.


Người dùng thường đăng hình lên mạng xã hội để lưu trữ kỷ niệm


3. Tin mới và thông tin bổ ích


Việc chia sẻ các bài báo, blog và bài đăng mới là cách người dùng cập nhật thông tin trên trang social của mình. Mọi người thường chia sẻ thông tin mà họ cho là có giá trị, đáng tin cậy và kích thích tư duy. Đó có thể là tin nóng, lời khuyên về sức khỏe hay khám phá khoa học,... 


4. Tin giải trí và nội dung hài hước


Tin giải trí và hài hước luôn là một phần thiết yếu trên mạng xã hội. Meme, video hài, ảnh GIF và truyện cười thường rất được yêu thích và được chia sẻ rộng rãi. Các dạng nội dung này mang lại tiếng cười cho người dùng, và họ chia sẻ chúng để những người khác cũng được tận hưởng niềm vui.


5. Nội dung truyền cảm hứng


Những câu nói truyền cảm hứng, tấm gương vượt khó và những câu chuyện thành công thường xuất hiện nhiều trên mạng. Người dùng thích chia sẻ nội dung về những câu chuyện xúc động, truyền cảm hứng tích cực để khích lệ và động viên người thân.


Các bài viết về những tấm gương vượt khó trong công việc, học tập thường có lượt chia sẻ rất cao (Nguồn: Facebook)


6. Thực trạng và lời kêu gọi hành động trước những vấn đề xã hội


Các trang social media là công cụ mạnh mẽ để vận động, tuyên truyền và nâng cao nhận thức về những vấn đề xã hội. Mọi người thường xuyên chia sẻ nội dung liên quan đến môi trường, chính trị, hay những vấn đề mà họ quan tâm tìm hiểu. Trong đó, nhiều phần là những kiến nghị, kêu gọi hành động, vận động quyên góp để hỗ trợ một phong trào cụ thể.


Cách biệt thế hệ trên mạng xã hội: Các nhóm tuổi khác nhau quan tâm đến những chủ đề khác nhau


Người dùng ở những độ tuổi khác nhau có cách tiếp cận mạng xã hội riêng biệt, dẫn đến sự phân hóa trong hành vi chia sẻ và xu hướng tiếp cận thông tin.


Thời gian “lướt mạng” và chủ đề ưa thích của các thế hệ đều khác nhau


1. Gen Z (Sinh năm 1997-2012):


Gen Z lớn lên với sự phát triển bùng nổ của social media, đây là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của họ. Người trẻ tuổi có xu hướng chia sẻ đủ thứ lên các nền tảng này, từ cập nhật cá nhân, mục tiêu sống, đến sở thích và đam mê. Đặc biệt, những nội dung trực quan như hình ảnh và video thường rất thu hút Gen Z. Vì vậy, họ thường hoạt động mạnh mẽ ở các nền tảng như Instagram TikTok.


2. Millennials (Sinh năm 1981-1996):


Thế hệ Millennials được xem là nhóm người đầu tiên tiếp xúc với các nền tảng kỹ thuật số, vì vậy họ cũng hoạt động rất tích cực trên mạng xã hội. Họ thường cập nhật về bản thân, đăng ảnh, video, chia sẻ tin tức mới về công nghệ, và ủng hộ những chính sách xã hội. Millennials coi trọng tính xác thực thông tin, và thường tích cực ủng hộ các phong trào mà họ tin tưởng.


3. Gen X (Sinh năm 1965-1980):


Thế hệ phụ huynh của Gen Z ít hoạt động trên mạng xã hội hơn so với thế hệ trẻ, nhưng họ vẫn khá tích cực chia sẻ những thông tin về thành tích cá nhân và gia đình. Thông thường, Gen X ưa dùng nền tảng Facebook để kết nối với bạn bè và gia đình, cũng như cập nhật thông tin về cuộc sống của họ.


Người dùng chia sẻ những tấm ảnh chụp gia đình để lưu giữ kỷ niệm (Nguồn: boldstudio.vn)


4. Baby boomers (Sinh năm 1946-1964) và Thế hệ Im lặng (Sinh năm 1928-1945):


Baby boomers là thế hệ người dùng lớn tuổi nhất trên mạng xã hội. Họ sử dụng các nền tảng như Facebook để giữ liên lạc với người thân và chia sẻ hình ảnh, tin tức về gia đình của mình. Khác với thế hệ trẻ, họ cũng ít tham gia vận động chính sách hay chia sẻ tin giải trí. 


So với đó, những người thuộc Thế hệ Im lặng càng ít hoạt động hơn nữa trên mạng xã hội. Nếu có, đa phần mục đích của họ chỉ là để liên lạc với người thân hoặc đọc tin tức.


Áp dụng tâm lý học vào hoạt động tiếp thị trên các trang truyền thông xã hội


Nếu biết cách tận dụng khéo léo xu hướng sử dụng mạng xã hội của từng nhóm khách hàng, marketer sẽ có thể nâng cao hiệu ứng tiếp thị truyền thông cho doanh nghiệp. Dưới đây là một số cách để cải thiện chiến lược Social Media Marketing:


  • Hiểu rõ khách hàng:

Tiến hành nghiên cứu đối tượng khách hàng thật kỹ lưỡng để hiểu hơn về động cơ, sở thích và nhân khẩu học của đối tượng mục tiêu. “Biết người biết ta, content nào cũng thắng”.


  • Khơi gợi cảm xúc:

Mọi người thường cảm thấy kết nối và thích chia sẻ những nội dung gợi lên cảm xúc mạnh mẽ, ví dụ như những nội dung hài hước, gợi sự đồng cảm, truyền động lực, hoặc có “plot twist” bất ngờ. Hãy sử dụng nghệ thuật kể chuyện cùng minh họa hấp dẫn để kết nối với khán giả về mặt cảm xúc.


  • Khuyến khích nội dung từ người dùng (User-generated content): 

Hãy ưu tiên khuyến khích khách hàng tự tạo và chia sẻ nội dung liên quan đến sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp. Những hoạt động này không chỉ tạo dựng mối quan hệ giữa doanh nghiệp với khách hàng, mà còn giúp doanh nghiệp xây dựng hình ảnh uy tín, đồng thời khai thác tâm lý muốn được kết nối và công nhận của người dùng.

Thương hiệu Dầu gội dược liệu Thái Dương tổ chức một cuộc thi sáng tạo nội dung cho khách hàng (Nguồn: Facebook)


  • Nhấn mạnh độ tin cậy và bảo chứng từ cộng đồng:

Hiển thị các đánh giá tích cực, nhận xét và lời chứng thực những khách hàng đi trước. Những thừa nhận từ cộng đồng có ảnh hưởng mạnh mẽ đến quyết định mua hàng của người dùng, đồng thời cũng có thể giúp thương hiệu được chia sẻ và biết đến rộng rãi hơn.


  • Tạo nội dung dễ chia sẻ: 

Những nội dung trực quan như hình ảnh, video và biểu đồ thông tin (Infographics) thường dễ tiếp cận và chia sẻ hơn. Hãy đầu tư vào những hình ảnh và video chất lượng cao để truyền tải thông điệp một cách hiệu quả, dễ dàng được chia sẻ lại trên các nền tảng truyền thông khác nhau.


  • Tích hợp nút chia sẻ lên mạng xã hội:

Doanh nghiệp nên tích hợp các nút chia sẻ trên website và blog của mình, cho phép người dùng dễ dàng chia sẻ và truy cập những nội dung từ website lên mạng xã hội.Việc này sẽ mở rộng phạm vi tiếp cận và tăng khả năng hiển thị của doanh nghiệp.


  • Trò chuyện với khán giả:

Tích cực tương tác với khán giả bằng cách trả lời các bình luận, câu hỏi và tin nhắn. Xây dựng mối quan hệ đích thực trên mạng xã hội mang đến cho doanh nghiệp nhiều lượt chia sẻ hơn, khiến những người theo dõi trang cảm nhận được mối liên kết sâu sắc hơn với thương hiệu.


  • “Lợi dụng” hiệu ứng FOMO:

Tạo nội dung có thể khơi gợi nỗi sợ bỏ lỡ (FOMO) của người dùng: Ưu đãi trong thời gian có hạn, khuyến mãi độc quyền, thông tin hậu trường,... Những dạng tin tức này có thể lôi kéo người dùng chia sẻ nội dung của doanh nghiệp cho bạn bè và người thân cùng theo dõi. 


  • Hỗ trợ các phong trào xã hội:

Việc doanh nghiệp lên tiếng ủng hộ những phong trào hoặc ý tưởng xã hội có liên quan đến hoạt động của thương hiệu sẽ gây tiếng vang lớn với người tiêu dùng, truyền cảm hứng cho người dùng và khuyến khích họ tham gia chia sẻ về sự kiện được truyền thông. 


Adidas ủng hộ 6,3 tỉ cho chiến dịch 'Hồi sinh nhịp thở Việt Nam' vào năm 2021 (Nguồn: plo.vn)


  • Thường xuyên cập nhật và phân tích dữ liệu:

Hãy liên tục cập nhật và phân tích hiệu suất của các bài đăng trên mạng xã hội. Những chỉ số như lượt chia sẻ, lượt tương tác, bình luận và các số liệu khác đều rất quan trọng. Những chi tiết này có thể giúp thương hiệu theo dõi sự thay đổi của khán giả và tinh chỉnh chiến lược nội dung cho phù hợp.


  • Khai thác sức mạnh của các Influencer:

Thương hiệu nên cộng tác với những người có ảnh hưởng (influencer) trên mạng xã hội, đặc biệt là người phù hợp với giá trị thương hiệu và đối tượng khách hàng của doanh nghiệp. Những người này có tác động đáng kể đến những người theo dõi họ, từ đó lan truyền thông điệp của doanh nghiệp đến mạng lưới xã hội của họ.


  • Kiểm tra và thử nghiệm:

Đừng ngại thử nghiệm các loại nội dung, thời gian đăng bài và thông điệp khác nhau. Hình thức A/B testing có thể giúp marketer xác định điều phù hợp nhất với khán giả và thúc đẩy nhiều lượt chia sẻ hơn.


Bằng cách thấu hiểu xu hướng chia sẻ thông tin trên mạng xã hội của đối tượng khách hàng mục tiêu và những mẹo cải thiện tương tác kể trên, doanh nghiệp có thể tạo ra chiến lược truyền thông hấp dẫn và hiệu quả hơn, không chỉ tăng phạm vi tiếp cận mà còn tạo mối liên kết sâu sắc với những người theo dõi fanpage của thương hiệu.


Kết luận


Các phương tiện truyền thông xã hội đã thay đổi cách chúng ta giao tiếp, chia sẻ thông tin và kết nối với những người xung quanh. Việc tìm hiểu xu hướng chia sẻ thông tin của khách hàng sẽ giúp chúng ta hiểu rõ động lực thúc đẩy họ hoạt động trên mạng xã hội. Nhu cầu của mỗi người đều khác biệt và đa dạng, dù là để thể hiện bản thân, kết nối xã hội, chia sẻ thông tin, giải trí hay tạo ảnh hưởng. Ngoài ra, dạng nội dung mà người dùng lựa chọn chia sẻ cũng phản ánh sở thích, tư tưởng và cảm xúc của họ, góp phần tạo nên nét sống động và đa chiều của mạng xã hội. Việc này sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng ở một mức độ sâu sắc hơn.


Cuối cùng, khoảng cách thế hệ nêu bật cách các nhóm tuổi khác nhau tiếp cận việc chia sẻ trên mạng xã hội. Khi các phương tiện truyền thông xã hội phát triển, thì cách mọi người kết nối và thể hiện bản thân cũng vậy. Doanh nghiệp cần theo dõi sát sao sự biến động này để định hình chiến lược Social Media Marketing cho phù hợp.


Theo Red Website Design

Kim Thảo