Mỗi lần gặp vấn đề khó giải quyết trong các mối quan hệ, chúng ta có xu hướng... tra Google: "Làm sao để biết anh ấy còn tình cảm?", "Con trai nghiện chơi game", "Yêu xa, có nên không?",...


Nắm bắt được insight này, IKEA Thụy Điển đã hợp tác cùng agency Åkestam Holst thực hiện chiến dịch "Retail Therapy" (tạm dịch: Liệu pháp Bán lẻ) vào năm 2016. Sau khi nghiên cứu và xem xét các tìm kiếm phổ biến của Google ở Thụy Điển, IKEA đã đổi tên hàng loạt sản phẩm của mình khớp với những từ khóa này. Sau đó, các sản phẩm với tên mới được ra mắt trên trang web “ikeaRetailTherapy.com”



IKEA khép lại video quảng cáo chiến dịch với một thông điệp dí dỏm: "Cho dù đó là một ông chồng ngáy ngủ, một cậu con trai chơi game suốt ngày hay bất kỳ vấn đề nào bạn phải đối mặt, IKEA đều có thể giúp đỡ bạn. Hoặc chí ít sẽ giúp đặt một nụ cười lên môi khi bạn tìm kiếm câu trả lời trên Google."


Thông qua chiến dịch, IKEA phản ánh và mang đến giải pháp cho những vấn đề thường nảy sinh trong các mối quan hệ của người dùng. Chẳng hạn như nếu người dùng tìm kiếm “Bố tôi dị ứng với vật nuôi có lông”, kết quả sẽ hiển thị một sản phẩm chó bông xinh xắn có thể thay thế…chó thật. Hay người dùng sẽ tìm thấy sản phẩm tủ có khóa khi tra cứu "Chị gái cứ lấy đồ của tôi". 


Sản phẩm tủ khóa của IKEA


Không những thế, các sản phẩm cũng đã được đổi tên và thêm mô tả rất ngộ nghĩnh, điển hình như chiếc bàn để ủi quần áo "How to know if he loves me" (tạm dịch: Làm sao để biết anh ấy có yêu tôi không). IKEA đã mô tả sản phẩm như sau: "Cuộc sống vốn dĩ là như thế tại IKEA. Sản phẩm này ban đầu có tên DÅNKA nhưng hiện tại đã được đổi tên thành chính câu hỏi bạn vừa tra Google. Tất cả đều mang mong muốn giúp cuộc sống của bạn ‘dễ thở’ hơn, bởi cuộc sống thay đổi từng ngày và dù thế nào đi nữa, mọi thứ đều sẽ tốt đẹp lên.''


Chiếc bàn để ủi quần áo được thay đổi tên và dòng mô tả đầy thú vị


Có thể thấy, IKEA đã khéo léo xây dựng sự kết nối giữa khách hàng và thương hiệu, đồng thời truyền tải thông điệp "IKEA có thể giúp bạn giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống" với chiến dịch thú vị này.


Ý tưởng độc đáo đã giúp "Retail Therapy" đạt được 175 tỷ lượt hiển thị trên các phương tiện truyền thông xã hội trên toàn cầu. Ngoài ra, chiến dịch cũng được xem là một "chiêu" giúp IKEA tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO), tăng xếp hạng tìm kiếm cho sản phẩm của thương hiệu.


Kim Ngọc / Advertising Vietnam