Những biến chuyển mạnh mẽ của công nghệ cùng sự thay đổi về mặt nhận thức xã hội là tiền đề vững chắc cho sự ra đời của Marketing 5.0 - bước tiến lớn của ngành tiếp thị trong thế kỷ 21.


Philip Kotler đã nghiên cứu và phát triển phương thức Marketing 5.0 để giảm áp lực tiếp thị và hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiếp cận khách hàng tối ưu hơn. Chính vì vậy, Marketing 5.0 được các chuyên gia đánh giá và nhận định là xu hướng tiếp thị số cho kỷ nguyên của nhân loại. 


1, Marketing 5.0 là gì?


Marketing 5.0 là một khái niệm mới trong ngành tiếp thị, đánh dấu bước “chuyển mình” của các phương thức tiếp thị truyền thống sang hình thức tiếp thị mới đa chiều và giàu tính tương tác, với việc tập trung nhiều hơn vào giá trị trải nghiệm khách hàng.


Trước khi bóc tách khái niệm của Marketing 5.0, doanh nghiệp có thể điểm lại dòng thời gian phát triển của các thời kỳ Marketing trước đó:


  • Marketing 1.0 là Marketing lấy sản phẩm làm trung tâm. 
  • Marketing 2.0 là Marketing hướng tới người tiêu dùng
  • Marketing 3.0 là Marketing dựa trên giá trị. Trọng tâm chính là vào một người. Các công ty chuyển từ định hướng người tiêu dùng sang định hướng con người và khi việc theo đuổi lợi nhuận được kết hợp với trách nhiệm của công ty. 
  • Marketing 4.0 là sự chuyển dịch từ truyền thống sang kỹ thuật số. Phương pháp Marketing này kết hợp tương tác trực tuyến và ngoại tuyến giữa công ty và người tiêu dùng.


Cho đến hiện nay, Marketing 5.0 thừa hưởng các kỹ thuật Marketing 4.0 nhưng ứng dụng thêm nhiều công nghệ mới như AI – trí tuệ nhân tạo hoặc các kỹ thuật xử lý ngôn ngữ tự nhiên (Natural Language Processing – NLP) vào chiến lược của mình. Ngoài ra, còn có các công nghệ cảm biến và Internet kết nối vạn vật (Internet of Things – IoT) để tiếp cận với khách hàng tốt hơn.


Liên quan đến khái niệm này, Philip Kotler - cha đẻ ngành Marketing hiện đại đã nhận định như sau: “Marketing 5.0 là việc ứng dụng các công nghệ hiện đại để định hình lại phương thức giao tiếp, tiếp cận và tương tác nhằm nâng cao giá trị trong từng hành trình trải nghiệm của khách hàng. Đồng thời chỉ ra những khó khăn, thách thức đang phải đối mặt và đưa ra các giải pháp về mặt công nghệ nhằm tối ưu hóa hiệu quả trong từng chiến lược tiếp thị”.



2, Marketing 5.0 xuất hiện từ bao giờ?


Marketing 5.0 của Philip Kotler là xu hướng tiếp thị mới nhất của thời đại được sinh ra trong thời điểm nền kinh tế đối mặt với khủng hoảng do Covid-19 và sự phát triển quá nhanh của công nghệ. Rất khó để có thể nhận định chính xác được thời điểm xuất hiện của Marketing 5.0. Tuy nhiên, hai thời điểm trên chính là hai yếu tố đã tác động và thúc đẩy quá trình diễn ra Marketing 5.0 nhanh và mạnh mẽ hơn trong đời sống hiện đại


Sự bùng nổ của công nghệ số là một trong những nguyên chính “kích thích” sự ra đời của Marketing 5.0. Chỉ trong ít năm chúng ta đã được chứng kiến sự thay đổi bất ngờ của giới khoa học kỹ thuật. Rất nhiều công nghệ mới ra đời như trí tuệ nhân tạo (AI); thực tế tăng cường (AR); IoT: blockchain,... Bên cạnh đó là sự thay đổi về mặt hành vi của người tiêu dùng. Tất cả đã góp phần tạo nên “áp lực” đối với các doanh nghiệp. Họ buộc phải thay đổi hình thức tiếp thị mới để có thể tiếp cận với khách hàng của mình theo cách lý tường nhất.


Một nhân tố khác cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự thay đổi của phương thức tiếp thị chính là đại dịch Covid-19. Sự xuất hiện của Covid-19 đã khiến cho toàn cầu bị ảnh hưởng; hàng loạt các hoạt động mua bán, tiếp thị truyền thống bị gián đoạn; giãn cách kéo dài,... Trước thực tế đó, các doanh nghiệp buộc phải chuyển đổi mô hình kinh doanh bằng cách khai thác mạng đa kênh trực tuyến. Người tiêu dùng cũng dần chuyển qua mua sắm online nhiều hơn. Lúc này đây, công nghệ và Internet trở thành những nhân tố nắm vai trò chủ chốt để tiếp tục vận hành xã hội, nối liền giao thương. Đây cũng chính là thời điểm Marketing 5.0 xuất hiện - đánh dấu bước chuyển mình của ngành tiếp thị.


3, Khám phá những xu hướng phát triển Marketing 5.0 trong thời đại công nghệ số


Marketing 5.0 được cho là hoạt động dựa trên 3 nền tảng chính là dự đoán hiệu suất, căn cứ vào tình huống thực tại và ứng dụng công nghệ thực tế ảo. Từ đây, người ta dự đoán Marketing 5.0 sẽ phát triển dựa trên 5 xu hướng triển vọng như sau


Agile Marketing (Tiếp thị linh hoạt)


Tiếp thị linh hoạt dựa trên việc áp dụng mô hình đội nhóm phi tập trung và liên chức năng Agile để lên ý tưởng, thiết kế, phát triển và xác thực sản phẩm cũng như các chiến dịch tiếp thị một cách nhanh chóng. Đồng nghĩa, doanh nghiệp cần phải liên tục phối hợp với các phòng ban, nhân sự chuyên trách để nắm bắt các thông tin nhanh và chính xác nhất . Từ đó đưa ra các phương án thay đổi phù hợp, thích nghi với sự biến động của thị trường và hành vi khách hàng.



Ví dụ: Zara là một trong những thương hiệu thời trang nhanh thành công khi áp dụng chiến lược tiếp thị linh hoạt. Khác với các công ty may mặc truyền thống dựa vào xu hướng theo mùa, Zara đặt thời gian quay vòng thời trang nhanh hơn với 10.000 mẫu thiết kế mỗi năm bằng cách đem những xu hướng mới nhất từ sàn catwalk đến cửa hàng chỉ trong vài tuần.


Data-driven Marketing (Tiếp thị dựa trên dữ liệu)


Tiếp thị dựa trên dữ liệu là hoạt động doanh nghiệp cần xây dựng hệ thống dữ liệu toàn diện nhằm thúc đẩy và tối ưu hóa các hoạt động tiếp thị của mình cũng như để đưa ra các chiến lược tiếp thị mới thông minh và toàn diện hơn.Từ những dữ liệu phân tích, doanh nghiệp có thể nhắm chính xác đối tượng khách hàng tiềm năng và nâng cao tỷ lệ chuyển đổi.



Google sở hữu một hệ sinh thái dữ liệu vô cùng đồ sộ, dựa trên những tìm kiếm, hành vi của người dùng thực hiện mỗi ngày trên các nền tảng của mình, Google có thể nhắm chính xác được đối tượng này đang có nhu cầu tìm kiếm điều gì để từ đó phân phối những quảng cáo về các sản phẩm phù hợp đến với nhóm đối tượng tiềm năng này.


Predictive Marketing (Tiếp thị dựa trên dự đoán)


Cùng với việc tổng hợp thông tin, doanh nghiệp cũng cần xây dựng và sử dụng các phân tích dự đoán, kết hợp với các yếu tố công nghệ để đưa ra dự đoán chính xác nhất hiệu quả hoạt động tiếp thị trước khi triển khai. Điều này tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong việc xây dựng các kế hoạch dự phòng, dự đoán được phản ứng của thị trường để có hướng thay đổi phù hợp nhất.



Đây là quá trình xây dựng và áp dụng phương pháp phân tích dự đoán để đưa ra những kết quả mô phỏng cho các hoạt động tiếp thị trước khi triển khai. Điều này cho phép doanh nghiệp có thể phán đoán thị trường sẽ phản hồi như thế nào với sản phẩm, từ đó có phương án tác động để đạt được kết quả mong muốn. 


Hiện nay, tiếp thị dự đoán thường được ứng dụng phổ biến trên các kênh bán lẻ như Amazon, Shopee,… hay các kênh dịch vụ như Youtube, Tinder, Tik Tok,… Cụ thể, máy học sẽ phân tích các dữ liệu tìm kiếm trong quá khứ và đề xuất các sản phẩm hoặc nội dung phù hợp đến khách hàng hoặc người xem khi sử dụng ứng dụng.


Contextual Marketing (Tiếp thị theo ngữ cảnh)


Tiếp thị theo ngữ cảnh là hoạt động nhằm xác định, lập hồ sơ nghiên cứu, cũng như đem lại cho khách hàng những tương tác được cá nhân hóa bằng cách sử dụng các cảm biến và giao diện công nghệ số trong không gian vật lý. Đây là bước quan trong được xem là xương sống để nhà tiếp thị có thể thực hiện các hoạt động tiếp thị cá nhân 1-1 trong thực tế tùy thuộc vào bối cảnh của khách hàng.

Disney đã thử nghiệm tính năng phát hiện cảm xúc bằng cách lắp đặt camera trong các rạp chiếu phim của hãng. Việc này giúp theo dõi biểu cảm khuôn mặt của khách hàng trong suốt bộ phim, từ đó có thể biết mức độ thích thú của khách hàng đối với mỗi cảnh phim. Điều này giúp Disney nâng cao chất lượng sản phẩm trong các dự án tương lai.


Thông qua sự trợ giúp của công nghệ, các marketer có thể nghiên cứu chính xác hành vi khách hàng và xây dựng nên những chiến lược tiếp thị mang tính cá nhân hóa phù hợp với từng đối tượng, từng nhóm cụ thể.


Augmented Marketing (Tiếp thị tăng cường)


Tiếp thị tăng cường là việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số để nâng cao năng suất của nhà tiếp thị tiếp xúc với khách hàng bằng những công nghệ bắt chước con người như Chat GPT, trợ lý ảo hay thực tế tăng cường…



Trong Marketing 5.0, việc áp dụng công nghệ như AI giúp đảm nhiệm những tác vụ có có giá trị thấp, để con người quyết định và tập trung thực hiện những nhiệm vụ quan trọng như bán hàng hay dịch vụ khách hàng.


Tạm kết


Có thể thấy rằng Marketing 5.0 đã tạo nên làn sóng mới trong hoạt động tiếp thị toàn cầu. Ứng dụng những công nghệ hiện đại, Marketing 5.0 đã mang đến cho cả doanh nghiệp và khách hàng những trải nghiệm mới, toàn diện và hiệu quả hơn bao giờ hết trong thời đại công nghệ số hiện nay. Việc nắm bắt được những xu hướng mới của Marketing 5.0 sẽ mở ra cho doanh nghiệp thêm nhiều cơ hội tiềm năng trong tương lai.