"Không làm việc với những đối tác ghi sai credit vì đó là sự coi thường chất xám và công sức của các nhân sự tham gia"

Gần đây, Pepsi đã công bố logo màu đen và xanh mới của mình. Điều này đã tạo ra cuộc thảo luận giữa khán giả và những nhà thiết kế về sức hấp dẫn của logo. Tuy nhiên, có một cuộc tranh luận khác cũng đang nổ ra khi “gã khổng lồ” nước giải khát đã không tiết lộ đầy đủ danh tính người đã tạo nên logo này. Pepsi phần lớn ghi nhận việc tạo ra logo mới cho đội ngũ của công ty họ và bỏ qua việc đề cập đến các agency thiết kế bên ngoài đã chung tay tạo nên sản phẩm. Điều này đã gây ra nhiều thắc mắc cho một bộ phận các nhà thiết kế, đặc biệt là những người đã làm việc trong quá trình thiết kế lại logo của Pepsi nhưng không hề được đề cập.


Liệu điều này có thường diễn ra tại môi trường ngành Quảng cáo - Truyền thông Việt Nam? Hãy cùng các nhân sự tại CÁO Multimedia - Min Pictures Agency, ADK Vietnam CreaCo Creative Production & The Boxes Studio phân tích về chủ đề này!



Ghi sai credit trong dự án là chuyện “như cơm bữa”?


Trên thực tế, một chiến dịch marketing cho các nhãn hàng lớn cần có sự chung tay của vô vàn nhân sự. Đó không chỉ là sự hợp tác giữa nội bộ brand team mà còn là sự kết hợp với Creative Agency. Nhiều hơn nữa, có thể là sự tham gia của nhiều đơn vị khác như các agency Digital, Branding, Research, Event, Influencer,... Bên cạnh đó, các Production House tham gia dự án cũng sở hữu các chuyên môn khác nhau như Video, Animation,... Cùng nhau, tất cả đơn vị này sẽ tạo nên một dự án thành công và mang lại kết quả tốt cho nhãn hàng.


Thông thường, sau khi một chiến dịch được ra mắt, các thành viên thuộc đội ngũ sẽ đăng tải các bài viết bày tỏ cảm xúc về sản phẩm. Bên dưới đó, họ sẽ liệt kê tên các nhân sự và đơn vị cùng tham gia vào quá trình thực hiện dự án.


Từ kinh nghiệm của bản thân, anh Việt Anh - Producer tại CÁO Multimedia và Min Pictures Agency cho biết, dù là Client, Production House hay Agency, đến cả các bạn cộng tác viên/làm việc thời vụ đều được anh ghi chú chi tiết trong bài viết. Tuy nhiên, với những cá nhân không muốn xuất hiện trong đội ngũ ekip, họ hoàn toàn có thể dùng nghệ danh thay thế. Về cơ bản, anh đều ghi credit đầy đủ cho nhân sự tham gia và đơn vị cộng tác.





Ghi credit là một cách để các đơn vị thể hiện sự trân trọng với đội ngũ thực thi chiến dịch. Tuy nhiên, tình trạng ghi credit không phải lúc nào cũng thuận lợi hay đẹp lòng cho tất cả các bên. Như chị Thảo Ly - Former Copywriter tại ADK Vietnam chia sẻ, chưa kể đến các dự án lớn có sự góp mặt của hàng trăm nhân sự đến từ các đơn vị khác nhau, đôi khi việc ghi credit cho nội bộ agency cũng là một thử thách với bản thân chị. “Trong mỗi bài viết chia sẻ về dự án, mình luôn phải chủ động xác nhận với tất cả mọi người để đảm bảo rằng credit có sự xuất hiện của toàn bộ các nhân sự góp phần làm nên thành công của chiến dịch. Về quá trình ghi credit, đơn giản nhất là mình sẽ ghi tên các agency và Production House, thậm chí ghi tên cả các anh chị Lighting, Makeup, Catering,... đã tham gia. Để đảm bảo không có sai sót trong credit, mình cũng bổ sung câu ‘Cùng các anh chị em khác trên trường quay/phía sau hậu trường'”, chị nói.


Với những chiến dịch kéo dài trong thời gian dài như một quý, nửa năm, một năm hay thậm chí vài năm thì ghi sót credit cũng là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra. Anh CreaCo Pham - Art & Photo tại CreaCo Creative Production & The Boxes Studio nói: “Việc ghi sai credit có thể có hai trường hợp. Một là khi bản thân mình ghi nhầm, mọi người sẽ ‘trêu nhẹ’ nhau để sửa lại cho đúng hơn. Thế nhưng cũng có trường hợp cá nhân đó cố tình ghi sai hoặc tạo sự nhầm lẫn để đạt được một mục đích nào đó. Ngoài ra, có những bài viết sẽ được một bộ phận chuyên về social post hay PR đăng tải. Họ không phải người quản lý hay nhân sự tham gia dự án nên việc nhầm lẫn, thiếu sót cũng thường xảy ra. Với trường hợp này thì mọi người sẽ thấy và nhắc nhở để người đó cập nhật đúng và đầy đủ hơn. Sai lầm, hay nhầm lẫn thì ai cũng sẽ có không ít thì nhiều, quan trọng là cách mình xử lý sau đó như thế nào.”



Có hay không chuyện credit chỉ là một dòng chữ “có cũng được, không có cũng chẳng sao”?


Trên thực tế, hợp đồng của các công ty tham gia chiến dịch đều sẽ đề cập đến các quy định rõ ràng và nghiêm ngặt về việc ghi credit. Các công ty lớn sẽ đưa ra quy định về vai trò, nhiệm vụ, quyền lợi của các bên trong hợp đồng, đôi khi có cả quy định về việc đăng hậu trường và credit. Thế nhưng tại Việt Nam, các nhân sự cho rằng điều khoản này chưa thực sự rõ ràng.


Việc ghi credit được xem là một hành động ghi nhận sự tham gia của nhân sự trong một dự án, sản phẩm. Song, trong một số trường hợp, brand sẽ thỏa thuận không ghi credit agency/Production House vì lý do bảo mật. Anh CreaCo Pham chia sẻ, điều này phụ thuộc vào hợp đồng hoặc thỏa thuận giữa client và các bên: “Đôi khi phía khách hàng muốn giấu tên những bên thực hiện dự án nhằm tránh sự cạnh tranh hoặc ‘giành agency’ giữa các đối thủ trong một ngành hàng hoặc dự án có tính chất đặc biệt. Khi mình mới vô ngành, nhiều đơn vị cũng đề nghị mình làm việc kiểu ‘đánh thuê’, tức là xem mình như một nhân sự của đơn vị đó nên sẽ không credit CreaCo mà là team của họ. Tất nhiên khi đó thì chi phí sẽ khác một chút tùy thuộc vào mức độ thỏa thuận.”



Chị Thảo Ly cũng chia sẻ rằng việc yêu cầu không ghi credit thường sẽ được đưa ra bởi các brand lớn, có yêu cầu cao về việc bảo mật tài liệu sản phẩm, tài liệu sáng tạo cũng như nhân sự tham gia. Trong các file đó đều sẽ có mộc “confidential" (bảo mật) hoặc “strictly confidential" bởi đây được xem là bí mật kinh doanh của nhãn hàng. Tuy nhiên, điều này không thường diễn ra: “Phía brand có quyền nhắc hoặc không nhắc đến agency, nhưng điều này không đồng nghĩa là agency không được tự ghi credit phần công việc của họ đã làm cho thương hiệu trong các dự án.”


Chị Thảo Ly cũng bày tỏ rằng đôi khi trong một số dự án của các brand lớn, nhân sự agency bắt buộc phải dán đen camera điện thoại và ký cam kết không rò rỉ bất kỳ hình ảnh nào cho đến khi sản phẩm được ra mắt trên thị trường. Vì thế khi sản phẩm được tung ra, mọi người sẽ có cảm giác vui và tự hào khi tên mình được xuất hiện trên credit. Đây là cách duy nhất chứng minh rằng họ đã đóng góp vào dự án. “Có những dự án mình phải đợi đến 6 tháng hay thậm chí là 1 năm để được nhìn thấy tên mình hiện diện trên credit. Việc ghi credit đa số đến từ sự tôn trọng của các bên dành cho đối tác của mình, cũng như ghi nhận sự đóng góp của họ trong dự án hơn là sự bắt buộc trong hợp đồng”, chị nói.



Một dòng credit có sức nặng ngàn cân


Việc ghi sai credit là vấn đề thuộc “đạo đức nghề nghiệp”. Theo các nhân sự, đã là người làm trong ngành sáng tạo thì phải hiểu được sự vất vả trong việc có được một ý tưởng hay và độc đáo. Quá trình thực thi dự án cần rất nhiều công sức lẫn thời gian của nhân sự và cả đội ngũ. Nếu bị phát hiện ghi sai credit hay không công nhận sự tham gia của các nhân sự thực thi, công ty đó có thể bị đánh giá là thiếu đạo đức nghề nghiệp. Việc ghi đúng tên tác giả chính là biểu hiện của sự chuyên nghiệp, tôn trọng dành cho người đó và idea của họ.


Với chị Thảo Ly, nếu gặp phải trường hợp ghi sai credit, nhẹ thì đôi bên chỉ trao đổi nhắc nhở để chỉnh sửa thông tin và tránh lặp lại tình trạng này. Một khi việc ghi credit là điều khoản quan trọng bắt buộc trong hợp đồng, việc này sẽ dẫn đến tranh cãi nội bộ và gây ra sự bất mãn trong quá trình hợp tác. 


Đối với chị, chuyện “quên” và “sai” credit hoàn toàn khác nhau. “Sai” tức là cá nhân đó ghi tên mình vào công sức của người khác. Một Copywriter không thể ghi tên mình vào phần Art Director trong dự án. Hoặc Digital Agency sẽ không thể nào ghi tên mình vào phần Brand Consulting cho nhãn hàng vì công sức đó thuộc về Research Agency. “Đồng ý là trong quá trình làm việc, chúng ta đều có thể can thiệp vào phần do bên khác phụ trách vì mục tiêu cuối cùng là đảm bảo chiến dịch ra mắt thành công nhất có thể. Tuy nhiên, credit là câu chuyện khác bởi đó là sự ghi nhận đóng góp của các bên cho dự án, và mỗi bên sẽ có một vai trò khác nhau. Một đơn vị không thể để tên mình ở vai trò đóng góp của đơn vị khác. Điều đó sẽ làm người đọc nhận sai thông tin và tạo ra sự nhầm lẫn”, chị nhận định.


Nếu những người đọc có nhu cầu tìm Production House và Agency cộng tác thông qua credit của dự án khác, việc nhân sự truyền tải sai thông tin có thể khiến họ liên hệ nhầm bên. Về lâu về dài, điều này ảnh hưởng đến công việc của đối tác. Đối với công ty bị ghi sai credit, điều này có thể khiến họ bất mãn vì công sức hàng tháng trời của các nhân sự trong công ty bị hiểu sai và không được công nhận. Nếu tình trạng này liên tục tiếp diễn, họ sẽ phải cân nhắc lại việc hợp tác với bên ghi sai credit. Mỗi một mối quan hệ công việc đều cần có sự tôn trọng từ tất cả các bên. 


Với quan điểm của anh Việt Anh , việc ghi sai credit là điều không đáng có vì đây là công sức, chất xám cũng như thể hiện sự tôn trọng đối với các nhân sự tham gia dự án. “Ngành này tuy rộng nhưng các anh chị hay agency lớn thì ít nhiều khi làm ngành cũng biết nhau. Do đó, không thể nói dối là mình đã từng làm cái này, cái kia được”, anh nói.



Bị “phủi bỏ” công sức trong dự án, nhân sự nên “ngậm bồ hòn làm ngọt” hay mạnh mẽ phản kháng?


Bất kỳ nhân sự nào bị ghi sai credit cũng sẽ có cảm giác khó chịu, buồn bực và cảm thấy bất công. Anh Việt Anh bày tỏ, bản thân người đi làm trong ngành này phải hiểu rằng để có một chiến dịch thành công đòi hỏi nhân sự phải cống hiến sức lực, mồ hôi, nước mắt và đặc biệt việc thức khuya, dậy sớm là chuyện bình thường. Việc ghi đúng credit không chỉ giúp người xem biết đến ekip thực hiện mà người trong ngành cũng có thể lấy đó làm "cơ sở" để đánh giá năng lực, kinh nghiệm làm việc của ekip đó. 



Ở một góc nhìn khác, khi hợp đồng không yêu cầu hay bắt buộc, anh CreaCo Pham sẽ cảm thấy biết ơn và trân quý nếu đối tác sẵn lòng thêm tên anh vào credit. Đây cũng được xem là minh chứng đối tác thích sản phẩm, phong cách làm việc, thậm chí là muốn tạo nên một mối quan hệ cộng tác lâu dài. “Trên thực tế, các bên đối tác không có nghĩa vụ phải ghi credit cho mình. Nếu sản phẩm, dịch vụ hay năng lực của mình tốt thì mình đương nhiên phải quảng bá nó để kiếm khách hàng và làm việc với nhiều đối tác hơn. Nếu các bên đối tác ghi credit cho mình, mình vui, mình đỡ tốn tiền, thời gian và công sức để làm Branding hay chạy quảng cáo. Nhưng nếu họ đã ghi thì nên ghi cho đúng”, anh nói.


Với bản thân chị Thảo Ly, nếu việc ghi credit chỉ là một sự cố nội dung, chị sẽ bỏ qua. Tuy nhiên nếu việc này lặp đi lặp lại và có xu hướng để người đọc hiểu sai thông tin, chị sẽ muốn đòi lại công bằng cho những nhân sự đã làm ra nó: “Trước khi lên án một đối tác nào đó, mình sẽ cân nhắc về tính chất dự án, khả năng hợp tác trong tương lai, các vấn đề liên quan về mối quan hệ công việc. Bản thân mình trước khi công khai điều này sẽ hỏi ý tất cả mọi người xung quanh, cả team trong nhà lẫn người quen biết với đơn vị đó. Nếu tất cả mọi người đều không ý kiến về việc công khai, mình sẽ thực hiện chúng. Ngược lại, nếu nó gây khó dễ cho ai đó, lúc này sẽ phải cân nhắc và bàn bạc kỹ.”


“Mạnh mẽ là một việc, khéo léo trong giao tiếp lại là một chuyện khác. Đừng để việc nhân sự mạnh mẽ làm mất đi sự khéo léo, tinh tế cần có của một người làm Truyền thông. Một nhân sự giỏi sẽ biết điều hướng truyền thông theo cách đôi bên cùng có lợi, hơn là chỉ lên án một chiều và khư khư bảo vệ quan điểm riêng của mình”, chị Thảo Ly đúc kết.


Đọc các bài viết khác thuộc chuyên mục Real Agency Life tại đây.

"Không làm việc với những đối tác ghi sai credit vì đó là sự coi thường chất xám và công sức của các nhân sự tham gia"

Kim Ngọc

Kim Ngọc

Content Writer | Advertising Vietnam

30 Thg 04 2023

Lưu

Cùng chuyên mục