Các kỹ năng cần có khi bước chân vào ngành Digital Marketing


Thực tế rằng có rất nhiều người khi nghe đến cụm “Digital Marketing”, thường sẽ nghĩ rằng kỹ năng “viết Content” và “chạy Quảng cáo” là 2 kỹ năng quan trọng nhất, cần phải học đầu tiên nếu muốn bắt đầu với Digital Marketing. Vậy nhưng, để có thể viết Content đúng Insight, chạy Quảng cáo đúng tệp, bạn sẽ cần phải lần lượt nắm vững và trau dồi từng kỹ năng sau:


a. Nghiên cứu

Đây chắc chắn là kỹ năng thiết yếu và bạn cần phải trau dồi đầu tiên khi muốn bắt đầu với lĩnh vực Digital Marketing. Bạn sẽ cần phải học về cách nghiên cứu tệp khách hàng/người dùng tiềm năng, nghiên cứu về thị trường, sản phẩm và nghiên cứu về đối thủ cạnh tranh. Tất cả những nghiên cứu trên sẽ là tiền đề để bạn có thể từ đó lập ra kế hoạch Digital Marketing tổng thể, xây dựng chiến dịch, hay sản xuất nội dung.



b. Lập kế hoạch

Lập kế hoạch bài bản và chi tiết sẽ giúp cho chiến dịch Marketing được tối ưu hơn khi mà đối tượng khách hàng đã được xác định cụ thể, thông điệp truyền tải được xây dựng chi tiết, nội dung được sản xuất theo đúng định hướng hay ngân sách được phân bổ hợp lý.



c. Sản xuất nội dung

Ở thời điểm hiện tại và trong tương lai tới đây, nội dung sẽ luôn là “xương sống” của bất cứ chiến dịch Digital Marketing nào. Bởi nội dung sẽ là yếu tố tương tác trực tiếp đến với khách hàng, với người xem, với cộng đồng. Một chiến dịch Digital Marketing có thành công hay không, đa phần là phải phụ thuộc vào nội dung truyền tải. Bên cạnh đó, với sự phát triển đa nền tảng như hiện nay, kỹ năng sản xuất nội dung được xem là cần thiết và quan trọng đối với bất kỳ Digital Marketer nào.



d. Đo lường và Phân tích dữ liệu

Digital Marketer nếu biết cách đo lường số liệu, và đưa ra những phân tích cụ thể sẽ thuận lợi hơn trong việc đánh giá hiệu quả của từng loại nội dung, cách thức phân phối và thiết lập quảng cáo. Để từ đó có thể biết được rằng dạng nội dung nào mang lại hiệu quả cao nhất và cách thức phân phối nào là tối ưu hơn cả cho doanh nghiệp.



e. Xây dựng cộng đồng

Trước xu hướng tập trung vào trải nghiệm của người dùng, kỹ năng xây dựng cộng đồng giờ đây cũng trở nên quan trọng đối với bất kỳ Digital Marketer nào. Biết cách xây dựng và phát triển cộng đồng thân thiết sẽ mang lại giá trị rất lớn dành cho thương hiệu khi mà bạn vừa có thể lắng nghe những mong muốn của khách hàng, vừa mang thương hiệu đến gần hơn với người tiêu dùng.


Kiến thức tổng quan về các lĩnh vực phổ biến trong Digital Marketing

Để có góc nhìn toàn diện về ngành Digital Marketing, các bạn có thể tham khảo mô hình T-Shaped Marketers được cung cấp bởi McKinsey. Mô hình T-Shaped Marketers không chỉ giúp các bạn mới bắt đầu với Digital Marketing có góc nhìn tốt hơn về ngành, mà còn có thể lựa chọn ra 1 lĩnh vực cụ thể để bắt đầu học và tìm hiểu.


Mô hình T-Shaped


Để hiểu hơn về mô hình T-Shaped, chiều ngang chữ “T” là bao gồm những kiến thức tổng quan về Digital Marketing, còn chiều dọc chữ “T” sẽ là những kiến thức chuyên sâu của 1 lĩnh vực cụ thể.


a. Content Marketing

Chắc chắn Content Marketing sẽ là 1 trong những lĩnh vực phổ biến nhất ở thời điểm hiện tại khi mà Content luôn là trọng tâm của bất kỳ chiến dịch Marketing nào. Công việc chính trong Content Marketing sẽ bao gồm:


  • Nghiên cứu khách hàng mục tiêu, thị trường và đối thủ: Như đã đề cập ở đầu bài viết, kỹ năng nghiên cứu sẽ giúp các Digital Marketer hiểu được khách hàng tiềm năng của mình là ai, thị trường hiện đang hoạt động ra sao hay mình cần phải cạnh tranh với những thương hiệu nào. 
  • Xây dựng kế hoạch và ý tưởng: Nghiên cứu chi tiết sẽ giúp các bạn tìm được Insight - sự thật ngầm hiểu của nhóm khách hàng tiềm năng, từ đó bạn có thể xây dựng thông điệp truyền tải và sản xuất nội dung phù hợp dành cho họ. Bên cạnh đó, các Content Creator, Copywriter hay Planner sẽ cần xác định những mục tiêu cụ thể cho từng bài viết, chiến lược nội dung tổng thể và xác định kế hoạch sản xuất nội dung đề ra.
  • Sản xuất nội dung đa hình thức: Bạn sẽ cần phải tạo ra nhiều hình thức nội dung khác nhau, chẳng hạn như Video, Hình ảnh, hay Blog post, để có thể đáp ứng nhiều nhu cầu của tệp khách hàng mục tiêu. Có người thì thích xem video ngắn, có người thì thích xem hình ảnh, vậy nên chắc chắn các Content Creator, Copywriter cần phải đáp ứng được những nhu cầu này. Bên cạnh đó, sản xuất nội dung đa hình thức cũng sẽ giúp thương hiệu thuận tiện hơn trong việc truyền tải nhiều thông điệp, ví dụ, nếu thương hiệu A muốn chạy chiến dịch Sale, thì hình ảnh sẽ phù hợp hơn cả. Còn nếu thương hiệu A muốn mang đến một câu chuyện ý nghĩa để tăng sự tương tác với cộng đồng, video mới là phương tiện thích hợp hơn cả
  • Đo lường và tối ưu: 2 kỹ năng trên sẽ giúp các bạn cải thiện được nội dung của mình, tìm ra những điểm chưa ổn để cải thiện và chỉ ra những điểm tốt để có thể tiếp tục tối ưu.


b. Paid Advertising

Bên cạnh Content Marketing, Paid Advertising cũng luôn là 1 trong những phương thức Marketing được nhiều thương hiệu tập trung vào đẩy mạnh, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực tiêu dùng và dịch vụ. Vậy công việc trong lĩnh vực Paid Advertising bao gồm những gì?

  • Nghiên cứu từ khóa: Công việc nghiên cứu từ khóa đặc biệt quan trọng đối với quảng cáo trên các nền tảng như Google, Cốc cốc và Youtube, vì các nền tảng này chạy quảng cáo dựa trên những từ khóa được cung cấp. Việc nghiên cứu từ khóa sẽ giúp thương hiệu phân bổ ngân sách chính xác vào những mặt hàng hoặc dịch vụ mà mình cung cấp, từ đó gia tăng lượt hiển thị đến với đúng tệp khách hàng có nhu cầu. Còn đối với các hình thức quảng cáo trả phí khác như chạy quảng cáo trên Facebook, booking KOL, KOC thì bạn cần nghiên cứu về nhu cầu sử dụng sản phẩm trên thị trường hiện tại và tệp người dùng phù hợp.
  • Lập mục tiêu cụ thể: Đây dường như là công việc của mọi khía cạnh trong Digital Marketing bởi mỗi hoạt động cần phải có mục tiêu, đó có thể là gia tăng lượt truy cập Website, gia tăng doanh số, khách hàng mới,... Nếu không có mục tiêu thì mọi kế hoạch là vô nghĩa
  • Thiết lập chiến dịch: Sau khi đã có từ khóa chủ đạo, mục tiêu cụ thể rõ ràng, giờ sẽ là lúc các Digital Marketer cần thiết lập chiến dịch quảng cáo. Công đoạn này sẽ bao gồm các việc như chuẩn bị các tuyến nội dung và thông điệp khác nhau, hình ảnh, video, đặt giá thầu, vị trí nhắm tới và phân bổ ngân sách. Đây là các công việc chủ yếu thường được thấy nhất khi chạy quảng cáo trên Facebook, Instagram, Google, Cốc Cốc hay Youtube, còn các hình thức quảng cáo trả phí như Booking KOL, KOC, người nổi tiếng thì sẽ diễn ra theo cách khác. Hãy theo dõi STEP để đón chờ bài viết riêng về chủ đề này nhé!
  • Đo lường và tối ưu: Cũng giống như Content Marketing, các Digital Marketers cũng cần đo lường chỉ số quảng cáo và tối ưu ngân sách để đạt được hiệu quả tốt. Tuy nhiên có một chút khác biệt đó là bạn cần phải theo dõi liên tục các chiến dịch quảng cáo để kịp thời phát hiện chiến dịch nào phân bổ không tốt, nhắm đến sai đối tượng và từ đó có phương án giải quyết phù hợp


c. SEO

SEO - Search Engine Optimization, hay còn gọi là Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm, là công việc liên quan đến cải thiện thứ hạng của Website trên các trang kết quả tìm kiếm. Ví dụ như khi bạn tìm kiếm từ khóa “giày thể thao”, các Website mà có thể xuất hiện ở những vị trí đầu một cách tự nhiên là bởi kết quả của một quy trình SEO bài bản.



  • Nghiên cứu từ khóa: Đây chính là công đoạn “xương sống” của công việc SEO, bạn sẽ cần phải nghiên cứu những từ khóa chính của ngành hàng mà doanh nghiệp đang hoạt động, tìm hiểu về nhu cầu tìm kiếm, lượt click hàng tháng và mức độ cạnh tranh để xây dựng kế hoạch sản xuất các bài viết trên Website có chứa những từ khóa đó một cách tự nhiên nhất.
  • Tối ưu On-page và Off-page: Bên cạnh nghiên cứu từ khóa, công việc của các SEO Specialist còn là tối ưu nội dung hiển thị và mã nguồn HTML (On-page), tối ưu các yếu tố bên ngoài Website như Link building (Off-page) với một mục tiêu chung là cải thiện thứ hạng tìm kiếm của Website. Một Website mà vừa có sự phân bổ tốt về từ khóa, và được tối ưu On-page, Off-page thì sẽ dễ tăng thứ hạng trên Google, từ đó gia tăng lượt truy cập tìm kiếm của người dùng.
  • Earned media & links: Để gia tăng lưu lượng truy cập cho Website, bạn sẽ cần xây dựng thêm các hệ thống backlink ở các trang Website, Blog, hoặc kênh Social có liên quan để từ đó trỏ về bài viết hoặc Website của bạn.


d. Social Media Marketing

Nếu bạn muốn làm việc trong ngành này, chắc chắn không thể nào bỏ qua Social Media Marketing (SMM) - Xu hướng Marketing sẽ bùng nổ trên toàn thế giới.


Người người, nhà nhà, mọi thương hiệu giờ đây đều tập trung mạnh mẽ vào các nền tảng Social như Facebook, Instagram và TikTok. Không chỉ bởi sự thuận tiện trong việc tương tác với khách hàng, mà những nền tảng này còn là cơ hội để các thương hiệu có thể trở nên viral khủng khiếp chỉ sau 1 đêm. Vậy thì, những công việc chủ yếu trong mảng SMM này là gì?

  • Xác định mục tiêu cụ thể: Mục tiêu trong Social Media Marketing dường như sẽ đa dạng hơn so với các mảng khác của Marketing, khi mà bên cạnh những mục tiêu thường thấy như tăng số lead, tăng doanh thu, thì còn có những mục tiêu khác như lượt nhắc đến trên các cộng đồng hay tăng lượt like fanpage
  • Tương tác với cộng đồng: Trực tiếp tương tác với cộng đồng trên Social thông qua các Comment, Story hoặc Livestream sẽ giúp thương hiệu lắng nghe, thấu hiểu những chia sẻ, mối quan tâm của mọi người, để từ đó “ghi điểm” đến với cộng đồng mạng xã hội. Bên cạnh đó, các Digital Marketer cũng có thể dựa trên những chia sẻ này để tạo ra những nội dung phù hợp, chạm đến cảm xúc của người dùng hơn
  • Đo lường: Hoạt động thông thường của Digital Marketing để giúp đánh giá hiệu quả và đưa ra những đề xuất cải thiện nội dung sao cho phù hợp
  • Thử nghiệm: Một trong những đặc điểm của các nền tảng mạng xã hội chính là “thuật toán”. Mỗi nền tảng lại có một thuật toán riêng, vậy nên các Marketer cần phải cập nhật, thử nghiệm nhiều nội dung trên nhiều nền tảng đề nắm bắt được xu hướng và “luật chơi” của từng nền tảng khác nhau.

Credit: Dove

Credit: OREO


e. Ecommerce Marketing

Trước sự bùng nổ mạnh mẽ của các nền tảng Thương mại điện tử (E Commerce) như Shopee, TikTok Shop hay Lazada, rất nhiều doanh nghiệp bán lẻ hiện nay đang tập trung nguồn lực vào khía cạnh này.


  • Phân tích thị trường, sản phẩm và người tiêu dùng: Đây sẽ là công việc tập trung vào nghiên cứu về xu hướng tiêu thụ sản phẩm, xu hướng thị trường hay mức chi tiêu trung bình của khách hàng, để từ đó doanh nghiệp có thể đưa ra những dự đoán hoặc điều chỉnh về sản phẩm
  • Thiết lập các chiến dịch ưu đãi: Một trong những đặc điểm của người tiêu dùng trên nền tảng Thương mại điện tử là thích giá rẻ, hoặc có nhiều ưu đãi và voucher đi kèm. Vậy nên các Marketers sẽ có nhiệm vụ tạo ra các chiến dịch ưu đãi phù hợp như là Sale 07.07, Voucher 10% dành cho hóa đơn trên 500.000đ,... để kích thích nhu cầu tiêu dùng và gia tăng doanh số.
  • Xây dựng các hoạt động truyền thông đa kênh: Không chỉ có mục tiêu về doanh số, các Marketers trong mảng Ecom cần thực hiện các chiến dịch truyền thông ở trên các nền tảng khác để gia tăng sự nhận diện và dẫn người dùng ở các nền tảng đó truy cập vào gian hàng điện tử. 


Nên học và phát triển ra sao ở thời gian đầu? 

Sau khi đã tìm hiểu về kiến thức tổng quan của ngành Digital Marketing, giờ sẽ là lúc các bạn cần lựa chọn ra cho mình từ 1 lĩnh vực để tập trung học và phát triển. Nếu như bạn quan tâm đến việc viết lách, ghi hình hay tạo ra hình ảnh, Content Marketing có thể sẽ rất phù hợp với bạn vì tính chất của lĩnh vực này là sản xuất nội dung đa phương tiện. Hoặc nếu như bạn có kỹ năng phân tích dữ liệu tốt và nhanh nhạy với các con số, Paid Advertising sẽ là một kỹ năng mà bạn nên theo học. Hay nói ngắn gọn lại, hãy tập trung vào 1 chiều dọc của chữ T.


Việc chỉ lựa chọn 1 khía cạnh của Digital Marketing để học ở thời điểm ban đầu sẽ giúp các bạn có thể tập trung tìm hiểu chuyên sâu về lĩnh vực đó, học những nguyên lý nền tảng, thực hành và trau dồi kỹ năng chuyên môn một cách có hiệu quả. Bên cạnh đó, bạn sẽ tránh được việc học lan man, mỗi lĩnh vực chỉ biết 1 ít nhưng biết chuyên sâu về 1 lĩnh nào nào để rồi từ đó khó tìm được cơ hội việc làm phù hợp. 


Về cơ hội thực hành, đối với các công việc như Content Marketing hay Social Media Marketing, bạn có thể tự mình xây kênh TikTok về một chủ đề bạn quan tâm nhất, đó có thể là Review đồ ăn, Review sách, Chia sẻ kiến thức,.. Hoặc bạn có thể bắt tay vào lập Fanpage trên Facebook, tự mình sản xuất nội dung, thiết kế hình ảnh về một chủ đề phù hợp với bản thân.


Rất nhiều Content Creator trên các nền tảng Social đều có xuất phát điểm là những người mới, chưa có nhiều kiến thức về Digital Marketing, nhưng họ phát triển rất nhanh bởi họ sẵn sàng tự học, tự làm và tự trải nghiệm. Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm kiếm cơ hội thực hành bằng cách tham gia các cuộc thi về Marketing Case, Business Case hoặc tìm kiếm cơ hội thực tập vị trí Digital Marketing hoặc Content Marketing để có thể trau dồi kinh nghiệm từ những anh/chị trong ngành.



Sau khi đã trang bị cho bản thân đầy đủ kiến thức nền tảng và kỹ năng chuyên môn về 1 lĩnh vực, bạn hãy tiếp tục tìm hiểu thêm các lĩnh vực khác ở chiều ngang của chữ T. Có kiến thức về các lĩnh vực khác như Paid Advertising hay Social Media sẽ giúp bạn hiểu hơn về công việc của từng phòng ban, từ đó có thể khéo léo kết hợp công việc của mọi người và đưa ra những ý kiến chuyên môn phù hợp. Bên cạnh đó, đây cũng sẽ là tiền đề để bạn có thể phát triển xa hơn và thăng tiến trong lĩnh vực Digital Marketing.