Mới đây, hình ảnh một reviewer (người đánh giá về sản phẩm) nổi tiếng trong giới công nghệ đã xuất hiện trong bài viết của trang báo điện tử với chủ đề: Người ảnh hưởng đang đưa ra những bố sai lệch về công dụng sản phẩm. Trong hình là ảnh chụp của anh cùng một thiết bị máy lọc không khí. Ngày 10/12/2022, video đánh giá sản phẩm máy lọc không khí của reviewer này được đăng tải trên kênh YouTube của thương hiệu với nội dung thiết bị có khả năng tiêu diệt được vi khuẩn, vi rút theo thông tin từ nhãn hàng cung cấp. 


Trường hợp của reviewer nói trên là một trong số những tình huống thường gặp trong influencer marketing: người ảnh hưởng bị phương hại uy tín khi nhãn hàng cung cấp những thông tin không đúng sự thật hoặc chưa được kiểm chứng. Vậy pháp luật Việt Nam quy định thế nào về những trường hợp này? Người ảnh hưởng có trách nhiệm cung cấp thông tin thế nào, được bảo vệ ra sao trong mối quan hệ với nhãn hàng? Cùng đánh giá về sự kiện dưới góc nhìn pháp luật thông qua những chia sẻ từ Luật sư (LS) Hà Huy Phong, Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH Inteco


Nhãn hàng có nghĩa vụ cung cấp thông tin trung thực, chính xác


Trong mối quan hệ giữa ba bên: nhãn hàng - người ảnh hưởng - công chúng thì công chúng chính là đối tượng bị động nhất trong việc tiếp nhận thông tin, đặc biệt là khi có sự bắt tay giữa influencer và nhãn hàng. Nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trước những thông tin quảng cáo, pháp luật Việt Nam đã có các quy định “siết chặt” nghĩa vụ của nhãn hàng và người ảnh hưởng trong các chiến dịch tiếp thị. 


Đầu tiên, thương hiệu có nghĩa vụ cung cấp thông tin trung thực, chính xác về sản phẩm cho đơn vị thực hiện quảng cáo theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Luật Quảng cáo 2012. Cụ thể:

  • Cung cấp cho người kinh doanh dịch vụ quảng cáo hoặc người phát hành quảng cáo thông tin cần thiết, trung thực, chính xác về cơ quan, tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, các tài liệu liên quan đến điều kiện quảng cáo và chịu trách nhiệm về các thông tin đó;
  • Bảo đảm chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phù hợp với nội dung quảng cáo;
  • Liên đới chịu trách nhiệm về sản phẩm quảng cáo;
  • Cung cấp tài liệu liên quan đến sản phẩm quảng cáo khi người tiếp nhận quảng cáo hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.


Nhãn hàng có nghĩa vụ cung cấp thông tin trung thực, chính xác về sản phẩm cho KOL, Influencer


Ngoài ra, người ảnh hưởng với tư cách là bên thứ ba quảng bá sản phẩm phải chịu trách nhiệm liên đới khi cung cấp thông tin đến người tiêu dùng, theo Điều 13 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010:


Điều 13. Trách nhiệm của bên thứ ba trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng


1. Trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp thông tin cho người tiêu dùng thông qua bên thứ ba thì bên thứ ba có trách nhiệm:


a) Bảo đảm cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về hàng hóa, dịch vụ được cung cấp;


b) Yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp chứng cứ chứng minh tính chính xác, đầy đủ của thông tin về hàng hóa, dịch vụ;


c) Chịu trách nhiệm liên đới về việc cung cấp thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ, trừ trường hợp chứng minh đã thực hiện tất cả các biện pháp theo quy định của pháp luật để kiểm tra tính chính xác, đầy đủ của thông tin về hàng hóa, dịch vụ;


d) Tuân thủ các quy định của pháp luật về báo chí, pháp luật về quảng cáo


Người ảnh hưởng với tư cách là bên thứ ba quảng bá sản phẩm phải chịu trách nhiệm liên đới khi cung cấp thông tin đến người tiêu dùng


LS Hà Huy Phong cho biết, trong trường hợp của reviewer nói trên, cả thương hiệu và người ảnh hưởng đều có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. 


Theo quy định tại khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012, hành vi “Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố” là hành vi bị cấm trong trong hoạt động quảng cáo. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.


Về xử phạt hành chính, theo khoản 5 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP, hành vi “Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố” có thể bị phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng. Ngoài ra, người vi phạm sẽ bị buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in quảng cáo.


Về trách nhiệm hình sự, hành vi quảng cáo sai sự thật có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội quảng cáo gian dối theo quy định tại Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với mức phạt lên đến 100.000.000 đồng, cải tạo không giam giữ đến 03 năm.


Lưu ý dành cho người ảnh hưởng khi cộng tác với nhãn hàng


Về trách nhiệm thẩm định công năng, chất lượng sản phẩm của người ảnh hưởng, LS Hà Huy Phong đánh giá: “Người ảnh hưởng có thể không phải là một chuyên gia trong lĩnh vực mà họ nhận quảng cáo, cũng không phải một chuyên viên kiểm định chất lượng sản phẩm nên việc họ không biết và hiểu sâu về một thương hiệu, sản phẩm hay ngành hàng là hoàn toàn có thể hiểu được.” Việc thiếu kiến thức chuyên sâu về sản phẩm quảng cáo này dẫn đến trường hợp người ảnh hưởng bị thiệt hại nghiêm trọng về danh tiếng, gây mất niềm tin nơi người dùng thậm chí chịu trách nhiệm về mặt pháp lý khi sản phẩm quảng cáo kém chất lượng, không giống thông tin mà nhãn hàng cung cấp. 


Luật sư cho biết, người ảnh hưởng có thể phòng tránh những rủi ro thường gặp trong quá trình thực thi chiến dịch influencer marketing bằng các thủ thuật kiểm tra đơn giản, trước khi quyết định hợp tác với nhãn hàng:

  • Kiểm tra kỹ các thông tin liên quan đến nhãn hàng như mã số thuế, giấy phép kinh doanh, lịch sử hoạt động có sai phạm, bê bối nào không. 
  • Kiểm tra kỹ các thông tin liên quan đến sản phẩm quảng cáo như giấy phép quảng cáo, giấy tờ chứng minh chất lượng sản phẩm.
  • Kiểm tra các phản hồi của khách hàng về sản phẩm, dùng thử sản phẩm trước khi nhận lời quảng cáo. 
  • Cần quy định rõ ràng quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên trong hợp đồng quảng cáo.



Ngoài ra, trong trường hợp nhãn hàng cố tình cung cấp thông tin sai lệch khiến influencer bị thiệt hại về uy tín, influencer có thể tiến hành khởi kiện nhãn hàng ra tòa án nhân dân có thẩm quyền để đòi bồi thường thiệt hại do uy tín bị xâm phạm theo quy định của pháp luật dân sự.


Lý Tú Nhã