Song hành cùng xu hướng mạng 5G đang được triển khai rộng rãi ở nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đã chính thức gia nhập cuộc chơi này với sự ra mắt mạng 5G của Viettel vào sáng ngày 15/10. Điều này kỳ vọng sẽ tạo ra những cơ hội để cách mạng hóa ngành tiếp thị kỹ thuật số trong kỷ nguyên mới. 


Với mạng 5G, người dùng Việt sẽ được trải nghiệm tốc độ internet siêu nhanh, độ trễ cực thấp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc làm việc từ xa, học tập trực tuyến, giải trí và nhiều hoạt động khác, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.


Việt Nam chính thức bước vào kỷ nguyên mạng 5G 


Từ năm 2020, Việt Nam trở thành một trong những nước đầu tiên triển khai thử nghiệm và đưa mạng 5G vào ứng dụng thực tế. Bộ Thông tin và Truyền thông xác định năm 2024 là thời điểm đánh dấu việc thương mại hóa 5G trên toàn quốc, nhằm xây dựng nền tảng hạ tầng vững chắc cho các ứng dụng số trong lĩnh vực công nghiệp.


Đến tháng 3 năm nay, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) thông báo đấu giá thành công quyền sử dụng tần số vô tuyến điện cho khối băng tần 2500 - 2600 MHz trong 15 năm tới, với giá trị hơn 7.533 tỷ đồng. Khối băng tần này đã được Bộ Thông tin và Truyền thông quy hoạch để triển khai các hệ thống thông tin di động theo tiêu chuẩn 5G, 4G, và các công nghệ tương lai.


Và vào sáng ngày 15/10, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) chính thức giới thiệu mạng 5G. Sự kiện này cũng đánh dấu 20 năm Viettel bước chân vào thị trường kinh doanh dịch vụ di động, đồng thời là hoạt động chào mừng 80 năm Ngày Thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Viettel cũng trở thành doanh nghiệp đầu tiên cung cấp dịch vụ 5G thương mại tại Việt Nam. Tại thời điểm khai trương, mạng 5G của Viettel đã có hơn 6.500 trạm BTS, phủ sóng toàn bộ 63 tỉnh, thành phố, bao gồm các khu công nghiệp, khu du lịch, cảng biển, sân bay, bệnh viện và các trường đại học trên cả nước.


Sau 6 tháng nhận giấy phép sử dụng tần số 2.600 MHz, Viettel tuyên bố trở thành doanh nghiệp đầu tiên cung cấp dịch vụ 5G tại Việt Nam


Cách đây 5 năm, Trung Quốc chính thức khai thác thương mại công nghệ 5G, và kể từ đó, công nghệ này đã được tích hợp vào nhiều lĩnh vực khác nhau như công nghiệp, điện lực, khai khoáng, chăm sóc sức khỏe và giáo dục, với sự thúc đẩy và ứng dụng rộng rãi. Theo dữ liệu từ Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc cập nhật vào tháng 07/2024, mạng 5G đã phủ sóng toàn bộ các thành phố và thị trấn trên cả nước, cùng với hơn 90% các ngôi làng. Tổng số thuê bao 5G tại Trung Quốc đã đạt 966 triệu. Năm 2024, Trung Quốc đã nâng cấp mạng 5G với phiên bản công nghệ 5G-Advanced (5G-A), tạo điều kiện cho việc áp dụng AI trong nhiều lĩnh vực, đồng thời mở đường cho sự phát triển của các hệ thống 6G.


China Telecom là những người khởi xướng quan trọng trong việc thúc đẩy triển khai và áp dụng dịch vụ 5G của Trung Quốc


Bên cạnh đó, Singapore cũng là quốc gia đầu tiên trên thế giới đạt được mục tiêu trở thành vùng phủ sóng 5G toàn diện vào năm 2022. Theo báo cáo của GlobalData, sự gia tăng người dùng dịch vụ 5G tại Singapore có khả năng thúc đẩy doanh thu từ dịch vụ dữ liệu di động, giúp tổng doanh thu từ dịch vụ di động của quốc gia này tăng lên 2,1 tỉ USD vào cuối năm 2028. Tại Hàn Quốc, mạng 5G đã thâm nhập sâu rộng vào đời sống và ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác nhau. Đến tháng 03/2024, Hàn Quốc ghi nhận 33,4 triệu thuê bao 5G. 


Có thể thấy, trên trường quốc tế, công nghệ 5G đã được ứng dụng rộng rãi từ lâu. Cũng vì vậy mà ở lần ra mắt chính thức của mạng 5G tại Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đặt ra những yêu cầu rất cao đối với hạ tầng số Việt Nam bắt kịp xu hướng chung này. Theo đó, hạ tầng số cần phải đáp ứng các yêu cầu về dung lượng lớn, băng thông rộng, đồng thời phải đảm bảo tính phổ cập, bền vững, thân thiện với môi trường, thông minh, mở và an toàn. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai mạng 5G, từ đó thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển kinh tế số cũng như xã hội số.


Trung Quốc đã tận dụng các khả năng khác nhau của công nghệ 5G để khám phá các mô hình kinh doanh và nguồn doanh thu mới ngoài các dịch vụ kết nối truyền thống


Những điều cần biết về mạng 5G 


Theo nhà phát triển chip di động Qualcomm, mạng 3G mang đến khả năng truy cập dữ liệu di động, trong khi đó, 4G mở ra kỷ nguyên băng thông rộng di động. 5G đại diện cho một giao diện không dây thống nhất, được thiết kế nhằm cho phép kết nối vạn vật (IoT), đồng thời tạo điều kiện giao tiếp hiệu quả giữa người với người và giữa người với thiết bị. Bên cạnh đó, cộng nghệ mới này cũng trao quyền cho các mô hình triển khai mới và cung cấp nhiều dịch vụ mới mẻ. 


Một trong những điểm vượt trội nhất của 5G so với 4G chính là tốc độ. Trong điều kiện lý thuyết, 5G có khả năng đạt tới 10 Gbps, nhanh gấp 100 lần so với 4G. Trong thực tế, người dùng có thể trải nghiệm tốc độ khoảng 1 Gbps, cao hơn khoảng 10 lần so với mạng 4G hiện tại. Điều này giúp việc tải xuống tập tin, xem video 4K, chơi game trực tuyến hay livestream trở nên mượt mà hơn. Ngoài ra, các ứng dụng mới như thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) và những dịch vụ yêu cầu độ trễ thấp cũng sẽ hoạt động hiệu quả hơn khi sử dụng mạng 5G.


Bên cạnh tốc độ, một ưu điểm nổi bật khác của 5G là độ trễ cực kỳ thấp. Trong khi mạng 4G có độ trễ khoảng 50ms, 5G có thể giảm xuống chỉ còn 1ms. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các ứng dụng đòi hỏi phản hồi tức thì, như game trực tuyến, livestream hoặc các dịch vụ điều khiển từ xa, chẳng hạn như phẫu thuật y tế bằng robot. Với 5G, mọi thao tác sẽ diễn ra gần như ngay lập tức, mang lại trải nghiệm liền mạch và không bị gián đoạn.


Mạng 5G còn có khả năng kết nối nhiều thiết bị hơn so với 4G. 5G có thể hỗ trợ hàng triệu thiết bị đồng thời trên mỗi km², đảm bảo duy trì tốc độ và sự ổn định khi nhiều thiết bị kết nối cùng lúc. Điều này đặc biệt hữu ích trong các thành phố thông minh hoặc ở những nơi có mật độ thiết bị cao như sân vận động, trung tâm hội nghị hay các khu vực công cộng. 


Mạng 5G được kỳ vọng đem đến trải nghiệm vượt trội so với 4G về tốc độ, độ trễ và khả năng kết nối


Hơn hết, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cho biết, người dùng có thể an toàn sử dụng 5G trên máy bay nhờ việc mạng này hoạt động trên tần số khác với hệ thống của máy bay. Từ tháng 06/2023, Liên minh châu Âu đã cho phép thực hiện cuộc gọi và truy cập 5G trên máy bay, mở ra xu hướng mới có thể dẫn đến việc loại bỏ chế độ máy bay trên điện thoại di động.


Theo thông tin từ Viettel, mạng 5G của hãng này đã triển khai trên cả hai kiến trúc 5G NSA (Non-Standalone)5G SA (Standalone). Trong đó, mạng 5G NSA đã được Viettel triển khai thành công vào năm 2019. Tuy nhiên, 5G SA mới là mạng 5G thực sự, hoạt động hoàn toàn độc lập với công nghệ 4G. 


Cuối tuần trước, MobiFone cũng thông báo đang gấp rút hoàn thành các công đoạn chuẩn bị để sẵn sàng cho việc thương mại hóa mạng 5G. Dự kiến, người dùng sẽ có thể trải nghiệm dịch vụ này từ tháng 11. Tương tự, Vinaphone đã khởi động chương trình dùng thử 5G, diễn ra từ ngày 13/10 - 15/11. Người dùng sở hữu điện thoại hỗ trợ 5G khi đi qua khu vực có sóng sẽ nhận được tin nhắn mời tham gia trải nghiệm. Họ sẽ được tặng 50 GB data miễn phí để sử dụng mạng tốc độ cao trong 30 ngày.


Các nhà mạng đang tích cực triển khai mạng 5G tại nhiều địa điểm ở trung tâm TP.HCM và TP Hà Nội 


Một số lưu ý về an ninh mạng khi sử dụng công nghệ 5G


Để sử dụng mạng 5G, người dùng không chỉ cần đăng ký gói cước mà còn phải sở hữu thiết bị tương thích với công nghệ mạng thế hệ mới. Các điện thoại cao cấp như iPhone 12, Galaxy S20 Ultra Galaxy Z Fold2 trở về sau đều hỗ trợ 5G. Bên cạnh đó, nhiều mẫu Android tầm trung và giá rẻ ra mắt trong khoảng 2-3 năm qua cũng đã được trang bị kết nối này.


Theo các chuyên gia, mạng 5G mở ra nhiều cơ hội phát triển, nhưng cũng đòi hỏi phải chú ý đến một số vấn đề để tránh sai lầm và hiểu lầm. Cụ thể, các nhà bán hàng và doanh nghiệp cần đánh giá đúng về hạ tầng kỹ thuật và nâng cấp thiết bị để đảm bảo tương thích với công nghệ 5G. Bên cạnh đó, khi các thiết bị và hệ thống quản lý được chuyển sang sử dụng mạng 5G, các công ty cần xem xét việc xây dựng giải pháp bảo mật mạnh mẽ nhằm bảo vệ an toàn dữ liệu. Do đó, sự phối hợp với các chuyên gia an ninh mạng là rất cần thiết để bảo vệ hệ thống.


Cuối cùng, các công ty nên nghiên cứu và áp dụng thêm các công nghệ tiên tiến như AI và IoT, vì những công nghệ này hoạt động hiệu quả trên nền tảng 5G. Điều này không chỉ giúp nâng cao hiệu suất sản xuất mà còn tăng cường tính cạnh tranh và khả năng đổi mới trong tương lai.


Các nhà nghiên cứu dự báo rằng đến năm 2035, công nghệ 5G sẽ đóng góp khoảng 13.100 tỷ USD vào sản lượng kinh tế toàn cầu (bao gồm hàng hóa và dịch vụ) và tạo ra 22,8 triệu việc làm mới. Do đó, các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược và dự án để khai thác những lợi thế mà 5G mang lại, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của mình. Khác với 4G, 5G cũng cần một chiến lược quy mô quốc gia để tối ưu hóa việc sử dụng công nghệ tiên tiến này.


Như Quỳnh


Subscribe Newsletter của Advertising Vietnam để theo dõi nhiều tin tức hấp dẫn về ngành quảng cáo.