Ngành công nghiệp trò chơi điện tử đang chứng kiến sự bùng nổ và các thương hiệu đang dần nhận ra tiềm năng to lớn từ việc quảng cáo trực tiếp thông qua các trò chơi nhập vai. Không còn là những hình thức quảng cáo truyền thống, giờ đây các thương hiệu đang chuyển hướng sang việc tích hợp sản phẩm của mình vào môi trường trò chơi. 


Đây được xem là một chiến lược hiệu quả để tiếp cận nhóm đối tượng trẻ tuổi, đặc biệt là thế hệ Gen Z và Gen Alpha, những người thường xuyên tham gia vào các nền tảng game trực tuyến. Nắm bắt được chiến lược đó, vào ngày 8/10/2024 agency WPP đã ký hợp đồng với Roblox trong việc khai thác tiềm năng của phương tiện truyền thông nhập vai và trò chơi cho các thương hiệu toàn cầu - khi mà người tiêu dùng Gen Z và Gen Alpha đang dần trở thành tệp khách hàng chính trong tiêu thụ sản phẩm hiện nay.


Sự phát triển mạnh mẽ của thị trường trò chơi và các thương hiệu thực hiện chiến lược truyền thông bằng nhiều cách 


Thị trường trò chơi điện tử, đặc biệt là các trò chơi nhập vai đang phát triển vượt bậc cả về số lượng người chơi lẫn doanh thu. Không chỉ là nơi để giải trí, các trò chơi này còn trở thành một cộng đồng ảo nơi người chơi có thể tương tác, giao lưu và thậm chí là thể hiện bản thân thông qua việc tùy chỉnh nhân vật, xây dựng thế giới riêng. Những yếu tố này đã thu hút rất nhiều thương hiệu, từ các công ty thời trang, công nghệ cho đến các tổ chức phi lợi nhuận, tham gia vào việc quảng bá trên nền tảng game. 


Bảng xếp hạng game mobile tháng 7/2024 của we are social


Theo thống kê từ công ty nghiên cứu thị trường, nền tảng Roblox hiện là một trong những tựa game phổ biến nhất với giới trẻ, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Á. Với gần 80 triệu người chơi hoạt động hàng ngày trên toàn cầu, Roblox đã trở thành một môi trường quảng cáo lý tưởng cho các thương hiệu muốn tiếp cận đối tượng người tiêu dùng trẻ tuổi.


Các trò chơi nhập vai như Roblox, Minecraft, hay Fortnite không chỉ là nơi để người chơi thể hiện bản thân mà còn là nơi các thương hiệu có thể xây dựng hình ảnh thông qua các vật phẩm và sự kiện ảo.  



Tuy nhiên, không phải tất cả các trò chơi đều phù hợp với mọi thương hiệu, do đó việc lựa chọn trò chơi hợp tác cũng cần được xem xét kỹ lưỡng dựa trên nhóm đối tượng mục tiêu. Ví dụ, nếu một thương hiệu muốn tiếp cận thế hệ Gen Z và Gen Alpha, Roblox và Minecraft có thể là những lựa chọn lý tưởng nhờ lượng người chơi trẻ tuổi khổng lồ. 


Chẳng hạn, nhiều thương hiệu thời trang cao cấp đã hợp tác với Roblox để tạo ra các dòng quần áo ảo mà người chơi có thể mua và trang bị cho nhân vật của mình. Gucci, một thương hiệu thời trang nổi tiếng, đã từng ra mắt bộ sưu tập ảo trên Roblox và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ cộng đồng game thủ. Việc này không chỉ giúp Gucci tăng cường nhận diện thương hiệu mà còn mở ra một hướng đi mới trong việc kinh doanh sản phẩm số. Rob Reilly - Giám đốc sáng tạo của WPP cho biết: “Roblox là một nền tảng tuyệt vời để các thương hiệu tương tác sáng tạo với đối tượng khán giả trẻ, đang mở rộng và có giá trị”. 


Không gian Gucci trên Roblox


Chiến lược game hóa sản phẩm, cửa hàng còn xây dựng cộng đồng khách hàng trung thành với thương hiệu 


Game hóa sản phẩm đang trở thành một chiến lược phổ biến giúp thương hiệu không chỉ tiếp cận mà còn gắn kết sâu sắc hơn với người tiêu dùng. Thay vì coi quảng cáo trong trò chơi là một phương tiện truyền thống, nhiều thương hiệu đang xây dựng các không gian xã hội ảo, nơi người chơi có thể tương tác, thi đấu, hoặc cùng nhau tham gia các sự kiện.


Việc tổ chức các sự kiện trong trò chơi, ra mắt các vật phẩm ảo độc quyền hay tài trợ cho các cuộc thi online đã biến các thương hiệu trở thành một phần không thể thiếu trong trải nghiệm trò chơi. 


Nhiều thương hiệu tích hợp sản phẩm vào trò chơi để xây dựng cộng đồng


Một trong những xu hướng đang được ưa chuộng là tích hợp sản phẩm thương hiệu vào các vật phẩm hoặc yếu tố trong trò chơi. Ví dụ, thay vì chỉ quảng cáo thông qua banner hay video ngắn, các thương hiệu có thể biến sản phẩm của mình thành vật phẩm mà người chơi có thể sử dụng trong trò chơi. Đó có thể là quần áo, phụ kiện, hoặc thậm chí là những trải nghiệm đặc biệt mà người chơi có thể mua bằng tiền ảo hoặc nhận được khi hoàn thành nhiệm vụ. Đây là một trong những chiến lược hiệu quả giúp thương hiệu có thể xây dựng một cộng đồng người chơi tiếp cận sản phẩm một cách tự nhiên. 


Điển hình, Nike đã tạo ra Nikeland trên Roblox – một không gian ảo nơi người chơi có thể tham gia vào các hoạt động thể thao, thi đấu và khám phá sản phẩm mới của Nike. Thay vì chỉ là những quảng cáo đơn thuần, thương hiệu đã mang đến cho người chơi những trải nghiệm thú vị và gắn kết, giúp họ cảm thấy mình là một phần của cộng đồng Nike.



Bên cạnh đó, trò chơi Play Together còn hợp tác với nhiều thương hiệu nổi tiếng như 7 Eleven, tiệm làm đẹp đến từ Hàn Quốc - Chahong, Koreno... để tích hợp các cửa hàng và nhiệm vụ vào game. Từ đó tạo nên mối liên kết giữa thương hiệu và người chơi, đồng thời khiến người tiêu dùng nhanh chóng liên tưởng đến các sản phẩm, dịch vụ của thương hiệu.


Cụ thể, chỉ trong một tháng ra mắt, cửa hàng Koreno Kitchen trên Play Together đã nhận về hơn 3 triệu lượt ghé thăm và hơn 7 triệu gói “mì ảo” của Paldo đã được bán ra trên game. Sự xuất hiện của cửa hàng Koreno trên tựa game đã giúp các sản phẩm của thương hiệu tiếp cận với một lượng lớn khách hàng tiềm năng. 


Cửa hàng 7-Eleven trong trò chơi Play Together


Không những thế, ứng dụng thẻ thành viên - Vani cũng đã “xây dựng” một cửa hàng trong trò chơi Play Together và trong 3 ngày đầu tiên, cửa hàng đã nhận về hơn 600.000 lượt ghé thăm, gần 400.000 lượt tham gia làm nhiệm vụ tìm thẻ thành viên của vani. Không chỉ nhận được sự hưởng ứng từ cộng đồng người chơi game Play Together, Vani còn nhận được hơn 1 triệu lượt tải ứng dụng sau hơn 3 tháng.  


Cửa hàng Vani trong Play Together


Với sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp game và xu hướng tiêu dùng của thế hệ trẻ, các trò chơi nhập vai đang trở thành nền tảng quảng cáo không thể bỏ qua cho các thương hiệu. Không chỉ là nơi để quảng bá sản phẩm, các trò chơi này còn mang lại cơ hội xây dựng cộng đồng và tạo ra những trải nghiệm tương tác độc đáo cho người tiêu dùng.


Khi được triển khai đúng cách, các chiến dịch quảng cáo trong trò chơi có thể mang lại những hiệu quả vượt xa so với các phương pháp truyền thống, giúp thương hiệu không chỉ tiếp cận mà còn trở thành một phần của cuộc sống số của người chơi.


Kim Yến


Đừng quên đăng ký newsletter của Advertising Vietnam để cập nhật những thông tin mới nhất về marketing, quảng cáo hàng tuần!