Trong bối cảnh phát triển không ngừng của ngành công nghiệp Esports, chiến lược marketing ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Theo Statista, thị trường Esports toàn cầu dự kiến sẽ đạt doanh thu 4,3 tỷ USD vào năm 2024. Không chỉ hấp dẫn bởi các tựa game nổi tiếng như Liên Minh Huyền Thoại (LOL), Valorant, PUBG, Dota 2, Overwatch, người chơi còn bị cuốn hút bởi những chiến lược marketing thông minh đến từ các đội tuyển và công ty game.
Lĩnh vực Esports thu hút nhiều người chơi và xem
Điển hình là việc Liên Minh Huyền Thoại mời nhóm nhạc K-Pop New Jeans hát nhạc chủ đề, hay Audition tổ chức các sự kiện offline kết nối với cộng đồng dancer Việt Nam. Những hoạt động này không chỉ làm tăng sự hứng thú của người chơi mà còn giúp xây dựng mối quan hệ vững chắc giữa nhà phát hành game và cộng đồng người chơi.
Các đội tuyển tổ chức các buổi fan meeting trên toàn thế giới và xuất hiện trên chương trình thực tế
Trong báo cáo của Statista, sự phát triển của trò chơi điện tử cạnh tranh ở Hàn Quốc đã củng cố vị thế của quốc gia này như một cường quốc toàn cầu trong thị trường Esports. Cũng chính vì thế mà các tuyển thủ Esports của Hàn Quốc cũng được nhiều người biết đến hơn. Đặc biệt là tuyển thủ Faker của đội tuyển T1 - người đã làm nên lịch sử của trò chơi Liên Minh Huyền Thoại tại Hàn Quốc và góp phần mang về nhiều chiếc cúp vô địch thế giới cho nước nhà, cho đến hiện tại Faker vẫn là một tượng đài mỗi khi nhắc đến trò chơi Liên Minh Huyền Thoại.
Không chỉ mỗi Faker, những tuyển thủ khác ở Hàn Quốc cũng được nhiều người chơi game yêu thích như Deft của đội tuyển KT, Doran của đội tuyển Gen, Keria của T1,... Nắm bắt được sức ảnh hưởng đặc biệt của các tuyển thủ, các công ty của họ đã bắt tay thực hiện các chiến lược marketing độc đáo, để các tuyển thủ có thể đến gần hơn với người hâm mộ như tổ chức Fanmeeting, livestream chơi game giao lưu, hợp tác với các thương hiệu...
Đội tuyển T1 triển khai các nội dung độc quyền dành cho người hâm mộ trên trang web
Nổi bật là đội tuyển T1 đến từ Hàn Quốc, họ đã tổ chức nhiều buổi fan meeting như T1Con, T1 Home Ground,... để có thể giao lưu với người hâm mộ và còn triển khai một trang web riêng để đăng tải các nội dung độc quyền, bao gồm vlog của các thành viên và chương trình thực tế tự sản xuất. Hơn thế nữa, các thành viên của đội tuyển T1 còn hợp tác với các thương hiệu lớn như Samsung để quảng bá các sản phẩm như màn hình máy tính và TV.
Mức độ quan tâm của người hâm mộ dành cho các tuyển thủ được nhiều người ví như mức độ nổi tiếng của những thần tượng trong lĩnh vực âm nhạc. Những tuyển thủ này còn được xuất hiện trên các chương trình thực tế nổi tiếng, trong chương trình thực tế Run BTS! tập 114 và 115, đội tuyển T1 đã xuất hiện cùng với nhóm nhạc K-Pop BTS để cùng quay nội dung về chủ đề về game.
Tập phát sóng này của BTS đã thu hút được nhiều sự chú ý của cộng đồng người hâm mộ của cả hai đội, ngoài ra trong video hậu trường của chương trình được đăng tải trên YouTube cũng đạt được hơn 2,5 triệu lượt xem. Không những xuất hiện cùng với BTS, các thành viên của đội tuyển T1 cũng đã từng góp mặt trong một số chương trình nổi tiếng tại Hàn Quốc như: Knowing Bros, Hello Counselor, Radio Star, và You Quiz on the Block.
Bên cạnh đó, tuyển thủ Deft của đội tuyển KT cũng đã gây ấn tượng mạnh mẽ đến người xem khi xuất hiện trong chương trình Fearless Sakura của nữ thần tượng Sakura đến từ nhóm LE SSERAFIM. Được biết, những tập xuất hiện tuyển thủ Deft đều có nhiều lượt xem và cao nhất là hơn 3,4 triệu lượt.
Hai tập có sự tham gia của tuyển thủ Deft đều có nhiều lượt xem
Tại Việt Nam, vào tháng 5/2024 vừa qua, đội tuyển Liên Minh Huyền Thoại Gen.G tổ chức fanmeeting đầu tiên tại Việt Nam sau khi trở thành nhà đương kiêm vô địch tại giải đấu LCK (League Of Legends Champions Korea). Buổi fanmeeting đã quy tụ nhiều người hâm mộ của đội tuyển này tại Việt Nam đến tham dự.
Đội tuyển Gen.G tổ chức Fanmeeting tại Việt Nam
Không chỉ tổ chức những buổi fanmeeting, quay những nội dung dành cho người hâm mộ,... những công ty của các đội tuyển Esports còn sản xuất những món quà lưu niệm như quần áo thi đấu, lightstick cổ vũ, slogan, huy hiệu,... Những món quà này không chỉ là vật phẩm lưu niệm mà còn là biểu tượng của sự ủng hộ và tình cảm mà người hâm mộ dành cho đội tuyển.
Các đội tuyển phát hành những món quà lưu niệm dành cho người hâm mộ
Các tựa game kết hợp với người nổi tiếng để hát nhạc chủ đề, đưa trang phục của họ vào trò chơi
Âm nhạc không chỉ là một yếu tố giải trí mà còn là một công cụ mạnh mẽ để truyền tải thông điệp và tạo dựng thương hiệu. Các bài hát chủ đề giúp gắn kết cộng đồng game thủ, tăng cường sự hứng khởi và tạo ra những khoảnh khắc đáng nhớ cho người chơi.
Có thể nói, nhạc chủ đề của những tựa game luôn là một món ăn tinh thần không thể thiếu qua mỗi năm. Tựa game Liên Minh Huyền Thoại là một trong những trò chơi tiên phong trong chiến lược này với hàng loạt những bản hit từ năm 2014 đến hiện tại. Hàng năm, Riot Games phát hành một bài hát chủ đề chính thức của Giải vô địch thế giới Liên minh huyền thoại để đi kèm với giải vô địch thế giới. Năm 2014 là năm đầu tiên Riot Games chính thức phát hành bài hát chủ đề cho giải vô địch thế giới, bài hát có tên ‘Warrior’ với giọng hát của nhóm nhạc Imagine Dragons và đây cũng chính là bài hát chủ đề có lượt xem cao nhất trên YouTube với hơn 430 triệu view.
Riot Games còn có chiến lược táo bạo hơn nữa, đó chính là tập hợp các nhân vật nữ trong trò chơi Liên Minh Huyền Thoại để tạo thành nhóm nhạc có tên K/DA, với bài hát ra mắt Pop/Stars có sự tham gia của nhóm nhạc K-Pop (G)I-DLE, nhóm nhạc nữ ảo này đã thu về cho mình hơn 600 triệu lượt xem trên YouTube - lượt xem cao hơn các bài hát chủ đề của Liên Minh Huyền Thoại.
Nắm bắt được sức ảnh hưởng của các nghệ sĩ nổi tiếng nói chung và các nhóm nhạc K-Pop nói riêng khi tham gia hát ca khúc chủ đề cho các tựa game, trò chơi VALORANT đã kết hợp với XG với ca khúc UNDEFEATED, PUBG kết hợp với Blackpink với bài hát ‘Ready For Love’ hay Liên Minh Huyền Thoại với nhóm nhạc New Jeans trong ca khúc chủ đề năm 2024 - GODS.
Các bài hát kết hợp giữa nghệ sĩ nổi tiếng và game nhận được nhiều sự quan tâm từ khán giả
Không chỉ kết hợp với thị trường quốc tế, những tựa game cũng kết hợp với các nghệ sĩ Việt Nam trong các chiến dịch quảng bá như nam ca sĩ Erik với bài hát ‘Yêu đương khó quá thì CHẠY VỀ KHÓC VỚI ANH’ trong tựa game Geishin Impact hay mới đây là màn bắt tay của anh trai Soobin Hoàng Sơn cùng với bài hát ‘It's A New Dawn’ để quảng bá cho game Hành Trình AFK.
Sự kết hợp giữa các tựa game và ca sĩ nổi tiếng không chỉ giúp quảng bá trò chơi mà còn tạo ra cơ hội kinh doanh mới. Các bài hát chủ đề có thể được phát hành trên các nền tảng âm nhạc số, mang lại doanh thu từ lượt tải và lượt nghe. Không những thế, việc liên tục tạo ra các bài hát chủ đề mới mỗi năm đòi hỏi sự sáng tạo và đổi mới không ngừng. Điều này không chỉ giữ cho trò chơi luôn tươi mới mà còn tạo ra những xu hướng mới trong âm nhạc và văn hóa game.
Tổ chức sự kiện offline kết hợp với nhiều hoạt động độc đáo kết nối với cộng đồng người chơi
Tổ chức các sự kiện offline đã trở thành một chiến lược quan trọng trong việc tạo dựng và củng cố mối quan hệ giữa các nhà phát hành game và cộng đồng người chơi. Những sự kiện này không chỉ là dịp để các game thủ gặp gỡ, giao lưu mà còn là cơ hội để trải nghiệm nhiều hoạt động độc đáo và hấp dẫn.
Trong các sự kiện này, game thủ có thể tham gia vào các trò chơi, nhận được nhiều phần quà từ nhà phát hành game, và tham gia vào các hoạt động tương tác trực tiếp với cộng đồng. Các sự kiện offline thường được thiết kế với nhiều khu vực trải nghiệm khác nhau, từ các gian hàng trưng bày sản phẩm game, khu vực chơi thử game mới, đến các khu vực giải trí như chụp ảnh, cosplay, và tham gia các trò chơi nhỏ với phần thưởng hấp dẫn. Những phần quà này không chỉ đơn giản là vật phẩm trong game mà còn có thể là những món quà lưu niệm đặc biệt như áo thun, phụ kiện, và thậm chí là các vật phẩm giới hạn chỉ có tại sự kiện.
Audition tổ chức cuộc thi nhảy Audition On Stage dành cho Học sinh - Sinh viên
Để sự kiện của mình lan tỏa đến nhiều người hơn, các nhà phát hành game thường kết hợp tổ chức thêm các cuộc thi và hoạt động sáng tạo khác. Một trong những ví dụ điển hình là Offline kỷ niệm sinh nhật 17 tuổi của trò chơi Audition vào năm 2023. Ra mắt từ năm 2004 và trở thành một biểu tượng của cộng đồng dancer, Audition đến nay vẫn là một tựa game phổ biến và tiếp tục được phát triển để phục vụ các giải đấu. Nhà phát hành VTC đã kết hợp với các cộng đồng nhảy thực tế để tổ chức cuộc thi nhảy dành cho các nhóm vũ công tại Việt Nam, mang tên Audition on Stage. Sự kiện này không chỉ thu hút các game thủ yêu thích Audition mà còn lôi cuốn cả những người đam mê nhảy múa, tạo nên một sân chơi đa dạng và phong phú. Việc kết hợp này không chỉ giúp quảng bá trò chơi mà còn thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng nhảy thực tế, tạo nên một mối liên kết vững chắc giữa game và đời thực.
Offline của tựa game Play Together
Đáng chú ý, các sự kiện offline còn có thể thu hút được cộng đồng Cosplay đến tham dự, họ cũng chính là một trong những nhân tố giúp cho sự kiện offline trở nên thú vị hơn bao giờ hết.
Ngoài ra, các sự kiện offline còn tạo ra các cơ hội kinh doanh mới cho nhà phát hành game. Bằng cách hợp tác với các thương hiệu khác, từ nhà sản xuất phụ kiện game đến các nhãn hàng thời trang, các sự kiện này không chỉ mang lại doanh thu từ việc bán vé tham dự mà còn từ việc bán các sản phẩm liên quan. Các nhà tài trợ và đối tác thương mại cũng thấy được lợi ích từ việc tiếp cận trực tiếp với một cộng đồng người chơi nhiệt tình và đam mê, tạo ra một mối quan hệ đối tác đôi bên cùng có lợi.
Chiến lược marketing trong lĩnh vực Esports không chỉ dừng lại ở việc quảng bá sản phẩm game mà còn tập trung vào việc xây dựng mối quan hệ mật thiết với cộng đồng người chơi. Từ việc tổ chức fan meeting, sản xuất nội dung độc quyền, hợp tác với các nghệ sĩ nổi tiếng, đến việc tổ chức các sự kiện offline đầy sáng tạo, các nhà phát hành game đã tạo ra những trải nghiệm đáng nhớ và gắn kết chặt chẽ với người chơi. Những hoạt động này không chỉ tăng cường sự hứng khởi và lòng trung thành của người hâm mộ mà còn góp phần thúc đẩy doanh thu và tạo ra các cơ hội kinh doanh mới. Với sự phát triển không ngừng của Esports, các chiến lược marketing sáng tạo này sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ngành công nghiệp game lên một tầm cao mới, gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa game và đời sống giải trí của cộng đồng người chơi.
Kim Yến
Đừng quên đăng ký newsletter của Advertising Vietnam để cập nhật những thông tin mới nhất về marketing, quảng cáo hàng tuần!