Công nghệ thực tế ảo (Virtual Reality - VR) và thực tế tăng cường (Augmented Reality - AR) ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực. Đối với Marketing, AR và VR giúp thương hiệu tạo ra các trải nghiệm tương tác độc đáo, từ đó kích thích người tiêu dùng mua hàng cũng như xây dựng cảm tình thương hiệu. Vậy đâu là điểm khác biệt giữa AR và VR? Công nghệ nào sẽ đem lại hiệu quả tốt hơn cho chiến lược marketing của thương hiệu? Cùng tìm hiểu qua bài viết sau.


AR - VR và sự khác biệt giữa hai công nghệ


Công nghệ AR là sự kết hợp của thế giới thực với các yếu tố ảo. Thông qua các thiết bị công nghệ như máy tính hay điện thoại thông minh, người dùng có thể nhìn thấy và tương tác với các chi tiết ảo trong bối cảnh thực như thể chúng đang thật sự tồn tại ngoài đời thật. Do đó, ưu điểm lớn nhất của AR là tạo ra những trải nghiệm vô cùng chân thực và đáng giá. Công nghệ này thường được dùng cho mục đích mô phỏng nhằm giúp người dùng đưa ra quyết định tốt hơn trong thế giới thực.


Thông qua ứng dụng AR - IKEA Place, người dùng có thể thấy ngôi nhà của mình sẽ thay đổi như thế nào nếu có thêm một món nội thất đến từ IKEA


Khác với AR, công nghệ VR tạo ra một thế giới ảo hoàn toàn, nơi người dùng có thể tham gia đầy đủ vào đó thông qua các thiết bị phần cứng mà trong đó phổ biến nhất là kính thực tế ảo. Nói cách khác, VR cung cấp cho người dùng trải nghiệm nhập vai vào một thế giới được giả lập toàn bộ. Đặc trưng của VR là công nghệ này yêu cầu các thiết bị công nghệ như máy tính, tai nghe, kính cảm biến,... nhằm tạo ra chuỗi trải nghiệm sống động và không bị gián đoạn bởi thế giới bên ngoài. 


Heineken tổ chức hẳn một sự kiện ảo để ra mắt bia Heineken Silver. Người dùng sẽ sử dụng hình đại diện ảo để tham dự


Như vậy, điểm khác biệt lớn và quan trọng nhất giữa VR và AR là: AR bổ sung yếu tố ảo vào thế giới hiện tại của người dùng, trong khi đó, VR đưa người dùng vào một thế giới hoàn toàn mới và không có thực. 


Thái độ của người tiêu dùng đối với AR và VR


HubSpot đã thực hiện một cuộc khảo sát về sở thích của người dùng đối với AR và VR cũng như cách họ sử dụng chúng. Những người tham gia cho biết họ sử dụng hai công nghệ này ở mức độ tương tự nhau. Hầu hết trong số họ nói rằng tần suất sử dụng là vài ngày liên tục trong một tuần hoặc một tháng. 


Khi được hỏi rằng “Bạn đã từng mua phần mềm hoặc thiết bị AR hay chưa?”, đa số người tham gia khảo sát trả lời là “chưa” (55%), trong khi chỉ 25% người nói “có” và 20% người đang cân nhắc. Đối với công nghệ VR, dường như tỷ lệ này không có quá nhiều sự chênh lệch khi có 50% người được khảo sát cho biết họ chưa từng mua các thiết bị VR nào và 20% người đang suy nghĩ thêm về quyết định mua hàng, trong khi số lượng người dùng chi trả cho công nghệ này chỉ chiếm 30%. 


55% người dùng chưa từng mua phần mềm hoặc thiết bị AR. Tỉ lệ này với VR là 50%


Tuy nhiên, khi đánh giá và đưa ra lựa chọn giữa 2 loại công nghệ, đa số người dùng lại tiết lộ rằng họ yêu thích công nghệ VR hơn bởi 4 lý do chính sau:

  • VR cung cấp trải nghiệm sâu sắc hơn khi đưa họ đến một thế giới giải trí mới mẻ hoàn toàn.
  • VR sở hữu đồ họa đẹp và hiệu ứng chuyển động mượt mà, đa dạng.
  • VR có nhiều ứng dụng hơn AR, đặc biệt trong trò chơi điện tử và trải nghiệm tương tác.
  • VR quen thuộc hơn so với AR.


Năm 2021, Nike gia nhập "vũ trụ ảo" với tựa game hóa thân Nikeland chạy trên nền tảng trò chơi điện tử Roblox


Một số lượng lớn người được hỏi cũng cho biết họ không thích hoặc không quan tâm đến việc sử dụng một trong hai công nghệ này. Hay thậm chí còn có nhiều người dùng thú thật rằng họ không hiểu AR hay VR là gì, cũng không hiểu điểm khác biệt giữa hai công nghệ này khi mọi người liên tục so sánh tính thực tế chênh lệch nhau giữa chúng. 


HubSpot cũng công bố thêm một số kết quả đáng chú ý về vũ trụ ảo Metaverse - vốn là một nơi lý tưởng để tích hợp AR và VR:

  • 8% người trưởng thành ở Mỹ đã từng truy cập Metaverse (con số này không thay đổi nhiều trong hai năm gần đây).
  • Mức độ tương tác với thế giới ảo đang giảm dần và người tiêu dùng ngày càng ít đầu tư mua các mặt hàng ảo.


Đối với thương hiệu, hơn ¼ nhà tiếp thị từng sử dụng AR và VR cho biết họ có dự định ngừng sử dụng chúng vào năm 2023. Các marketer cho rằng tiềm năng của cả hai công nghệ vẫn đủ sức thu hút họ, nhưng không phải chiến lược nào áp dụng AR hoặc VR cũng dễ dàng và có chi phí hợp lý.


Top 5 xu hướng tiếp thị mà các marketer dự định dừng theo đuổi (theo thứ tự từ cao đến thấp): NFT, Metaverse, phòng chat âm thanh, tìm kiếm bằng giọng nói được tối ưu hóa, VR và AR


Tuy nhiên, 14% nhà tiếp thị tham gia khảo sát cho biết họ đang lên kế hoạch khám phá VR/AR lần đầu tiên trong năm 2023. Nhìn chung, trong tiếp thị, AR và VR không “so tài” về mức độ hiệu quả khi áp dụng bởi mỗi công nghệ sẽ giải quyết một “bài toán” riêng của thương hiệu. Tùy vào mục tiêu chiến dịch và vấn đề mà thương hiệu đang gặp phải, thương hiệu sẽ đưa ra lựa chọn công nghệ phù hợp. 


Tìm kiếm ý tưởng từ một số case study ứng dụng AR - VR thành công


1. VR

Thương hiệu: Patrón


Patrón là thương hiệu rượu tequila được sản xuất bởi công ty Patrón Spirits. Vào tháng 8/2022, Patrón đã tổ chức chiến dịch Patrón Pop-up Series trên Metaverse, cụ thể là nền tảng Decentraland nhằm giới thiệu ba loại rượu tequila mới dành riêng cho mùa hè của thương hiệu: Silver & Soda, Perfect Paloma và Añejo Highball. Đăng ký chương trình Patrón Pop-up Series trên Decentraland, người dùng sẽ có cơ hội tham gia ba sự kiện để thực hiện nhiệm vụ và thu thập huy hiệu để đổi trang phục giới hạn cho nhân vật ảo của người dùng trên nền tảng và một chuyến du lịch cao cấp đến Mexico - quê hương của loại rượu tequila. 


Quầy bar ảo của Patrón


Lựa chọn Metaverse (VR) là nơi tổ chức sự kiện không chỉ giúp Patrón hưởng lợi từ sự quan tâm của xã hội với công nghệ mới này, mà còn đưa thương hiệu tiếp cận gần gũi hơn với đa dạng phân khúc khách hàng, đặc biệt là khách hàng gen Z.


Thương hiệu: GUCCI


Thị trấn GUCCI xuất hiện đầy choáng ngợp trên Metaverse


GUCCI Town là một ví dụ tuyệt vời về trải nghiệm thương hiệu bằng VR sống động. Nơi đây chính là thế giới ảo của GUCCI trong siêu vũ trụ Roblox. Ở đó, mọi người có thể khám phá lịch sử của hãng thời trang xa xỉ đến từ Ý cũng như kết nối và tương tác với những người dùng khác. Khách hàng cũng có thể mua quần áo ảo được thiết kế độc quyền cho hình đại diện trong GUCCI Town trên Roblox. 


2. AR

Thương hiệu: Netflix


Filter AR của Netflix đã biến mọi khung cảnh tưởng như chỉ xuất hiện trong phim thành hiện thực


Để giới thiệu mùa mới của series đình đám “Stranger Things”, gã khổng lồ streaming Netflix đã ra mắt hàng loạt hoạt động quảng bá độc đáo và ấn tượng. Trong đó, thông qua filter áp dụng AR giả lập các khung cảnh xuất hiện trong phim, người hâm mộ có thể phiêu lưu đến mọi địa điểm mình muốn như thể họ chính là một phần của thế giới Stranger Things kì ảo. Nhằm tăng thêm tính chân thực cho trải nghiệm, Netflix tích hợp thêm nhiều trò chơi tương tác, vừa phục vụ nhu cầu giải trí của người dùng vừa thành công “úp mở” về nhiều tình tiết hấp dẫn trong bộ phim.


Thương hiệu: Pepsi


Pepsi đã thực hiện một ý tưởng DOOH táo bạo để quảng bá thức uống không đường và ít calo Pepsi Max. Chiến dịch hướng đến mục tiêu cung cấp trải nghiệm khó quên và tạo “cú hích” mạnh mẽ về mặt cảm xúc cho khách hàng như cách hương vị độc đáo của Pepsi Max có thể đem lại. Xuất phát từ thực tế rằng chờ xe buýt vốn là khoảng thời gian nhàm chán nhất đối với nhiều người, Pepsi đã đặt các biển quảng cáo DOOH tại một nhà chờ bus trên đường New Oxford (London, Anh).


Mọi sự kiện không tưởng nhất đã diễn ra qua tấm biển DOOH tích hợp AR của Pepsi


Tích hợp camera và công nghệ AR, biển quảng cáo mô phỏng một cửa sổ giả, nơi người dùng có thể “tận mục sở thị“ mọi sự kiện không tưởng nhất diễn ra trên đường phố. Một người bộ hành đột ngột bị tóm lấy bởi xúc tu khổng lồ của một con bạch tuộc ngoi lên từ miệng cống, một con hổ hoang dã thản nhiên dạo bước cùng nhiều người đi bộ trên vỉa hè, người ngoài hành tinh bất ngờ viếng thăm Trái Đất,... Tất cả đều diễn ra đầy kịch tính và lý thú qua “lăng kính“ của tấm biển quảng cáo của Pepsi nhờ công nghệ AR. 


Theo HubSpot

Trang Ngọc