Muốn trở thành Senior, nhân sự phải nắm tinh thần “vừa làm lính, vừa làm sếp”

Sau khi đã gia nhập vào thị trường lao động, bất kỳ cá nhân nào cũng sẽ mong muốn được thăng tiến nhanh chóng. Các nhân sự sẽ cố gắng nỗ lực làm việc, trau dồi bản thân để vươn lên những vị trí cao hơn, chẳng hạn như vị trí Senior (nhân viên cấp cao). Thế nhưng chính xác thì thời điểm nào mới là "chín muồi" để nhân sự thăng tiến? Làm thế nào để các cấp lãnh đạo, Manager có thể tự tin trao quyền cho những nhân sự ấy?


Hãy cùng các chuyên gia và nhân sự tại Leo Burnett, Ogilvy Novaon phân tích về chủ đề này!


Senior là “xương sống” của agency


Tại mỗi vị trí công việc trong agency như Account, Planner, Content Creator, Graphic Designer, Talent Acquisition,... các công ty đều sẽ phân chia nhân sự thành nhiều cấp bậc như Intern, Trainee, Junior, Senior và Manager. Trong bài viết "Giải đáp về lương khởi điểm dành cho newbie ngành Quảng cáo", các nhân sự đã chia sẻ cụ thể về các vị trí như sau:

  • Intern: Sinh viên vừa mới tốt nghiệp, chưa có nhiều kinh nghiệm thực chiến
  • Trainee: Nhân viên tập sự, đã có một chút kinh nghiệm trong ngành
  • Junior: Những nhân viên đã có kinh nghiệm xử lý công việc, đồng thời là vị trí mà các agency có nhu cầu tuyển dụng cao
  • Senior: Nhân sự đã có từ 2-3 năm kinh nghiệm và thuần thục với toàn bộ công việc.


Trong một agency, một Senior có thể được xem là một nhân sự "kỳ cựu" với kinh nghiệm dày dặn trong công việc. Chị Huyền Trang - Senior Strategic Planner tại Novaon cho biết, một Senior trong agency thường đảm nhận những nhiệm vụ chung như:

  • Chịu trách nhiệm cho những dự án khó, những khách hàng lớn và tiềm năng
  • Tham gia những công việc chung của bộ phận như: Xây dựng gói sản phẩm, tài liệu chung của bộ phận, đóng góp những ý kiến về quy trình làm việc,...
  • Hướng dẫn các bạn Intern, Trainee và Junior trong team
  • Là đại diện của team để làm việc với những phòng ban khác


Từ góc nhìn của bản thân, chị Yến Đặng - Associate Creative Director tại Leo Burnett cho rằng tùy vào từng công ty mà Senior sẽ là người góp phần xây dựng và phát triển đội nhóm, đóng góp ý kiến và tham gia tích cực trong việc nâng cao cách vận hành, quản lý của agency. "Và quan trọng hơn hết là nhân sự đó phải tiếp tục trau dồi, phát triển bản thân để không dậm chân tại chỗ, trở thành tấm gương cho cấp dưới và thế hệ trẻ hơn", chị chia sẻ.


Senior sẽ là người góp phần xây dựng và phát triển đội nhóm


Nhìn chung, khối lượng và tính chất công việc mà một Senior đảm đương sẽ khác biệt rất nhiều so với vị trí trước đó. Anh Nguyễn Anh Phúc - Strategic Planning Manager tại Ogilvy lý giải: "Theo quan điểm của anh, khi ở vị trí Junior thì các bạn vẫn còn rất 'fresh', cần được cấp trên giám sát và hướng dẫn rất nhiều để có thể làm và sửa sai mỗi ngày. Thế nhưng yêu cầu đối với các Senior thì lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. 


Các bạn Senior được xem như là 'xương sống' của agency, là người trực tiếp thực thi từng dự án, là cầu nối truyền tải các định hướng từ cấp trên, là người làm việc cùng và ươm mầm cho các talent mới của ngành. Do đó, năng lực của các bạn sẽ ảnh hưởng rất lớn tới kết quả của dự án: liệu nó có đúng deadline hay không, chất lượng có tốt không, ý tưởng có được thực thi đến nơi đến chốn hay không,... Chính vì thế mà các bạn Senior phải có trách nhiệm làm đúng, hoàn thành các bài toán được đặt ra và thậm chí là phải vượt trên kỳ vọng của cấp trên nữa."


Chị Huyền Trang tổng kết: "Bên cạnh những công việc chuyên môn, Senior sẽ phải phụ trách những công việc khó và đòi hỏi kinh nghiệm nhiều hơn, chịu trách nhiệm cho sự phát triển của team."



"Làm Senior thì nhân sự phải nắm tinh thần 'vừa làm lính, vừa làm sếp'. Có nghĩa là nhân sự không phải ngồi yên và 'chỉ tay năm ngón' mà phải biết cách hướng dẫn và hỗ trợ Junior trong trường hợp bạn đó chưa hoàn thành tốt công việc được giao. Đôi khi Senior cũng phải đứng ra bảo vệ Junior trong tình huống bạn bị 'ăn hiếp' vô lý, trở thành động lực cho các bạn làm việc tốt hơn, vui vẻ hơn, cầu tiến hơn. Nói chung, là một Senior đúng nghĩa thì cực hơn chứ không sướng hơn đâu", chị Yến Đặng cho biết.


Vậy với khối lượng công việc như thế, một Senior cần hội tụ những tính cách như thế nào? Chị Yến Đặng chia sẻ rằng Senior không nhất thiết phải có cùng một số tính cách nào đó vì mỗi người một vẻ: "Tuy nhiên, nhìn chung thì nhân sự phải có tinh thần trách nhiệm cao hơn rất nhiều, sức chịu đựng cao hơn, điềm tĩnh hơn khi gặp sự cố và chịu 'hy sinh' để bảo vệ, tạo điều kiện phát triển cho những thành viên trong team. Càng lên cao thì những tố chất này cần phải dày hơn."


Bên cạnh đó, anh Nguyễn Anh Phúc cũng cho biết: "Mình nghĩ sẽ khó có một câu trả lời chính xác cho những tính cách cần thiết của một Senior. Tất nhiên sẽ có những yếu tố tiên quyết như tinh thần trách nhiệm cao, chính trực, cởi mở. Tuy nhiên ở agency, đặc biệt là các creative agency, sự đa dạng trong tính cách cũng là một yếu tố dẫn đến sự đa dạng về mặt sáng tạo. Do đó, mình thấy Senior nên có khả năng kiểm soát, tiết chế thái độ của bản thân trong công việc để có thể thực hiện nhiệm vụ của mình. Ví dụ như có những bạn Senior Creative có tính cách nhẹ nhàng sẽ phù hợp làm những idea liên quan đến trẻ em hay phụ nữ. Tuy nhiên, khi gặp khách hàng thì bạn ấy sẽ cần có sự cứng rắn để thuyết phục khách hàng."


Tinh thần trách nhiệm cao, chính trực và cởi mở là những yếu tố tiên quyết mà Senior cần có


Khi nào thì một nhân sự sẽ được cân nhắc trở thành Senior? 


Từ những thông tin trên, có thể thấy Senior là người có khả năng quán xuyến tốt các công việc được giao, có kinh nghiệm lâu năm trong ngành. Theo chị Huyền Trang, công ty sẽ lựa chọn Senior dựa trên những tiêu chí sau:

  • Kiến thức chuyên môn sâu: Kiến thức tổng quan là yếu tố cần thiết, tuy nhiên để đạt được vị trí Senior thì nhân sự cần nền tảng kiến thức sâu hơn ở một số khía cạnh, lĩnh vực nhất định. Ví dụ như với vị trí Planner, nhân sự cần thấu hiểu sâu sắc một vài ngành đặc biệt hoặc có thế mạnh tìm ra customer journey (trải nghiệm khách hàng), nghiên cứu và phân tích thị trường
  • Kinh nghiệm thực tế: Nhân sự phải có đủ kinh nghiệm để đưa ra quyết định hoặc giải quyết công việc nhanh chóng, đúng trọng tâm. Bên cạnh đó, kinh nghiệm còn giúp Senior tìm ra những insight ít hoặc không được nhắc đến trong sách vở hoặc các bài giảng.
  • Khả năng tìm hiểu các lĩnh vực, nhiệm vụ không nằm trong phạm vi công việc: Trong quá trình làm việc, đôi khi nhân sự sẽ phải đối mặt với những yêu cầu vượt ngoài phạm vi chuyên môn và kiến thức của bản thân. Do đó, một nhân sự có khả năng tìm tòi các giải pháp giải quyết được những vấn đề ấy, có kinh nghiệm "va chạm" với nhiều tình huống và lĩnh vực sẽ dễ được thăng tiến lên vị trí Senior
  • Khả năng đánh giá công việc, dự án,...: Nhân sự có khả năng nhìn nhận và đánh giá các đầu việc, giải pháp của bản thân xem mọi thứ đã thật sự hợp lý chưa, có điểm nào cần phát triển hay không?



Bên cạnh đó, anh Nguyễn Anh Phúc cũng cho biết: "Điều đầu tiên và quan trọng nhất đối với vị trí Senior chính là các bạn phải có kỹ năng rất chắc về mặt chuyên môn, có thể đảm đương và hoàn thành công việc một cách độc lập và rất ít khi cần sự giám sát từ cấp trên. Với vị trí Senior tại agency thì nhân sự cần thêm một số yếu tố khác như: 

  • Khả năng phối hợp với các team khác
  • Sự tự tin và điềm tĩnh để giải quyết vấn đề
  • Năng lực hướng dẫn, đào tạo và quản lý các bạn Junior và Intern 


Với những yêu cầu như vậy, công ty sẽ đánh giá cao năng lực hơn là tuổi đời kinh nghiệm của nhân sự. Thế nhưng kinh nghiệm vẫn là một thước đo quan trọng để công ty đánh giá năng lực của nhân sự."


Ngoài ra, anh Nguyễn Anh Phúc chia sẻ rằng, tại các global agency thì nhân sự có khoảng 5 đến 7 năm kinh nghiệm ở vị trí của mình và có độ "chín" nhất định thì sẽ được công ty cân nhắc đề bạt lên làm Senior.


Chị Yến Đặng lý giải: "Một Senior trước tiên là phải có khả năng đóng góp thực tế cho hoạt động kinh doanh của công ty, biết cách vận hành và quản lý agency. Tiếp đến là nhân sự cần có kinh nghiệm và thái độ tốt trong công việc. Theo mình biết thì hiện tại không còn nhiều agency đề bạt nhân viên theo kiểu 'sống lâu lên lão làng' nữa vì cách này đã không còn phù hợp với tốc độ thay đổi của thị trường hiện nay. Nếu có kinh nghiệm dày dặn hơn, nhân sự làm lâu có thể nhận được mức lương và thâm niên cao hơn, chứ không có chuyện làm lâu hơn thì chức vụ cao hơn."



Thế nhưng trong quá trình làm việc, đôi khi nhân sự cũng sẽ tự ý thức được khả năng của mình đủ vững vàng để trở thành một Senior. Chị Yến Đặng bày tỏ: "Đó là khi nhân sự vượt chỉ tiêu đề ra trước đó với cấp trên và giữ vững 'phong độ' trong một khoảng thời gian dài. Hoặc xuất sắc hơn là nhân sự có những đề xuất thay đổi agency theo chiều hướng tích cực, năng suất hơn và mang đến lợi nhuận cao hơn."


Chị Huyền Trang cũng chia sẻ rằng nhân sự có thể nhận thấy các "dấu hiệu" bản thân sẽ trở thành Senior khi:

  • Có khả năng tự tìm hướng giải quyết và đưa ra quyết định trong công việc: Khi tiếp cận một công việc, một Junior sẽ có xu hướng xin tư vấn từ Senior hoặc Manager. Ngược lại, một Senior sẽ tự biết được cách giải quyết công việc phù hợp nhất trong tình huống đó. Và trong hầu hết các trường hợp, Senior thường sẽ phải đưa ra quyết định và chốt vấn đề khi làm việc với các team khác.
  • Tự tin hướng dẫn các thành viên khác: Một nhân sự có thể tự tin truyền đạt lại những kiến thức, kinh nghiệm cho người khác thì họ có khả năng sẽ trở thành một Senior. Bởi vì chỉ thật sự am hiểu và đam mê với ngành nghề, nhân sự mới có thể tự tin hướng dẫn cho các nhân sự newbie.
  • Được sếp giao những công việc khó hoặc tài liệu nội bộ: Đây là "dấu hiệu" cho thấy nhân sự đang được sếp công nhận. Có thể đây là các bài test để cấp trên cân nhắc đưa nhân sự lên vị trí cao hơn.



Dù đôi khi nhân sự có thể nhận biết được tín hiệu bản thân sắp trở thành một Senior qua nhiều yếu tố như hoàn thành tốt các đầu việc, hỗ trợ các thành viên trong nhóm,... nhưng điều này không hề dễ. Anh Nguyễn Anh Phúc bày tỏ: "Theo kinh nghiệm của mình, nhân sự không dễ dàng tự nhận ra khi nào mình đủ vững vàng để trở thành một Senior. Cách tốt nhất là nhân sự nên có những buổi trao đổi cởi mở, thẳng thắn với leader. Lúc này, nhân sự có thể cụ thể hóa các tiêu chí mà mình cần đạt được, cũng như khả năng hiện tại của mình đang ở đâu. Ví dụ mình từng được Manager đặt ra tiêu chí là các creative brief mình viết không cần phải sửa quá 10%. Điều này sẽ giúp mình có một thước đo cụ thể hơn để biết mình đang ở đâu và cần trau dồi thêm những gì."


Tại sao số năm kinh nghiệm của Senior đang ngày càng rút ngắn? 


Có nhiều ý kiến cho rằng, nhân sự cần có 6 đến 7 năm kinh nghiệm mới có thể trở thành Senior. Thế nhưng tại nhiều agency hiện nay, có những nhân sự chỉ cần 1 - 2 năm kinh nghiệm để lên vị trí này. Chị Yến Đặng bày tỏ: "Thế hệ trẻ được học hỏi nhiều hơn từ Internet và mạng xã hội nên các bạn có thể thăng tiến nhanh hơn là chuyện bình thường. Tuy nhiên, có vươn lên vị trí cao hơn được hay không thì còn phải xem nhân sự có tư duy vững không nữa. Nhiều bạn thiếu sự 'từng trải' để có thể trở thành một người quản lý thực sự. Giỏi thôi chưa chắc đã biết phát triển và dìu dắt những người khác."


Việc nhiều nhân sự có thể lên vị trí Senior chỉ trong thời gian ngắn cũng phản ánh sự thay đổi trong nhu cầu của thị trường ngành Quảng cáo. Anh Nguyễn Anh Phúc chia sẻ: "Với mình thì việc dành thời gian làm, học và lớn lên theo năm tháng và số lượng project mình thực hiện rất cần thiết đối với một nhân sự. Vì vậy, nếu trở thành một Senior quá sớm thì chưa chắc đã là một điều tốt. Một số agency (đặc biệt là local agency) có sự dễ dãi nhất định trong việc đề bạt và đặt title do thiếu Senior. Không ít nhân sự đã rời agency qua client làm việc hoặc thậm chí qua ngành khác. Chính điều này đã tạo ra sức ép khiến các agency phải tìm ai đó đặt vào vị trí Senior để tạo ra sự cân bằng và xây dựng niềm tin với khách hàng."



Vì thế, anh Nguyễn Anh Phúc nhận định rằng trong nhiều trường hợp, yêu cầu dành cho vị trí Senior đang bị "hạ thấp" hơn. "Điều này không hoàn toàn đại diện cho việc nhu cầu trình độ của ngành Truyền thông - Quảng cáo đi xuống hay ngành đang cần có sự trẻ hóa ở các nhân sự. Thay vào đó, sự thay đổi này phần lớn đến từ việc khó có thể tìm thấy các bạn có số năm kinh nghiệm đi kèm với trình độ ở level Senior."


"Một số yêu cầu dành cho vị trí Senior có thể đã được giản lược đi trong thời điểm hiện nay. Trên thực tế, Senior hiện nay chỉ cần đáp ứng những tiêu chí như am hiểu kiến thức chuyên môn, cởi mở trong việc cập nhật thông tin - kiến thức mới của ngành, đồng thời linh hoạt trong vấn đề xử lý công việc", chị Huyền Trang cho biết.  


Chị Yến Đặng cũng đồng ý rằng việc chỉ làm 1 - 2 năm đã có thể trở thành Senior tùy thuộc vào người quản lý, đứng đầu agency và loại hình của agency. "Thăng tiến ở agency nhỏ hay digital agency không có nghĩa là nhân sự sẽ giữ được vị trí Senior ở các agency lớn. Vì yêu cầu phát triển của ngành Quảng cáo mà nhiều vị trí mới được hình thành nên cũng sẽ có nhiều vị trí Senior được sinh ra hơn, đơn cử như Senior Content Writer, Senior Digital Specialist,..." Tuy nhiên, chị cho rằng vị trí Senior chỉ phản ánh kỹ năng và chuyên môn của nhân sự trong một lĩnh vực nhất định.


Từ những lý do trên, một số nhân sự đã trở thành Senior nhưng chưa thực sự vững vàng về mặt năng lực. Anh Nguyễn Anh Phúc chia sẻ: "Tất nhiên mình cũng có quan sát và được nghe qua không ít trường hợp các bạn trở thành Senior khi chưa thực sự có năng lực vững vàng. Điều này thường diễn ra khi mà agency cần lấp vị trí trống nhanh, và ngược lại có một bộ phận các ứng viên không chia sẻ thật lòng về năng lực của mình trong quá trình tuyển dụng. Về mặt cá nhân thì mình hiểu rằng ai cũng muốn có được cơ hội tốt hơn. Điều này vẫn ổn ở mức độ nào đó nếu có sự thẳng thắn từ cả hai phía. Tuy nhiên, việc không có sự thấu hiểu, rõ ràng từ đầu thì sẽ dẫn đến rất nhiều trường hợp. Chẳng hạn như với vị trí Planning thì nhẹ là task không được hoàn thành đúng chất lượng, hay trễ timeline. Nặng hơn thì ảnh hưởng tới các team khác do định hướng không đúng đường, ý tưởng không đủ rõ ràng để team Creative có thể tiến hành,... Nhưng nặng nhất đó là ảnh hưởng tới danh tiếng của chính bản thân các bạn vì ở các global agency, cấp trên thường có network với nhau và không mấy khó khăn để họ reference check qua lại."


Trở thành Senior khi năng lực chưa đủ vững vàng sẽ mang đến nhiều hệ lụy

 

Chị Huyền Trang cũng cho biết: "Trong trường hợp Senior chưa đủ năng lực để đảm nhiệm vị trí thì có thể dẫn đến các tình huống như Manager/Director sẽ là người phải chịu trách nhiệm, gánh vác công việc nhiều hơn cho các bạn, từ đó làm giảm thời gian quản lý team của họ. Ngoài ra, năng lực của agency đó cũng sẽ bị nghi ngờ vì Senior không đủ khả năng xây dựng sự tự tin (build trust) khi gặp gỡ khách hàng. Ở nhiều agency, Senior được xem như nền móng của một team. Do đó, nếu nền móng lung lay, chưa vững chắc thì ảnh hưởng ít nhiều đến khả năng làm việc nhóm, hướng dẫn các bạn newbie,..."


Từ những ý kiến trên, các nhân sự cho rằng cấp trên nên chú ý và hỗ trợ Senior nhiều hơn. Anh Nguyễn Anh Phúc bày tỏ rằng các Leader nên quan tâm đến các bạn Senior vì để đào tạo các bạn lên được đến vị trí này thật sự không dễ, thậm chí giữ chân các bạn trong thời điểm hiện tại còn khó khăn hơn nữa: "Với các bạn đã đạt tới level Senior, nếu như bạn nghiêm túc với nghề thì hãy xem việc mang chức danh này là một trách nhiệm hơn là một quyền lợi. Những người giỏi nhất trong ngành mà mình biết đều là những người dù có hàng chục năm kinh nghiệm ở vô số thị trường nhưng vẫn luôn rất khiêm tốn, sẵn sàng học hỏi thêm mỗi ngày. Do đó, các bạn Senior đang đứng ở nơi bản lề cho sự nghiệp của mình."


Chị Huyền Trang bày tỏ: "Những bạn Senior ở thế hệ trước rất cần được trân trọng. Trong thời buổi hiện tại, rất hiếm vị trí Senior đạt được bộ tiêu chí cần thiết như chuyên môn sâu, am hiểu ngành hàng, khả năng training cấp dưới, tham gia xây dựng - phát triển team,..."


Các bạn có thể xem các bài viết cùng series tại đây


Muốn trở thành Senior, nhân sự phải nắm tinh thần “vừa làm lính, vừa làm sếp”

Kim Ngọc

Kim Ngọc

Content Writer | Advertising Vietnam

17 Thg 11 2022

Lưu

Cùng chuyên mục